TÓM TẮT:

Hiện nay, chế độ kế toán của nước ta đang dựa trên cơ sở giá gốc (giá phí lịch sử). Theo đó, hoạt động kế toán luôn dựa trên giả định đơn vị tiền tệ ổn định hoặc giá trị đồng tiền có thay đổi nhưng không đáng kể. Tuy nhiên trong tình hình nền kinh tế có lạm phát xảy ra thì giá cả hàng hóa dịch vụ sẽ tăng cao làm cho sức mua chung giảm xuống. Khi kế toán doanh nghiệp ghi nhận giá trị tài sản theo giá gốc sẽ không phản ánh được sự thay đổi của giá trị tài sản được mua ở vào các thời kỳ khác nhau. Bài viết nghiên cứu việc điều chỉnh báo cáo tài chính (BCTC) trên cơ sở giá gốc theo giá trị hợp lý căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để phản ánh đúng sự thay đổi giá trị của hàng hóa dịch vụ mà doanh nghiệp nắm giữ. Đây cũng là một gợi ý để các nhà quản trị doanh nghiệp có thêm những thông tin hữu ích, phục vụ cho việc ra quyết định đúng đắn trên cơ sở bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu của mình.

Từ khóa: Báo cáo tài chính, giá trị hợp lý, lạm phát.

1. Đặt vấn đề

Việc điều chỉnh BCTC trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát đã được các quốc gia khác nhau trên thế giới lưu ý từ rất sớm. Trong Chuẩn mực kế toán quốc tế số 29 (IAS 29), ban hành và hướng dẫn điều chỉnh lại BCTC trong các nền kinh tế siêu lạm phát, khuyến cáo việc điều chỉnh BCTC nên thực hiện trong một số trường hợp như : tỷ lệ lạm phát tích lũy trong 3 năm với khoảng mức 100% hoặc cao hơn (Trung bình trên 26%/năm); dân chúng muốn giữ tài sản của mình dưới dạng tài sản không bằng tiền hoặc bằng một loại ngoại tệ tương đối ổn định; lãi, tiền lương và giá gắn với chỉ số giá; các giao dịch tín dụng thực hiện theo giá bù đắp cho mức độ mức sức mua ước tính… Chuẩn mực này cũng chỉ rõ trong nền kinh tế lạm phát cao, BCTC nếu không được khẳng định lại thì sẽ không còn hữu ích. Bởi lẽ, đồng tiền mất sức mua nhanh đến mức việc so sánh giá trị giao dịch và các sự kiện khác đã xảy ra trong một kỳ kế toán cũng trở nên sai lệch. Điều này gây khó khăn cho việc xem xét tình hình tài chính và ra các quyết định đúng đắn của nhà quản trị doanh nghiệp.

Ở nước ta, hiện nay vẫn chưa có chuẩn mực kế toán nào có đề cập đến việc điều chỉnh này. Trong khi đó, cũng có những thời điểm nền kinh tế nước ta vẫn ở trong tình trạng lạm phát khá cao, thường ở mức 2 con số, thậm chí có năm trên 20% (năm 2008). Điều này dẫn đến việc xem phương thức điều chỉnh BCTC về giá trị hợp lý để giải quyết vấn đề tác động của giá cả đến BCTC, đồng thời, giúp cho nhà quản trị doanh nghiệp (DN) có được những thông tin hữu ích và chính xác nhất để kịp thời ra các quyết định trong công tác điều hành, quản lý đơn vị.

2. Giá trị hợp lý trong kế toán

Giá trị hợp lý là một thuật ngữ mới trong lĩnh vực kế toán. Trong các lý thuyết về kế toán, giá trị hợp lý không được đề cập như một loại giá độc lập trong khuôn mẫu lý thuyết chung nhưng nó trở thành một xu hướng quan trọng trong những năm gần đây. Các chuẩn mực kế toán (IAS) và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) hiện hành đều sử dụng định nghĩa "Giá trị hợp lý là mức giá mà một tài sản có thể được trao đổi giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong một giao dịch ngang giá".

Cơ sở hình thành của kế toán theo giá trị hợp lý xuất phát trực tiếp từ nhu cầu sử dụng thông tin của xã hội và hạn chế của những phương pháp kế toán trước đó.

Nhìn từ góc độ lý thuyết kế toán, khi tất cả các tài sản được đo lường với cùng một cơ sở định giá, giá gốc hay giá thị trường, thì điều này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin dễ hiểu hơn cho các đối tượng sử dụng BCTC. Bên cạnh đó, việc áp dụng các cơ sở định giá tài sản theo giá thị trường thay thế dần nguyên tắc giá gốc tại nhiều quốc gia trong những năm gần đây cho thấy xu thế định giá tài sản trên BCTC đang hướng đến giá trị hợp lý, kết hợp nhiều loại giá khác nhau nhằm đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu thông tin của người sử dụng và tạo thuận lợi cho công tác kế toán.

Vì thế, kế toán theo giá trị hợp lý là một lựa chọn tất yếu. Giá trị hợp lý phát triển mạnh trong kế toán, nhất là trong các hoạt động liên quan đến công cụ tài chính, tạo thành một trào lưu kế toán theo giá trị hợp lý hay theo thị trường. Những ưu điểm của Giá trị hợp lý và lợi ích của sử dụng Giá trị hợp lý là không thể phủ nhận. Điều này thể hiện qua một số khía cạnh sau: (1) Giá trị hợp lý phản ánh được những thay đổi của thị trường; (2) Những giả định dùng để ước tính Giá trị hợp lý có thể được xác định và kiểm chứng, ngày càng mang tính khách quan hơn; (3) Các mô hình định giá cho những trường hợp không có giá thị trường hiện đang phát triển và từng bước hoàn thiện.

3. Thực trạng vận dụng nguyên tắc giá trị hợp lý trong kế toán ở Việt Nam

Chế độ kế toán Việt Nam hiện nay được xây dựng trên cơ sở phương pháp kế toán theo giá gốc. Tuy nhiên, trong phương pháp định giá các tài sản kế toán, Việt Nam cũng từng bước được cập nhật theo phương pháp giá trị hợp lý, kết hợp kế toán theo giá gốc và đánh giá lại từng loại tài sản phù hợp với giá trị hợp lý tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Luật Kế toán ban hành năm 2015 đã bổ sung khái niệm giá trị hợp lý, là giá trị được xác định phù hợp với giá thị trường, có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc chuyển nhượng một khoản nợ phải trả tại thời điểm xác định giá trị. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính. Qua đó, đã khắc phục hạn chế của Luật Kế toán năm 2003 là quy định hạch toán theo giá gốc, điều này không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Do việc đánh giá giá trị tài sản và hạch toán theo giá trị hợp lý có tính kỹ thuật cao, để phù hợp với điều kiện của Việt Nam, có tài sản có thể đánh giá được theo giá trị thị trường, có tài sản chưa có điều kiện đánh giá được.

Bộ Tài chính cũng đã công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định Danh mục tài sản và phương thức đánh giá tài sản theo giá trị hợp lý. Theo đó, có 5 loại tài sản được đánh giá theo giá trị hợp lý gồm: các công cụ tài chính, hàng tồn kho, tài sản cố định, bất động sản đầu tư, doanh thu. Trong đó, tài sản là các công cụ tài chính gồm: cổ phiếu thưởng, trái phiếu chuyển đổi,chứng khoán phái sinh... Đối với trái phiếu chuyển đổi, ngoài áp dụng như các khoản đầu tư đến ngày đáo hạn, đơn vị tiến hành đánh giá giá trị hợp lý của cổ phiếu mà trái phiếu có thể chuyển đổi. Việc tăng giảm giá trị do việc đánh giá lại này được ghi nhận thu nhập hoặc chi phí trên báo cáo kết quả kinh doanh. Đối với cổ phiếu thưởng, khi người đầu tư được nhận thêm cổ phiếu mà không phải trả tiền do công ty sử dụng thặng dư vốn cổ phần, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (chia cổ tức bằng cổ phiếu) để tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, nhà đầu tư đánh giá giá trị hợp lý của cổ phiếu tại thời điểm nhận được và ghi tăng giá trị khoản đầu tư, đồng thời ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính.

Dự thảo Nghị định cũng quy định chi tiết phương pháp xác định giá trị hợp lý đối với các công cụ tài chính phái sinh như: hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi. Theo đó, giá trị hợp lý của hợp đồng tương lai được xác định là số dư tiền ký quỹ tại nhà môi giới tại thời điểm báo cáo. Giá trị hợp lý của hợp đồng tương lai không nhỏ hơn mức ký quỹ tối thiểu niêm yết bởi sàn giao dịch. Giá trị hợp lý của hợp đồng kỳ hạn là giá trị hiện tại của các khoản thu hoặc phải trả ước tính tại thời điểm đáo hạn hợp đồng (thực hiện bằng cách quy đổi giá trị danh nghĩa của khoản thanh toán trong tương lai về giá trị hiện tại theo lãi suất thực tế của từng kỳ hạn).

