TÓM TẮT:

Nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trong hoạt động thương mại có ý nghĩa quan trọng giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đảm bảo ATTP ở hoạt động thương mại, trong đó có việc hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi pháp luật về ATTP trong hoạt động thương mại còn tồn tại một số hạn chế, dẫn đến hiệu quả thực hiện các quy định pháp luật này còn thấp. Vì vậy, việc đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về ATTP trong hoạt động thương mại có ý nghĩa quan trọng, nhất là vào giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Từ khóa: An toàn thực phẩm, thực hiện pháp luật, hoạt động thương mại.

1. Đánh giá về tình hình thực hiện pháp luật về ATTP trong hoạt động thương mại ở Việt Nam giai đoạn 2011-2016

Thời gian qua, việc thực hiện pháp luật về ATTP trong hoạt động thương mại đạt được một số kết quả tích cực như sau: Công tác chỉ đạothực hiện pháp luật về ATTP nói chung và pháp luật về ATTP trong hoạt động thương mại nói riêng được thực hiện nghiêm túc; Công tác thi hành pháp luật về ATTP trong hoạt động thương mại đạt được những kết quả khả quan; Công tác quản lý ATTP trong hoạt động xuất khẩu hàng thực phẩm đạt được những tiến bộ đáng kể, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu hàng thực phẩm của nước ta; Công tác quản lý ATTP trong hoạt động nhập khẩu đạt được nhiều kết quả đáng kể, góp phần hạn chế sự xâm nhập của thực phẩm không đảm bảo ATTP vào nước ta; Hoạt động thông tin, quảng cáo thực phẩm đã được triển khai thực hiện tương đối nghiêm túc; Việc kiểm nghiệm thực phẩm, kiểm soát các nguy cơ gây mất ATTP có nhiều tiến bộ; Việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP đã được triển khai tương đối đồng bộ và quyết liệt, nghiêm minh hơn trước.

Bên cạnh đó, việc thực hiện pháp luật về ATTP trong hoạt động thương mại ở Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế như: Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quản lý ATTP của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên; Hàng nhập khẩu tiểu ngạch, hàng buôn lậu qua biên giới vẫn diễn ra, rất khó kiểm soát; Số lượng hàng hóa vi phạm quy định về ATTP khi xuất khẩu còn cao; Số lượng cơ sở thực phẩm được kiểm soát, đủ điều kiện, kinh doanh chiếm tỷ lệ còn thấp; Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; Xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe; Công tác quản lý ATTP trong hoạt động kinh doanh vẫn tồn tại nhiều bất cập, thiếu hiệu quả; Công tác giáo dục, tuyên truyền về pháp luật ATTP chưa đạt được kết quả cao; Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại thực phẩm chưa được chú trọng đúng mức.

2. Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trong thực hiện pháp luật về ATTP trong hoạt động thương mại ở Việt Nam

Sự tồn tại, hạn chế trong thực hiện pháp luật về ATTP trong hoạt động thương mại như trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên những nguyên nhân chủ yếu được xác định như sau:

- Nhận thức trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATTP trong hoạt động thương mại nên sự chỉ đạo còn thiếu kiên quyết và sát sao. Lãnh đạo của các Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP từ Trung ương đến địa phương hầu hết là kiêm nhiệm.

- Đầu tư cho công tác quản lý ATTP nói chung còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Ngân sách cho quản lý ATTP chưa được tách thành mục riêng trong chi ngân sách, lại phân tán trong nhiều nhiệm vụ chi khác nhau ở nhiều bộ, ngành nên công tác quản lý ATTP thiếu tính đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

- Phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ việc kiểm soát ATTP trong hoạt động thương mại còn thiếu và lạc hậu; trình độ cán bộ chuyên môn và năng lực phân tích của các phòng thử nghiệm trong nước còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, vẫn còn phải thuê phòng thử nghiệm ở nước ngoài phân tích đối với một số chỉ tiêu phân tích hóa chất độc hại trong thực phẩm.

- Lực lượng cán bộ quản lý ATTP còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Lực lượng thanh tra hiện còn quá mỏng, đặc biệt là so với các nước khu vực châu Á như: Bắc Kinh, Trung Quốc có trên 5.000 thanh tra viên ATTP, Nhật Bản có trên 12.000 thanh tra viên ATTP. Trong khi ở nước ta có khoảng trên 1.000 người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP (vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác).

- Do công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật còn chưa được chú trọng nên có tình trạng, cán bộ, công chức thực thi pháp luật không biết có văn bản mới để triển khai thực hiện; nhiều địa phương, việc áp dụng văn bản pháp luật còn ở tình trạng chờ đợi cấp trên phổ biến, hướng dẫn rồi mới “chính thức” triển khai.

- Do phát triển từ một nền kinh tế nông nghiệp, quy mô sản xuất, kinh doanh còn nhỏ lẻ, chủ yếu quy mô hộ gia đình; số doanh nghiệp sản xuất quy mô công nghiệp còn chiếm tỷ trọng thấp trong khi các quy định quản lý lại quy định theo hướng “cào bằng” nên việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, tập quán ăn uống, trình độ dân trí, mức thu nhập người dân còn chưa cao nên việc bảo đảm ATTP còn gặp nhiều khó khăn.

- Việc bảo vệ môi trường còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nên môi trường nói chung và môi trường đất, nước để trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nói riêng ngày càng bị ô nhiễm. Mặt khác, công tác quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm còn chậm nên việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, áp lực của việc nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng cũng làm tăng việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất thực phẩm..

- Hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng giao lưu thương mại hàng hóa kéo theo sự gia tăng số lượng hàng hóa thực phẩm trong khi năng lực của cơ quan quản lý nhà nước còn chưa theo kịp nên việc kiểm soát hàng hóa thực phẩm nhập khẩu còn rất khó khăn, đặc biệt là thực phẩm nhập lậu qua biên giới.

3. Một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại ở Việt Nam

3.1. Kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy quản lý ATTP trong hoạt động thương mại

Năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP là yếu tố quyết định hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP. Chính vì vậy, muốn nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý ATTP trong hoạt động thương mại, trước hết phải kiện toàn và nâng cao năng lực của các cơ quan này.

- Cần tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về ATTP nói chung. Cụ thể là tập trung kiện toàn Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản và Chi cục Quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Tăng cường năng lực cho hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP từ Trung ương đến địa phương. Thành lập Trung tâm ATTP tại một số quận, huyện trên cả nước. Củng cố, kiện toàn các cơ quan kiểm tra nhà nước về ATTP và chỉ định các cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện kiểm nghiệm về ATTP tham gia kiểm định, giám định chất lượng hàng hóa; thiết lập hệ thống thông tin liên thông giữa các cơ quan kiểm tra nhà nước để tránh việc trốn hoặc chuyển khẩu trong thực hiện kiểm tra nhà nước. Tiếp tục phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý ATTP.

- Đánh giá, rút kinh nghiệm sau khi triển khai thí điểm thanh tra ATTP tại cấp xã/phường. Tập trung nhiệm vụ của đội ngũ thanh tra này vào thanh tra, kiểm tra ATTP tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm trên chợ. Nếu kết quả tốt, cần nhân rộng mô hình này, đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong thanh tra ATTP trong hoạt động thương mại.

3.2. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATTP

- Tăng cường biên chế cho đội ngũ chuyên trách ATTP của các tuyến, đủ khả năng quản lý và điều hành các hoạt động bảo đảm ATTP trên phạm vi toàn quốc.

Hiện tại, không có nước nào trong khối ASEAN mà cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP thành lập muộn màng và quá ít về cán bộ, công chức như ở Việt Nam (Thái Lan có 520 cán bộ của Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm ở Trung ương chủ yếu thanh tra, kiểm tra. Địa phương phân cấp quản lý từng vùng và quy mô con người hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ). Có thể thấy, bộ máy tổ chức ở trung ương cũng như địa phương quản lý ATTP quá thiếu và quá yếu. Hiện tại cán bộ làm kiêm nhiệm là chính, cho nên, cần phải tăng thêm số lượng cán bộ, công chức làm công tác vệ sinh ATTP ở cả Trung ương và địa phương.

- Nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý ATTP.

Hiện nay, trình độ cán bộ làm công tác vệ sinh ATTP được thuyên chuyển từ nhiều ngành khác nhau sang do thành lập sau, có những kiến thức về thực phẩm rất phổ thông đối với những quốc gia khác, nhưng với nước ta vẫn còn là vấn đề mới. Vì vậy, đối với cán bộ, công chức hiện đã và đang làm cần đào tạo chuyên ngành, nâng cao, vì thực phẩm luôn thay đổi theo nhu cầu của con người, liên tục đổi mới. Đó là rào cản ngay tại cơ quan quản lý ATTP nếu chúng ta không đào tạo lại và thường xuyên tập huấn kiến thức cho cán bộ làm công tác này ở địa phương.

ATTP là một chuyên ngành mới chưa được đào tạo chuyên khoa, để phục vụ nhu cầu thực tiễn trong quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cần phải có chuyên khoa ATTP ở trường đại học, cung cấp cán bộ nguồn cho ngành mới có thể phát triển bền vững, không chắp vá như hiện nay. Mặt khác, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, trình độ cán bộ đòi hỏi phải nâng cao, thể chế hành chính trong quản lý cũng dần được hoàn thiện, việc kiểm tra, thanh tra, xử phạt cá nhân, doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đòi hỏi đào tạo chuyên sâu cho cán bộ ngay ở trong nước cũng như đào tạo ở nước ngoài.

- Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý ATTP.

Hiện nay, cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện làm việc cho cán bộ cũng chưa đáp ứng được, tất cả các phòng kiểm nghiệm trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, nhiều vấn đề bức xúc trong quản lý chưa giải quyết nổi vì không có bằng chứng khoa học. Đặc điểm của quản lý thực phẩm là mỗi khi cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định đều phải căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm, nhiều lô hàng nhập khẩu theo đường chính ngạch, tiểu ngạch không có máy móc thiết bị để khẳng định tính an toàn của thực phẩm. Nếu trang thiết bị không được nâng cấp, chắc chắn Việt Nam sẽ là thị trường của hàng thực phẩm kém chất lượng ở các nước tràn sang vì chúng ta không kiểm soát nổi. Thêm vào đó, cán bộ của chúng ta được đào tạo chuẩn ở các nước khi về không có điều kiện, phương tiện làm việc để phát huy những tiến bộ của khoa học kỹ thuật phục vụ nước nhà.

- Thực hiện tốt chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lý ATTP

Cần có chế độ đãi ngộ tốt đối với cán bộ, công chức làm đảm bảo ATTP. Cán bộ, công chức làm công tác vệ sinh ATTP cũng giống tình trạng chung của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước ở nước ta. Chế độ tiền lương, tiền công chưa đảm bảo điều kiện sống và làm việc bình thường nên không khuyến khích được cán bộ tận tụy với công việc mà đặc thù của đòi hỏi quản lý thực phẩm luôn phát sinh cái mới cái phức tạp, đòi hỏi phải liên tục cập nhật các thông tin quản lý, thông tin khoa học mới để giải quyết vấn đề vì chúng ta hoàn toàn không có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực này.

3.3. Tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm ATTP

- Nâng cao tỷ lệ số phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025 và tiêu chuẩn thực hành tốt phòng thí nghiệm (GLP). Tăng số chỉ tiêu vi sinh, hóa lý được kiểm nghiệm tại các phòng xét nghiệm.

- Tiếp tục đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị cho các phòng xét nghiệm của trung ương đủ năng lực đóng vai trò là labo kiểm chứng về ATTP. Đầu tư kinh phí nâng cấp một số phòng thí nghiệm để đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm phân tích hiện có; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư mới các phòng thí nghiệm...

- Tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các tuyến, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị kiểm nghiệm ATTP nhằm nâng cao chất lượng xét nghiệm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

- Phát triển các mô hình đầu tư liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ với các hãng sản xuất trang thiết bị xét nghiệm có uy tín trên thế giới.

- Tăng cường chia sẻ thông tin giữa các phòng kiểm nghiệm quốc gia, khu vực, các phòng kiểm nghiệm quốc tế nhằm phổ biến kinh nghiệm hoạt động xét nghiệm đảm bảo ATTP

- Nên triển khai và nhân rộng hình thực đặt một số máy kiểm nghiệm nhanh tại các cở sở thương mại thực phẩm, nhất là chợ. Theo các chuyên gia, đây sẽ là thiết bị kiểm tra nhanh, tập trung vào “soi” chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản,...

3.4. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyên, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP trong xã hội

- Cần triển khai quyết liệt và thường xuyên hơn công tác giáo dục, truyền thông, phổ biến kiến thức về ATTP cho cộng đồng với các hình thức phương tiện tuyên truyền đa dạng, phong phú cả ở cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt chú trọng phổ biến cho cộng đồng về Luật An toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật liên quan.

