Tóm tắt:
Trong số các vụ tranh chấp dân sự, kinh tế thì tranh chấp về hợp đồng chiếm tỷ lệ lớn nhất, trong đó phải kể đến tranh chấp hợp đồng tín dụng. Thời gian qua, tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại trong đó có tranh chấp hợp đồng tín dụng không ngừng gia tăng, đó là chưa kể đến các tranh chấp được các bên thỏa thuận giải quyết bằng các phương thức khác như thương lượng, hòa giải hay trọng tài thương mại.
Từ khóa: Tranh chấp về hợp đồng, hợp đồng tín dụng.
1. Hiểu thế nào về hợp đồng tín dụng
Hợp đồng, với tư cách là một thuật ngữ pháp lý, được hiểu là sự thỏa thuận bằng lời nói hoặc văn bản hoặc bằng cách khác giữa hai hay nhiều chủ thể có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi, nhằm xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ nhất định trên cơ sở phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.
Trên cơ sở đó, có thể đưa ra một định nghĩa về hợp đồng tín dụng như sau: “Hợp đồng tín dụng là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ chức tín dụng (bên cho vay) với tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện do luật định (bên vay), theo đó tổ chức tín dụng thỏa thuận ứng trước một số tiền cho bên vay sử dụng trong một thời hạn nhất định, với điều kiện có hoàn trả cả gốc và lãi, dựa trên sự tín nhiệm".
Đối chiếu với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), hợp đồng tín dụng về bản chất là những hợp đồng cho vay tài sản. Tuy nhiên, chỉ gọi là hợp đồng tín dụng trong trường hợp bên cho vay là các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó chủ yếu là các ngân hàng (sau đây gọi chung là ngân hàng).
Về bản chất, hợp đồng tín dụng chính là hợp đồng cho vay, theo đó ngân hàng là bên cho vay giao cho bên vay một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Còn những hoạt động cấp tín dụng khác như bảo lãnh, cầm cố, chiết khấu giấy tờ có giá được gọi chung là hợp đồng cấp tín dụng.
Với định nghĩa này, có thể thấy ngoài những dấu hiệu chung của một loại hợp đồng, hợp đồng tín dụng còn có một số đặc điểm đặc trưng sau đây để phân biệt với các chủng loại hợp đồng khác trong giao lưu dân sự và thương mại.
Cụ thể, về chủ thể: Một bên tham gia hợp đồng bao giờ cũng là tổ chức tín dụng có đủ điều kiện luật định, với tư cách là bên cho vay. Còn chủ thể bên kia (bên vay) có thể là tổ chức, cá nhân thỏa mãn những điều kiện vay vốn do pháp luật quy định.
Về đối tượng: Đối tượng của hợp đồng tín dụng bao giờ cũng là tiền (bao gồm tiền mặt và bút tệ). Về nguyên tắc, đối tượng của hợp đồng tín dụng bao giờ cũng phải là một số tiền xác định và phải được các bên thỏa thuận, ghi rõ trong văn bản hợp đồng.
Về tính rủi ro: Hợp đồng tín dụng vốn chứa đựng nguy cơ rủi ro rất lớn cho quyền lợi của bên cho vay. Sở dĩ như vậy là vì theo cam kết trong hợp đồng tín dụng, bên cho vay chỉ có thể đòi tiền của bên vay sau một thời hạn nhất định. Nếu thời hạn cho vay càng dài thì nguy cơ rủi ro và bất trắc càng lớn. Vì thế mà các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng cũng thường xảy ra với số lượng và tỷ lệ lớn hơn so với đa số các loại hợp đồng khác.
Về cơ chế thực hiện quyền và nghĩa vụ: Trong hợp đồng tín dụng, nghĩa vụ chuyển giao tiền vay (nghĩa vụ giải ngân) của bên cho vay bao giờ cũng phải được thực hiện trước, làm cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bên vay. Do đó, chỉ khi nào bên cho vay chứng minh được rằng họ đã chuyển giao tiền vay theo đúng hợp đồng tín dụng cho bên vay thì khi đó họ mới có quyền yêu cầu bên vay phải thực hiện các nghĩa vụ đối với mình (bao gồm các nghĩa vụ chính như sử dụng tiền vay đúng mục đích; nghĩa vụ hoàn trả tiền vay đúng hạn cả gốc và lãi…)
2. Hình thức của hợp đồng tín dụng
Hợp đồng tín dụng phải được lập thành văn bản, trong đó có nội dung về điều kiện vay, mục đích sử dụng tiền vay, hình thức vay, số tiền vay, lãi suất, thời hạn vay, hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm, phương thức trả nợ và những cam kết khác được các bên thỏa thuận (Điều 51, Luật các TCTD).