Hiện nay, trên thế giới, khi điều chỉnh BCTC theo giá trị hợp lý, kế toán sử dụng hai phương thức chủ yếu là dựa trên chỉ số giá tiêu dùng CPI hoặc chỉ số giảm phát (GDP). Trong đó, căn cứ vào chỉ số CPI để điều chỉnh BCTC là một phương thức tốt nhất để giải quyết vấn đề tác động của giá cả đến các chỉ tiêu trên BCTC, cung cấp cho người đọc BCTC những thông tin hữu ích đối với các chỉ tiêu cụ thể trình bày trên BCTC vào ngày kết thúc. Đặc biệt đối với bản thân các nhà đầu tư, cổ đông và nhà quản lý doanh nghiệp, việc lập BCTC trên cơ sở này sẽ phản ánh đúng bản chất lợi nhuận thực mà DN có được trên cơ sở xem xét cả ảnh hưởng của giá cả đối với BCTC. Việc điều chỉnh BCTC trên cơ sở chỉ số giá CPI cũng thực sự hữu ích đối với BCTC của các DN trong ngành, nhóm ngành, tập đoàn trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát.

4. Nguyên tắc điều chỉnh BCTC theo phương thức dựa vào chỉ số giá CPI

Tất cả các khoản mục trên BCTC được đưa về cùng một đơn vị tiền tệ theo sức mua tại cùng thời điểm xem xét. Đồng thời cho phép so sánh doanh thu, chi phí trên cùng một cơ sở tiền tệ mặc dù doanh thu và chi phí này có thể phát sinh ở các thời kỳ khác nhau.

Các khoản mục tiền tệ như tiền, nợ phải thu khách hàng, nợ phải trả người bán và vay dài hạn là các khoản mục tiền tệ không điều chỉnh. Do các khoản mục này bản thân chúng được sử dụng hay thanh toán trên cơ sở đồng tiền danh nghĩa.

Các khoản mục phi tiền tệ như hàng tồn khoa được điều chỉnh theo chỉ số giá hiện hành so với chỉ số giá khi hình thành.

Doanh thu, chi phí khác và thuế thu nhập doanh nghiệp được điều chỉnh theo chỉ số giá bình quân vì phát sinh đều đặn trong năm. Riêng chi phí khấu hao được điều chỉnh theo chỉ số giá đầu năm vì nó liên quan dến giá trị tài sản cố định. Chi phí giá vốn hàng bán được điều chỉnh trên cơ sở điều chỉnh lại giá trị hàng tồn kho đầu kỳ, giá trị mua vào trong kỳ và hàng tồn kho cuối kỳ theo chỉ số giá.

Lợi nhuận tạo thành được phân tích thành 2 loại: (1) Lợi nhuận do hoạt động kinh doanh được tính trên cơ sở doanh thu và chi phí đã điều chỉnh theo chỉ số giá; (2) Lãi/lỗ do các tài sản tiền tệ thuần sinh ra.

5. Kết luận

Trước sức ép của yêu cầu hội nhập và cả sức ép của yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường, giá trị hợp lý và điều chỉnh BCTC theo giá trị hợp lý ở Việt Nam đã có những bước khởi đầu nhất định, song vẫn cần có một định hướng rõ ràng về việc sử dụng giá trị hợp lý trong hệ thống kế toán Việt Nam. Tuy nhiên, việc chỉ sử dụng một chỉ số giá chung để điều chỉnh BCTC cũng chưa phản ánh chính xác, vì rõ ràng trên thực tế các tài sản khác nhau thì luôn có mức giá và sự thay đổi giá khác nhau trong bối cảnh chung là nền kinh tế lạm phát. Mặc dù vậy, việc điều chỉnh BCTC theo chỉ số giá CPI cũng là một phương pháp cho thấy sự đa dạng trong các phương pháp đo lường của kế toán để cung cấp thông tin chính xác cho các đối tượng quan tâm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thông tư 200 của Bộ Tài chính ngày 22/12/2014.

2. Vũ Hữu Đức (2010), Những vấn đề cơ bản của lý thuyết kế toán, Nhà xuất bản Lao động.

3. Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS 29), Báo cáo tài chính trong các nền kinh tế siêu lạm phát.

4. http://www.misa.com.vn/tin-tuc/chi-tiet/newsid/5060/Gia-tri-hop-ly-hieu-the-nao-cho-dung

5. http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Nhung-diem-moi-trong-Luat-Ke-toan-sua-doi

ADJUSTING FINANCIAL STATEMENTS BY USING THE FAIR VALUE MODEL IN THE CONTEXT OF INFLATION

Master. LE THI THU HUONG

Faculty of Accounting and Auditing Hanoi University of Industry

ABSTRACT:

Currently, the accounting system of Vietnam is based on historical costs.   Accordingly, the accounting operations are based on the assumption that the value of currency will be stable or change insignificantly. However, when the economy witnesses inflation which leads to increases in prices of goods and services, the purchasing power in general will decrease. The value of assets which are acquired in different period cannot be recored exactly under the historical costs accounting. This study analyzes the adjustment of financial statements, created under the historical costs accounting, with the fair value. Of which, the fair value is based on the consumer price index (CPI). The adjustment can reflect correctly the change in value of goods and services which are belong to enterprises. Managers can use this adjustment to make right decisions in order to preserve and develop enterprises equity. 

Keywords: Financial statements, the fair value, inflation