- Tiếp tục duy trì “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” trong những năm tới, đây là một chiến dịch với hai mũi giáp công là tuyên truyền, giáo dục và thanh kiểm tra để giải quyết và làm giảm đi vấn đề đang bức xúc nổi lên liên quan đến ATTP; giảm nguy cơ cho sức khỏe và tăng phát triển kinh tế - xã hội.

- Bố trí đủ nhân lực, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ năng truyền thông về ATTP cho đội ngũ chuyên trách và các tuyên truyền viên từ cấp trung ương, tỉnh, huyện xuống cấp xã/phường, thôn, bản. Chú trọng phát triển đội ngũ tuyên truyền viên xã/phường, thôn/bản.

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp truyền thông, giáo dục ATTP: kết hợp truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp, chú trọng phương thức cầm tay chỉ việc; kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng nội dung, từng đối tượng.

- Tăng cường liên kết, lồng ghép nội dung truyền thông về ATTP với các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chương trình có liên quan khác để tận dụng nguồn nhân lực, thông tin và kinh phí chuyển tải các thông điệp truyền thông tới từng đối tượng.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục truyền thông, phải xã hội hóa thì mới phát huy được sức mạnh của doanh nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể, nâng cao nhận thức và thực hành cho mọi tầng lớp xã hội, tạo được phong trào dân trí cao.

- Tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, quy định của pháp luật về, ATTP trên các phương tiên thông tin đại chúng; xây dựng thành chuyên mục định kỳ hàng tháng để tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình, đặc biệt trên hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; công tác này phải được làm thường xuyên, liên tục trong năm.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, quy định của pháp luật về ATTP cho các cán bộ quản lý tại địa phương, các hộ kinh doanh thực phẩm.

- Tổ chức ký cam kết với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm, cam kết không vận chuyển, kinh doanh hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo ATTP.

3.5. Giải pháp về kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về ATTP trong hoạt động thương mại

- Tăng cường kiểm tra kiểm soát về ATTP tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, ngăn chặn có hiệu quả việc kinh doanh thực phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa lưu thông, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.

- Tăng cường các hoạt động kiểm tra chuyên ngành và liên ngành trong công tác đảm bảo ATTP. Tích cực kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sơ chế thực phẩm.

- Kiểm soát ATTP tại các ga tàu, chợ đầu mối, các hộ nuôi trồng. Thường xuyên kiểm tra bằng test nhanh đối với các nhóm hàng thực phẩm để cảnh báo kịp thời các nguy cơ cho các hộ kinh doanh và người tiêu dùng. Mua mẫu và kiểm nghiệm thường xuyên đối với thực phẩm có nguy cơ cao, để kịp thời phát hiện các vi phạm về ATTP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Báo cáo số 143/BC-CP ngày 19/4/2017, Hà Nội.

2. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (2009), Chính sách quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; các rào cản kỹ thuật đối với hoạt động xuất khẩu; phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Tham luận Hội thảo về Dự án Luật An toàn thực phẩm, Ủy Ban Khoa học, Hà Nội.

3. Trần Thu Hương (2010), Một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với vệ sinh an toàn thực phẩm, Tạp chí Quản lý Nhà nước số 177 - tháng 10/2010, Hà Nội.

4. Ngân hàng thế giới (2017), Quản lý rủi ro an toàn thực phẩm tại Việt Nam: Những thách thức và cơ hội, Hà Nội.

5. Nguyễn Huy Quang (2010), Quản lý Nhà nước về An toàn thực phẩm-thực trạng và giải pháp, Tạp chí Quản lý nhà nước số 172 (tháng 5/2010), Hà Nội.

6. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, Hà Nội.

7. Trần Mai Vân (2013), Thi hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm ở cấp phường trên địa bàn thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sỹ Luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Solutions to improve the implementation of the law on food safety in commercial activities in Vietnam

Dang Cong Hien

Institute for Strategic Studies, Industrial Policy

ABSTRACT:

Improving the effectiveness of the implementation of the law on food safety in trade activities has important significances in the current period. In recent years, Vietnam has achieved some achievements in ensuring food safety in commercial activities, including the restriction of violation on food safety. However, the practice of law on food safety in commercial activities still has some limitations, leading to the low effectiveness of implementing these regulations. Therefore, proposing some solutions to improve the effectiveness of law enforcement on food safety in trade activities is important, especially in the current period in Vietnam.

Keywords: Food safety, law enforcement, commercial activities.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 12 tháng 11/2017 tại đây