Đất trăm nghề...

Hà Tây còn là vùng đất được lưu truyền là “Đất trăm nghề”  với nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng đã được biết đến cả trong và ngoài nước. Toàn tỉnh có 325 xã phường, thị trấn, với 1460 làng (thôn), trong đó đã có 972 làng nghề, chiếm 66,6% tổng số làng trong Tỉnh. Đến nay, đã có 147 làng nghề đạt tiêu chuẩn của Trung ương.

Cùng với thời gian, một số làng nghề truyền thống bị mai một, song phần lớn vẫn tồn tại và phát triển, góp phần rất lớn vào sự phát triển chung của toàn tỉnh. Những làng nghề truyền thống đều có tuổi lên tới vài nghìn năm và đều có những giai thoại gắn liền với nó. Bằng kỹ thuật tinh xảo độc đáo, những sản phẩm từ các làng nghề này vẫn và ngày càng có uy tín trên thị trường. Nói đến nghề truyền thống ở Hà Tây phải kể tới làng nghề tiện gỗ, xương sừng Nhị Khê, thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái, tre đan Ninh Sở (Thường Tín), sơn khảm mỹ nghệ Chuyên Mỹ, may Từ Thuận (Phú Xuyên), mộc Chàng Sơn, cơ kim khí Phùng Xá, bánh chè lam Thạch Xá (Thạch Thất), mây đan Phú Vinh (Chương Mỹ), nón Chuông (Thanh Oai), dệt La Phù (Hoài Đức), dệt Phùng Xá Thượng (Mỹ Đức), dệt lụa Vạn Phúc, rèn dao kéo Đa Sỹ (Hà Đông)... Đây chỉ là một số làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Tây trải đều khắp các huyện thị trong tỉnh, những làng nghề này vẫn đang tồn tại và ngày càng phát triển cùng với nền kinh tế thị trường. Bên cạnh những làng nghề truyền thống, ở Hà Tây cũng đã xuất hiện thêm 79 làng nghề mới. Do diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp, nhu cầu đời sống ngày một tăng, nên các làng thuần nông, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các ngành trong tỉnh, đã và đang trở thành làng có nghề. Hiện nay, có 12/14 huyện đã xây dựng phát triển được làng nghề mới, chiếm 85,7%. Một số làng nghề mới tiêu biểu như mây tre đan Lam Điền (Chương Mỹ), chế biến nông sản thực phẩm Hồng Dương, Minh Hồng, tăm hương, mây tre Hoàng Trung, sơn son thiếp vàng, điêu khắc đục tượng Võ Lăng (Thanh Oai), dệt đan tơ lưới Thao Ngoại (Phú Xuyên), may mặc, sản xuất con giống Thượng Hiệp (Phúc Thọ)... Tổng giá trị sản xuất kinh doanh của 79 làng nghề mới năm 2000 đạt tới 415, 9 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 30,9%. Rất nhiều nghề đang trở thành thu nhập chính của các gia đình làm nghề công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trong các làng. Điều này chứng tỏ hướng đi đúng đắn của các làng nghề mới và vai trò của các cấp, các ngành địa phương trong việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế xã hội trong nền kinh tế thị trường.

 Những năm qua, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 7,3%/năm. Trong đó có sự đóng góp đáng kể của các làng nghề truyền thống được khôi phục và các làng nghề mới. “Đất trăm nghề” đang đứng trước những cơ hội làm giàu bằng chính ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Trong xu thế phát triển chung của đất nước, những làng nghề này đang có những quy hoạch cụ thể nhằm phát triển bền vững và lâu dài, trong đó chú trọng đến vai trò của du lịch làng nghề.

Du lịch làng nghề- Liệu có thực hiện được?

Những năm gần đây, khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài đến Việt Nam đã được tham gia vào các tour du lịch tham quan các làng nghề truyền thống, theo họ, ở đó thể hiện rõ nhất đặc tính văn hoá, đời sống của người Việt. Đến những làng nghề truyền thống, du khách không chỉ được xem, mà còn được tham gia vào các công đoạn làm ra các sản phẩm, nên những tour du lịch này đã thu hút được sự quan tâm của du khách nước ngoài.

