TÓM TẮT:

Ngân hàng thương mại cổ phần là loại hình ngân hàng xuất hiện đầu tiên và phổ biến nhất hiện nay. Đây là tổ chức nhận tiền gửi (depository institutions) đóng vai trò là trung gian tài chính huy động tiền nhàn rỗi thông qua các dịch vụ nhận tiền gửi rồi cung cấp cho những chủ thể cần vốn chủ yếu dưới hình thức các khoản vay trực tiếp. Các ngân hàng thương mại cổ phần huy động vốn chủ yếu dưới dạng: Tiền gửi thanh toán (checkable deposits), tiền gửi tiết kiệm (saving deposits), tiền gửi có kỳ hạn (time deposits). Vốn huy động được dùng để cho vay: Cho vay thương mại (commercial loans), cho vay tiêu dùng (consumer loans), cho vay bất động sản (mortage loans) và để mua chứng khoán chính phủ, trái phiếu của chính quyền địa phương. Ngân hàng thương mại dù ở quốc gia nào cũng đều là nhóm trung gian tài chính lớn nhất, và cũng là trung gian tài chính mà các chủ thể kinh tế giao dịch thường xuyên nhất.

Từ khóa: Ngân hàng thương mại cổ phần, quản trị ngân hàng, hiệu quả, chất lượng, pháp lý.

1. Đặt vấn đề

Trong thời gian qua, giá trị đạo đức và kỷ luật thị trường trong hệ thống ngân hàng thương mại nói chung ngày càng có nhiều vấn đề xuống cấp nghiêm trọng. Hàng loạt các vụ án hình sự rất nghiêm trọng xảy ra trên phạm vi cả nước liên quan đến quản trị ngân hàng làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, bên cạnh đó nợ xấu tăng cao dẫn đến khả năng cạn kiệt vốn kinh doanh làm ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn hệ thống ngân hàng thương mại và chính sách tiền tệ Quốc gia. Phải nói rằng, ở bất cứ nền kinh tế nào, quản trị nói chung và quản trị ngân hàng nói riêng luôn có tầm quan trọng đặc biệt và là chìa khóa để giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược của mình, bảo đảm sự phát triển bền vững. Song, thực tiễn quản trị ngân hàng ở Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ không ít những hạn chế mà nếu không khắc phục được thì các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

2. Những nguyên nhân

2.1. Thiếu khuôn khổ cho hoạt động quản trị

Có một sự thật khá trớ trêu là từ trước tới nay, Bộ luật liên quan trực tiếp tới các hoạt động tín dụng, hay tổ chức tín dụng lại không hề có mục nào đề cập cụ thể tới các vấn đề tổ chức và quản trị. Kể cả khi Luật Doanh nghiệp 2014 mới được sửa đổi, vấn đề về quản trị doanh nghiệp của ngân hàng thương mại dường như vẫn bỏ ngỏ. Thực tế, trong suốt thời gian qua, vẫn thiếu hẳn một hệ thống luật đầy đủ trong công tác quản lý tổ chức và quản trị. Không có luật, ngân hàng thương mại phải dựa vào các nghị định để tự xây dựng cơ chế quản trị. Đánh giá của giới luật sư cho thấy, bất chấp việc Việt Nam đã cho ra đời hàng loạt những bộ luật mới để chuẩn bị cho giai đoạn chính thức hòa nhập kinh tế quốc tế, nhưng các văn bản pháp lý về tổ chức, quản trị ngân hàng thương mại vẫn không thay đổi, thậm chí có một số điểm không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trong hoạt động của ngân hàng thương mại. Trong khi đó, điểm yếu của hệ thống ngân hàng thương mạiViệt Nam chính là nguồn vốn điều lệ còn quá thấp, nguồn nhân lực, cán bộ nhân viên được đào tạo nhiều nhưng chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Xu hướng sử dụng người tài và đãi ngộ tương xứng vẫn trên lý thuyết.

2.2. Mô hình quản trị điều hành chưa hợp lý

Mô hình tổ chức và quản lý hiện tại được phân biệt chủ yếu theo chức năng với hai cơ cấu quyền lực là cấp quản trị điều hành và cấp quản lý kinh doanh. Dù luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của hội đồng quản trị và ban điều hành, nhưng trong thực tế việc chồng chéo, lấn sân, thậm chí lấn át vẫn xảy ra ở nhiều ngân hàng khiến cho hệ thống ra quyết định phức tạp thiếu minh bạch, chưa tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát điều hành ngân hàng, đặc biệt là ở các ngân hàng thương mại do Nhà nước là chủ sở hữu. Thành phần và cơ cấu hội đồng quản trị của nhiều ngân hàng thương mại còn bất cập, quan hệ giữa hội đồng quản trị và ban điều hành không mấy gắn kết, vai trò của các ủy ban hội đồng thuộc hội đồng quản trịmờ nhạt, trách nhiệm của các ủy viên hội đồng quản trị không rõ ràng. Nếu khảo sát về mức độ tham gia của hội đồng quản trị các ngân hàng thương mại ở Việt Nam vào việc điều hành bắt đầu từ mức tham gia thụ động cho đến mức độ cuối cùng là điều hành thì nhiều ngân hàng thương mại tỏ ra ở mức độ can thiệp. Hội đồng quản trị thường can thiệp vào việc điều hành qua sự yêu cầu trực tiếp hay gián tiếp của Ban điều hành.

2.3. Ban kiểm soát nội bộ

Theo quy định, Ban kiểm soát là bộ phận độc lập có chức năng giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức tín dụng, chịu trách nhiệm trước hội đồng cổ đông, chủ sở hữu và thành viên góp vốn. Nhưng đại hội cổ đông thì một năm mới họp một lần, nên hoạt động thường xuyên của ban kiểm soát thụ động không có sự chỉ đạo. Tại nhiều ngân hàng, các giải pháp quản trị rủi ro đã được đưa ra, nhưng việc áp dụng còn chưa triệt để. Có những cổ đông sáng lập, cổ đông lớn thường cảm thấy có trách nhiệm với sự sống còn của ngân hàng mình nên thường dành quyền kiểm soát tuyệt đối, không những trong vấn đề liên quan đến chiến lược và định hướng mà ngay cả những quyết định quan trọng thuộc thẩm quyền của ban điều hành. Trên thực tế ở một số ngân hàng, ban kiểm soát thay vì đại diện cho đại hội cổ đông lại thường trở thành đồng minh cho hội đồng quản trị và ban điều hành. Một trong những nguyên tắc quản trị ngân hàng thương mại là ngân hàng phải được quản trị theo cách minh bạch mà vai trò quyết định quan trọng là do ban kiểm soát. Tuy nhiên, tại nhiều ngân hàng thương mại, ban kiểm soát chưa báo cáo và công bố thông tin, minh bạch cho công chúng và nhà đầu tư.

2.4. Vấn đề quản trị nội bộ

Quản trị nội bộ ngân hàng là một vấn đề rất cấp thiết hiện nay. Quản trị nội bộ bao gồm nhiều mảng liên quan từ quản trị nguồn nhân lực, quản trị tài chính đến quản trị khách hàng, quản trị rủi ro, quản trị thương hiệu, quản trị thị trường...

Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả muốn chia sẻ ở một góc độ khác, đó là tính giá trị của quản trị ngân hàng.

Một trong những nguyên tắc cao nhất trong hoạt động ngân hàng là phải thượng tôn pháp luật, hay nói gọn là đúng luật. Từ hội đồng quản trị đến nhân viên thừa hành các cấp phải tôn trọng, tuân thủ luật pháp và các quy chế, quy định của ngành. Bên cạnh đó, mỗi người khi bước chân vào ngân hàng đều phải tuân thủ triệt để nội quy lao động, trong đó có quy định khen thưởng, kỷ luật, trách nhiệm và nghĩa vụ cụ thể. Tuy nhiên, dù có bao nhiêu quy định đi nữa vẫn không thể kiểm soát hết mọi hành vi nếu đạo đức nghề nghiệp không được xem là văn hóa doanh nghiệp trong kinh doanh ngân hàng.

Vì đây là một ý tưởng hiện đại đổi mới cấp cao, nên chúng tôi mạnh dạn đưa vào để nghiên cứu nhằm giúp các ngân hàng thương mại cổ phần đạt được chất lượng hiệu quả cao nhất. Để đánh giá kết quả của ý tưởng này hiện tại chưa có ngân hàng quốc gia nào làm đề tài nghiên cứu tương tự nên không có số liệu cụ thể để so sánh.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, cá nhân được sở hữu không quá 5% (năm phần trăm) cổ phiếu một ngân hàng. Cá nhân và người có liên quan nắm giữ không quá 20%. Do đó, trường hợp sở hữu vượt tỉ lệ cho phép, dự thảo Thông tư yêu cầu xử lý trong thời hạn 30 ngày. Theo số liệu thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, có 5 ngân hàng có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ 5% vốn điều lệ, 5 ngân hàng có tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ 15% vốn điều lệ, 8 ngân hàng có tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ 20% vốn điều lệ. Từ những trích dẫn trên ta thấy đây chính là cốt lõi mà các nhà lãnh đạo quản trị cao cấp sẽ lách luật khi thực hiện. Chính vì thế, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc quản trị của các ngân hàng và giám sát thật chặt chẽ ngay từ đầu. Thường xuyên theo dõi các hoạt động sang nhượng, mua bán Tài chính - Ngân hàng, đồng thời đưa ra những biện pháp, xử lý cương quyết các hành vi sai phạm.

Việc nâng cao giá tri đạo đức lãnh đạo quản trị tại các ngân hàng thương mại cổ phần không những tác động to lớn đến các giá trị và uy tín của ngân hàng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam. Nếu lãnh đạo quản trị tốt và có đạo đức trong kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy sự quản trị ngân hàng trong nước ngang tầm với các ngân hàng trong khu vực và quốc tế.

Trong trường hợp hoạt động quản trịngân hàng không rõ ràng, một số nguồn thông tin Tài chính - Ngân hàng mang tính chất ảo sẽ khó đánh giá hiệu quả chất lượng hoạt động của các ngân hàng, đồng thời sẽ xảy ra rủi ro lớn, dễ đi đến phá sản và kéo theo sự lạm phát của nền kinh tế đất nước. Do đó, việc quản trị ngân hàng thương mại cổ phần bắt buộc phải luôn đổi mới, nâng cao hiệu quả để chất lượng ngân hàng tốt hơn. Những ngân hàng minh bạch trong quản trị sẽ tạo được giá trị riêng, có uy tín cao đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài đặt tại Việt Nam, các ngân hàng trong khu vực và quốc tế.

Việc nâng cao các giải pháp quản trị là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, đồng thời cũng giúp các nhà quản trị ngân hàng tiến hành thực hiện mục tiêu chiến lược của mình.

Ở các nước, CEO quản trị là hoạt động cấp cao và chịu trách nhiệm toàn bộ hệ thống chức năng của ngân hàng. Riêng ở nước ta, cấp lãnh đạo quản trị chủ yếu là quyền lực quản trị điều hành, không chú trọng vào việc tìm các giải pháp chiến lược mục tiêu trung - dài hạn, và chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực có tầm vĩ mô để kịp đáp ứng các yêu cầu khi hội nhập khu vực, WTO…

Quản trị ngân hàng thương mại cổ phần chưa được phân cấp rõ ràng, chưa kịp thời nắm bắt thông tin trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời không đủ trình độ kiểm tra, kiểm soát các mục tiêu, chiến lược dài hạn và các quyết định phòng ngừa rủi ro khi nền kinh tế trong và ngoài nước bị khủng hoảng. Các nhà quản trị ở nước ta chỉ biết tham gia sâu vào hoạt động thường ngày, những hoạt động nhỏ ở cấp quản lý thấp. Đây là hạn chế rất lớn về cấu trúc của nhà quản trị ở các ngân hàng thương mại cổ phần. Chính vì thế, đòi hỏi các nhà quản trị ngân hàng phải không ngừng học hỏi, rèn luyện nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để đưa việc quản trị ngân hàng ngang tầm khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến định hướng phát triển sao cho phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước.

3. Một số giải pháp

Thứ nhất, cần tăng cường đào tạo, phổ biến, truyền bá để nâng cao nhận thức về sự cần thiết và ý nghĩa của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vì chính quyền lợi của tổ chức, các bộ phận và cá nhân chứ không phải vì sức ép từ bên ngoài. Lãnh đạo cấp cao và trưởng các bộ phận phải là nhân tố thể hiện sự cam kết cao nhất đối với việc kiên trì duy trì và thực thi hệ thống quản lý chất lượng, đồng thời phải tạo sự lan tỏa tới các cấp dưới và cán bộ nhân viên thuộc đơn vị mình để cùng hướng tới mục đích thiết lập, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng, coi chất lượng dịch vụ là điều kiện sống còn của các ngân hàng trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. Quy tắc đầu tiên ngân hàng bắt buộc nhân viên phải ghi nhớ là tuân thủ quy định pháp luật và chính sách của ngân hàng. Tất cả nhân viên dù mới hay cũ, dù ở vị trí cao hay thấp đều phải hiểu và tuân thủ pháp luật. Bất kỳ một hành vi tác nghiệp nào cũng cần chú ý đến yếu tố rủi ro pháp lý. Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập, nhân viên còn bắt buộc phải hiểu và tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn và thông lệ quốc tế liên quan hoạt động ngân hàng, mà cụ thể là những gì liên quan đến chức trách công việc được giao. Nhân viên khi làm việc phải đảm bảo năng lực chuyên môn và tinh thần làm việc thận trọng. Nhân viên ngân hàng phải tự rèn luyện kỹ năng chuyên môn lẫn kiến thức pháp luật để làm đúng cho mình và tư vấn đúng cho khách hàng. Trường hợp hạn chế năng lực hoặc kiến thức thì nhân viên phải báo cáo lãnh đạo kịp thời để đưa ra phương thức tư vấn phù hợp, bởi rủi ro của khách hàng cũng là rủi ro của ngân hàng.

Thứ hai, cần thành lập bộ phận chuyên trách làm đầu mối triển khai, duy trì và kiểm soát hệ thống quản lý chất lượng tại hội sở của mỗi ngân hàng với đầy đủ 3 chức năng độc lập; đồng thời, thiết lập đầu mối đại diện chất lượng ở tất cả các đơn vị thành viên trong hệ thống nhằm tạo ra sự đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng trong các hoạt động triển khai, đánh giá, cung cấp thông tin. Việc đánh giá rà soát các chỉ tiêu chất lượng phải được tiến hành hàng năm với lộ trình cải thiện chất lượng rõ ràng, công khai, minh bạch, tạo thói quen chuyên nghiệp trong xử lý các hoạt động nghiệp vụ và chấp hành quy trình quy chế một cách nghiêm túc, giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra do lỗi tuân thủ. Ngoài ra, ngân hàng còn yêu cầu nhân viên phải minh bạch thông tin và trách nhiệm báo cáo đầy đủ để kịp thời điều chỉnh hay ngăn chặn các hành vi có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Ngân hàng cũng không quên yêu cầu thực hiện quy tắc tránh xung đột quyền lợi trong công việc, vì nếu nhân viên có những lợi ích bên ngoài rất dễ tạo xung đột lợi ích nội bộ, lâu ngày sẽ phá vỡ tính thống nhất cũng như tạo ra những rủi ro tiềm ẩn.

Thứ ba, quy tắc đạo đức nghề nghiệp không chỉ ban hành như khẩu hiệu mà luôn được nhắc đi, nhắc lại trong mọi tình huống thông qua các thông điệp thường xuyên của lãnh đạo. Từ những nhận thức cơ bản ban đầu về pháp luật lâu dần sẽ trở thành ý thức tự giác của mỗi nhân viên và họ hiểu rằng tuân thủ pháp luật không chỉ bảo vệ một chỗ làm việc tốt cho họ, mà còn bảo vệ cho chính những người thân trong lâu dài.

Thứ tư, coi trọng các khâu chất lượng dịch vụ nội bộ song song với việc thường xuyên nhận diện đo lường sự hài lòng của khách hàng bên ngoài đồng thời chú trọng khâu giải quyết khiếu nại của khách hàng. Hầu hết các ngân hàng hiện nay mới chỉ chú trọng đáp ứng sự hài lòng của khách hàng bên ngoài mà ít chú ý đến sự hài lòng của khách hàng nội bộ.

Thứ năm, cần đa dạng hóa các công cụ và triết lý quản lý chất lượng ở các cấp độ khác nhau nhằm phát huy tối đa và toàn diện các khâu công việc và lĩnh vực hoạt động không để xảy ra các lỗ hổng pháp lý, an ninh và quy trình nghiệp vụ…

Thứ sáu, nhân viên tránh lạm dụng chức quyền và tư lợi khi được giao nhiệm vụ, vì đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm kỷ luật. Điều này thể hiện khá rỏ nét trong các vụ trọng án vừa qua, phần lớn xuất phát từ việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn và lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Vì vậy, lãnh đạo cấp cao của ngân hàng như hội đồng quản trị, tổng giám đốc và các vị trí quyết định kinh doanh được đặc biệt lưu ý và yêu cầu chuẩn mực thi hành quy tắc này. Thậm chí ngân hàng còn khuyến cáo nhân viên lưu ý các trường hợp bị lạm dụng hay bị tác động qua người thân trong một số tình huống nhạy cảm có ảnh hưởng đến kinh doanh. Một quy tắc khác không kém phần quan trọng các ngân hàng cần lưu ý nhân viên là quy tắc các thái độ và hành vi khi làm việc, theo đó yêu cầu dù phạm vi bên trong hay bên ngoài ngân hàng, mỗi nhân viên phải kiểm soát được ý thức và hành vi cá nhân để không làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và hình ảnh ngân hàng.

4. Kết luận

Tóm lại, hệ thống quản trị trong ngân hàng thương mại là một hệ thống tổng hợp và bao trùm mọi khía cạnh, mọi khâu của quá trình cung cấp dịch vụ cả bên trong và bên ngoài. Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng với các công cụ phù hợp là điều kiện đảm bảo phần lớn sự thành công trong kinh doanh và sự phát triển bền vững trong dài hạn, tránh được những cú sốc rủi ro có thể làm tiêu tan sự nghiệp của một ngân hàng. Thực tế cho thấy, ngân hàng nào triển khai và duy trì tốt hệ thống quản trị thì ngân hàng đó luôn phát triển và đứng vững ngay cả khi thị trường có những biến động xấu nhất. Ngươc lại, ngân hàng nào coi nhẹ việc duy trì hệ thống quản lý và bảo đảm chất lượng sẽ gặp những biến cố bất ngờ và kết quả khó lường ngay cả trong điều kiện kinh doanh bình thường nhất. Kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng vốn dĩ phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không có các công cụ quản lý hữu hiệu sẽ không làm chủ được tình hình và ứng phó thành công đưa tổ chức phát triển một cách bền vững. Ở bất cứ đâu trên toàn thế giới việc nâng cao chất lượng giá trị đạo đức quản trị ngân hàng là một giải pháp rất hữu hiệu và quan trọng để củng cố toàn bộ hệ thống ngân hàng đi đến sự phát triển an toàn, hiệu quả như kinh tế phát triển ở đất nước chúng ta. Để đạt được hiệu quả chất lượng tính cách giá trị đạo đức quản trị yếu tố then chốt cần đẩy mạnh là việc chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng. Tiến trình đổi mới công tác quản trị phải được làm ngay và triển khai quyết liệt có tính kỷ luật cao và đúng theo pháp luật thực thi thì ngành Ngân hàng mới có được uy thế trên thị trường quốc tế. Các ngân hàng thương mại cổ phần cần phải nâng cao hiệu quả chất lượng quản trị để kiểm tra, kiểm soát được bên trong lẫn bên ngoài ngân hàng, đồng thời luôn luôn áp dụng hệ thống thông tin phần mềm dữ liệu hiện đại để dự đoán được những tiềm ẩn rủi ro, kịp thời đưa ra các biện pháp cấp thiết để ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra và tạo điều kiện cho nhân viên phát huy tính sáng tạo, vận dụng nó vào thực tế để đạt được kết quả cao trong công việc.

Từ những phân tích trên cho chúng ta thấy tương lai của toàn hệ thống ngân hàng và hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần muốn phát triển cần đẩy mạnh và mở rộng qui mô về mặt tính cách giá trị đạo đức quản trị, xây dựng chiến lược, mục tiêu rõ ràng theo các chuẩn mực quốc tế, kết hợp cả bên trong lẫn bên ngoài từ ngân hàng thương mại cổ phần và Ngân hàng Nhà nước cùng Chính phủ, để nền kinh tế đất nước luôn phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Nâng cao năng lực quản trị rủi ro các ngân hàng thương mại Việt Nam), NXB Phương Đông.

2. Lê Văn Tư (Quản trị ngân hàngthương mại), 2005 NXB Tài chính.

3. Các website, trang web… liên quan đến ngân hàng thương mại cổ phần.

SOLUTIONS TO IMPROVE THE QUALITY OF COMMERCIAL JOINT STOCK COMMERCIAL BANKS FROM A LEGAL PERSPECTIVE

PhD. DANG CONG TRANG

Faculty of Law - Industrial University of Ho Chi Minh City

PhD. HO HUU TUAN

Industrial University of Ho Chi Minh City

Post Graduate Student TRAN VU HOANG LONG

University of Economics and Law Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Joint stock commercial banks are the first and most popular form of banks. These are depository institutions that act as financial intermediaries to mobilize idle money through services. Receipts are then provided to those who need capital primarily in the form of direct loans. Joint-stock commercial banks mobilize capital mainly in the form of checkable deposits, savings deposits, time deposits. Mobilized capital is used for lending: commercial loans, consumer loans, mortgages and buying government bonds. Commercial banks in any country are the largest and most frequent financial intermediaries that are traded by economic agents.

Keywords: Commercial joint stock banks, banking management, efficiency, quality, legal.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây