Giá cà phê hôm nay ngày 23/7 tại thị trường trong nước

giá cà phê
Tham khảo giá cà phê hôm nay ngày 23/7/2025 tại thị trường trong nước (Nguồn: Tạp chí Công Thương tổng hợp)

Giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên giảm mạnh so với hôm qua. Giá cà phê trung bình hiện ở quanh mốc 92.300 đồng/kg. Cụ thể:

Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk (mới) giảm 1.500 đồng/kg đạt 92.300 đồng/kg.

Tương tự, giá cà phê hôm nay tại tỉnh Lâm Đồng (mới) giảm 1.900 đồng/kg, đạt 91.600 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Gia Lai (mới) giảm 1.600 đồng/kg so với hôm qua, đạt 92.200 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Nông (cũ, nay sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng) giảm 1.700 đồng/kg so với hôm qua, đạt 92.300 đồng/kg.

Lưu ý: Các mức giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê gần nhất để được tư vấn cụ thể.

Theo dõi giá cà phê được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá cà phê hôm nay ngày 23/7/2025 tại thị trường thế giới

Theo dữ liệu mới nhất, giá cà phê thế giới tăng mạnh trên 2 sàn giao dịch lớn. Cụ thể: 

Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2025 tăng 102 USD, hiện ở mức 3.289 USD/tấn, giao tháng 11/2025 tăng 98 USD, ở mức 3.262 USD/tấn.

Trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2025 tăng 4,40 cent/lb, hiện ở mức 296,35 cent/lb, giao tháng 11/2025 tăng 3,80 cent/lb, ở mức 288,70 cent/lb.

Trong phiên giao dịch mới nhất, giá cà phê đã tăng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lo ngại về hiện tượng sương giá có thể tàn phá các vùng trồng cà phê trọng điểm tại Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới.

Theo cảnh báo từ các chuyên gia khí tượng học thuộc Climatempo, một đợt không khí lạnh đang trên đường tràn vào các khu vực canh tác cà phê của Brazil vào cuối tuần này. Khả năng cao sẽ xuất hiện sương giá, mối đe dọa nghiêm trọng đối với cây cà phê đang trong giai đoạn phát triển.

Thông tin này càng trở nên đáng chú ý khi Cooxupé (hợp tác xã cà phê lớn nhất Brazil) cho biết tiến độ thu hoạch năm nay đang chậm hơn so với năm ngoái. Tính đến ngày 18/7, chỉ khoảng 59% sản lượng dự kiến đã được thu hoạch, tăng so với mức 49,3% của tuần trước, nhưng vẫn kém xa con số 67,7% cùng kỳ năm 2024.

Trong bối cảnh đó, thị trường cà phê Robusta có thể chứng kiến một làn sóng tăng giá mạnh nếu các quỹ đầu cơ bắt đầu mua bù vị thế bán khống (short-covering). Theo Barchart, hiện các quỹ đang duy trì lượng bán ròng Robusta ở mức cao nhất trong vòng hai năm, với tổng cộng 1.294 hợp đồng tính đến ngày 15/7, tăng so với 1.163 hợp đồng của tuần trước, theo dữ liệu từ ICE Futures Europe.

Tuy nhiên, giá Robusta vẫn đang chịu áp lực nhất định từ tồn kho tăng cao. Lượng cà phê Robusta được ICE giám sát đã lên tới 6.401 lô, mức cao nhất trong vòng 11,5 tháng. Ở chiều ngược lại, tồn kho cà phê Aabica lại đang cạn kiệt, giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng, chỉ còn 807.856 bao tính đến ngày 22/7.

Bên cạnh yếu tố thời tiết, thị trường cũng dõi theo tình hình địa chính trị với tâm điểm là kế hoạch của Mỹ áp thuế 50% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Brazil, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8. Nếu được thực thi, mức thuế này có thể làm tăng giá cà phê tại Mỹ và tạo ra sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng. Các chuyên gia cảnh báo: đây là con dao hai lưỡi đối với thị trường cà phê toàn cầu. Trong ngắn hạn, thông tin này có thể hỗ trợ giá nhờ kích thích nhu cầu từ các kho dự trữ được chứng nhận. Nhưng về dài hạn, rủi ro suy giảm sức mua tại Mỹ sẽ tạo áp lực giảm giá.

Ở chiều nguồn cung, tín hiệu từ các quốc gia sản xuất chủ lực như Brazil và Indonesia khá tích cực. Reuters cho biết tiến độ thu hoạch tại hai quốc gia xuất khẩu Robusta lớn thứ hai và thứ ba thế giới này đang diễn ra thuận lợi, chưa có rủi ro thời tiết nào đáng kể được ghi nhận.

Tại Việt Nam - quốc gia sản xuất Robusta lớn nhất thế giới, kết quả khảo sát mới đây cũng cho thấy triển vọng lạc quan. Sản lượng niên vụ 2025-2026 được dự báo sẽ tăng 7%, góp phần làm dịu bớt nỗi lo thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

Tổng hòa các yếu tố, từ rủi ro sương giá ở Brazil, diễn biến đầu cơ trên thị trường, tồn kho biến động đến nguy cơ áp thuế của Mỹ đang đẩy thị trường cà phê toàn cầu vào giai đoạn nhạy cảm. Những phiên giao dịch tới được dự báo sẽ tiếp tục sôi động và đầy biến động khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà rang xay đồng loạt “chạy đua” với thời gian trước những bất ổn tiềm ẩn.