TÓM TẮT:

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, mang đậm bản sắc văn hóa nhân văn và có tính xã hội hóa rất cao. Du lịch còn là ngành công nghiệp không khói, mang lại nhiều lợi nhuận, có tác động tích cực thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao vị thế đất nước, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, mở rộng giao lưu văn hóa khu vực ASEAN. Triển khai Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt “Đề án phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020”, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những căn cứ, khai thác và phát triển thế mạnh du lịch trên địa bàn vùng.

Từ khóa: Du lịch, tiềm năng, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Tiềm năng du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là một trong bảy vùng du lịch đặc trưng trên cả nước được Chính phủ phê duyệt.

Từ khái quát về vị trí địa lý, thiên nhiên vùng ĐBSCL nêu trên, có thể nêu lên những tiềm năng cơ bản của vùng ĐBSCL về du lịch như sau:

Thứ nhất, ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới, như: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), vườn chim Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), vườn chim Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp)… Đây là những tài nguyên rất quý giá cho phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, cả vùng còn có hơn 700 km bờ biển và hơn 145 hòn đảo lớn, nhỏ và nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ: Mũi Nai, Hòn Chông (tỉnh Kiên Giang); Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau); Ba Động (tỉnh Trà Vinh)... Trong đó, nổi tiếng nhất là đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), hay còn gọi là đảo Ngọc với một vẻ đẹp hoang sơ, cùng với nhiều tài nguyên thiên nhiên hiếm có. Phú Quốc từng được các hãng lữ hành đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để trở thành “thiên đường du lịch” đủ sức hấp dẫn du khách như hòn đảo Ba - Li (Indonesia).

Thứ hai, vùng ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, con sông lớn nhất Đông Nam Á, với hai nhánh sông Tiền và sông Hậu. ĐBSCL có diện tích tự nhiên gần 40.000 km2, bằng 5,6% diện tích của lưu vực, với mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt, được mệnh danh là “thế giới sông nước” (Water World). Từ lâu loại hình du lịch bằng tàu, ghe len lỏi vào sâu trong các kênh rạch, trải nghiệm cuộc sống mộc mạc, thơ mộng của người dân vùng sông nước cũng rất hấp dẫn du khách khi đến với ĐBSCL với nhiều loại hình du lịch, kể cả loại hình du lịch tâm linh. Du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần ở núi Bà, Châu Đốc (tỉnh An Giang).

Thứ ba, với nhiều ưu đãi của thiên nhiên, vùng ĐBSCL được biết đến là vùng đất hiền hòa, khí hậu mát mẻ, cây lành trái ngọt và nhiều sản vật thiên nhiên ban tặng. ĐBSCL có rất nhiều vùng đất còn rất hoang sơ, nơi đây có nhiều điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, đây là loại hình du lịch đang được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng.

Thứ tư, trong thời gian gần đây, cùng với xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, du lịch ĐBSCL đón nhận nhiều tin vui: Khu nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 5 sao Vinpearl Phú Quốc (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) và khách sạn 5 sao Mường Thanh (thành phố Cần Thơ) đi vào hoạt động, đây là 2 cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp nhất tại khu vực này tính đến thời điểm hiện tại. Trước đó, Vietnam Airlines mở đường bay Phú Quốc - Singapore và Phú Quốc - Siêm Riệp (Campuchia). Rồi VietJet mở đường bay Cần Thơ - Đà Nẵng, Vasco phối hợp với Vietravel mở đường bay thẳng Cần Thơ - Đà Lạt. Nhiều địa phương khác như An Giang thu hút du lịch bằng việc đầu tư dự án cáp treo, xây dựng tượng Phật Di Lạc lớn nhất trên núi Cấm, xây dựng tượng Phật Thích Ca lớn nhất trên núi Sam. Tỉnh Bạc Liêu xây dựng khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Nhà hát Ba Nón Lá, khu du lịch Nhà Mát… Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đã thu hút được các dự án phát triển du lịch.

Thứ năm, tiềm năng về văn hóa với những phiên chợ nổi nhộn nhịp vào buổi sáng sớm, như: Cái Răng (thành phố Cần Thơ), Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng)… hay những cù lao quanh năm chan hòa ánh nắng, thiên nhiên trong lành như cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Quy (tỉnh Bến Tre), cồn Tiên (tỉnh Đồng Tháp), cồn Mỹ Phước (tỉnh Sóc Trăng), cồn Thới Sơn (tỉnh Tiền Giang)… cũng là một nét đẹp rất đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ. Bên cạnh đó, trên vùng đất của gần 18 triệu dân này có sự cộng cư lâu đời của bốn dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm chứa đựng một bề dày văn hóa tín ngưỡng, tâm linh đa dạng, giàu bản sắc. Hàng trăm lễ hội lớn nhỏ trong năm, hàng ngàn kiến trúc tôn giáo lâu đời rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa đã được các hãng lữ hành đưa vào chương trình tour. ĐBSCL cũng là quê hương của những điệu hò đối đáp trên sông, đặc biệt, các tỉnh ĐBCSL còn là nơi thực hành và phát triển loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận được thể hiện qua giọng ca ngọt lịm của các “tài tử miệt vườn”, những chị Hai, anh Ba, cô Sáu... khiến du khách có cảm giác thích thú, có tính khám phá và khó quên.

Những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử cộng đồng đã tạo nên một nền văn hóa ĐBSCL đa bản sắc, đậm chất phương Đông, vừa kín đáo, vừa dung dị. Đó cũng là bản sắc văn hóa đặc trưng của miền đất và con người phương Nam hiền hòa, phóng khoáng góp phần làm nên những sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù. Trong đó, tính chất văn hóa của du lịch sông nước “vườn” đã tạo nên chân dung riêng cho vùng ĐBSCL, khiến ĐBSCL được ví như “vườn địa đàng”, là tiềm năng vô tận để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡngg. ĐBSCL có tiềm năng phát triển du lịch phong phú đa dạng với các loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo, văn hóa bản địa và tâm linh.

2. Những khó khăn, hạn chế tồn tại cản trở phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Mặc dù ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên, vùng còn có những khó khăn và hạn chế chủ yếu cần tháo gỡ để phát triển du lịch như sau:

Một là, so với tiềm năng của vùng ĐBSCL thì kết quả thu hút và phát triển du lịch chưa đạt được như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thể hiện sự thiếu liên kết và liên kết còn lỏng lẻo, xúc tiến quảng bá du lịch chưa có kết quả cao của vùng ĐBSCL.

Điều này thể hiện rõ qua việc so sánh số lượt khách du lịch đến vùng ĐBSCL với cả nước và tổng thu nhập du lịch của vùng. Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2013, toàn vùng đón được 1.668.800 lượt khách du lịch quốc tế, chiếm 8,3% tổng lượng khách quốc tế cả nước; 9,8 triệu lượt khách nội địa, chiếm 5,8% tổng lượt khách nội địa cả nước; tổng thu nhập từ du lịch của vùng đạt 5.141 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng thu nhập du lịch của cả nước. Năm 2014, toàn vùng ĐBSCL đã đón hơn 22,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 8,3% so năm 2013, doanh thu du lịch đạt hơn 6.300 tỷ đồng, tăng gần 24%, trong đó, có gần 2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10% so với năm 2013. Trong năm 2015, đã có hơn 24,0 triệu lượt du khách đến với vùng đất này. So với lượng khách quốc tế đến Việt Nam lần lượt năm 2015 là 7,5 triệu lượt/người, năm 2016 là 10 triệu lượt người, thì số khách du lịch người nước ngoài đến vùng ĐBSCL lần lượt là 5,56 triệu lượt/người và 6,44 triệu lượt người.

Hai là, khó khăn lớn nhất của vùng ĐBSCL để phát triển du lịch là kết nối giao thông còn rất hạn chế. Mặc dù, Vùng có thế mạnh về đường sông, đường biển, đường bộ và đường hàng không, nhưng sự kết nối giao thông nội vùng rất khó khăn, thời gian vận chuyển hành khách dài từ 5 đến hơn 6 giờ trên quãng đường chỉ có 200 km. Thực tế trong Vùng, đường hàng không tuy có phát triển, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du lịch, đường sông chưa phát triển, đường biển thiếu cảng hành khách và phương tiện chưa đủ sức khai thác vận chuyển hành khách. Tuyến đường bộ toàn vùng và nội vùng chưa hình thành mạng lưới đáp ứng yêu cầu của du lịch, còn thiếu cơ sở hạ tầng cả về hạ tầng giao thông, cảng, trạm dừng chân, hệ thống thông tin, viễn thông chưa đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ba là, thiếu sản phẩm, quà tặng, đồ lưu niệm cho nhu cầu của du khách. Sản phẩm thô sơ, thiếu sự sáng tạo, gây ra sự nhàm chán cho du khách, từ đó dẫn đến giảm tính cạnh tranh của các điểm đến. Đồng thời, du khách cũng khó nhận ra nét đặc trưng, độc đáo của từng điểm đến, yếu tố rất quan trọng trong việc hấp dẫn và thuyết phục du khách. Du khách đến Tiền Giang có chương trình “Về với ĐBSCL”, sang Bến Tre có tour “Du thuyền trên sông Mê Kông”, qua Vĩnh Long cũng gặp lại sản phẩm na ná “Về cùng văn minh sông nước miệt vườn”... Mặc dù đi qua ba tỉnh, trải nghiệm của du khách cũng chỉ dừng lại ở mức độ tham quan vườn trái cây và ngắm chợ nổi trên sông. Du lịch kiểu sao chép thô sơ, tùy tiện đã chẳng đem lại cho du khách cảm giác mới lạ nào. Nguyên tắc làm du lịch là phải luôn tự làm mới mình, thì du lịch ĐBSCL dường như chưa làm được điều này, mà còn mang tính chắp vá, tính chuyên nghiệp chưa cao. Giá trị sản phẩm, quà lưu niệm chưa tinh xảo, nghệ thuật và giá trị thấp, không thu hút được du khách và du khách đến các điểm du lịch hầu như không biết mua gì để làm kỷ niệm cho một chuyến đi.

Bốn là, làm du lịch theo thói quen ăn sẵn, khai thác tiềm năng có sẵn, dẫn đến khai thác cạn kiệt tiềm năng sẵn có mà ít chịu đầu tư mới vả lại có đầu tư mới cũng chọn cách làm ngắn hạn và dễ nhất, tính sáng tạo không cao không chú trọng đến nhu cầu của du khách, khiến cho du lịch vùng trở nên nhàm chán. Suốt hàng chục năm qua, du lịch sông nước, chợ nổi thuộc hai tỉnh chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng (thành phố Cần Thơ) đều là sản phẩm du lịch đặc thù của vùng sông nước Cửu Long, lâu nay được ngành Du lịch địa phương xem như “con gà đẻ trứng vàng” nên vô tư khai thác, mà thiếu đầu tư, chăm sóc, khiến sản phẩm thiếu sức sống, gây tâm lý nhàm chán cho du khách.

Năm là, nguồn nhân lực du lịch trực tiếp, gián tiếp và tự phát trong vùng chiếm gần 70%, hầu hết là không chuyên nghiệp, chưa qua đào tạo về nghiệp vụ, giao tiếp, văn hóa, lịch sử truyền thống và tâm linh của vùng, khiến du khách còn phiền lòng về cung cách phục vụ, về hiện tượng chèo kéo và bán hàng giá cao khi tham quan chợ nổi hay du thuyền trên sông. Con người chính là bộ mặt của du lịch, vì vậy rất cần chung tay xây dựng cho ĐBSCL một lực lượng lao động du lịch lành nghề, có chiều sâu và có tính chuyên nghiệp vừa mang tính hiện đại trong xu thế hội nhập quốc tế vừa có tính truyền thống mang bản sắc dân tộc nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

Trong những năm qua, du lịch vùng ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác quảng bá, kết nối được với các trung tâm du lịch ngoài vùng như Đà Nẵng, Lâm Đồng, chủ động tham gia nhiều sự kiện du lịch như “Ngày hội du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014”, “Không gian giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống các dân tộc Việt Nam” và tổ chức tốt năm du lịch quốc gia “Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long” với chủ đề “Khám phá Đất Phương Nam”; Tạo đà cho bước quảng bá, phát triển mới cho du lịch ĐBSCL cho giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL.

3. Một số hàm ý về giải pháp khai thác thế mạnh du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Với mục tiêu tổng quát: “Phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; khẳng định vị trí quan trọng của vùng đối với du lịch Việt Nam. Từng bước nâng cao vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân, góp phần quảng bá hình ảnh vùng ĐBSCL với cả nước và quốc tế”.

Đón đầu Hội nghị Cấp cao APEC vào cuối năm 2017 và kỷ niệm 50 năm ngày tổ chức ASEAN ra đời, cũng như sự kết nối một cộng đồng ASEAN, với tuyến huyết mạch đường xuyên Á qua quốc lộ 22 và những năm sau, vùng ĐBSCL có nhiều cơ hội về chính sách, định hướng của Đảng và Nhà nước nhằm khai thác lợi thế du lịch vùng ĐBSCL với tâm của vùng đã được xác định là thành phố Cần Thơ, đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp thực sự quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nỗ lực giảm nghèo bền vững cho người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL, nâng cao vị thế ngành Du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả và bền vững những lợi thế về vị trí, tài nguyên, thiên nhiên của vùng ĐBSCL.

Theo đó, tác giả có một vài gợi ý một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Du lịch năm 2005. Luật Du lịch năm 2005 đã có nhiều tác động tích cực, hiệu quả tới đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và sự phát triển của ngành Du lịch, nhưng cũng đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc. Nổi lên là những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Du lịch hiện hành, công tác quản lý tài nguyên, khu du lịch, điểm du lịch chồng chéo, hiệu quả chưa cao. Công tác xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nhiều bất cập. Hoạt động kinh doanh lữ hành lộn xộn. Số lượng, chất lượng hướng dẫn viên du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu tính chuyên nghiệp. Chất lượng hoạt động vận tải khách du lịch chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Công tác quản lý chất lượng cơ sở lưu trú du lịch còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến du lịch thiếu nguồn lực, thực hiện thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả. Hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế còn triển khai thụ động.

Thứ hai, đẩy mạnh liên kết, kết nối và quảng bá du lịch với các tỉnh, thành phố có vị trí trung tâm du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang và An Giang. Quảng bá bằng nhiều hình thức như: hội thảo, hội chợ Thương mại - Du lịch, phát hành 1.500 bản đồ du lịch vùng ĐBSCL. Tiến tới hình thành tuyến du lịch quốc gia nối ĐBSCL với Tây Nguyên, Tây Bắc và vùng Đông Bắc. Xây dựng và hình thành tuyến kết nối du lịch vùng ĐBSCL với các nước ASEAN qua đường xuyên Á - Quốc lộ 22 qua Campuchia tới các nước ASEAN.

Thứ ba, áp dụng và mở rộng mô hình hợp tác công - tư nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng bến bãi đưa, đón khách trên sông, cảng biển, đồng thời phối hợp các tỉnh, thành phố trong vùng/ngành liên quan giải quyết việc nạo vét sông Lòng Ống (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), thông tuyến đường sông phục vụ cho du lịch. Đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng cho tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau khai thác nội vùng ĐBSCL. Xây dựng cơ chế khuyến khích khu vực tự tham gia đầu tư, xây dựng, cải tạo khách sạn, nhà nghỉ, vườn sinh thái, hình thành những nhà hàng, khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, khu vui chơi, giải trí cao cấp. Mở rộng và khuyến khích loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sinh thái sạch và xanh, tạo cho du khách tiếp cận với cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái dạng nhà vườn.

Thứ tư, hoàn thiện tổ chức quản lý nhà nước về du lịch theo hướng kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển du lịch các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, quán triệt và triển khai Nghị quyết số 08/NQ/TW ngày 18/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, các tỉnh, thành phố có thể trình Chính phủ cho phép tái lập Sở Du lịch, trước mắt tái lập Sở Du lịch thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang và Tiền Giang, hình thành cơ chế phối kết hợp giữa các ngành Công an, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp - nông thôn và sở Văn hóa, thể thao trong quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn từng tỉnh, thành phố... trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch; Phối hợp tốt với các hiệp hội du lịch của các tỉnh, thành phố và Hiệp hội Du lịch ĐBSCL; Tăng cường công tác quản lý phát triển theo quy hoạch; Chú trọng công tác thống kê và xây dựng hệ thống thông tin quản lý du lịch; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trong quản lý nhà nước cũng như điều hành khai thác có hiệu quả du lịch, đáp ứng yêu cầu về nhân lực cả về số lượng và chất lượng, đội ngũ những người làm trong lĩnh vực du lịch phải có năng lực giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, chuyên nghiệp và chuyên môn sâu, giỏi ngoại ngữ, am hiểu lịch sử, văn hóa, tận tâm phục vụ khách du lịch và quảng bá hình ảnh của đất nước, vùng và các tỉnh, thành phố.

Thứ năm, chính sách về thuế và tài chính: cần xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù về việc ưu đãi thuế. Ưu tiên, miễn giảm thuế, cho chậm tiền thuế có thời hạn, giảm tiền thuế đất, cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch ở các vùng đất còn hoang sơ, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, các điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Đề xuất các ưu đãi cụ thể về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với các doanh nghiệp du lịch, nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hàng hóa chất lượng và giá trị cao, nâng cao khả năng cạnh trạnh và đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa và sản phẩm lưu niệm có tính đặc thù của vùng.

Tóm lại, việc khai thác thế mạnh và tiềm năng, lợi thế du lịch sông nước, sinh thái và “miệt vườn” của vùng ĐBSCL trong những năm tới là yêu cầu cấp bách của Đảng bộ, chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khai thác lợi thế so sánh, tạo sự đột phá, thu hút du lịch kết nối phát triển du lịch nội vùng và tiến tới khai thác tiềm năng du lịch tiểu vùng sông Mê Kông và khối ASEAN, góp phần thực hiện cơ kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL ngày 09/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt “Đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020”.

2. Cổng Thông tin Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ.

TOURISM IN THE MEKONG DELTA: POTENTIALS AND SOLUTIONS FOR DEVELOPMENT

MA. TRAN THI XUAN MAI

Director of Labor, War invalids and Social Affairs Department of Can Tho

ABSTRACT:

Tourism is a complex economics industry, comprising elements like intertwined sectors, imprinted cultural identity and high level of socialization. Tourism is also a smoke-free industry, which brings in a lot of profits, positive impacts when integrating with the world. It also helps raising the country's position, developing the economy, creating jobs and expanding cultural exchanges in the ASEAN region. Implementing the Decision No. 803 / QD-BVHTTDL of the Minister of Culture, Sports and Tourism called the "Mekong Delta Tourism Development Project to 2020", which is about exploiting and developing the Mekong Delta tourism strengths.

Keywords: Tourism, potential, Mekong Delta.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây