Tóm tắt: Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và kinh doanh toàn cầu, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Nhận thức được tầm quan trọng này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Từ khóa: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khu vực kinh tế tư nhân, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, năng suất lao động.
1. Đặt vấn đề
Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Khu vực này đóng góp hơn 40% GDP và tạo ra khoảng 85% việc làm cho toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra là phần lớn các doanh nghiệp tư nhân vẫn đang hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc nhiều vào nguồn lao động giá rẻ.[Đ1] Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành một yêu cầu cấp thiết, một con đường tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân, (VCCI, 2023).
Nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (2023) đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp tư nhân ứng dụng công nghệ cao thường đạt năng suất lao động cao hơn từ hai đến ba lần so với các doanh nghiệp vẫn duy trì phương thức sản xuất truyền thống. Điều này có thể lý giải bởi những lợi ích to lớn mà khoa học công nghệ mang lại. Cụ thể, việc ứng dụng các giải pháp tự động hóa và số hóa trong sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí sản xuất, tối ưu hóa các quy trình vận hành và nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra. Điển hình là việc triển khai hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) trong công tác quản lý doanh nghiệp đã giúp nhiều công ty cắt giảm được 20-30% chi phí hành chính (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2023). Không dừng lại ở đó, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) hay phân tích dữ liệu lớn (Big Data) còn mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng dự báo thị trường và cá nhân hóa sản phẩm dịch vụ theo nhu cầu của từng nhóm khách hàng cụ thể. Những yếu tố này đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, đại dịch Covid-19 vừa qua đã trở thành một phép thử rõ ràng nhất về vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Các số liệu thống kê cho thấy những doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi số, áp dụng các giải pháp thương mại điện tử hay làm việc từ xa có khả năng phục hồi nhanh hơn 50% so với các doanh nghiệp vẫn duy trì phương thức hoạt động truyền thống (VCCI, 2023). Hơn nữa, công nghệ còn mở ra cơ hội để các doanh nghiệp đa dạng hóa rủi ro bằng cách mở rộng thị trường ra quốc tế thông qua các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu như Amazon hay Alibaba.
Do đó, đổi mới sáng tạo không chỉ giới hạn ở việc cải tiến công nghệ sản xuất mà còn bao gồm cả việc đổi mới mô hình kinh doanh, phát triển các dịch vụ mới và cách tiếp cận thị trường sáng tạo. Trong những năm gần đây, sự xuất hiện của nhiều startup công nghệ thành công như MoMo hay VNPay, những doanh nghiệp đã tạo ra các giải pháp thanh toán số tiên tiến, góp phần mở rộng thị trường tài chính đến cả những vùng nông thôn xa xôi. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các giải pháp công nghệ như MimosaTEK đã giúp nông dân tối ưu hóa hệ thống tưới tiêu, không chỉ giảm tới 30% lượng nước sử dụng mà còn góp phần nâng cao đáng kể năng suất cây trồng (Alphabeta, 2021).
2. Thực trạng hỗ trợ của nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho khu vực kinh tế tư nhân
Nhận thức rõ vai trò then chốt của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, Nhà nước đã xây dựng một hệ thống chính sách đồng bộ nhằm tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Các chính sách này được thể hiện qua nhiều cấp độ, từ khung pháp lý tổng thể đến những hỗ trợ cụ thể về tài chính, nguồn lực và nhân lực.
Về thể chế, hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện đáng kể để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng năm đã thiết lập nền tảng pháp lý quan trọng, giúp các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới và hưởng các chính sách ưu đãi. Đặc biệt, Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 569/QĐ-TTg đã đặt ra mục tiêu cụ thể là nâng tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của khu vực tư nhân lên 35% tổng đầu tư xã hội. Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị càng khẳng định rõ hơn vai trò trung tâm của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời đề ra các cơ chế đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Về hỗ trợ tài chính, Nhà nước áp dụng nhiều biện pháp ưu đãi thuế hấp dẫn. Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2020, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được giảm 30% số thuế phải nộp trong 3 năm liên tiếp. Đối với các dự án R&D, chính sách còn ưu đãi hơn nữa với 4 năm miễn thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (NATIF) với vốn điều lệ lên tới 2.000 tỷ đồng được thành lập để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất 0% cho các dự án đổi mới công nghệ, như quy định tại Thông tư số 08/2020/TT-BKHCN. Hệ thống ngân hàng cũng tham gia tích cực thông qua các gói tín dụng đặc biệt, tiêu biểu là gói 50.000 tỷ đồng do Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) triển khai theo Quyết định 1243/QĐ-TTg.
