VỀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA CÁC HỘ DÂN
Việc vận hành đường điện ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân sống trong hành lang an toàn lưới điện 220 KV như: đau đầu, mệt mỏi, ngủ mê man, sụt cân. Có hiện tượng đặt bút thử điện trên người, cây nứa khô, chậu nước và các vật dụng gia đình thấy bút điện sáng. Kết quả đo của đoàn công tác không chính xác, không phản ánh đúng thực tế. Bộ TN&MT đã có Công văn số 32/MTNMT-TTr (do Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Thế Ngọc ký) báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, xác định mức độ nguy hiểm tác động đến sức khoẻ người dân tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) như sau:
Trong quá trình khảo sát tại hiện trường, việc đo đạc được thực hiện bằng các phương tiện, thiết bị chuyên dùng hiện đại nhất hiện có của ngành Điện do Viện Năng lượng trực tiếp đo. Các thông số đo đạc gồm: giá trị cường độ điện trường cách mặt đất 1m trong nhà và ngoài nhà dân, khoảng cách từ điểm bất kỳ của nhà ở (hoặc công trình) trong hành lang an toàn lưới điện cao áp đến điểm thấp nhất của dây dẫn (đo theo chiều thẳng đứng) tại các hộ dân ở huyện Đại Từ cho thấy: chưa phát hiện có vi phạm về khoảng cách và cường độ điện trường vượt quá giới hạn cho phép theo quy định tại Nghị định số 106/2005/NĐ-CP.
Về hiện tượng cảm ứng tĩnh điện (nhiễm điện): Việc báo chí thời gian qua nêu hiện tượng bút thử điện trên người sáng là chưa chính xác, thực tế khi thử trên người chỉ nhìn thấy được bút sáng vào ban đêm và khi đứng trên ghế, ban ngày không nhìn thấy được. Việc các báo nêu bút thử điện sáng khi thử vào chậu nước hoặc vật dụng trong nhà là không có cơ sở. Từ kết quả đo đạc, kiểm tra và xác minh tại một số dân ở huyện Đại Từ có thể thấy, dòng điện cảm ứng qua người chưa có tác hại đối với cơ thể người đi lại, sinh hoạt bình thường dưới đường dây. Kiểm tra thực tế 16 hộ dân tại huyện Đại Từ chưa phát hiện được trường hợp nào bị ảnh hưởng của điện từ truờng đến sức khoẻ như đơn thư cuả các hộ dân đã phản ánh. Việc người dân sống trong phạm vi hành lang an toàn đường điện cao áp, có tâm lý lo ngại và nguyện vọng được di dời ra ngoài hành lang an toàn đường điện chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo sợ mất an toàn khi trời mưa, bão, nhất là những hộ nằm dưới gầm đường điện. Người dân bức xúc với việc thi công không thực hiện cam kết bồi thường thiệt hại trong quá trình triển khai thi công đường dây.
TRÊN CƠ SỞ KẾT QUẢ NÊU TRÊN, BỘ TN&MT ĐỀ NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CHỈ ĐẠO CÁC BỘ NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ NHƯ SAU:
Giải pháp trước mắt: Bộ Công Thương cần yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tiến hành rà soát điều kiện nhà ở, công trình hiện đang tồn tại trong phạm vi hành lang an toàn đường điện 220 kV Tuyên Quang - Thái Nguyên. Lập phương án và tiến hành cải tạo phần mái của các hộ dân đủ điều kiện tồn tại trong hành lang an toàn lưới điện và kinh phí bồi thường hỗ trợ nhà ở, công trình do hạn chế khả năng sử dụng để đề xuất giải pháp hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người dân. Nếu xét thấy việc chi phí giữa hai phương án không có sự khác biệt lớn về kinh phí thì ưu tiên di dời nhà ở ra khỏi hành lang an toàn lưới điện. Đối với công trình thuộc diện phải di dời hoặc không thể cải tạo đủ điều kiện tồn tại trong hành lang an toàn lưới điện thì có kế hoạch bồi thường và kiên quyết cưỡng chế dỡ bỏ để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, cũng như cho đường điện. Triển khai ngay việc tiếp đất theo đúng quy định cho các hộ dân sống trong phạm vi bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Phối hợp với Sở Công nghiệp và chính quyền địa phương hướng dẫn, kiểm tra, xử lý việc một số hộ sử dụng ăng ten để lấy điện thắp sáng đèn ngủ, dễ gây mất an toàn về điện. Chỉ đạo EVN phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét, giải quyết dứt điểm các khoản bồi thường thiệt hại hoặc các khoản cam kết hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Giải pháp lâu dài: Yêu cầu Bộ Công Thương, Tài chính, KH&CN, TN&MT và EVN thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 6815/VPCP-CN ngày 23/11/2007 của Văn phòng Chính phủ. Bộ Công Thương tiến hành rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về thiết kế, xây dựng đường dây cao áp đến 500 kV để có những sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 106/2005/NĐ-CP theo hướng nâng cao khoảng cách từ mặt đất đến dây dẫn tĩnh thấp nhất khi đi qua khu vực đông dân cư, khu vực đô thị, đảm bảo các hộ dân có thể xây dựng được nhà ở cao tầng mà vẫn không vi phạm khoảng cách an toàn. Chỉ đạo EVN hạn chế tối đa việc triển khai đường điện qua khu vực đông dân cư. Xem xét áp dụng các giải pháp kỹ thuật để có thể triển khai nhiều mạch trên cùng một tuyến dây để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng của điện từ trường đến các khu vực dân cư và giảm chi phí đầu tư, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin và truyền thông để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về điện từ trường và khả năng ảnh hưởng của điện từ trường đến sức khoẻ người dân sống trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. UBND các tỉnh có đường dây đi qua chỉ đạo UBND các huyện, xã phối hợp chặt chẽ với ngành Điện, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn đường điện cao áp. Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm hoặc cản trở hoạt động kiểm tra an toàn và vận hành của hệ thống điện cao áp.