Mẫu hợp đồng mà các ngân hàng đưa ra không phải là hợp đồng mẫu theo quy định của BLDS (Điều 407), mà chỉ là bản thảo để thuận tiện trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng. Bên vay hoàn toàn có thể thỏa thuận với ngân hàng thay đổi bất kỳ nội dung nào. Tuy nhiên, trên thực tế thì bên vay thường phải chấp nhận những điều khoản thiên về ràng buộc chặt chẽ đối với bên cho vay và có lợi hơn cho ngân hàng.
So với hợp đồng thương mại, hợp đồng tín dụng thường có điểm khác là thường rất nhiều văn bản có các yếu tố như một hợp đồng, như đơn đề nghị vay vốn, hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ (giấy nhận nợ),... Chẳng hạn, trong đơn đề nghị vay vốn có nhiều nội dung cơ bản của hợp đồng tín dụng như số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất vay và cam kết của bên vay. Trường hợp ngân hàng ký chấp thuận những nội dung đó thì hoàn toàn có thể thay thế cho một bản hợp đồng tín dụng. Tương tự, khế ước nhận nợ cũng thường liệt kê lại một cách đầy đủ những điểm chủ yếu của hợp đồng tín dụng, nên trong nhiều trường hợp cũng đồng nghĩa với một hợp đồng tín dụng. Do hợp đồng tín dụng được làm kỹ như vậy, nên rất ít khi xảy ra tranh chấp về chính hợp đồng tín dụng, mà thường là tranh chấp liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm để trả nợ.
3. Tranh chấp hợp đồng tín dụng
Vì tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng cũng là một loại tranh chấp hợp đồng nói chung, do đó có đầy đủ những đặc điểm vốn có của một tranh chấp hợp đồng. Tuy nhiên, với bản chất đặc thù của hợp đồng tín dụng, tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng mang một số đặc trưng riêng biệt để có thể phân biệt với các loại tranh chấp hợp đồng khác.
Giá trị của tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng thường có giá trị lớn hoặc thậm chí là rất lớn: Khi kí kết hợp đồng tín dụng thì thường là do bên đi vay có nhu cầu về vốn mà không thể tự mình xoay xở được. Nhu cầu đó thường là để bổ sung vốn kinh doanh đối với tổ chức hoặc vay để phát triển kinh tế đối với cá nhân, hộ gia đình. Do đó, số tiền này không phải là nhỏ và dễ dàng vay được từ các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội mà không phải là ngân hàng.
Về phía bên cho vay là ngân hàng, bên cạnh vai trò là chủ thể cung ứng vốn cho nền kinh tế thì tổ chức tín dụng (TCTD) còn đóng vai trò là người đi vay của các chủ thể khác để cho vay lại. Để đạt được lợi nhuận cao thì các TCTD thường kí kết các hợp đồng tín dụng có giá trị lớn dựa trên định giá tài sản đảm bảo tại thời điểm cho vay. Do bên vay vốn dùng khoản vay này phần lớn để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh nên nếu bên vay không tuân thủ các cam kết trong hợp đồng, không trả nợ cho các TCTD sẽ làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của TCTD đó. Thực tế không hiếm các trường hợp các TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả do “nợ xấu”. Một khi khách hàng vay không thể thanh toán được nợ, tranh chấp xảy ra thì TCTD sẽ là chủ thể bị thiệt hại lớn vì nguồn vốn bị ứ đọng, phải thực hiện các biện pháp khắc phục, mục đích lợi nhuận ban đầu không còn hoặc bị gián đoạn. Đặc biệt, nếu tranh chấp hợp đồng tín dụng phải khởi kiện tại Tòa án thì càng gây khó khăn cho TCTD khi muốn thu hồi vốn. Bởi khi đã bị khởi kiện tại Tòa án thì thường là người đi vay không còn có khả năng trả nợ cho TCTD. Mặt khác, khi tranh chấp hợp đồng tín dụng xảy ra thì TCTD sẽ mất lòng tin với khách hàng vay vốn, các hợp đồng tín dụng tiếp theo sẽ khó mà thực hiện, kể cả khi bên đi vay chứng minh lại được khả năng tài chính của mình.
Bên cạnh đó, tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng được giải quyết dựa trên nguyên tắc tự do thỏa thuận trong khuôn khổ pháp luật của các bên tham gia tranh chấp. Hợp đồng tín dụng về bản chất là hợp đồng dân sự mà quan hệ dân sự là quan hệ mang tính thỏa thuận, tự định đoạt giữa các bên. Do đó, kể cả đối với việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng thì các bên cũng có quyền thỏa thuận để đạt được hiệu quả tối ưu nhất trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Việc tôn trọng quyền định đoạt này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì quan hệ dân sự giữa các bên mang tính bình đẳng, không phải là mối quan hệ mệnh lệnh - phục tùng như các quan hệ hành chính nhà nước khác. Khi các bên tham gia tranh chấp có thể thỏa thuận được với nhau thì việc giải quyết tranh chấp sẽ diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn, đồng thời giảm thiểu được thiệt hại về thời gian, tiền bạc, công sức của các bên. Về phía các cơ quan tài phán, thi hành án thì việc thỏa thuận này cũng có ý nghĩa trong việc giảm nhẹ khối lượng, áp lực công việc trong điều kiện các tranh chấp ngày càng xảy ra nhiều và phức tạp như hiện nay.
Đặc biệt, vấn đề thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp đối với các TCTD là ngân hàng nước ngoài, ngân hàng nước ngoài có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi các chủ thể này khác với các TCTD trong nước, chịu sự điều chỉnh của cả pháp luật nước ngoài lẫn pháp luật Việt Nam và sự khác nhau trong quy định của pháp luật giữa Việt Nam và nước khác là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc cho phép, tôn trọng quyền tự thỏa thuận của các bên khi có tranh chấp xảy ra sẽ giảm thiểu tối đa những xung đột pháp luật có thể xảy ra trong quá trình giải quyết các tranh chấp. Tuy nhiên, nguyên tắc đối với các thỏa thuận này là phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, tranh chấp hợp đồng tín dụng luôn có sự tham gia của một bên là TCTD và phần lớn các tranh chấp hợp đồng tín dụng thì nguyên đơn là tổ chức tín dụng cho vay, bị đơn là bên đi vay.
Với đặc thù của hoạt động tín dụng là sự cung ứng nguồn vốn đến những tổ chức, cá nhân có nhu cầu về vốn trên cơ sở huy động của các tổ chức, cá nhân có thừa nguồn vốn trong xã hội nên TCTD luôn đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ này. Sự tham gia của TCTD là một dấu hiệu đặc trưng nhằm phân biệt giữa tranh chấp hợp đồng tín dụng và tranh chấp hợp đồng vay tài sản thông thường giữa các tổ chức, cá nhân khác mà không phải là TCTD.
Đồng thời, về mặt lý thuyết, khi tham gia ký kết hợp đồng tín dụng, các TCTD và khách hàng có địa vị ngang bằng nhau tham gia thỏa thuận. Nhưng với tư cách là chủ thể có nguồn vốn dồi dào, việc áp đặt các điều kiện cho vay đối với khách hàng là điều không hiếm xảy ra. Hơn nữa, khi tham gia kí kết hợp đồng thì hợp đồng thường do bên cho vay là các TCTD soạn thảo với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn về mặt pháp lý nhất định. Trong khi đó, chủ thể đi vay là khách hàng thường là các tổ chức, cá nhân, trình độ chuyên môn về mặt pháp lý của họ còn thấp và nhiều khi không được chú trọng đúng mức. Và như vậy là hợp đồng được kí kết với các điều khoản chặt chẽ nhằm bảo đảm cho quyền lợi của TCTD khi bên vay không trả nợ hay trả không đúng nghĩa vụ. Do đó, khi tranh chấp xảy ra thì TCTD luôn nắm đằng chuôi với các điều khoản được ghi nhận một cách chặt chẽ, rõ ràng trong hợp đồng được sự đồng thuận của cả hai bên. Vì vậy, nếu có tranh chấp xảy ra thì là do bên đi vay vi phạm, chứ ít khi TCTD lại vi phạm chính những điều khoản do chính mình soạn thảo.
Mặt khác, trong mối quan hệ hợp đồng tín dụng, các nghĩa vụ chính của bên đi vay thường phát sinh sau thời điểm giải ngân. Trong khi đó, tại thời điểm hoàn tất việc giải ngân cho khách hàng thì TCTD đã hoàn thành các nghĩa vụ của mình. Các nghĩa vụ khác của bên cho vay như bảo mật thông tin, lưu trữ hồ sơ tín dụng, nghĩa vụ thông báo, bảo quản tài sản bảo đảm, giải chấp tài sản đảm bảo... là ít quan trọng và là nghĩa vụ phát sinh từ quyền của bên vay. Vì lý do đó nên nếu có tranh chấp xảy ra thì thường là do bên vay vi phạm nghĩa vụ của mình, rất hiếm gặp trường hợp bên đi vay khởi kiện TCTD.
Song song, đa phần các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng ngân hàng chính là các tranh chấp liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả vốn, lãi của bên vay cho TCTD, về mức lãi suất vay, về vấn đề bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng. Có rất nhiều loại tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng như: Tranh chấp về chủ thể xác lập, thực hiện HĐTD, tranh chấp liên quan đến bảo lãnh vay vốn, tranh chấp liên quan đến mục đích sử dụng vốn vay... Tuy nhiên, tranh chấp xảy ra nhiều nhất là tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ hoàn trả vốn và lãi, về mức lãi suất vay, về vấn đề bảo đảm. Sở dĩ như vậy bởi vì, những nghĩa vụ này đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng của các bên và việc thực hiện này có tác động trực tiếp đến quyền lợi của TCTD. Các tranh chấp khác cũng có tác động đến các TCTD nhưng không phải là cơ bản nên ít xảy ra hơn so với tranh chấp về nghĩa vụ hoàn trả vốn và lãi hay tranh chấp về lãi suất, về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Hơn nữa, tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng thường là tiền đề làm phát sinh và gắn liền với một quan hệ hợp đồng khác: Hợp đồng bảo đảm tiền vay thông qua hình thức cầm cố, thế chấp hoặc bảo lãnh của bên thứ ba. Các TCTD khi tham gia vào hợp đồng tín dụng đều có mục đích lợi nhuận từ việc cho vay đó vì bản chất của TCTD là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ. Để giảm thiểu rủi ro trong trường hợp bên vay không trả được nợ, thông thường TCTD chỉ đồng ý cho bên đi vay được vay vốn khi họ có cầm cố, thế chấp bằng tài sản hoặc có bảo lãnh của bên thứ ba. Các biện pháp bảo đảm này đóng vai trò là phương pháp dự phòng của TCTD khi rủi ro xảy ra. Khi đó, để đảm bảo cho nghĩa vụ được đảm bảo trong hợp đồng tín dụng thì các bên kí kết hợp đồng bảo đảm cho khoản vay. Tùy từng trường hợp, đó có thể là hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp hay là dưới hình thức chứng thư bảo lãnh của bên thứ ba. Những điều khoản về quyền và nghĩa vụ trong các hợp đồng bảo đảm cho nghĩa vụ vay vốn là để bảo đảm cho việc vay vốn, xuất phát từ hợp đồng tín dụng đã được kí kết và mục đích cuối cùng là bảo đảm cho việc trả nợ của bên đi vay.
Thêm vào đó, tranh chấp hợp đồng tín dụng còn phát sinh từ sự xung đột về lợi ích giữa các bên tham gia tranh chấp. Vì tranh chấp hợp đồng tín dụng cũng là một loại tranh chấp hợp đồng nên phải xuất phát từ xung đột lợi ích của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, đối với tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng thì chỉ có chính các bên hay người đại diện hợp pháp của họ mới có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên đi vay hay TCTD. Không có trường hợp nào mà tranh chấp hợp đồng tín dụng phát sinh do tổ chức, cá nhân khác khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia hợp đồng tín dụng.
