TÓM TẮT:

Bài viết tập trung vào phân tích, đánh giá về thể chế huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng thời gian qua, từ đó đề xuất định hướng giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng trong những năm tới.

Từ khóa: Thể chế kinh tế, nguồn lực, kinh tế - xã hội, Thành phố Đà Nẵng.

1. Khái niệm và nội hàm về thể chế huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Trong kinh tế học, hàm sản xuất Cobb-Douglas thường được sử dụng để biểu hiện việc kết hợp các nhân tố sản xuất để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ cho xã hội.

Y = ALαKβ

Trong đó: Y = sản lượng; L = số lượng lao động; K = lượng vốn; A= năng suất nhân tố tổng hợp; α và β là các hệ số co giãn theo sản lượng lần lượt của lao động và vốn, cố định và do công nghệ quyết định.

Theo nghĩa rộng, nguồn lực gồm tất cả “yếu tố đầu vào” có đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào phát triển kinh tế. Trong trường hợp này, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội được hiểu theo nghĩa hẹp với các yếu tố đầu vào chủ yếu dưới dạng vật chất cho quá trình sản xuất kinh doanh.

Thể chế trong bài viết này được hiểu theo cách rộng là hệ thống các quy tắc, quy chế được sử dụng để điều chỉnh sự vận hành của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức nhưng tập trung vào một tổ chức cụ thể là Nhà nước. Theo đó, thể chế được hiểu là hệ thống các quy định do Nhà nước xác lập, được dùng để tạo ra và điều chỉnh các hành vi và mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và các tổ chức. Ba cấu phần của thể chế gồm: (i) Các quy định chính thức (Luật, các quy định); (ii) Các cơ chế thực hiện các quy định; và (iii) Các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện các quy định này. Thể chế huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bài viết này được hiểu là các quy định của Nhà nước và các cơ chế thực thi để huy động các nguồn lực phát triển nhằm đạt được các mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội; trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là việc ban hành các cơ chế, chính sách nhằm vào việc huy động, sử dụng các nhân tố sản xuất phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, khung phân tích về thể chế huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội có thể được mô tả như sau:


Nguồn: Tác giả đề xuất

Theo sơ đồ, thể chế huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội sẽ dựa trên 4 trụ cột chính, trong đó trụ cột về cơ chế, chính sách về kinh tế là trụ cột quan trọng và có tính quyết định, vì nó liên quan đến sự sản xuất, sản sinh của cải vật chất để tạo giá trị gia tăng cũng như luân chuyển và phân bổ nguồn lực hiện có.

2. Phân tích và đánh giá về thể chế huy động hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng thời gian qua

2.1. Về địa kinh tế của thành phố Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng có vị trí chiến lược, nằm ở trung độ của đất nước, trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ (Quốc lộ 1A), đường sắt, đường biển và đường hàng không. Ngoài ra, Đà Nẵng còn là cửa ngõ phía đông của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây đi qua bốn nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam, có tiềm năng đẩy mạnh hợp tác khu vực, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các vùng nguyên liệu, thị trường dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động..., thúc đẩy đầu tư và thương mại qua biên giới, đa dạng hóa hoạt động kinh tế và xuất khẩu, thúc đẩy phát triển du lịch.

Việc khai thác lợi thế địa kinh tế trong 20 năm qua đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế trên một số lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy tốt, chưa khai thác được vị trí địa lý của thành phố để thực hiện mục tiêu hình thành trung tâm bán buôn, phát luồng hàng hóa.

Phát triển kinh tế gắn với biển là một lợi thế của vùng, phù hợp với Nghị quyết TW 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và cần được tập trung cần tập trung, ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, lợi thế về kinh tế biển, vai trò thành phố cảng biển, đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hoá ở khu vực chưa phát huy tốt.

Lãnh đạo các địa phương đã đồng thuận và thống nhất thực hiện Biên bản cam kết Liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung trên tinh thần tự nguyện các bên cùng có lợi trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng và thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn Vùng. Tuy nhiên, việc liên kết đang tồn tại một số vấn đề về tính pháp lý do, quy chế hoạt động của Ban điều phối chưa được thể chế hóa, nội dung liên kết quá dàn trải, hoạt động liên kết chưa triển khai được nhiều các hoạt động trực tiếp và cơ chế tài chính chưa được bảo đảm do trên tinh thần tham gia tự nguyện nên đóng góp của địa phương còn hạn chế.

2.2. Cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng

Ngay sau khi tách tỉnh để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 1997, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng "trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung…". Những chủ trương, định hướng này đã liên tục được Chính phủ cụ thể hóa thành các quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Về cơ chế tài chính, ngân sách ưu đãi dành riêng cho Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2006/QĐ-TTg và gần đây là Nghị định số 144/2016/NĐ-CP, nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững; trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm của miền Trung vào năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trong bối cảnh tỷ lệ điều tiết của Đà Nẵng giảm từ 85% xuống 55% từ năm 2017 nên nguồn lực Đà Nẵng ngày càng bị hạn chế. Bên cạnh đó, quỹ đất ngày càng thu hẹp, việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển đòi hỏi Đà Nẵng phải hoàn thiện thể chế để huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả trong thời gian tới.

2.3. Về kết quả thực hiện

Trong thời gian qua, đặc biệt là 5 năm gần đây, với bối cảnh khủng hoảng tài chính đã có nhiều tác động đối với cả nước và Đà Nẵng. Tuy nhiên, Thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thực hiện được thể hiện ở một số khía cạnh chính như sau:

a. Về tăng trưởng và huy động vốn

Kinh tế thành phố Đà Nẵng đạt được mức tăng trưởng khá và ổn định. Tăng trưởng GRDP giai đoạn 1997 đến 2003 đạt bình quân 10,92%/năm. Năm 2003, sau khi Đà Nẵng trở thành đô thị loại I, tăng trưởng GRDP giai đoạn 2004 - 2010 đạt tương đối tốt, bình quân đạt 11,11%/năm. Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng GRDP có phần giảm đi, ước tăng bình quân 7,77%/năm.

Hình 1: Quy mô và tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố Đà Nẵng

từ năm 1997 đến năm 2015

(Nguồn: Niên giám thống kê thành phố Đà Nẵng)

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân giai đoạn 1997 - 2015 tăng 22,76%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP thực tế trong cùng giai đoạn là 10,47%/năm; đồng thời tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP cũng tăng mạnh qua các năm, từ mức 33,91% năm 1997 lên 50% năm 2015. Do vậy, vốn đầu tư xã hội đã trở thành yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng của nền kinh tế Thành phố trong cả giai đoạn, là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế thành phố Đà Nẵng.

Hình 2: Quy mô và tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư phát triển trên thành phố Đà Nẵng

từ năm 1997 đến năm 2015

(Nguồn: Niên giám thống kê thành phố Đà Nẵng)

Nguồn vốn FDI hiện nay chiếm tỷ lệ nhỏ, tăng chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ bản, các dịch vụ thiết yếu. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp đạt thấp, chưa thu hút nhiều dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn. Vốn Nhà nước vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, vốn đầu tư tư nhân và dân cư còn thấp. Quy mô, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư để thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh, mang tính đột phá; doanh nghiệp tư nhân hoạt động trên các lĩnh vực phát triển còn yếu, đa số có qui mô nhỏ.

b. Phát triển doanh nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tính đến ngày 31/10/2016, Thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.827 doanh nghiệp, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 12.650,3 tỷ đồng; 368 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện hoàn tất thủ tục giải thể; 1.015 doanh nghiệp khó khăn, hoạt động kinh doanh không hiệu quả đăng ký tạm ngừng hoạt động và 81 doanh nghiệp đăng ký khôi phục hoạt động trở lại trước thời hạn. Lũy kế đến nay, trên địa bàn Thành phố có 18.518 doanh nghiệp, với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 90.103 tỷ đồng.

Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục được chú trọng. Trong năm 2016, Thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 53 dự án (đạt 80,3% so với năm 2015), với tổng vốn đầu tư 16,73 triệu USD (đạt 37,42%); điều chỉnh tăng vốn cho 13 dự án, với tổng vốn tăng thêm là 32,71 triệu USD và 01 dự án giảm vốn với số vốn giảm là 14,3 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 430 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,706 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1,98 tỷ USD, tỷ lệ 53,8%.

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực trong những năm qua theo hướng công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa. Tỷ trọng nông, lâm, thủy sản giảm từ mức 9,7% năm 1997 xuống còn 2,1% năm 2015; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đạt mức 35,3% năm 2015, trong khi dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất là 62,6% vào năm 2015. Ngành Dịch vụ theo đó được ưu tiên phát triển theo hướng chất lượng cao. Các ngành công nghệ cao được chú trọng phát triển, giảm dần tỷ trọng các ngành sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường và tăng tỷ trọng các ngành sử dụng công nghệ cao, hiện đại, giá trị gia tăng cao như sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử,...

Cơ cấu các thành phần kinh tế chuyển dịch tích cực. Gần đây, tỷ trọng kinh tế nhà nước giảm từ 28,3% năm 2011 xuống còn 23,5% ước năm 2015; kinh tế dân doanh tăng từ 60,1% lên 63,2% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 11% lên 12,7%.

Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu vốn đầu tư phát triển cũng thể hiện sự chuyển dịch theo hướng ưu tiên cho công nghiệp và dịch vụ. Năm 2014, tỷ trọng vốn đầu tư cho nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm 0,35%. Vốn đầu tư cho ngành Công nghiệp - Xây dựng đạt mức 50,21%; trong khi tỷ trọng vốn đầu tư cho dịch vụ đạt 49,44%. Vốn đầu tư của thành phố tập trung vào các dự án trọng điểm nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng; bổ sung thiết bị và hiện đại hóa một số ngành công nghiệp; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và ngành nghề; phát triển nguồn nhân lực…

c. Lực lượng lao động và phát triển nguồn nhân lực

Trong gần 20 năm qua lực lượng lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tăng liên tục và đạt mức 3,83% cho giai đoạn 2011-2015, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 1,52%; tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,34% năm 2015. Cùng với sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Lao động nông nghiệp hiện chỉ còn chiếm 8% trong tổng số lao động có việc làm trong năm 2015, trong khi đó lao động trong nhóm ngành Dịch vụ tăng mạnh nhất từ 37,75% năm 1997 lên 59,6% năm 2015.

d. Khoa học - công nghệ và huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực

Thành phố đã hình thành Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong từng giai đoạn, thành phố đã ban hành các chương trình KH&CN giúp định hướng cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hướng đến những vấn đề chung mang tính liên ngành và ưu tiên phát triển của thành phố, hạn chế các đề tài nhỏ lẻ, có phạm vi nghiên cứu hẹp. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, hình thành giai đoạn tiếp theo sau khi đề tài kết thúc để tiếp tục hỗ trợ ứng dụng triển khai trong thực tiễn.

e. Huy động các nguồn lực từ đất đai

Công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị và môi trường được thành phố chú trọng. Thành phố thường xuyên rà soát, cập nhật và khớp nối các đồ án quy hoạch; rà soát và hủy các dự án quy hoạch không khả thi, xử lý một bước đối với các dự án treo, chậm triển khai gắn với việc giải quyết các quyền lợi cho nhân dân làm cơ sở việc triển khai chủ trương “khai thác quỹ đất phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội”. Nhờ vậy, tỷ trọng của vốn đầu tư xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ thu tiền sử dụng đất trong tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản là khá cao, đạt mức cao nhất là Thành phố đang ngày càng thu hẹp.

g. Huy động nguồn lực thông qua chất lượng tăng trưởng kinh tế

Hệ số ICOR của thành phố Đà Nẵng có xu hướng gia tăng khá cao qua các năm, trong giai đoạn 1997-2000, hệ số ICOR trung bình là 2,69 đã tăng lên 3,5 năm 2000 và giảm còn 3,45 năm 2005 trước khi lại tiếp tục tăng lên 4,43 năm 2010 và 5,81 năm 2015. Như vậy, hiệu quả đầu tư của Thành phố ngày càng giảm đi.

3.4. Nguyên nhân của những vấn đề nêu trên

- Quy mô kinh tế của Đà Nẵng còn tương đối nhỏ. Quy mô dân số, thu nhập và sức mua của thành phố còn khá thấp.

- Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa được phát triển đồng bộ làm hạn chế khả năng thu hút các nguồn lực phát triển.

- Sự chồng chéo trong các quy hoạch phát triển và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý hành chính không tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai đồng bộ các công trình xây dựng hạ tầng.

4. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế huy động hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới

Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ 4 đang triển khai mạnh mẽ; việc tham gia các hiệp định thương mại mở ra nhiều cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

a. Về cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng và huy động nguồn vốn

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mạnh mọi nguồn lực đầu tư, giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách, tăng tỷ trọng vốn từ các thành phần kinh tế; có cơ chế, chính sách thu hút các tập đoàn, tổng công ty lớn; khuyến khích, hỗ trợ phát triển một số doanh nghiệp “đầu đàn”, có quy mô lớn, có sản phẩm chủ lực, mang thương hiệu thành phố, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhanh chóng cụ thể hoá triển khai thực hiện Nghị định 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Tích cực triển khai cơ chế đặc thù huy động vốn, tập trung hoàn thành các khu chức năng quan trọng của Khu Công nghệ cao. Tiếp tục khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ đất đai, đầu tư nước ngoài, hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Triển khai các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ vật liệu mới; các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, các ngành dịch vụ chất lượng cao đặc biệt là thương mại, du lịch, logistics, y tế và giáo dục. Tập trung thu hút đầu tư vào thị trường và đối tác trọng điểm .

b. Về cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế:

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

- Tăng cường và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình xây dựng và hoạch định các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách đầu tư - kinh doanh.

