BỨC TRANH TƯƠI SÁNG
Tiếp theo đà tăng trưởng của năm 2007, trong những tháng đầu năm 2008, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn đạt mức cao, một số doanh nghiệp ĐTNN đã triển khai tích cực ngay trong tháng đầu tiên của năm 2008. Nhiều dự án có quy mô lớn đã được các địa phương cấp phép trong những tháng đầu năm, đặc biệt là xu hướng tăng nhanh các dự án kinh doanh bất động sản (xây dựng văn phòng căn hộ để bán và cho thuê, xây dựng khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng). Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), so với cùng kỳ năm ngoái, quý I năm 2008, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã góp vốn đầu tư thực hiện trên 1,68 tỷ USD, tăng 24%; doanh thu ước đạt 7.600 triệu USD, tăng 27%. Tính từ đầu năm tới thời điểm hiện nay, số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam đã lên tới 14,7 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 5/2008, cả nước có 130 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 7,5 tỷ USD, đưa tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ đầu năm tới nay lên 324 dự án. Ngoài ra, trong thời gian này còn có 132 lượt dự án tăng thêm vốn đầu tư với hơn 600 triệu USD. Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, điều đáng quan tâm là số vốn đầu tư đăng ký vẫn tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, tới hơn 83% tổng vốn; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 16,2% và số còn lại thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Canađa là quốc gia chỉ có 3 dự án đầu tư, nhưng có tổng vốn đăng ký lên tới 4,23 tỷ USD và trở thành đối tác đứng đầu trong số 32 quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong những tháng đầu năm nay. Dự án lớn nhất mà nước này đầu tư vào Việt Nam là dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, các khách sạn 5 sao, khu thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế, văn phòng - căn hộ, biệt thự cao cấp, sân golf, khu vui chơi giải trí có thưởng cho người nước ngoài tại Hồ Tràm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, do Tập đoàn Asian Coast Development triển khai. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vươn lên đứng đầu trong tổng số 36 địa phương thu hút được đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm.
CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, giải pháp quan trọng trước mắt là thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư, trong đó tạo điều kiện tốt hơn cho đầu tư gián tiếp nước ngoài, nghiên cứu thí điểm thành lập công ty quản lý vốn và công ty hợp danh. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đang soạn thảo danh mục gọi vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2010 phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới và với các nhà đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch này, các ngành có liên quan sẽ tăng cường công tác vận động xúc tiến đầu tư, tập trung vào các dự án, đối tác và địa bàn trọng điểm. Bộ cũng đã trình Chính phủ dự thảo đề án mở rộng phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài theo hướng sẽ phân cấp mạnh cho UBND các tỉnh gắn liền với cơ chế phối hợp, giám sát và kiểm tra của các cơ quan trung ương. Song song với cải thiện cơ chế chính sách, các hoạt động đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ được chú trọng theo hướng xã hội hóa. Cùng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Bộ và các cơ quan liên quan, Chính phủ đã cam kết tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành rà soát điều chỉnh, nâng cao chất lượng quy hoạch đầu tư, trong đó quy định rõ các ngành, lĩnh vực cấm đầu tư, các ngành đầu tư có điều kiện và mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành còn lại.
Để thực hiện mục tiêu đề ra trong thu hút đầu tư nước ngoài, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các bộ ngành và địa phương cần tập trung rà soát, điều chỉnh các cam kết về mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ theo đúng các cam kết của WTO; tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có việc ban hành quy chế khuyến khích tư nhân, đầu tư nâng cấp các công trình giao thông, cảng biển, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện nước; phấn đấu không để xảy ra tình trạng thiếu điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư nói riêng và quản lý đầu tư nói chung; vận động và phối hợp với các tổ chức quốc tế hỗ trợ mở các lớp đào tạo về xúc tiến và quản lý đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm giải pháp về môi trường pháp lý, về thủ tục hành chính, tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế “liên thông - một cửa” ở các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư và quản lý đầu tư. Bên cạnh đó là các chính sách về quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư nước ngoài, duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành với các nhà đầu tư nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ và nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Riêng với Bộ Công Thương, cuối tháng 5/2008, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc quy hoạch và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích khu vực kinh tế ngoài nhà nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.