Thời vua Lê Thần Tông, khi ông 56 tuổi, được vua phong tước Bá chức Thái Bộc Tự Khánh. Mùa đông năm 1637, vua Lê Thần Tông cử ông đi sứ sang Trung Hoa. Nhân cơ hội này, Thám hoa Giang Văn Minh lập kế “xóa nợ Liễu Thăng” cho nhân dân ta. Tương truyền rằng: Liễu Thăng bại trận, bỏ xác tại Việt Nam, nhưng đến thời Hậu Lê, hàng năm, vua nước ta vẫn cử người sang “góp giỗ Liễu Thăng”. Lễ vật là một hình nhân bằng vàng, nặng hàng chục ký, bởi vậy nhân dân ta thường nói “nợ như nợ Liễu Thăng” (ý nói nợ triền miên), là một món nợ dai dẳng đè lên vai nhân dân ta.

            Khi đến kinh thành nhà Minh, Thám hoa Giang Văn Minh và đoàn tùy tùng ở lại quá phủ chờ vào yết kiến vua Minh. Một hôm, ông giả vờ khóc lóc rất thảm thiết, làm rung động lòng người. Kẻ hầu, người hạ cũng như quan quân nhà Minh gặng hỏi, ông đều lắc đầu không trả lời. Tin này lọt đến tai vua Minh. Vua hạ chỉ cho mời ông đến hỏi cho ra lẽ.

            Thám hoa vừa khóc lóc vừa tâu rằng: “Hôm nay là ngày giỗ cụ năm đời của sứ thần, nhưng sứ thần không có mặt tại quê nhà để cùng gia quyến cúng giỗ. Thật là bất hiếu với tổ tiên”.

            Vua nhà Minh phán rằng: “Ngũ đại mai thần chủ”, nghĩa là người đang sống không phải giỗ người đã chết cách nay 5 đời, khóc lóc là không đúng.

            Biết vua Minh đã trúng kế, ông liền tâu rằng: “Liễu Thăng tử trận cách nay đã vài trăm năm, tại sao vua Minh vẫn bắt nhân dân Việt Nam hằng năm sang cúng giỗ”.

            Biết đã mắc mưu, vua Minh buộc lòng phải công bố: Từ nay trở đi, Việt Nam không phải sang Trung Hoa cúng giỗ Liễu Thăng nữa.

            Nhờ mưu kế của Thám hoa Giang Văn Minh, mà nhân dân ta mới thoát món nợ truyền kiếp.

            Khi vào yết kiến vương triều, vua Minh đã biết ngay sứ thần nước Nam tài giỏi, thông minh, hay chữ và giàu lòng yêu nước. Vừa để thử tài ông, cũng vừa ra đòn “múa võ dương oai của quan quân Đại Hán”, dựa vào cây cột đồng mà vương triều phong kiến Trung Hoa đã xây trên đất nước ta trong thời kỳ “ngàn năm Bắc thuộc”, vua Minh ra câu đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” ý nói: Cột đồng đến nay rêu phủ xanh. Không chịu khuất phục trước thái độ hống hách của nước lớn, luôn nuôi mộng xâm lược nước nhỏ láng giềng, ông liền ứng khẩu: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” ý nói: Nước sông Bạch Đằng đỏ từ xưa.

            Hàm ý câu đối lại của Giang Văn Minh, là từ xưa đến nay, nước sông Bạch Đằng vẫn còn đỏ máu quân xâm lược phương Bắc.

            Với chiến thắng quân Nam Hán do Ngô Quyền lãnh đạo vào năm 938 và chiến thắng quân Nguyên do Trần Hưng Đạo lãnh đạo vào năm 1288 trên sông Bạch Đằng, thì câu đối của ông thật là tài tình và sắc bén như gươm đao.

            Vua nhà Minh rất tức tối về vế đối của Thám hoa Giang Văn Minh, đã không ngần ngại phá luật ngoại giao, sai quân mổ bụng sứ thần nước Nam cho hả giận.

            Sau đó trả thi hài của ông về nước. Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh đến tận linh cữu ông mà khóc rằng: “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng”. ý nói: Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ.

            Trong lễ truy điệu Thám hoa Giang Văn Minh, điếu văn của vua Lê có câu: “- Thục bất hữu sinh, sinh như công dã, kỳ sinh như vinh.

- Thục bất hữu tử, tử như công giả, kỳ tử do sinh”. ý nói: Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống; ai cũng chết, chết như ông, chết như sống.

            Thi hài của ông được dòng tộc họ Giang và dân làng xã Đường Lâm xin phép vua Lê Thần Thông được đưa về an táng tại quê nhà./.