Với lợi thế của “đất trăm nghề”, Hà Tây cũng đã bắt đầu chú trọng thu hút khách du lịch đến với các làng nghề, nhưng tất cả còn quá nhỏ bé so với tiềm năng vốn có của vùng đất này. Theo khảo sát mới nhất, Hà Tây mới chỉ có 4 làng nghề có khả năng đón khách ngay là làng dệt lụa Vạn Phúc, cỏ tế Lưu Thượng, thêu Quất Động, khảm trai Chuyên Mỹ. Ngoài ra, cũng có một số làng nghề khác thu hút được du khách, nhưng không đều. Những tuor du lịch đến làng nghề hiện nay, nhìn chung mới chỉ dừng ở qui mô nhỏ lẻ, tự phát, khách du lịch đến đây chủ yếu để tham quan và mua sắm đồ lưu niệm.

Điển hình nhất hiện nay phải kể tới làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Chỉ cách Hà Nội 11 km, tại thị xã Hà Đông, Vạn Phúc là một làng dệt lụa nổi tiếng có tuổi nghề trên một ngàn năm. Tương truyền, lụa Vạn Phúc đã được đích thân vua Tự Đức mang đến hội chợ Pháp, Thái Lan, Trung Quốc. Đây là một trong số ít làng nghề truyền thống nắm bắt được thị trường là khách du lịch nên mọi hoạt động nhằm thu hút khách được tổ chức khá chuyên nghiệp. Đến Vạn Phúc, du khách sẽ được nghe kể về ông tổ họ Lã của làng, người đã có công mang bí quyết dệt lụa của Trung Quốc từ hàng ngàn năm trước về dạy cho dân làng, để đến nay, tên tuổi của lụa Vạn Phúc không chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia. Du khách sẽ được tham gia vào một trong 3 công đoạn làm ra một tấm lụa để biết được thế nào là chọn sợi, mắc sợi dọc, sợi ngang, cách hồ tơ làm sao để vừa dai vừa bóng. Sau đó là công đoạn đếm số sợi mắc trên khung cửi cổ truyền để dệt lụa hao, lụa trơn, sau cùng là nhuộm để mới thành tấm lĩnh hoa thực sự. Sau mỗi tuor du lịch thế này, du khách không chỉ ra về với những món quà lưu niệm đặc trưng Việt Nam, mà còn hiểu thêm về giá trị của những sản phẩm đó. Mặc dù đã có những hoạt động thiết thực nhằm phát triển du lịch làng nghề, song những gì làng lụa Vạn Phúc làm được, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có của nó.

Hàng năm, tỉnh Hà Tây có tổ chức xét duyệt những làng nghề đạt tiêu chuẩn vào danh sách làng nghề du lịch, nhưng công việc này mới chỉ tạo được “danh”  mà chưa có kết quả thực sự. Muốn trở thành điểm du lịch làng nghề, trước hết phải có kinh phí để sửa sang đường xá, tu bổ các di tích liên quan đến nghề như xây nhà truyền thống, tổ chức những điểm sản xuất tiêu biểu với đầy đủ các công đoạn sản xuất ra một sản phẩm thủ công truyền thống. Tóm lại là, để du khách khi đến làng nghề có cái để nhìn, để mua, để hiểu về làng nghề và hơn cả là phải làm toát lên nét đẹp truyền thống của nền văn hoá dân tộc. Nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp như hiện nay thì, đến con đường vào làng cũng chưa xây được nói gì đến những đòi hỏi chính đáng khác của một điểm du lịch làng nghề.

Trên thực tế có rất nhiều điểm du lịch làng nghề ở Hà Tây hấp dẫn khách du lịch, họ vẫn tìm đến để thưởng thức những nét tinh xảo và độc đáo trong mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm ra từ những đôi bàn tay tài hoa. Không thể phủ nhận lợi nhuận từ du lịch làng nghề đem lại đó là khả năng xuất khẩu tại chỗ, là kéo theo sự phát triển của thương mại...Nhưng những điểm du lịch làng nghề ở Hà Tây hiện nay không có hướng dẫn viên, nhà nghỉ và các tiêu chí tối thiểu khác. Môi trường sinh hoạt bị đe doạ nghiêm trọng từ chất thải sản xuất, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cảnh quan của một điểm du lịch...

Dù thế nào cũng phải công nhận những cố gắng của Hà Tây trong việc tạo dựng và phát triển các điểm du lịch làng nghề. Để nó thực sự khả thi, cần phải có sự quan tâm đồng bộ từ Trung ương, địa phương, đến các ngành có liên quan như ngân hàng, xuất nhập khẩu, du lịch...Ngay bây giờ, tỉnh Hà Tây cần phải xây dựng kế hoạch, chọn những làng nghề tiêu biểu để xây dựng một vài tâm điểm du lịch làng nghề. Một mảnh đất với hàng trăm nghề truyền thống như Hà Tây, thiết nghĩ khả năng thành công là trong tầm tay.