Cú hích từ việc giảm 50% mức lệ phí trước bạ ô tô
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, và áp dụng kể từ ngày 1/7/2023 đến hết năm 2023. Dự thảo Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trước ngày 15/6/2023 để xem xét ban hành.
Trước đó, ngày 25/4, Bộ Công Thương đã có Công văn gửi Bộ Tài chính về chính sách điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Năm 2023, "trước thực tế thị trường ô tô giảm sút mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ô tô. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp thì sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững”, Bộ Công Thương nhận định.
Do đó, việc áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được kỳ vọng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho do tình hình kinh tế khó khăn, từ đó cải thiện tình hình kinh doanh trong thời gian tới.
Trước đó, đã có 2 lần Chính phủ đồng ý giảm 50% thuế trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước là giai đoạn từ 28/6/2020 - 31/12/2020 và giai đoạn từ 1/12/2021 - 31/5/2022. Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam cho thấy, doanh số ô tô lắp ráp trong nước (CKD) hầu như tăng mạnh vượt trội so với xe ô tô nhập khẩu (CBU) ngay sau khi áp dụng chính sách giảm 50% thuế trước bạ. Tính riêng đối với xe CKD, doanh số trung bình tăng khoảng 30-60% so với các tháng không áp dụng chính sách giảm thuế trước bạ.
Theo đánh giá của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong số các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (mã chứng khoán: HAX - sàn: HoSE) và Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam – VEAM (mã chứng khoán: VEA - sàn: UpCOM) sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất khi việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng.
Cụ thể, đối với Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh, công ty này ghi nhận doanh thu chỉ ở mức 993 tỷ đồng trong quý 1/2023, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu bán xe giảm tới 45%; trong khi đó, doanh thu bảo dưỡng và sửa chữa vẫn tăng 20%. Ô tô Hàng Xanh là đại lý phân phối xe Mercedes-Benz lớn nhất Việt Nam hiện nay, chiếm 40% thị phần toàn quốc.
Do xe Mercedes chủ yếu là được lắp ráp trong nước nên kết quả kinh doanh của Ô tô Hàng Xanh có thể phục hồi ngay sau khi quy định giảm 50% thuế trước bạ ô tô được áp dụng.
Đối với Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam, trong quý 1/2023, Tổng Công ty ghi nhận doanh thu 1.011 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.372 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận của Tổng Công ty chủ yếu đến từ 2 công ty liên doanh/liên kết là Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam.
Kết quả kinh doanh của Tổng Công ty bị ảnh hưởng tiêu cực khi nhu cầu ô tô giảm. Tuy nhiên, mức giảm là nhẹ hơn các doanh nghiệp cùng ngành khác do sức mua đối với hai hãng Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam bị ảnh hưởng thấp hơn so với các hãng xe khác. Ngoài ra, lợi nhuận Honda Việt Nam chủ yếu đến từ xe máy, bị ảnh hưởng ít hơn ô tô, góp phần giảm nhẹ tác động đến kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam.
Kết quả kinh doanh của Tổng Công ty có thể hưởng lợi theo quy định giảm 50% thuế trước bạ do xe ô tô Toyota và Honda chủ yếu là được lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, do lợi nhuận Honda Việt Nam chủ yếu đến từ mảng xe máy nên sẽ không hưởng lợi nhiều như các hãng xe ô tô khác. Điểm tích cực là doanh số xe máy của Honda Việt Nam đã bắt đầu phục hồi với doanh số trong tháng 4/2023 tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xu hướng giảm lãi suất sẽ hỗ trợ kích cầu
Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng kỳ vọng việc lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm sẽ góp phần hỗ trợ kích cầu tiêu thụ ô tô đối với các khách hàng vay mua.
Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Các ngân hàng thương mại cũng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động các kỳ hạn trong tháng 5. Hiện tại mặt bằng chung lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng niêm yết tại các Các ngân hàng thương mại đã rơi xuống mức dưới 8%/năm.
Lãi suất cho vay vẫn chưa giảm nhiều do có độ trễ khi tăng trưởng tín dụng đang khá chậm. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vừa qua cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bằng cách sử dụng room tín dụng để quản lý. Theo đó, đến quý 3/2023, lãi suất có có thể giảm đi đáng kể khi ngân hàng trung ương các nước dừng nâng lãi suất, qua đó hỗ trợ đáng kể đối với các khách hàng vay mua xe ô tô.
Ngoài ra, theo khảo sát của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, so với hồi quý 1/2023, các ngân hàng thương mại hiện tại cũng đã giảm mạnh lãi suất cho vay ưu đãi năm đầu đối với các khách hàng mua ô tô ở một số hãng nhất định.
Thị trường ô tô Việt Nam hiện có mức độ tăng trưởng nhanh hàng đầu châu Á. Theo thống kê Tổ chức quốc tế các nhà sản xuất xe có động cơ (OICA), tốc độ tăng trưởng trung bình của doanh số bán ô tô của Việt Nam giai đoạn 2018- 2022 đạt 7,5%/năm, thuộc hàng cao nhất châu Á, chỉ thấp hơn Saudi Arabia (tăng 8,8%/năm). Trong khi đó, ở nhiều nước, tốc động tăng trưởng này thậm chí còn ở mức âm như Thái Lan (-14%/năm), Pakistan (-2,8%/năm).
Tuy nhiên, do tác động từ kinh tế vĩ mô cũng như lãi suất vay tăng cao, tổng doanh số ô tô 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 92.800 chiếc, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe lắp ráp trong nước bị ảnh hưởng mạnh hơn, đạt 50.000 chiếc, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022; xe nhập khẩu đạt 42.800 chiếc, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.