Tuyên chiến với đói nghèo

Đi khắp Quảng Ngãi, đâu đâu  cũng bạt ngàn ruộng mía, bởi đó là  quê hương của mía đường. Cây mía  sau vụ thu hoạch, người dân đốt đi trơ lại những gốc, thế mà  khi mưa xuống lại đâm chồi xanh tốt. Cây mía đã như vậy, thì người đâu có thể đầu hàng đói nghèo, coi đói nghèo là số phận, khi đất nước đang đổi mới? Một trong những người đi tiên phong dám tuyên chiến với đói nghèo, dám cùng tập thể, cùng công nhân nhà máy, cùng với người trồng mía đứng ra gánh trọng trách bắt cây mía phải nuôi sống con người và làm giàu cho quê hương, đó là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Xuân Huế. 

Tốt nghiệp Khoa Điện trường Đại học Bách khoa, về Nhà máy Đường từ năm 1979, Nguyễn Xuân Huế làm công nhân Nhà máy trong 4 năm liền, rồi làm Phó Giám đốc Nhà máy từ tháng 5/1985 đến tháng 9/1988, và nhận chức Giám đốc Công ty Đường Quảng Ngãi từ tháng 10/1988 đến năm 2000. Bản thân là một thương binh loại 3/4, vết thương cũ thường tái phát, gây không ít khó khăn cho anh trong cuộc sống, nhưng vói quyết tâm tự cứu lấy mình cùng mọi người thoát khỏi đói nghèo, anh cùng tập thể đã chiến thắng.  

Trong 12 năm làm Giám đốc Công ty đường Quảng Ngãi , Nguyễn Xuân Huế đã cùng tập thể lãnh đạo Công ty trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, chịu nhiều khó khăn, thử thách do thời tiết khắc nghiệt của miền Trung đối với cây mía và tính chất cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường trong những năm đổi mới, xóa bỏ cơ chế bao cấp. Từ một nhà máy đường có công suất nhỏ ở Quảng Phú, Công ty đã tiếp nhận và lắp đặt hoàn chỉnh Nhà máy Đường Phổ Phong (Quảng Ngãi), Nhà máy Đường Kon Tum (Kon Tum), Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai), nâng tổng công suất chế biến lên 6.000 tấn mía/ngày. Phạm vi hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đã trải rộng trên ba tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum. Ngoài việc sản xuất đường, Công ty còn  mạnh dạn đầu tư các cơ sở sản xuất mới, thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, hình thành hàng loạt các nhà máy sản xuất: Bia, bánh kẹo, nước khoáng, bao bì caton, bao PP, mở rộng sản xuất bia lên 35 triệu lít/năm và nâng sản lượng cồn thực phẩm lên gấp gần 5 lần (6 triệu lít/năm). Giờ đây, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đã vươn lên thành một Công ty mạnh  của Tỉnh với 14 cơ sở sản xuất 40 loại sản phẩm. Sản phẩm của Công ty đã được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài tín nhiệm. Một số sản phẩm như bánh, kẹo, sữa, nước khoáng… được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Một số sản phẩm đã được tặng thưởng “Sao vàng đất Việt”. Nhiều sản phẩm của Công ty  được xuất khẩu đi Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Cămpuchia và các nước Trung Đông, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.

Những con số biết nói

Ngày đầu thành lập, Nhà máy Đường Quảng Ngãi chỉ có 2 sản phẩm chính là đường và cồn, công suất 1.500 tấn/ngày. Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, ngày nay Công ty đã trở thành một Công ty lớn của tỉnh Quảng Nam, hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Trong 12 năm từ 1988 đến năm 2000, Công ty đã đóng góp vào ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi hàng trăm tỉ đồng. Tổng số thuế của Công ty nộp trong 4 năm (1997-2000) là 400 tỷ, con số này lớn hơn 1.000 lần sự đóng góp của một số doanh nghiệp khác trong Tỉnh. Năm 2005 vừa qua, doanh thu tiêu thụ của Công ty đạt 1100 tỷ đồng, nộp ngân sách 150 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% tổng ngân sách của toàn Tỉnh. 

Từ một nhà máy có vài trăm công nhân, đến nay Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đã có 4000 lao  động (trong đó có hơn 3.000 lao động chính, còn lại là hợp đồng thời vụ), với mức thu nhập ổn định từ 1,5-1,7 triệu đồng/người/ tháng. Riêng năm 2005 đạt mức 1,9 triệu đồng/người/ tháng, trong đó có hơn 500 người thuộc diện chính sách: thương binh, con liệt sĩ, bộ đội phục viên chuyển ngành.

Mỗi năm Công ty đầu tư từ 40 đến 50 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng nguyên liệu mía. Đặc biệt, hệ thống giao thông, thủy lợi trong vùng nguyên liệu mía được Công ty rất chú trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc vận chuyển nguyên liệu mía về các nhà máy sản xuất đường của Công ty, giảm tối đa chi phí cho người trồng mía, cũng là nhằm giúp bà con xóa vĩnh viễn cái đói, xóa dần cái nghèo, góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân.

Trước kia, Quảng Ngãi có 250.000 lao động trồng mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường, nhưng trồng phân tán, manh mún. Nay Công ty đã quy hoạch thành các vùng chuyên canh trong Tỉnh, đó là chưa kể vùng nguyên liệu ở Gia Lai, Kon Tum. Công ty  đã thành lập một Trung tâm Giống mía để cung cấp giống mía  có trữ lượng đường cao, phù hợp với điều kiện thiên nhiên mưa nhiều bão lớn, đồng thời hướng dẫn những kỹ thuật trồng mới và chăm sóc  mía cho người nông dân. Trong thời kỳ đầu tư mở rộng, mặc dù phải vay vốn ngân hàng, nhưng Công ty đã  ứng vốn hàng chục triệu đồng  cho mỗi hộ nông dân mà  không hề lấy lãi để họ có vốn trồng mía làm nguyên liệu cho nhà máy. Cùng với việc đầu tư cho vùng mía, Công ty còn ra các quy định về giá mua mía, chính sách khuyến khích, hỗ trợ... rất chặt chẽ, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Công ty và người trồng mía, làm cho cây mía cung cấp cho Công ty Đường Quảng Ngãi đã thật sự là ‘mía ngọt’ chứ không phải là ‘mía đắng’ như ở nhiều nơi khác.

Nhờ chăm lo tốt cho vùng nguyên liệu, nên Công ty đã nâng cao được diện tích trồng mía và thu nhập của người nông dân. Hầu hết người dân trong vùng trồng mía đều đã xây dựng nhà kiên cố, có phương tiện sinh hoạt, đi lại đầy đủ. Bộ mặt nông thôn  ngày càng đổi mới. Công ty đã xây dựng 3 trường học cho học sinh  ở các xã vùng nguyên liệu mía, xây dựng hơn 800 km đường giao thông liên thôn, đường xương cá vào các vùng mía. Công ty còn xây dựng 2 trạm điện hạ thế cho vùng mía, đóng góp gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông phía bắc thị xã, nay là thành phố Quảng Ngãi, xây cầu Bà Lãnh, sửa chữa đường Trà Bồng, đường đi Thạch Nham. Công ty còn phụng dưỡng  40 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng 150 sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 1 triệu đồng) cho  các đối tượng chính sách.

Với tất cả những thành tích ấy, năm  2001  Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Chắc chắn Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi còn tiến xa hơn trong bước đường xây dựng nền kinh tế của Tỉnh theo phương hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà Tỉnh đang phấn đấu, để góp phần xóa đói  giảm  nghèo cho người lao động trong Tỉnh.