Không đồng nhất “nhãn hiệu” và “thương hiệu”

Theo ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trong các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam, chỉ tìm thấy các thuật ngữ “nhãn hiệu”, “chỉ dẫn địa lý”... chứ không tìm thấy thuật ngữ “thương hiệu”. Vì vậy, việc hiểu và sử dụng đồng nhất thuật ngữ “thương hiệu” với các thuật ngữ “nhãn hiệu” hay “chỉ dẫn địa lý” sẽ gây ra những hiểu lầm về sự việc mà chúng ta đang nói tới. Ông Minh cho rằng, việc một “nhãn hiệu”, một “chỉ dẫn địa lý” của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài lấy để đăng ký nhãn hiệu thì chỉ có thể hiểu rằng: nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý đó bị “mất”, chứ không thể nói “thương hiệu” đó bị “mất” (do bị người khác “lấy” để đăng ký thành nhãn hiệu của họ). Hơn nữa, thương hiệu của một sản phẩm không đơn giản là một nhãn hiệu hay một chỉ dẫn địa lý dùng cho sản phẩm đó. Thương hiệu sản phẩm còn là tất cả những gì doanh nghiệp đạt được (danh tiếng, uy tín, thị trường, sản phẩm) trong cả quá trình lâu dài xây dựng thương hiệu. Tất nhiên, vì thương hiệu được xây dựng trên cơ sở một nhãn hiệu hay một chỉ dẫn địa lý, nên nếu nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý bị “mất” thì có thể gây nguy cơ mất thương hiệu, mất những gì doanh nghiệp đã đạt được từ việc đầu tư xây dựng thương hiệu.

Nguyên tắc cơ bản của bảo hộ sở hữu trí tuệ là nguyên tắc bảo hộ theo lãnh thổ, các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu của ta đăng ký ở Việt Nam thì chỉ được bảo hộ ở Việt Nam, không được bảo hộ ở lãnh thổ nước khác. Doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý của mình ở Việt Nam chỉ có nghĩa là doanh nghiệp, tổ chức đó là chủ sở hữu nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý đó ở Việt Nam (theo nguyên tắc bảo hộ theo lãnh thổ) và trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý đó ở Việt Nam, chứ không đương nhiên là chủ sở hữu nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý đó ở nước ngoài. Việc chúng ta không đăng ký ở một nước đồng nghĩa với khả năng nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý của chúng ta có thể bị đăng ký bởi một doanh nghiệp nước họ. Họ có thể trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, có độc quyền sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký, có quyền cấm các doanh nghiệp khác (kể cả các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam là chủ sở hữu nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam) sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm đã được đăng ký. Vụ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam đã bị Cty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.Ltd đăng ký độc quyền nhãn hiệu với thời hạn 10 năm, cho nhóm sản phẩm 30 - nhóm có chứa cà phê là một ví dụ điển hình. Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được đăng ký ở Việt Nam từ năm 2005, nhưng chưa đăng ký quốc tế nên chỉ có hiệu lực trong nước chính là một bài học đắt giá không chỉ với tỉnh Đắk Lắk.

“Lấy lại” là chuyện bình thường
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có quyền đòi lại những gì có thể tạm cho là “đã mất” bằng cách lựa chọn một trong những cách làm sau:

- Tiến hành các thủ tục đình chỉ (với căn cứ là nhãn hiệu của họ không thỏa mãn tiêu chuẩn bảo hộ hoặc chủ nhãn hiệu thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu với mục đích không lành mạnh) hoặc hủy bỏ (với căn cứ là nhãn hiệu đó không được sử dụng liên tục trong một khoảng thời gian luật định) hiệu lực nhãn hiệu đã được đăng ký của người khác và đăng ký nhãn hiệu của mình. Nếu thủ tục đình chỉ/hủy bỏ trên thành công thì khả năng nhãn hiệu của mình được đăng ký – “lấy lại” là rất khả quan.