- Xây dựng đồng bộ các chính sách, quy định về tài chính (thuế, phí, v.v.), tín dụng, đất đai, huy động tối đa vốn đầu tư của mọi khu vực kinh tế vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn trên thành phố cần được ưu tiên, hạn chế đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn không được khuyến khích, tập trung vào một ngành công nghiệp trọng điểm.

- Thí điểm cơ chế đặc thù về giá cho cơ sở cung cấp dịch vụ công theo hướng thị trường hơn, qua đó thu hút đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực này.

- Thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân; kịp thời tiếp thu, giải trình đầy đủ kiến nghị của các doanh nghiệp. Đối với những sáng kiến tốt trong phát triển kinh tế - xã hội do khu vực tư nhân đề xuất, cần tăng cường tính phản biện xã hội để nâng cao hiệu khi được triển khai.

c. Về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và phát triển nguồn nhân lực thông qua phát triển nguồn vốn, mở rộng đối tượng được hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Việc làm; Đầu tư phát triển thông tin cung và cầu trên thị trường lao động; Đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực nhằm tạo cơ hội việc làm cho người lao động, ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; Nghiên cứu mở rộng và phát triển thị trường lao động nước ngoài, duy trì các thị trường truyền thống có nhu cầu về trình độ công nhân kỹ thuật có thu nhập cao và hỗ trợ người lao động đi xuất khẩu lao động.

d. Về cơ chế, chính sách huy động vốn cho khoa học - công nghệ: Tăng đầu tư Nhà nước cho Quỹ Phát triển khoa học công nghệ tương xứng với yêu cầu; gắn kết nghiên cứu, đào tạo với sản xuất - kinh doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, phát triển đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, trước hết là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ tự động hóa...; xây dựng, triển khai có hiệu quả các mô hình ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ sinh học và tiết kiệm năng lượng.

e. Huy động các nguồn lực từ đất đai

Thành phố Đà Nẵng cần có biện pháp thực hiện triệt để việc thu hồi đất đã được giao hay cho tổ chức thuê đang để hoang hóa, không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo hướng công khai hóa việc xử lý các dự án nêu trên và tạo điều kiện cho người dân biết, giám sát và cùng chính quyền Thành phố.

g. Về cơ chế, chính sách việc phát huy lợi thế về địa kinh tế

Để tăng cường tính liên kết giữa các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung và huy động các nguồn lực thúc đẩy việc liên kết, các tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung có thể tham khảo kinh nghiệm của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong việc đề xuất với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về một cơ chế thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội với việc xác định những lĩnh vực liên kết là lợi thế, thế mạnh của vùng; xác định các hoạt động cần thực hiện nhằm thúc đẩy liên kết và đề xuất cơ chế tài chính cho việc thực hiện các hoạt động liên kết này.

5. Kết luận

Sau 20 năm được thành lập mới, thể chế huy động các nguồn lực phát triển đã hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố với quy mô ngày càng lớn, tốc độ tăng trưởng cao và liên tục, cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, thể chế huy động các nguồn lực cho phát triển Đà Nẵng vẫn còn tiềm ẩn những tồn tại và hạn chế. Để thành phố sớm trở thành một đô thị hiện đại của cả nước, là trung tâm của cả khu việc miền Trung và Tây Nguyên, đòi hỏi phải có các giải pháp nhằm hoàn thiện các thể huy động các nguồn lực phát triển, từ đó góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo (dự thảo) “Tổng kết 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và nhận diện thành phố đến năm 2036, tầm nhìn đến năm 2050”, UBND Thành phố Đà Nẵng (tháng 10/2016).

2. Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng. Niên giám thống kê các năm 2000, 2004, 2008, 2009 và 2015.

3. Dự thảo Đề án “Đánh giá, đề xuất giải pháp tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tháng 9/2016).

4. Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

5. Nghị định số144/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

6. Quyết định số 13/2006/QĐ-TTg ngày 16/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính, ngân sách ưu đãi đối với thành phố Đà Nẵng.

7. Quyết định số 465/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đồ án quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

8. Quyết định số 882/2009/QĐ-TTg ngày ngày 23/6/2009 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2025.

9. Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

10. Quyết định số 1886/QĐ-TTg ngày 08/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

ENHANCING THE EFFECTIVENESS OF ECONOMIC

INSTITUTIONS OF DA NANG CITY IN MOBILIZING RESOURCES

FOR THE CITY’S SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT

DO THI LE MAI

Department of Economic Institution, Central Institute For Economic Management

ABSTRACT:

This study analyzes and assesses the effectiveness of economic institutions of the central city of Da Nang in mobilizing resources for developing the city in the past period. Thereby, the study proposes some solutions and orientations for Da Nang city to enhance the effectiveness of the city’s economic institutions for the city’s socio-economic development for years to come.

Keywords: Economic institutions, resources, socioeconomics, Da Nang city.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây