Điểm nhấn kinh tế Hà Nội 9 tháng đầu và dự báo cả năm 2011
Hà Nội 9 tháng đầu năm: GDP tăng 9,4%; CPI trong 12 tháng qua đều tăng trên 1%/tháng; tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 4,7%; khách du lịch giảm 6,2%
1. Tình hình 9 tháng đầu năm 2011
Thứ nhất, chỉ số CPI trong 3 quý đầu năm 2011 có sự tăng cao bất thường và đảo chiều phức tạp, mặc dầu cơ bản vẫn tuân theo xu hướng truyền thống. CPI trên địa bàn Hà Nội vẫn tuân theo đồ thị hình sin, với mức tăng cao nhất là dịp ngay sau tết và hạ dần những tháng sau tết, để tiếp tục tăng trở lại vào tháng cuối năm. Liên tiếp 12 tháng từ 8/2010-8/2011 có mức tăng trên 1% so với tháng trước; đến tháng 9/2011, chỉ số CPI ở Hà Nội tăng chỉ có 0,2% (tức thấp 5 lần so với suốt cả năm qua, trong khi mức tăng của Tp. Hồ Chí Minh lại vọt lên tới 0,88%, còn mức trung bình cả nước là 0,8%) và tăng 21,74% so cùng kỳ 2010. CPI tính trong 9 tháng năm 2011 so 9 tháng năm 2010 tăng 17,76% (năm 2010 tốc độ này là 9,05%).
Chỉ số gía vàng và USD trên địa bàn Hà Nội cơ bản tuân theo xu hướng chung cả nước, với 2 khuynh hướng khá rõ là vàng tăng vọt, liên tục đảo chiều và tỷ giá USD khá ổn định. Trong 8 tháng, giá vàng tăng tới 30% - bằng mức tăng cả năm 2010 và 50% mức tăng này được thực hiện chỉ trong 3 tuần đầu tháng 8/2011.
Thứ hai, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, động lực chủ yếu gắn với công nghiệp và tiêu thụ trong nước. Dự kiến 9 tháng đầu năm 2011, GDP tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước (cả nước tăng 5,76%), trong đó: Giá trị tăng thêm ngành nông - lâm nghiệp - thuỷ sản tăng 4,3% (đóng góp 0,3% vào mức tăng chung). Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 10,1% (đóng góp 4,7% vào mức tăng chung), thấp hơn so với tốc độ tăng của 9 tháng đầu năm 2010. Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng 9,3% (đóng góp 4,4% vào mức tăng chung). Đồng thời, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 12,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 7,5% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 8,3%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 5,2%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 11,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,4%.
Tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 20,4% của năm 2010. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm 6,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế tăng 6,7%, khách nội địa giảm 8%. Doanh thu kinh doanh khách sạn, lữ hành 9 tháng tăng 18,2% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 26,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 22,3%. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 18,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 20,5%.
Thứ ba, việc triển khai xây dựng nông thôn mới đang được xúc tiến mạnh, cả về cơ chế chính sách, xây dựng Đề án của các xã, xây dựng quy hoạch, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh nguồn vốn cho chương trình được cấp từ Trung ương, Thành phố cũng giành một khối lượng vốn lớn cho chương trình xây dựng nông thôn mới, ước tính khoảng 32.000 tỷ đồng.
Thứ tư, vốn đầu tư tiếp tục tăng, trong khi huy động tín dụng ngân hàng sụt giảm mạnh, dấu hiệu nợ khó đòi tăng. Vốn đầu tư phát triển thành phố Hà Nội (vốn đầu tư xã hội) 9 tháng năm 2011 đạt 129.830,1 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 37.574 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2010; vốn ngoài nhà nước ước đạt 79.572,4 tỷ đồng, tăng 15,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 12.683,6 tỷ đồng, tăng 7,8%. Tổng nguồn vốn huy động tháng 9 năm 2011 đạt 746.289 tỷ đồng, giảm 0,76% so tháng 8 và giảm 6,15% so tháng 12 năm 2010. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 9 năm 2011 đạt 538.300 tỷ đồng, giảm 0,54% so tháng trước và tăng 5,56% so tháng 12 năm 2010, trong đó dư nợ ngắn hạn giảm 0,7% và tăng 4,02%, dư nợ trung và dài hạn giảm 0,3% và tăng 7,96%.
Thành phố thu hút được 239 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 999,6 triệu USD (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2010.
Thứ năm, doanh nghiệp ngày càng khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng (số người đăng ký thất nghiệp lên tới 10.000 người, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới tăng (mức 8,9%). Các doanh nghiệp ngày càng khó tuyển người đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Đời sống của người lao động nhất là công nhân các khu công nghiệp trong những tháng đầu năm 2011 gặp khó khăn nhất trong mấy năm trở lại đây do giá cả tăng cao, dẫn đến tình trang đình công, bỏ việc nhiều hơn.
2. Triển vọng kinh tế quý 4/2011 và những chính sách thích ứng
2.1. Một số dự báo:
Trong 3 tháng cuối năm 2011, theo cảnh báo của IMF, tình hình kinh tế thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn đầu năm do sự tiếp tục xấu đi và chịu thêm áp lực mới từ khủng hoảng nợ công ở Mỹ và các nước trong khối EU.
Tình hình kinh tế trong nước cũng có nhiều áp lực nặng nề khó cải thiện nhanh từ lạm phát, nợ ngân hàng và thất nghiệp, thị trường…Lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, rất khó khăn để giữ lạm phát ở mức 17-18% vào cuối năm. Đặc biệt, sẽ có 2 giai đoạn rõ rệt về xu hướng CPI: Mức tăng CPI thấp sẽ duy trì tiếp tục trong giai đoạn các tháng 9, 10, 11/2011 trước khi bước vào giai đoạn tăng cao nhanh trở lại vào dịp sát Tết cổ truyền như truyền thống. sẽ có nhiều doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch sản xuất-kinh doanh năm 2011; Thị trường bất động sản và chứng khoán tiếp tục trầm lắng; Giá chung cư, căn hộ trong thời gian tới có thể giảm nhiệt mạnh mẽ.
Dự kiến cả năm 2011, GDP của Thành phố tăng 9,6-10% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp mở rộng tăng 10-10,2% (đóng góp 4,4% vào mức tăng chung), các ngành dịch vụ tăng 9,8-10% (đóng góp 4,8%) và ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng 4,7-4,8% (đóng góp 0,3% ). Thành phố sẽ thu hút được khoảng 455 dự án với vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,5 tỷ USD (tăng 75,5% so năm 2010), trong đó có 390 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký là 760 triệu USD và 65 dự án tăng vốn với vốn đầu tư đăng ký là 740 triệu USD. Lượng khách quốc tế đến Hà Nội sẽ tăng 3,4% so năm trước, khách nội địa giảm 10,3%. Doanh thu khách sạn, lữ hành tăng 17,1%. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 27,1% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 23%; kim ngạch nhập khẩu tăng 14,5%, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 12,9%. CPI tháng 12/2011 tăng khoảng 20% so với tháng 12 năm trước và cả năm 2011 tăng 18,4% so với năm 2010.
2.2. Những điểm nhấn chính sách cần có
Thành phố cần tăng giám sát công tác cắt giảm và điều chỉnh đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP; chủ động giành một phần vốn cắt giảm này cho hỗ trợ bình ổn giá và phát triển nông nghiệp, nông thôn, làng nghề và doanh nghiệp vừa và nhỏ…chủ động chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường; Giành một sự quan tâm thích đáng về quỹ đất, vốn cho phát triển hệ thống bán buôn hàng nông sản, thực phẩm trong các quận nội thành nhằm gắn kết trực tiếp với nơi sản xuất, nguồn cung cấp, từ đó giúp giảm thiểu tình trạng tăng giá cả hàng thiết yếu do bán lẻ; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thị trường, giá cả, bảo đảm ổn định cung- cầu hàng hoá, dịch vụ thiết yếu…
Thực hiện các biện pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, trong tiếp cận vốn đối với dự án hiệu quả, có đầu ra của sản phẩm. Tiến hành rà soát, kiểm tra hoạt động của Quỹ bình ổn giá trên địa bàn để tránh thất thoát, lạm dụng, cải tiến cách làm, nâng cao hiệu quả và bảo đảm công bằng xã hội, thị trường, tăng cường dự trữ hàng bình ổn cho dịp Tết. Thực hiện nghiêm đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật hiện hành đối với các hiện tượng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không đúng pháp luật về giá;
Tổ chức rà soát và triển khai các quy hoạch ngành và địa phương thống nhất với Quy hoạch phát triển KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được thông qua, tạo động lực mới đẩy nhanh phát triển Thủ đô trong thời gian tới…Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thương mại nội địa, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khai thác thị trường nội địa, coi trọng thị trường nông thôn. Đẩy mạnh phổ biến kiến thức kinh doanh, phương thức làm ăn mới cho người lao động, phát triển nông nghiệp sạch với công nghệ cao, đặc biệt hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường (sản xuất rau sạch, thực phẩm sạch) và phát triển bền vững các làng nghề truyền thống, ưu tiên cho các đối tượng lao động phải chuyển đổi nghề do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; Nghiên cứu, áp dụng các phương thức mới để thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển đô thị trên địa bàn Hà Nội; Ưu tiên các nguồn lực, nhất là vốn đầu tư để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn.
Xây dựng chính sách hỗ trợ đối tượng chính sách và lao động nghèo đi xuất khẩu lao động theo hướng mở rộng và duy trì các thị trường truyền thống phù hợp với đặc điểm của lao động Hà Nội như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan. Tiếp tục hướng dẫn các quận, huyện thực hiện các chỉ tiêu giải quyết việc làm và vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Làm tốt công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền tạo sự thống nhất và đồng thuận xã hội cả trong nhận thức và tổ chức thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.