Dự án đường dây 500KV Bắc - Nam mạch truyền tải thứ 3 bao gồm: Dự án đường dây 500 KV nhiệt điện Quảng Trạch-Vũng Áng và sân phân phối 500KV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; đường dây 500KV Quảng Trạch-Dốc Sỏi và đường dây 500KV Dốc Sỏi-Pleiku2.
Dự án được khởi công từ 18/12/2018. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cuối tháng 12/2020, dự án đường dây 500KV Bắc - Nam mạch truyền tải thứ 3 đi qua 9 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên sẽ chính thức đóng điện. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng và đại dịch Covid-19... đang khiến cho dự án khó đạt được tiến độ đã đề ra.
Làm rõ hơn những thông tin trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, dự án đường dây 500KV đã được khởi công từ 18/12/2018, theo kế hoạch, dự án được vận hành vào tháng 6/2020. Đến thời điểm này, dự án đã bị chậm tiến độ và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài đến hết năm 2020. Xin Thứ trưởng cho biết tiến độ thực hiện hiện nay của dự án này?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Như chúng ta đã biết, đường dây 500KV Bắc - Nam mạch truyền tải thứ 3 được khởi công từ cuối năm 2018 và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2020. Dự án có chiều dài 742 km, đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai với 1.606 vị trí cột.
Theo tính toán, khi hoàn thành, đường dây này sẽ đảm bảo truyền tải được từ 21 - 23 tỷ KWh mỗi năm và đáp ứng thêm 15% nhu cầu điện năng để phục vụ phát triển kinh tế khu vực này.
Xác định đây là dự án quan trọng, do vậy, chúng ta tập trung nguồn lực, nỗ lực xây dựng, thực hiện, hoàn thành dự án trong 2 năm theo kế hoạch đã đề ra. Nhưng dự án chậm tiến độ và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho dự án kéo dài tới cuối năm nay.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau khi rà soát tiến độ, chắc chắn dự án không thể hoàn thành trong năm 2020.
Lý do quan trọng nhất đó là do công tác giải phóng mặt bằng. Bất cứ một đường dây nào, đặc biệt là đường dây 500KV chạy qua nhiều địa phương thì công tác giải phóng mặt bằng luôn là một thách thức.
Cho đến thời điểm hiện nay, trong tổng số 1.606 vị trí cột, chúng ta mới giải phóng mặt bằng được 1.547 vị trí cột. Tuy nhiên, phần hành lang tuyến mới chỉ giải tỏa được 1.047 khoảng cột, đạt trên 65%.
Như vậy, khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại để triển khai đồng bộ, liên tục, toàn diện đường dây này còn rất lớn. Chính vì vậy, trong năm 2020, dự án đường dây này không hoàn thành được và có thể kéo dài trong thời gian tới.
Thứ hai, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ cung ứng vật tư thiết bị để triển khai thực hiện dự án, cũng như ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng vốn đã khó khăn, nhưng lại càng khó khăn hơn trong 2020 do tác động tiêu cực từ dịch bệnh.
Thứ ba, cũng ảnh hưởng từ đại dịch, công tác đầu tư, mua sắm thiết bị nguyên vật liệu cho đường dây càng trở nên lâu hơn. Trước kia, khi đấu thầu một lô hàng, chỉ 4 đến 5 tháng hàng có thể về đến Việt Nam, tuy nhiên, đại dịch bùng phát, nhiều quốc gia trên thế giới đóng cửa đường biên, giao thương giữa các nước gặp khó khăn nên công tác này bị chậm, kéo theo chậm tiến độ dự án.
Phóng viên: Vậy, thưa Thứ trưởng, tiến độ dự án chậm so với kế hoạch sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc đảm bảo nguồn cung ứng điện cho khu vực miền Nam nói riêng và cả nước nói chung?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Chúng ta triển khai xây dựng đường dây 500KV mạch 3 này với hi vọng, dự án hoàn thành trong năm 2020 để phục vụ cho việc cung ứng điện tại khu vực miền Nam giai đoạn 2021-2025. Trước đó, chúng ta từng dự báo, sẽ xảy ra thiếu điện rất trầm trọng, đặc biệt là vào năm 2022 và 2023.
Theo dự báo, năm 2022, cả nước có thể thiếu đến 11 tỷ KWh điện và thiếu 13 tỷ KWh điện vào năm 2023, mặc dù chúng ta đã huy động hết nguồn điện chạy dầu, có giá thành rất cao.
Chính vì vậy, để ứng phó với tình huống thiếu điện, chúng ta đã phải đẩy tiến độ xây dựng dự án đường dây 500KV mạch 3 với hi vọng, dự án sẽ truyền tải điện từ miền Bắc đến miền Nam, đáp ứng nhu cầu điện năng phát triển kinh tế xã hội của khu vực miền Nam.
Tuy nhiên, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, tác động trầm trọng đến nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Trước đây, theo dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội năm 2020 là 6,87%. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng GDP của cả nước chỉ đạt 2,12%. Những năm trước đây, nhu cầu điện tăng trên dưới 10%, nhưng 9 tháng đầu năm 2020, nhu cầu điện chỉ tăng trưởng 2,62%, kéo theo sản lượng điện thương phẩm giảm so với kế hoạch đầu năm lên tới 11,12 tỷ KWh điện.
Không thể phủ nhận những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng chính đại dịch cũng làm giảm căng thẳng về cung ứng điện. Gần đây, Bộ Công Thương cũng tổ chức rà soát, đánh giá lại nhu cầu điện của chúng ta trong các năm 2021, 2022 và đến năm 2025.
Đặc biệt, về khả năng cung ứng điện, trong trường hợp đến cuối năm 2020, đường dây 500KV mạch 3 chưa hoàn thiện, sang năm 2021, khả năng cung ứng điện của chúng ta vẫn được đảm bảo, vẫn đủ điện đáp ứng cho phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Nam.
Phóng viên: Vâng, thưa Thứ trưởng, trước tình hình này Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng chậm tiến độ của dự án điện này?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Rõ ràng chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ dự án này. Dự án càng được triển khai nhanh bao nhiêu thì hiệu quả càng cao bấy nhiêu.
Không chỉ hiện nay, ngay từ khi triển khai dự án, Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo Quốc gia phát triển điện lực đã luôn có những chỉ đạo đối với chủ đầu tư cũng như các đơn vị thi công của dự án, cụ thể là Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo Quốc gia Phát triển điện lực thường xuyên làm việc với các địa phương để giải quyết những điểm nóng trong công tác giải phóng mặt bằng, qua đó, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Trong thời gian tới, với mục tiêu hoàn thành sớm nhất dự án, Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo Quốc gia Phát triển điện lực tiếp tục đi sâu sát, kiểm tra, giám sát, phối hợp cùng chủ đầu tư, các đơn vị thi công giải quyết khó khăn, sớm hoàn thành dự án.