Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Đinh Ngọc Lân tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc Vinh và tự học Đệ nhất chuyên khoa toán. Năm 1946, Đinh Ngọc Lân ra Hà Nội thi thẳng vào Đệ nhị chuyên khoa toán Trường Chu Văn An do thầy Dương Quảng Hàm làm Hiệu trưởng, tháng 8 năm 1947 Đinh Ngọc Lân thi đỗ Lớp Đệ tam chuyên khoa toán Trường Quốc học Huế, ông được bầu làm Lớp trưởng, cuối năm được xếp Học sinh ưu tú, được Chủ tịch Ủy ban hành chính Liên khu 4 tặng Bằng khen và được chuyển lên học Lớp toán học đại cương (một trong 3 chứng chỉ cần thiết để có bằng Cử nhân Toán). Lớp Toán đại cương khóa 1 có 4 sinh viên, khóa 2 có 8 sinh viên. Các anh: Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Đình Tứ, Hoàng Phương, Nguyễn Văn Cung cũng học Lớp toán học đại cương này.
Năm 1951 Đinh Ngọc Lân đang công tác tại Khu đoàn sinh viên Liên khu 4 ông được giới thiệu ra Việt Bắc theo học Trường Khoa học cơ bản (Tên trường do Bác Hồ đặt). Trường dạy các môn: toán, lý, hóa ở bậc Đại học. Trường học trong rừng Việt Bắc được mấy tháng thì có lệnh chuyển sang khu học xá Nam Ninh Quảng Tây Trung Quốc. Thầy dạy toán của trường là Tiến sĩ toán học từ Pháp về tham gia kháng chiến chống Pháp: GS. Lê Văn Thiêm. Giảng dạy toán, lý, hóa cho sinh viên còn có các thầy Dương Ngọc Cang, Nguyễn Thạc Cát, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Hoàng Trọng Cung. Đinh Ngọc Lân học khoa học cơ bản đươc 2 năm được chuyển đi Quế Lâm học Trung văn để lên Bắc Kinh học Trường Đại học Thanh Hoa (trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc). Năm 1960, Đinh Ngọc Lân tốt nghiệp Khoa Vật lý hạt nhân Đại học Thanh Hoa, được mời ở lại Trung Quốc nghiên cứu tại Viện Năng lượng Nguyên tử Bắc Kinh.
Tháng 11 năm 1961 Đinh Ngọc Lân về nước nhận công tác tại Ủy ban Khoa học Nhà nước, trong Tổ chuẩn bị thành lập Viện Khoa học Việt Nam.
Tháng 3 năm 1962, Đinh Ngọc Lân đi Liên Xô dự khóa học 3 tháng do Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Đúpna tổ chức về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở các nước XHCN.
Năm 1965, Đinh Ngọc Lân giảng dạy môn: "Cấu trúc hạt nhân nguyên tử” cho SV khoa Vật lý Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tháng 2 năm 1966, Đại hội Hội Vật lý Việt Nam bầu GS. Đinh Ngọc Lân làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật lý Việt Nam.
Tháng 5 năm 1966, ông được Nhà nước cử đi nghiên cứu tại Viện Khoa học Trung Quốc (giống như Viện Hàn lâm Khoa học ở Liên Xô), chuyên nghiên cứu hạt nhân, … Ông đã tìm hiểu và đề xuất với Chính phủ về việc nhập khẩu chất phóng xạ phục vụ cho y tế và kinh tế, ví dụ: Khoa Y học hạt nhân BV Bạch Mai, BVTW Huế, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội,...
Ông đã soạn “Quy định tạm thời về việc Bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên và nhân dân trong việc khai thác, sử dụng bảo quản, chuyên chở chất đồng vị phóng xạ và vật tư có chất phóng xạ”. Bản quy định đã được ban hành theo Nghị định số 117-CP ngày 13 tháng 9 năm 1972 của Hội đồng Chính phủ.
Năm 1978, ông đã nghiên cứu và tham mưu cho đồng chí Nguyễn Đình Tứ, trực tiếp soạn Tờ trình đề nghị Ủy ban Khoa học nhà nước và Chính phủ về việc Việt Nam trở lại làm thành viên của IAEA. Tháng 9 năm 1978, ông đã tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm làm Trưởng đoàn lần đầu tiên đi dự Đại hội đồng IAEA tại Viên.
Ông là tác giả của nhiều cuốn sách giá trị như: “Ứng dụng các chất đồng vị phóng xạ”, “Năng lượng nguyên tử và đời sống”, “Những chuyến bay lên các vì sao”, “Lịch sử chinh phục vũ trụ”… Ông đã biên soạn và biên dịch 35 đầu sách. Năm 2011 mới đây, ông hoàn thành dịch từ tiếng Pháp bộ sách 7 tập “Những hạt giống khoa học” (NXB Giáo dục).
Tháng 3 năm 2011, Chủ tịch nước đã tặng GS. Đinh Ngọc Lân Huân chương Lao động hạng Ba. Tháng 6 năm 2011, ông đã được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Trước đó, ông đã được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba. Chính phủ Ba Lan đã trao tặng ông Huân chương Nicolas Copecnic vì những đóng góp cho phổ biến khoa học.
Ngày 17 tháng 6 năm 2011, GS. Đinh Ngọc Lân được Chính phủ Pháp trao phần thưởng cao quý: Huân chương Cành cọ Hàn lâm hạng Nhất vì những cống hiến của ông cho Nền Văn hoá Pháp. Ngoài ra, ông cũng đã được mời tham gia BCHTW các Hội hữu nghị Việt-Trung, Việt-Xô.
Tháng 7 tới đây GS. Đinh Ngọc Lân bước vào tuổi 84. Ngày 21 tháng 4 năm 2012, tôi đến nhà riêng của ông tại khu B tập thể Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội thăm giáo sư, tôi rất vui vì sức khỏe của GS. rất tốt và ông vẫn đang dịch sách và viết báo. Ông là một nhà khoa học - một nhà trí thức - một người con của quê hương Văn Hào, Quỳnh Lưu, Nghệ An
Đinh Ngọc Lân – Một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu hạt nhân
Đinh Ngọc Lân sinh ngày 11 tháng 7 năm 1929. Ông học 6 năm Trường Tiểu học Pháp-Việt, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, 12 tuổi thi đỗ vào trường Quốc học Vinh (Nhiều GS danh tiếng như: Phan Thiều, Đặng