Tóm tắt:

Công nghiệp văn hóa đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia, đóng góp đáng kể vào GDP và tạo ra việc làm chất lượng cao. Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa là rất lớn nhờ nền tảng văn hóa đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết đề xuất các giải pháp đồng bộ từ cơ chế tài chính, đào tạo nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đến hợp tác quốc tế, đồng thời nhấn mạnh vai trò kép của ngành: vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo tồn bản sắc dân tộc.

Từ khóa: công nghiệp văn hóa, phát triển bền vững, nguồn lực tài chính, nhân lực sáng tạo, công nghệ số, di sản văn hóa, hợp tác công-tư.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa đang dần nổi lên như một trụ cột chiến lược của phát triển kinh tế bền vững và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. UNESCO (2005) cho rằng: công nghiệp văn hóa bao gồm “các ngành sản xuất, phân phối sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang tính sáng tạo, có giá trị thương mại và bản sắc văn hóa” nhằm nhấn mạnh đến yếu tố sáng tạo và giá trị văn hóa đặc thù trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Tại Việt Nam, công nghiệp văn hóa đang phát triển đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Có thể kể đến các ngành chính, như: điện ảnh với sự phát triển của các phim truyện và phim tài liệu chất lượng cao; âm nhạc với sự phát triển của thị trường âm nhạc trực tuyến; nghệ thuật biểu diễn bao gồm sân khấu kịch, múa và các loại hình nghệ thuật truyền thống; xuất bản với sự chuyển đổi số mạnh mẽ; du lịch văn hóa gắn với các di sản; và thủ công mỹ nghệ với các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc.

Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn hóa, công nghiệp văn hóa còn liên kết chặt chẽ với công nghệ, dịch vụ và truyền thông, tạo ra giá trị kinh tế to lớn đồng thời góp phần khẳng định bản sắc dân tộc và tăng cường sức mạnh mềm của quốc gia. Trong những năm gần đây, phát triển công nghiệp văn hóa đã được xác định là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng, được cụ thể hóa trong nhiều chính sách và chiến lược quốc gia.

Vai trò của công nghiệp văn hóa không chỉ dừng lại ở đóng góp kinh tế. Công nghiệp văn hóa không chỉ là một ngành kinh tế đơn thuần, mà còn là cầu nối quan trọng giữa quá khứ và hiện tại, giữa bản sắc dân tộc và xu thế toàn cầu. Như đã nhận định trong báo cáo, ngành công nghiệp này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP mà còn đảm nhận sứ mệnh quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới, biến văn hóa thành “sức mạnh mềm” trong quan hệ quốc tế. Mỗi tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay lễ hội văn hóa đều trở thành những đại sứ văn hóa, mang theo thông điệp về một đất nước vừa giàu truyền thống, vừa năng động, sáng tạo.

Bên cạnh đó, công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn và phát huy di sản. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều giá trị truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một thì chính những sản phẩm văn hóa đương đại từ phim ảnh lấy cảm hứng từ sử thi, thời trang cách điệu từ trang phục cổ truyền, đến các ứng dụng công nghệ số hóa di tích đã “thổi hồn” vào di sản, khiến chúng trở nên gần gũi với thế hệ trẻ. Điều này đặc biệt ý nghĩa khi Việt Nam đang tích cực hội nhập, bởi lẽ một dân tộc chỉ có thể tự tin mở cửa khi giữ vững cốt cách riêng.

Thực tế thế giới đã chứng minh sức mạnh kép của công nghiệp văn hóa. Hàn Quốc là minh chứng rõ rệt nhất khi biến “làn sóng Hallyu” thành công cụ quyền lực: phim truyền hình và K-pop không chỉ đem về hàng tỷ USD, mà còn khiến thế giới yêu mến ẩm thực, ngôn ngữ và lối sống Hàn. Tương tự, Nhật Bản đã thành công trong việc biến manga, anime hay trà đạo thành những “mặt hàng” đặc trưng, vừa thúc đẩy du lịch, vừa khẳng định vị thế văn hóa. Thành công của họ cho thấy công nghiệp văn hóa hoàn toàn có thể song hành hai mục tiêu: vừa bảo tồn tinh hoa dân tộc, vừa tạo ra lợi nhuận khổng lồ.

Trong thế kỷ XXI, khi các ngành công nghiệp truyền thống đối mặt với giới hạn tài nguyên, công nghiệp văn hóa - với nguyên liệu chính là sự sáng tạo - trở thành “mỏ vàng” vô tận. Tuy nhiên, để thực sự phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, cần có một cách tiếp cận toàn diện, mang tính chiến lược và dựa trên nền tảng kinh tế chính trị vững chắc. Bài học từ các quốc gia đi trước nhắc nhở chúng ta rằng: đầu tư vào văn hóa không phải là chi phí, mà là khoản đầu tư sinh lời cả về vật chất lẫn tinh thần. Phát triển ngành công nghiệp này chính là chìa khóa để Việt Nam khẳng định vị thế, không chỉ là một nền kinh tế năng động, mà còn là một không gian văn hóa đậm đà bản sắc trong mắt bạn bè quốc tế.

2. Tình hình huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Trước hết, sự phát triển của công nghiệp văn hóa đã mang lại những kết quả rõ nét về kinh tế: đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP của Việt Nam đã tăng từ 2,44% vào năm 2010 lên 3,61% vào năm 2018 và tăng mạnh lên 6,02% vào năm 2019, đạt khoảng 4% và duy trì ổn định giai đoạn 2020-2023 (do ảnh hưởng của dịch Covid-19) và mục tiêu đạt 7% vào năm 2030, 8% vào năm 2035. Cũng trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm văn hóa tăng từ 493 triệu USD (2013) lên gần 2,5 tỷ USD (2019), phản ánh xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ và tiềm năng to lớn của lĩnh vực này trong nền kinh tế mở (Nguyễn Ngọc Hà & Phạm Kim Anh, 2022).

Tiếp theo, một số ngành công nghiệp văn hóa đã nổi bật trong việc tạo dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Ngành Điện ảnh đã vượt mức doanh thu 4.000 tỷ đồng năm 2019, phản ánh sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng văn hóa nội địa và sự vươn ra thị trường khu vực. Ngành Xuất bản, dù đối mặt với thách thức số hóa, vẫn đạt doanh thu gần 3.000 tỷ đồng vào năm 2021, với hơn 460 triệu bản sách được phát hành, góp phần định hình văn hóa đọc trong xã hội hiện đại (Cục Xuất bản, 2022).

Một điểm nổi bật khác là tác động xã hội sâu rộng của công nghiệp văn hóa. Các ngành công nghiệp sáng tạo đã tạo ra hàng triệu việc làm trên toàn quốc, không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà còn trong du lịch, dịch vụ, giáo dục và công nghệ. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, có hơn 3 triệu lao động đang làm việc trong các ngành liên quan đến sáng tạo và văn hóa. Cùng với đó, Việt Nam hiện có 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa và quảng bá hình ảnh đất nước (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2024).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, việc huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hoá vẫn còn thiên lệch và chưa toàn diện. Ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực này còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng chi ngân sách hàng năm. Đáng chú ý, phần lớn nguồn lực tài chính tập trung vào các dự án bảo tồn văn hóa truyền thống (chiếm tới 72%), trong khi các dự án mang tính thương mại hóa chỉ nhận được khoảng 28% tổng vốn đầu tư. Sự mất cân đối này khiến nhiều sản phẩm văn hóa dù có giá trị nghệ thuật cao nhưng khó có thể tự chủ về tài chính. Hiện nay, phần lớn nguồn lực vẫn tập trung vào khai thác các yếu tố vật thể như tài nguyên thiên nhiên, địa lý và lao động phổ thông. Trong khi đó, các nguồn lực phi vật thể như vốn tri thức, giá trị sáng tạo, tài sản trí tuệ và văn hóa bản địa chưa được định giá và tích hợp hiệu quả vào chiến lược phát triển kinh tế. Điều này dẫn tới việc ngành công nghiệp văn hoá chưa thể khai thác hết tiềm năng đóng góp vào giá trị gia tăng và đổi mới sáng tạo (Nguyễn Ngọc Hà & Phạm Kim Anh, 2022).

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp văn hoá còn hạn chế và thiếu hụt nghiêm trọng. Hiện nay, chỉ có hơn 11.000 sinh viên tuyển sinh vào các ngành văn hóa - nghệ thuật, giảm mạnh so với những năm trước (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2020). Tỷ lệ lao động được đào tạo bài bản về nghệ thuật, sáng tạo và quản lý văn hóa còn thấp, trong khi nhu cầu về kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ và hiểu biết thị trường toàn cầu ngày càng cao. Có một khoảng cách lớn giữa đào tạo và nhu cầu thực tế. Cụ thể, có tới 83% sinh viên ngành văn hóa nghệ thuật cho biết chương trình đào tạo chưa cập nhật các kỹ năng số cần thiết như thiết kế đồ họa 3D (chỉ 12% được đào tạo) hay quản lý bản quyền số (chỉ 8% được trang bị). Hậu quả là nhiều cử nhân phải mất ít nhất 6 tháng đến 1 năm để đáp ứng được yêu cầu công việc tại các doanh nghiệp văn hóa (Đại học Văn hóa Hà Nội, 2022). Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt đội ngũ sáng tạo và quản lý văn hóa chuyên nghiệp, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa.

Thứ ba, cơ chế tài chính và đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa vẫn chưa phù hợp với đặc thù ngành. Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng chi ngân sách cho văn hóa thường chỉ chiếm dưới 1% tổng chi ngân sách quốc gia, một con số rất thấp so với các nước phát triển. Mặt khác, khung pháp lý về thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, chưa có các chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia. Các hình thức hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa còn mang tính thử nghiệm, thiếu mô hình thành công cụ thể.

Thứ tư, sự phối hợp giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Dù Việt Nam có nhiều tiềm năng nội sinh từ di sản, nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo, nhưng vẫn chưa có cơ chế hiệu quả để tích hợp với các nguồn lực từ bên ngoài như vốn FDI, công nghệ cao hay quản trị hiện đại. Điều này khiến công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển thiếu chiều sâu, dễ bị lệ thuộc vào thị trường quốc tế và mất đi bản sắc trong cạnh tranh toàn cầu.

Thứ năm, ứng dụng khoa học công nghệ đã chỉ ra Việt Nam đang tụt hậu khoảng 3-5 năm so với các nước trong khu vực về áp dụng AI và VR trong lĩnh vực văn hóa. Cụ thể, chỉ 25% bảo tàng có ứng dụng thực tế ảo, trong khi tỷ lệ này ở Singapore là 85%. Sự chậm trễ này đang làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm văn hóa Việt trên thị trường quốc tế, (McKinsey, 2023).

Thứ sáu, kết cấu hạ tầng phục vụ công nghiệp văn hóa cũng đang là điểm nghẽn lớn. Số liệu cho thấy, 65% các công trình văn hóa có tuổi đời trên 30 năm, trong đó 42% cần được tu sửa khẩn cấp. Đáng báo động hơn, cả nước hiện chỉ có khoảng 15 không gian sáng tạo đạt chuẩn quốc tế, còn quá ít so với nhu cầu của cộng đồng nghệ sĩ và công chúng, (Bộ Xây dựng, 2020).

Thứ bảy, khu vực tư nhân cũng chưa thực sự mặn mà với lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Trong số hơn 500 startup được khảo sát, chỉ có 15% có thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Nguyên nhân chính được xác định do thiếu cơ chế bảo lãnh rủi ro từ phía nhà nước (chiếm 68% ý kiến doanh nghiệp) và thủ tục pháp lý phức tạp (chiếm 57%). Điều này khiến nhiều ý tưởng sáng tạo tiềm năng không thể hiện thực hóa (Báo cáo của Forbes Việt Nam, 2023).

3. Gợi ý một số giải pháp huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Trước tiên, cần hoàn thiện thể chế và quy hoạch nguồn lực phát triển công nghiệp văn hoá một cách chiến lược và đồng bộ. Về hoàn thiện thể chế, việc xây dựng Luật Công nghiệp Văn hóa cần học hỏi kinh nghiệm Hàn Quốc với 5 trụ cột chính: (1) bảo vệ bản quyền số, (2) ưu đãi thuế theo cấp độ sáng tạo, (3) quy chuẩn chất lượng sản phẩm, (4) tiêu chuẩn nghệ sĩ quốc tế, và (5) cơ chế giám sát đa bên. Ủy ban Quốc gia về Công nghiệp Văn hóa nên được tổ chức theo mô hình của Hàn Quốc với 4 ban chuyên môn: chính sách, đầu tư, đào tạo và công nghệ, hoạt động độc lập nhưng phối hợp chặt với các bộ ngành liên quan. Việc xây dựng khung pháp lý minh bạch, hiệu quả về quản lý, sở hữu và khai thác tài sản văn hóa là điều kiện tiên quyết. Cần tích hợp quy hoạch không gian sáng tạo quốc gia vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở trung ương và địa phương, từ đó tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp văn hoá phát triển trên cơ sở năng lực và lợi thế riêng của từng vùng, miền (Nguyễn Ngọc Hà & Phạm Kim Anh, 2022).

Tiếp theo, cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ cần xây dựng chiến lược quốc gia về đào tạo nhân lực văn hóa, bao gồm cả đào tạo chuyên sâu và đào tạo lại cho các đối tượng chuyển đổi nghề. Nên tăng cường hợp tác quốc tế với các trung tâm sáng tạo lớn trên thế giới như Seoul, Tokyo, London để trao đổi chuyên gia, học bổng và chuyển giao chương trình đào tạo. Đồng thời, chính sách đãi ngộ cho nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà sáng tạo cần được cải thiện theo hướng tạo động lực đổi mới và phát triển lâu dài.

Một giải pháp quan trọng khác là đổi mới cơ chế tài chính và huy động vốn đầu tư. Cần thiết kế gói chính sách tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, bao gồm ưu đãi thuế, tín dụng sáng tạo, bảo lãnh đầu tư, và phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm văn hóa. Đồng thời, cần xây dựng mô hình hợp tác công - tư khả thi, minh bạch và hiệu quả trong phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa, bảo tồn di sản và phát triển sản phẩm văn hóa.

Bên cạnh đó, khai thác các tài sản văn hóa phi vật thể cần được coi là một trọng tâm. Cần xây dựng hệ thống định giá tài sản trí tuệ văn hóa, cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản phi vật thể và khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm dựa trên di sản văn hóa địa phương. Ứng dụng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, blockchain, thực tế ảo… sẽ mở ra nhiều không gian sáng tạo và hình thức sản phẩm mới có thể xuất khẩu toàn cầu.

Cuối cùng, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp văn hóa là yếu tố không thể thiếu. Việt Nam nên tích cực tham gia các chương trình của UNESCO, ASEAN, APEC về sáng tạo văn hóa, thúc đẩy ngoại giao văn hóa thông qua mạng lưới Việt kiều, trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng cần đi kèm các điều khoản bảo vệ và phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong nước. Đồng thời, triển khai hợp tác công nghệ với các tập đoàn đa quốc gia cần tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên: (1) sản xuất phim tài liệu di sản (hợp tác với Netflix), (2) phát triển nền tảng nghệ thuật số (với Meta), và (3) ứng dụng AI trong bảo tồn di sản (phối hợp với Google). Các dự án này cần đặt mục tiêu thu hút ít nhất 30 triệu USD đầu tư trực tiếp nước ngoài mỗi năm.

4. Kết luận

Như vậy, phát triển công nghiệp văn hóa là một định hướng chiến lược đúng đắn của Việt Nam trong thời đại hội nhập và kinh tế tri thức. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có cách tiếp cận toàn diện, từ thể chế, nguồn lực, nhân lực đến tài chính và hợp tác quốc tế. Trên cơ sở đó, việc phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế, mà còn củng cố bản sắc văn hóa, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững toàn diện./.

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Ngọc Hà, Phạm Kim Anh (2022), Phát huy hiệu quả các nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, ngày 4/12/2022.

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2018), Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Hà Nội.

Cục Xuất bản, In và Phát hành (2022), Báo cáo tổng kết năm 2021.

Báo cáo Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, ngày 24/11/2021.

Bộ Tài chính (2023), Thống kê chi ngân sách văn hóa, truy cập tại https://www.mof.gov.vn

Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Niên giám giáo dục đại học và cao đẳng toàn quốc.

Đại học Văn hóa Hà Nội (2022), Khảo sát kỹ năng số trong chương trình đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật.

Forbes Việt Nam, (2023), Báo cáo về khả năng tiếp cận vốn đầu tư của các startup trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

UNESCO (2023), Vietnam's Intangible Cultural Heritage, Available at https://ich.unesco.org

 Cultural industries to contribute significantly to economic growth (2024), Available at https://en.vietnamplus.vn/cultural-industries-to-contribute-significantly-to-economic-growth-post290434.vnp

 

Enhancing resource mobilization and utilization for the development of Vietnam’s cultural industry

Nguyen Thi Huong

Phu Tho Provincial People's Committee Office

Abstract:

The cultural industry is emerging as a strategic economic sector globally, contributing significantly to GDP growth and the creation of high-quality employment. In Vietnam, the development potential of this sector is substantial, driven by the country's diverse and rich cultural heritage. However, the effective mobilization and utilization of resources remain limited, hindering its growth. This study examines the current challenges and proposes comprehensive solutions, including reforming financial mechanisms, improving human resource training, modernizing infrastructure, and fostering international cooperation. It also highlights the dual role of the cultural industry in both driving economic development and preserving national cultural identity, underscoring its importance in Vietnam's long-term development strategy.

Keywords: cultural industry, sustainable development, financial resources, creative human resources, digital technology, cultural heritage, public-private partnership.