4. Thực tiễn thực hiện hợp đồng tín dụng
Quyền và nghĩa vụ của các bên bao giờ cũng phải được quy định rõ ràng trong hợp đồng tín dụng. Khách hàng vay chỉ được sử dụng số tiền đó vào mục đích gì? Đến thời hạn nào phải hoàn trả nợ vay… và ngược lại TCTD có nghĩa vụ giải ngân đúng số tiền và thời gian đã thỏa thuận cũng như có quyền kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay hoặc thu hồi nợ theo quy định trong hợp đồng tín dụng mà hai bên đã ký kết.
Thực tế đa số các hợp đồng tín dụng đã được các bên thực hiện đầy đủ, sòng phẳng, điều này tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa khách hàng vay và TCTD, chính điều này sẽ giúp cho hai bên trong giao dịch đều có lợi đóng góp chung vào sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn không ít trường hợp các bên không thiện chí thực hiện hợp đồng tín dụng dẫn đến mối quan hệ hợp tác tín nhiệm không còn nữa và đây là nguyên nhân tiềm tàng xảy ra tranh chấp. Đa phần, các tranh chấp liên quan về hợp đồng tín dụng xuất phát từ việc khách hàng vay không thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng. Sự cam kết này đã được các bên thống nhất, tự nguyện ký kết nhưng lại không thực hiện nghiêm túc những gì đã thỏa thuận.
Ví dụ, trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, bên vay đã sử dụng số tiền vay đúng mục đích dưới sự giám sát của TCTD nhưng họ không có khả năng trả nợ gốc và lãi suất theo thỏa thuận dẫn đến việc tranh chấp giữa TCTD và khách hàng vay là rất cao. Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận về việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ thì bên cho vay có thể áp dụng các biện pháp để thu hồi nợ và lãi suất chưa thanh toán. Nếu các biện pháp thu hồi nợ này hoặc biện pháp xử lý tài sản bảo đảm không đúng trình tự thủ tục thì tranh chấp đương nhiên xảy ra.
Ngoài ra, việc chậm trả đối với các nợ quá hạn và nợ lãi vốn vay thì khách hàng vay còn bị phạt. Luật cho phép các TCTD được phép tự quyết định việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, pháp luật không cho phép bên đi vay có quyền cùng tham gia đề nghị TCTD cho cơ cấu lại thời gian trả nợ. Chính điều này các TCTD có thể áp dụng các biện pháp thu nợ tùy tiện dẫn đến tranh chấp vẫn cứ xảy ra.
Ngoài ra, các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng còn do các nguyên nhân như:
Người vay đã sử dụng vốn sai mục đích: Một trong các nguyên nhân vi phạm điều khoản sử dụng vốn không đúng mục đích từ đó làm nảy sinh tranh chấp. Khi một bên trong quan hệ hợp đồng tín dụng vi phạm thì bên còn lại có quyền thực hiện quyền yêu cầu chấm dứt hành vi, đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc buộc bồi thường thiệt hại theo thực tế. Quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng tín dụng chưa được chặt chẽ và thống nhất.
Đặc biệt, vấn đề thực hiện quyền và nghĩa vụ cụ thể trong hợp đồng tín dụng đã ký kết chưa thực sự khách quan và công bằng cho hai bên đó là mấu chốt gây ra nhiều mâu thuẫn và xung đột về quyền lợi giữa hai bên.
Do đó, vấn đề tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên vẫn cứ xảy ra.
Đơn cử như, tại Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), số lượng các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016 có sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và ngày càng phức tạp mà bảng số liệu dưới đây là minh chứng rõ ràng.
Thực tế cho thấy, việc tranh chấp hợp đồng tín dụng này xuất phát từ sự mâu thuẫn về quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Qua quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp về Hợp đồng tín dụng đã xuất hiện một số vướng mắc cần phải giải quyết gồm:
- Về việc xác định nơi cư trú của người bị kiện (bên vay):
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự là Tòa án nơi cư trú của bị đơn có thẩm quyền giải quyết.
Quá trình giải quyết vụ án thì bị đơn đã không còn ở nơi cư trú theo hộ khẩu hoặc nơi cư trú khi ký kết hợp đồng tín dụng và Ngân hàng không xác minh được địa chỉ của bị đơn tại thời điểm giải quyết. Theo đó, để giải quyết được vụ án liên quan đến tranh chấp Hợp đồng tín dụng thì Ngân hàng cần phải tiến hành các thủ tục liên quan đến tuyên bố người vắng mặt tại nơi cư trú hoặc tuyên bố mất tích nên việc giải quyết vụ án bị kéo dài.
- Xử lý tài sản thế chấp trong hợp đồng tín dụng:
Quá trình thực tế giải quyết vụ án liên quan đến Hợp đồng tín dụng cho thấy giai đoạn 2006-2010 các ngân hàng cho vay ồ ạt, thẩm định, định giá các tài sản cao hơn rất nhiều cho với giá trị thực của tài sản, Có những trường hợp ngân hàng thực tế không tiến hành thẩm định giá tài sản bảo đảm, không xem xét hiện trang của tài sản bảo đảm mà chỉ lập biên bản tự định giá tài sản và tiến hành ký Hợp đồng tín dụng và giải ngân.
Đến giai đoạn sau, khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán, ngân hàng khởi kiện yêu cầu tòa án buộc khách hàng phải thanh toán khoản nợ với ngân hàng, nếu không thanh toán được thì yêu cầu phát mại tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, khi tòa án tiến hành xem xét thẩm định tài sản và xác minh tại UBND cấp xã, phường và UBND quận huyện thì xác minh ra hiện trạng tài sản thế chấp khác với biên bản của ngân hàng, do đó, việc ra một quyết định, bản án cũng như việc thi hành án liên quan đến hợp đồng tín dụng và tài sản thế chấp đó gặp rất nhiều khó khăn.
- Việc xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng:
Giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016, số lượng các vụ án phát sinh liên quan đến Hợp đồng tín dụng không chỉ gia tăng về số lượng và còn rất phức tạp.
Có những hợp đồng tín dụng liên quan đến nhiều tài sản thế chấp và hiện nay tài sản thế chấp này đang cho thuê (cụ thể như chung cư, nhà cao tầng), mỗi tài sản có nhiều người đang sinh sống tại thời điểm tòa án thụ lý giải quyết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì phải đưa tất cả những người hiện đang sinh sống tại địa chỉ đó vào làm người tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
- Tài sản bảo đảm - xử lý ưu tiên tại tòa án:
Thêm nữa, Bộ luật Dân sự 2015 đã có thay đổi về thứ tự ưu tiên trong xử lý tài sản bảo đảm, tranh chấp hợp đồng tín dụng. Đây là một trong những thay đổi rất quan trọng mà doanh nghiệp và ngân hàng nếu không cập nhật sẽ phải chịu thua thiệt.
Thực tiễn cho thấy, việc hợp đồng bảo đảm của các ngân hàng thời gian qua chưa thực sự được quan tâm đầy đủ. Ngân hàng hoàn toàn có thể phải chịu thua thiệt nếu không cập nhật những quy định mới của pháp luật và tìm hiểu kỹ tài sản bảo đảm.
Theo Khoản 1, Điều 297 của Bộ luật này quy định, “Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm”. Do đó, các ngân hàng khi nhận tài sản bảo đảm các khoản vay phải hết sức lưu ý, bởi không chỉ đăng ký mới thiết lập ưu tiên mà sự ưu tiên này còn được xác lập trên cơ sở “bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ luật Dân sự 2015.
2. Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12.
3. Báo cáo của Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội
Settle disputes over credit contracts
MA. Do Thi Hong Hanh
Hai Ba Trung District People's Court
Abstract:
Among the civil and economic disputes, contractual disputes account the most, including credit contract disputes. Civil and comercial dispute especially credit contract disputes have been constantly increasing, not to mention disputes settled by negotiation, reconciliation or commercial arbitration.
Keywords: Dispute in the contract, credit contracts.