- Thỏa thuận mua lại nhãn hiệu với chủ nhãn hiệu. Cách làm này ít người lựa chọn nhưng nhiều khi vẫn phải sử dụng vì không còn con đường nào khác.

- Ngoại giao để chủ nhãn hiệu xin từ bỏ nhãn hiệu, mở đường cho ta đăng ký nhãn hiệu theo thủ tục quy định. Phương án này cần phải có sự tham gia của nhiều cơ quan và thủ tục khá phức tạp, hơn nữa, liên quan đến quyền dân sự mà yêu cầu sự tham gia của các cơ quan nhà nước thì không phù hợp với bản chất quan hệ. Trong lịch sử, chúng ta đã từng mất thương hiệu Vinataba ở nước ngoài và cũng đã tiến hành bằng con đường ngoại giao nhưng đã thất bại, chỉ đòi được ở một vài nước mà người ta cố gắng chuyển nhượng lại hoặc hủy bỏ nhãn hiệu đó đi. 

- Căn cứ pháp lý để tiến hành các thủ tục yêu cầu đình chỉ/hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu là quy định của các điều ước quốc tế và quy định pháp luật về cở hữu trí tuệ của nước sở tại và tình trạng nhãn hiệu đó ở Việt Nam. 

Đối với trường hợp cà phê Buôn Ma Thuột, theo TRIPs (Trade-Related Intellectual Property Rights - Hiệp định Bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại của Tổ chức thương mại Thế giới) thì các nước thành viên phải bảo hộ chỉ dẫn địa lý của các nước thành viên khác, do đó, nên tập trung vào nội dung này để yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho Việt Nam. Điều 22 của TRIPs quy định những yêu cầu tối thiểu mà các quốc gia thành viên phải thực hiện để bảo hộ chỉ dẫn địa lý của các nước thành viên khác, đồng thời cũng đòi hỏi một đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu hoặc một đăng ký nhãn hiệu phải bị từ chối hoặc hủy bỏ nếu một nhãn hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý dùng cho hàng hóa không có nguồn gốc từ lãnh thổ được chỉ tới đó và gây nhầm lẫn cho công chúng. 

Theo Điều 10 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc thì những tên địa danh như các đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố hoặc cao hơn và tên địa danh nước ngoài được biết đến rộng rãi đối với công chúng sẽ không được sử dụng làm nhãn hiệu, nhưng các thuật ngữ địa danh này khi có nghĩa khác hoặc là một phần của nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận sẽ được độc quyền. 

Theo Điều 16 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc thì khi một nhãn hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý hàng hóa mà hàng hóa sử dụng nhãn hiệu đó lại không xuất xứ từ vùng địa lý được chỉ dẫn và nhãn hiệu gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, nhãn hiệu đó sẽ bị từ chối đăng ký và bị cấm sử dụng. 

Cơ quan giải quyết yêu cầu hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu của Trung Quốc là Cơ quan giải quyết khiếu nại. Việc yêu cầu hủy bỏ phải được thực hiện trong vòng 5 năm kể từ ngày nhãn hiệu là đối tượng của yêu cầu hủy bỏ được đăng ký. Riêng với trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng bị đăng ký với mục đích không lành mạnh, chủ đích thực của nhãn hiệu đó sẽ không bị hạn chế bởi thời hạn 5 năm. 

Như vậy là đã rõ. Việc “lấy lại” chỉ dẫn địa lý của cà phê Buôn Ma Thuột là hoàn toàn có cơ sở. Lựa chọn cách nào là phụ thuộc vào khả năng phân tích, đánh giá tình hình cụ thể của doanh nghiệp “bị mất” nhãn hiệu, cũng như phụ thuộc vào sự trợ giúp của cơ quan quản lý nhà nước và sự lựa chọn sử dụng dịch vụ của các công ty, văn phòng đại diện sở hữu trí tuệ có kinh nghiệm.