Thời gian trôi đi, cuộc sống vẫn diễn ra sôi động, không gian chỉ dường như ngưng đọng lại khi tôi dừng bước trước nghĩa trang liệt sĩ, nơi những người đồng đội tôi đang yên nghỉ trên đồi A1; mùi nhang khói quyện trong không khí lành lạnh làm tôi bồi hồi, những kí ức về một thời tuổi trẻ bỗng ùa về trong tôi, khiến tôi như sống lại những ngày tháng chiến thắng hào hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Là một chiến sỹ Điện Biên Phủ năm xưa, nay là cựu chiến binh xã Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh, tôi, Ngô Huy Châm (mang bí danh Trần Đình), cảm nhận một cách sâu sắc những khó khăn gian khổ, những hy sinh xương máu của đồng đội và những phút giây hân hoan hạnh phúc khi nghe tin thắng trận. Trong những ngày tháng lịch sử này, khi cả đất nước đều hân hoan kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ký ức về cuộc chiến đấu oai hùng bỗng tràn ngập trong tôi.
Vào đầu tháng 2 năm 1953, cuộc chiến tại Điện Biên Phủ diễn ra quyết liệt, quân Pháp phát hiện ta điều động quân lên Tây Bắc, tướng Na Va chỉ thị cho Đờ cát phải thành lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Chỉ huy tập đoàn Điện Biên Phủ là Đờ cát lúc đó mang lon đại tá (sau thăng lên thiếu tướng) thay tướng Gim từ ngày 03/12/1953.
Đầu tháng 1/ 1954, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng họp tại Tỉn Keo- Định Hoá - Thái Nguyên, đã quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và quyết định thành lập Đảng uỷ bộ chỉ huy mặt trận, đồng thời, điều đại đoàn 308, 316, 304, 312, trung đoàn sơn pháo lựu, pháo cao xạ vào tập kết an toàn tại Tuần Giáo, Lai Châu. Bên cạnh đó, huy động lực lượng phục vụ chiến dịch 600 ô tô vận tải, 19.000 chiếc thuyền, 2 vạn xe đạp thồ, 16 vạn dân công, 3 triệu ngày công và 28 ngàn tấn gạo... Cả nước nô nức, đồng lòng làm hậu phương vững chắc cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đầu tháng 3 năm 1954, địch hình thành xong tập đoàn cứ điểm với lực lượng hùng hậu và được đánh giá là: “Ngay cả trong đại chiến thế giới thứ hai, quân đội Pháp cũng chưa bao giờ dựng lên một hệ thống phòng ngự dã chiến lớn mạnh như ở Điện Biên Phủ”. Địch đã có 12 tiểu đoàn bộ binh và dù, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly 24 khẩu, 2 tiểu đoàn cối 120 ly 20 khẩu, 1 đại đội xe tăng 10 chiếc, 1 đại đội pháo 155 ly 4 khẩu, 2 trung đội súng máy 12 ly 7 bốn nòng, 1 phi đội máy bay thường trực, 7 khu trục, 5 trinh sát, 4 vận tải, 1 trực thăng, tổng số quân là 10900 tên. Trong quá trình chiến dịch, địch tăng viện thêm 4 tiểu đoàn bộ binh và 2 đội dù.
Địch tổ chức thành 3 phân khu và 49 cứ điểm:
1. Phân khu Bắc Him Lam: Gồm cứ điểm Độc Lập và Bản Kéo do tiểu đoàn lính Angiê giữ, Bản Kéo do tiểu đoàn Thái giữ.
2. Khu trung tâm Mường Thanh: Là khu quan trọng nhất bố trí 1/3 lực lượng gồm 8 tiểu đoàn, trong đó có 3 tiểu đoàn cơ động, trận địa pháo, kho hậu cần sân bay, có hệ thống điểm cao rất lợi hại, đặc biệt là đồi A1, C1, D1 và E1, đồi Him Lam án ngữ phía đông bắc.
3. Khu Nam Hồng Cúm: đóng thành 3 điểm tựa do binh đoàn cơ động số 6 đảm nhiệm, có 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội pháo 105 ly, 1 trung đội xe tăng ba chiếc.
Trước sự bành trướng thế lực của quân Pháp tại Điện Biên Phủ, Bộ Chính Trị BCH Trung ương đã quyết định thay đổi chiến thuật “đánh nhanh, giải quyết nhanh” bằng chiến thuật “đánh chắc, tiến chắc, tranh thủ thời gian tiêu diệt toàn bộ quân địch”.
Trong tháng ba năm 1954, ta đã chuẩn bị xong pháo và sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, để đánh lạc hướng địch, ta rút Đại đoàn 308 triển khai sang Lào. Để khích lệ tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ, ngày 11 tháng 3 năm 1954, Bác Hồ gửi thư động viên toàn quân. Cuối thư Bác nói: Bác chúc các chú thắng to, bác hôn các chú. Tiếp đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã gửi thư đến các chiến sỹ trên mặt trận, Đại tướng khẳng định: Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch công kiên, quy mô lớn nhất trong lịch sử, giờ ra trận đã đến, tất cả cán bộ chiến sĩ các đơn vị, các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên lập công, giật cờ quyết chiến, quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả nước, từ già đến trẻ, ai cũng một lòng hướng về Điện Biên Phủ.
Trong đợt tiến công lần thứ nhất từ 5h chiều ngày 13/3 đến ngày 17/3, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt cứ điểm Him Lam gồm Đồi Độc Lập, Bản Kéo. Pháo binh ta áp đảo vào khu trung tâm Mường Thanh, phá huỷ nhiều mục tiêu của địch. Đại đoàn 312 sử dụng trung đoàn 141 và tiểu đoàn của E209 đánh thẳng vào 3 cứ điểm trên quả đồi Him Lam.
Ngày 14 tháng 3 năm 1954, Tướng Conhi tăng viện cho Điện Biên Phủ một tiểu đoàn dù và ra lệnh cho Đờ cát phải chiếm lại Him Lam.
Với quyết tâm tiêu diệt địch, những người chiến sĩ nhân dân quả cảm đã đưa súng cao xạ lên những đỉnh đồi cao nhất và lần đầu tiên, súng cao xạ của ta đã bắn hạ máy bay trên bầu trời Điện Biên Phủ. 3h30 ngày 15 tháng 3 năm 1954, Trung đoàn 165 Sư đoàn 312 và Trung đoàn 88 Sư 308 tiến công Đồi Độc Lập kéo dài đến 6 giờ sáng. Quân địch cho tiểu đoàn dù, 2 xe tăng, 8 chiếc phản kích, nhưng đã bị pháo binh ta áp đảo. Dưới sức tấn công vũ bão của quân đội Việt Nam, quân Pháp đã hiểu rằng, tình thế của mình trong cánh đồng Mường Thanh là hoàn toàn vô vọng. Đến 6h30, quân ta đã tiêu diệt gọn và làm chủ hoàn toàn đồi độc Lập. Tên quan tư pháo binh Piroth đã tự sát bằng một quả lựu đạn, sau khi nhận thấy lực lượng pháo binh mà y vẫn tự hào này đã thảm bại ngay từ những giờ đầu. Quân đội ta hoàn toàn chiếm được cứ điểm Him Lam, đồng thời bắt sống được 2.000 tên lính, phá huỷ 26 máy bay. 
Đến 5 giờ chiều ngày 17 tháng 3, hai đội quân Thái kéo cờ trắng ra hàng; sau 5 ngày đêm, ta đã tiêu diệt cứ điểm phòng ngự Him Lam, mở toang cánh cửa hướng bắc và hướng đông vào trung tâm Điện Biên Phủ.
Chiến thắng này đã động viên tinh thần chiến đấu của toàn quân, tạo một niềm tin mạnh mẽ vào sự lãnh đạo anh minh của Đảng và Bác Hồ. Tiếp sau chiến thắng này, quân ta đã mở đợt tiến công thứ hai vào ngày 30 tháng 3 đến 26 tháng 4, tiến công hàng loạt các cứ điểm phía Đông của phân khu trung tâm (D1, E1, C1, A1). Trong đêm 30/3, ta đã chiếm được đồi E1, D1, C1, C2. Thất bại cay đắng tại đồi Him Lam khiến quân đội Pháp đã bị tổn hại nặng nề cả về lực lượng và tinh thần. Nhận thấy tầm quan trọng của đồi A1, quân đội ta và quân địch đã chiến đấu quyết liệt, giành nhau từng thước đất. Đến ngày mùng 4 tháng 4, ta và địch mỗi bên chiếm cứ được một nửa đồi A1. Sáng ngày mùng 9 tháng 4, địch đã phản kích chiếm lại đồi C1. Trong thời gian đó, quân ta khép chặt vòng vây quanh khu trung tâm bằng một hệ thống giao thông hào dài hàng trăm km tiến sát sân bay Mường Thanh, cắt đứt con đường tiếp tế duy nhất bằng đường không của địch.
Đế quốc Mỹ vội vàng tăng viện cho Pháp gần 100 máy bay vận tải và tổ chức diễn tập “đổ bộ vào Đông Dương”.
Trước tình hình đó, đảng uỷ Bộ chỉ huy mặt trận cho triển khai đợt tiến công lần thứ ba từ ngày mùng 1 đến mùng 7 tháng 5.
Quân ta đã tiến lên đánh chiếm nốt các cao điểm còn lại ở phía Đông. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, là một trong những người chịu trách nhiệm cao nhất, Cô Nhi hiểu hơn ai hết số phận nào đang chờ quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Cô Nhi lệnh cho Đờ Cát tự lực mở đường máu tháo chạy sang Lào. Cuộc tháo chạy sẽ được tiến hành theo 3 hướng, tổ chức thành 3 cánh quân phá vòng vây vào đêm ngày 7 tháng 5. Nhưng đã quá muộn! Tiếng nổ rung trời của khối bộc phá 1.000 kg đặt trong lòng quả đồi A1 vào hồi 18h45 ngày 6/5 đã vang lên làm hiệu lệnh tổng công kích của quân ta. Những người chiến sỹ cách mạng mặc quân phục xanh giắt cành lá nguỵ trang đã ồ ạt xông lên, dồn quân Pháp vào cửa tử.
Đến 5 giờ 30 chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, Đờ cát và toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn Điện Biên Phủ bị bắt, gần 1 vạn lính Pháp cầm cờ trắng kéo nhau ra hàng. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân tung bay phất phới trên nóc hầm Đờ cát. 
Sau 56 ngày đêm liên tục chiến đấu, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (16.200 tên) gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và dù, 3 tiểu đoàn pháo binh và súng cối hạng nặng, một thiếu tướng, 16 đại tá và trung tá, 1.749 sỹ quan và hạ sỹ quan, 62 máy bay, ta đã thu được toàn bộ vũ khí và cơ sở vật chất kỹ thuật.
Tin thắng trận bay đi, bài ca giải phóng Điện Biên của nhạc sỹ Đỗ Nhuận vang lên rung động cả núi rừng Tây Bắc, cả nước Việt Nam thực sự sống trong một ngày hội. Nhân dân cả nước nô nức xuống đường trong một rừng cờ đỏ sao vàng. Người khóc, người cười, người hò reo, ôm nhau nhảy múa như trẻ nhỏ, trong mắt ai cũng lấp lánh một niềm vui không thể nói thành lời. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn quân, toàn dân Việt Nam
(Xem tiếp trang 57)

Điện Biên Phủ...
(Tiếp theo trang 52)
 càng khẳng định niềm tin vào Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh, vào vị lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại, và vào vị đại tướng tài ba thao lược, vào Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là kết tinh của tinh thần đoàn kết, của truyền thống bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
 Cả thế giới khâm phục, gọi Điện Biên Phủ là thiên huyền thoại sống, ngợi ca những con người Việt Nam nhỏ bé mà quả cảm, phi thường đã đưa đại bác của mình lên những đỉnh cao nhất để bắn hạ máy bay và nghiền nát các tiểu đoàn của thực dân Pháp, đã tạo ra những đường hào dài hàng trăm km cắm sâu vào tập đoàn cứ điểm, để rồi phá tan hệ thống phòng ngụy dã chiến được coi là hiện đại và lớn mạnh nhất thời bấy giờ.
Có lẽ là bất công khi đổ mọi thảm bại lên đầu tướng Đờ cát cùng mấy tay phó và ban tham mưu. Thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ đâu phải là thất bại của một nhóm người nào đó, mà là thất bại của chủ nghĩa thực dân trước sức chiến đấu kiên cường của dân tộc Việt Nam anh hùng. Điện Biên Phủ thất thủ gây lên nỗi kinh hoàng khủng khiếp đối với chủ nghĩa thực dân ở phương Tây; là một tiếng sấm vang trời, thông báo sự chấm dứt chủ nghĩa thực dân, sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa, chấm dứt một thế kỷ đô hộ. Chiến thắng Điện Biên Phủ mang một ý nghĩa tinh thần đặc biệt, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc của các nước trên thế giới.
Thị xã Điện Biên Phủ ngày nay đã đổi thay nhiều. Những ngôi nhà khang trang mọc lên trên vùng đất năm xưa đã từng là bãi chiến trường. Điện Biên Phủ nay đã chuyển mình, hoà nhập với sự phát triển của đất nước, song Điện Biên Phủ vẫn không bao giờ quên những ngày tháng lịch sử hào hùng. Người dân vùng Tây Bắc nồng hậu luôn dang tay đón những du khách hành hương đến nơi đây để tìm hiểu về cuộc chiến thắng thần kỳ. Chắc chắn, bây giờ và mãi mãi sau này, các thế hệ người Việt Nam sẽ không bao giờ quên những ngày tháng hào hùng của dân tộc mình năm mươi năm về trước.