Về hỗ trợ nguồn lực và nhân lực, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều chương trình thiết thực. Chương trình chuyển giao công nghệ tập trung vào việc kết nối các viện nghiên cứu với doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ tài chính lên tới 500 triệu đồng cho mỗi doanh nghiệp để mua bản quyền công nghệ. Đối với nguồn nhân lực, Đề án “Đào tạo 10.000 kỹ sư công nghệ cao” giai đoạn 2021-2025 được triển khai với kinh phí lên tới 2.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của khu vực kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, Nhà nước chú trọng xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện. Các trung tâm đổi mới sáng tạo (Innovation Hub) đã được thành lập tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, cung cấp không gian làm việc chung hiện đại, phòng thí nghiệm tiêu chuẩn cùng các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp cho các startup. Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm như BK Fund hay VSV Capital đã ra đời, tạo nguồn vốn dồi dào để ươm mầm các ý tưởng công nghệ mới.
Nhìn chung, hệ thống chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta ngày càng hoàn thiện, bao quát từ khung pháp lý tổng thể đến các hỗ trợ cụ thể về vốn, công nghệ và nhân lực. Điều này tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế năng động này, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong quá trình ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Một trong những rào cản lớn nhất chính là hạn chế về nguồn lực tài chính. Chi phí đầu tư ban đầu cho các giải pháp công nghệ cao thường rất lớn, vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khảo sát của VCCI (2024) cho thấy, có tới 70% doanh nghiệp tư nhân được hỏi cho biết họ không đủ nguồn vốn để đầu tư mua sắm các công nghệ mới.
Thách thức thứ hai nằm ở sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo báo cáo của TopDev (2023), Việt Nam đang thiếu hụt khoảng 90.000 kỹ sư công nghệ thông tin mỗi năm. Bên cạnh đó, năng lực quản lý và vận hành công nghệ của nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc triển khai và vận hành các hệ thống công nghệ mới.
Có thể thấy, hệ sinh thái hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo ở nước ta hiện vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng sự kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cho startup công nghệ chủ yếu tập trung vào giai đoạn muộn, trong khi nguồn vốn seed cho giai đoạn ý tưởng ban đầu lại rất hạn chế.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ của nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho khu vực kinh tế tư nhân
Trước hết, tháo gỡ rào cản về vốn - một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân khi đầu tư vào khoa học công nghệ cần mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (NATIF). Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (2023), mặc dù quỹ này hiện có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục tiếp cận quỹ, áp dụng cơ chế “một cửa” điện tử để rút ngắn thời gian xét duyệt từ 60 ngày hiện nay xuống còn không quá 30 ngày (Bộ Khoa học và Cộng nghệ, 2023). Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách ưu đãi thuế mạnh mẽ hơn để khuyến khích đầu tư tư nhân vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Kinh nghiệm từ Hàn Quốc - quốc gia có tỷ lệ đầu tư tư nhân cho R&D cao nhất thế giới (76,6% tổng chi cho R&D năm 2022 theo OECD) cho thấy chính sách giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các khoản chi R&D đã mang lại hiệu quả rõ rệt (Ngân hàng Thế giới, 2022). Việt Nam có thể áp dụng mô hình tương tự, đồng thời bổ sung cơ chế hoàn thuế cho các doanh nghiệp startup công nghệ trong 3 năm đầu hoạt động.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực, giải pháp then chốt để phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao là đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học. Mô hình “đào tạo kép” của Đức với việc sinh viên dành 50% thời gian học tập tại trường và 50% thời gian thực hành tại doanh nghiệp đã chứng minh hiệu quả vượt trội (Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, 2021). Ở Việt Nam, cần nhân rộng mô hình này thông qua việc sửa đổi chương trình đào tạo, trong đó doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng giáo trình và đánh giá kết quả học tập. Song song đó, cần xây dựng hệ thống các trung tâm đào tạo công nghệ tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hiện nay, 80% cơ sở đào tạo công nghệ cao tập trung tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi nhu cầu nhân lực tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương... lại rất lớn. Việc thành lập các trung tâm đào tạo tại chỗ, gắn với nhu cầu thực tế của từng địa phương sẽ giúp giảm chi phí đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, (VCCI, 2023).
Thứ ba, hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Phát triển các cụm công nghiệp công nghệ cao là yếu tố quan trọng để tạo hệ sinh thái kết nối đa chiều giữa doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà đầu tư. Mô hình “Thung lũng Silicon” tại Hoa Kỳ hay “Làng công nghệ” tại Israel đã chứng minh hiệu quả của việc tập trung không gian vật lý để thúc đẩy tương tác và hợp tác (OECD, 2022). Ở Việt Nam, cần phát triển các cụm công nghiệp công nghệ cao chuyên sâu theo từng lĩnh vực (như công nghệ thông tin tại Đà Nẵng, công nghệ sinh học tại Cần Thơ...) với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế. Cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản thông qua các cơ chế: (1) Khuyến khích doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho đối tác Việt Nam; (2) Thành lập quỹ hỗ trợ mua bản quyền công nghệ từ nước ngoài; (3) Tổ chức các chương trình thực tập kỹ thuật ngắn hạn tại nước ngoài cho kỹ sư Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), các dự án hợp tác công nghệ với Hàn Quốc trong 5 năm qua đã giúp nâng cao năng lực công nghệ cho hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam.
4. Kết luận
Có thể khẳng định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. Các giải pháp về tài chính, nhân lực và hoàn thiện hệ sinh thái cần được triển khai một cách đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, đồng thời phải linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Chỉ có như vậy, khu vực kinh tế tư nhân mới thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Hỗ trợ của Nhà nước đã tạo động lực quan trọng giúp kinh tế tư nhân phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả tối đa, cần khắc phục những hạn chế về cơ chế, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp và tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Khoa học và Công nghệ (2023), Báo cáo thường niên về hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.[Đ2]
Tổ chức Lao động Quốc tế ILO (2024), Triển vọng việc làm và xã hội thế giới - Xu hướng 2024, Geneva: Văn phòng Lao động Quốc tế.
OECD (2022), The Cluster Scoreboard: Measuring the Performance of Innovative Clusters
World Bank (2022), Báo cáo “Năng suất và Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam”.
VCCI (2023), Khảo sát về khó khăn của doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận chính sách hỗ trợ.
VCCI (2024), Khảo sát nhu cầu nhân lực công nghệ cao.
PV (2024), Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực số, truy cập tại https://ictvietnam.vn/viet-nam-dang-doi-mat-voi-tinh-trang-thieu-nhan-luc-so-67644.html?utm_source=chatgpt.com
Enhancing state support for science, technology, and innovation in Vietnam’s private sector
Nguyen Xuan Nha
Center for Technology and Digital Transformation, Ho Chi Minh National Political Academy
Abstract: Amid the transformative impacts of the Fourth Industrial Revolution on global production and business models, the promotion of science, technology, and innovation has become a critical driver of competitiveness and sustainable growth, particularly for the private economic sector. Acknowledging this strategic importance, Vietnam has introduced a range of policies and support mechanisms aimed at fostering the development of the private economy through an science, technology, and innovation-driven approach. This study analyzes the current policy landscape, highlights key achievements and challenges, and proposes recommendations to enhance the role of science, technology, and innovation in strengthening Vietnam’s private sector.
Keywords: science and technology, innovation, private economic sector, state support policies, fourth industrial revolution, labor productivity.