Nghiêm túc thực thi các cam kết

Cho đến nay, về cơ bản Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết gia nhập, kể cả đối với những lĩnh vực khá phức tạp như minh bạch hóa, trợ cấp, cải cách hành chính... Thậm chí, đối với một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào, nhằm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tránh lạm phát tăng cao, ta đã giảm thuế thấp hơn mức đã cam kết trong WTO. Do vậy, cho đến nay chưa có ý kiến chính thức nào được gửi cho WTO về việc Việt Nam không thực hiện đúng các cam kết. Đây là điểm thể hiện quyết tâm hội nhập rất lớn của Việt Nam và cũng khác với một số nước mới gia nhập khác.

Tại phiên Rà soát chính sách thương mại đầu tiên của Việt Nam tại WTO diễn ra vào tháng 9 vừa qua, các nước thành viên WTO đều công nhận Việt Nam là một “câu chuyện thành công” của việc gia nhập và thực thi cam kết WTO, không quay lại chủ nghĩa bảo hộ dù nền kinh tế đã và đang chịu nhiều tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu.   

Tuy vậy, còn đôi chỗ các doanh nhiệp nước ngoài ở Việt Nam muốn Việt Nam thực hiện mạnh hơn nữa các cam kết như mở thêm quyền kinh doanh đối với dược phẩm và văn hóa phẩm, tăng thêm bảo hộ cho dược phẩm của nước ngoài khi đăng ký để lưu hành tại Việt Nam, không nâng thuế nhập khẩu quay lại mức trần cam kết... Mặc dù vậy, đây đều là các “khuyến nghị” để đảm bảo lợi ích của họ chứ không phải là các “yêu cầu” phát sinh từ việc ta chưa thực hiện đúng cam kết gia nhập.         

Cam kết đa phương và mở cửa thị trường và dịch vụ

Về cam kết đa phương, đây là các cam kết chung, mang tính ràng buộc đối với tất cả các nước gia nhập. Chủ yếu các cam kết này tập trung vào việc xây dựng hệ thống pháp luật và cải cách thể chế phù hợp với các chuẩn mực quốc tế như: không áp dụng trợ cấp gắn với tiêu chí xuất khẩu và tỷ lệ nội địa hóa; không áp dụng trợ cấp xuất khẩu nông sản (trừ trợ cấp dưới hình thức chi phí marketing và cước phí vận tải cho hàng xuất khẩu) nhưng được áp dụng các trợ cấp khác cho nông sản; mở cửa quyền kinh doanh cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài; trao cho các doanh nghiệp nhà nước quyền tự chủ; loại bỏ phân biệt đối xử trong việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt thông qua việc áp dụng một mức thuế duy nhất thay vì nhiều mức thuế như đang áp dụng; áp dụng một cách minh bạch, công khai các quy định của pháp luật.

Mở cửa thị trường hàng hóa được thực hiện thông qua việc cắt giảm thuế nhập khẩu và loại bỏ hàng rào phi quan thuế hạn chế thương mại. Việt Nam cam kết ràng buộc cho toàn bộ biểu thuế. 

Đối với dịch vụ, Việt Nam cam kết 11 ngành và 110 phân ngành dịch vụ. Nét mới trong cam kết chung cho các ngành dịch vụ trong khuôn khổ WTO là cho phép tổ chức và cá nhân nước ngoài được mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam nhưng với tỷ lệ phải phù hợp với mức mở cửa của ngành dịch vụ mà Việt Nam cam kết trong WTO. Đối với một số ngành như tài chính, ngân hàng, phân phối... Việt Nam cam kết với mức độ phù hợp, chủ yếu ngang bằng với Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (BTA). Đối với một số lĩnh vực nhạy cảm như in ấn - xuất bản, chủ quyền khai thác khoáng sản… Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường.

Giải quyết khó khăn về mặt kỹ thuật

Từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ và bám sát các cam kết WTO đối với các ngành/phân ngành dịch vụ, Việt Nam cam kết mở cửa cũng như các cam kết về MFN và minh bạch hóa. Việc nghiêm túc thực thi các cam kết dịch vụ của Việt Nam đã được các nước thành viên WTO khác ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt thông qua phiên rà soát chính sách thương mại lần đầu tiên của Việt Nam ở WTO, diễn ra vào tháng 9 năm 2013.

Tuy nhiên, trong thời gian qua việc thực thi cam kết trong một số ngành và phân ngành dịch vụ gặp những khó khăn nhất định, điển hình là việc hiểu và diễn giải cam kết của các Sở, các doanh nghiệp còn khác nhau và chưa nhất quán. Điều này chủ yếu là do cam kết WTO trong lĩnh vực dịch vụ tương đối phức tạp về mặt kỹ thuật. Đây không chỉ là vấn đề mà chỉ riêng Việt Nam mà nhiều thành viên WTO gặp phải trong quá trình thực hiện cam kết của mình.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa các cam kết gia nhập WTO, cần tập trung nâng cao năng lực của các cán bộ thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và WTO nói riêng. Việc hiểu rõ và chuyên sâu về các cam kết và quy định quốc tế sẽ giúp cho việc hoạch định và thực thi các chính sách pháp luật một cách hiệu quả và thiết thực hơn, giúp nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức do hội nhập đem lại, bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất trong nước và người tiêu dùng trong khi vẫn phù hợp với các nguyên tắc, quy định và cam kết quốc tế.

Ngoài ra, việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa trong nước cũng đóng vai trò quan trọng, giúp cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam có thể đứng vững và cạnh tranh được với doanh nghiệp và hàng hóa của nước ngoài khi Chính phủ thực hiện mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ theo lộ trình đã cam kết trong WTO.