Kiến thức về cơ chế, chính sách của nhà nước và công tác quản lí, điều hành trong những năm làm Vụ trưởng đã giúp cho công tác nghiên cứu khoa học của ông vừa sâu sắc, vừa toàn diện. Ông thâm trầm, lặng lẽ, cân nhắc hồi lâu trước câu hỏi về các vấn đề đang nảy sinh trong nền kinh tế nước nhà rồi đáp lại hết sức rõ ràng, khúc chiết.
Xin được trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuộc phỏng vấn giữa phóng viên Tạp chí Công nghiệp với Tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân.
PV: Thưa ông, thị trường trong nước đã và đang có những biến động hết sức ghê gớm, khó lường. Ông nghĩ gì về hiện tượng này?
TS. Hoàng Thọ Xuân: Nếu đặt kinh tế của Việt Nam trong mối quan hệ với nền kinh tế toàn cầu thì những biến động đã và đang xảy ra là không có gì khó hiểu. Thậm chí, với những nhà lãnh đạo, quản lí tài ba, sự biến động đầy bất trắc đó sẽ giúp cho họ nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn thực trạng của nền kinh tế nước nhà, để từ đó, đề ra những quyết sách hợp lí và đúng đắn trong sự tương tác với kinh tế toàn cầu.
PV: Ông có nhận xét gì về sự thắng thua, được mất của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian vừa qua?
TS. Hoàng Thọ Xuân: Không thể tuyệt đối hóa vấn đề này. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, quan điểm của hầu hết các đối tác là Wyn Wyn (đôi bên cùng thắng). Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta phải xem xét lại cách làm của mình.
PV: Vâng, cảm ơn ông! Tuy nhiên, cách làm lại bị quy định, bị chi phối bởi nhận thức. Xin ông nói rõ hơn về sự đổi mới tư duy kinh tế của các cấp quản lí nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian gần đây nhất?
TS. Hoàng Thọ Xuân: Chúng ta thay đổi các văn bản pháp quy, hoàn thiện khung khổ pháp lí, xây dựng các quy tắc ứng xử… là xuất phát từ nhận thức cần phải đổi mới và coi đây là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân. Từ khi chính thức tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, chúng ta mới thấy hết sự yếu kém của mình trong sản xuất, chế tạo và trong phân phối lưu thông. Cái gọi là “kinh tế tri thức” ở Việt Nam, hiện đang rất kém vì hiệu quả rất thấp.
PV: Xin ông cho phép được bắt đầu từ khâu sản xuất, chế tạo?
TS. Hoàng Thọ Xuân: Trong lĩnh vực này, tuy đã có một số cái gọi là “kết quả và thành tích” nhưng nhìn chung, chúng ta còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Những khó khăn này không phải bây giờ mới có và cũng không phải bây giờ chúng ta mới biết, nhưng đến thời điểm này, vấn đề được đặt ra, được gợi mở trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh về kinh tế, chúng ta mới thấy sâu sắc hơn và triệt để hơn những yếu kém của mình. Không ít chủ doanh nghiệp của chúng ta đã thốt lên: “À, té ra những nước vượt trội về khoa học công nghệ, nắm được quyền thiết kế, định hình sản phẩm – những khâu quan trọng nhất, gặt hái nhiều tiền nhất – đã trở thành ông chủ. Còn chúng ta, có nguy cơ mãi mãi là người làm thuê, thậm chí là “gia công thuê” cho họ và chỉ được hưởng phần giá trị gia tăng thấp nhất…”.
Tôi chưa nói đến những sản phẩm cao cấp, hiện đại như máy bay, tàu ngầm, tên lửa, ô tô, mà ngay trong việc sản xuất đồ gia dụng như áo quần, giày dép… sự góp mặt của chúng ta cũng mới chỉ là như vậy! Hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài thắng thầu, chiếm lĩnh một cách áp đảo những dự án quan trọng ngay tại Việt Nam, đã nói lên điều đó. Họ mang vật tư, máy móc, thiết bị và thậm chí cả nồi niêu, xoong chảo, bệ xí từ nước họ sang tạo dựng nơi ăn, chốn ở để “làm thuê” cho Việt Nam, cũng là vì lẽ đó!
PV: Để vượt qua sự yếu kém, thoát khỏi thân phận làm thuê, theo ông, chúng ta phải có giải pháp gì?
TS. Hoàng Thọ Xuân: Đảng và Chính phủ đã đề ra những nhóm giải pháp hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài và gian khổ, cần có nhận thức đúng đắn và có quyết tâm rất cao. Muốn có một tòa lâu đài, chúng ta phải biết đặt những viên gạch đầu tiên xuống nền móng của công trình. Muốn có một sản phẩm công nghiệp, phải quyết tâm từ khâu nghiên cứu vật liệu, tạo dáng, gia công đến tìm kiếm, nghiên cứu thị trường, lưu thông, phân phối…
PV: Ông vừa nói đến khâu phân phối lưu thông? Trong lĩnh vực này, chúng ta đang ở vị trí nào trong “chuỗi giá trị toàn cầu”, thưa ông?
TS. Hoàng Thọ Xuân: Ở khâu sản xuất và chế tạo, chúng ta chưa làm tốt là có lí do khách quan, là vì Việt Nam chưa có hạ tầng công nghiệp phát triển để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh hàng hóa. Nhưng ở khâu phân phối, không cần đến những thứ đó, chúng ta cũng chưa làm tốt, chưa nắm được khâu phân phối toàn cầu. Người nước ngoài đưa cho ta từ cái kim, sợi chỉ, cái phec-mơ-tuya! Ta đóng gói, giao nộp là… xong và quyền phân phối là ở họ! Tại siêu thị, các sản phẩm nông nghiệp do nông dân Việt Nam làm ra nhưng phân phối nó, lại là thương nhân nước ngoài!
PV: Như thế là ở ngay khâu phân phối – khâu mua đi, bán lại và “dễ ăn” nhất - cũng đang có nhiều vấn đề?
TS. Hoàng Thọ Xuân: Đúng vậy! Các doanh nghiệp phân phối của ta chưa đi xa được, chỉ quanh quẩn trong nước nhưng rồi ở trong nước cũng bị mất thị phần vì thiếu tính chuyên nghiệp và thua kém doanh nghiệp nước ngoài về nhiều mặt. Thấy rõ điều này, chúng ta đã tiến hành cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng kết quả chưa toàn diện, chưa rõ nét.
Nhiều dẫn chứng cho thấy người Việt Nam không chỉ không ưa hàng Việt Nam mà còn không ưa cả phong cách phục vụ và những dịch vụ sau bán hàng của các doanh nghiệp trong nước. Trong vai người dân đi mua hàng, tôi thấy vị thế của mình được nâng cao, quyền con người của mình được phát huy khi đến với các doanh nghiệp nước ngoài, vì ở đó, tôi được tự do lựa, chọn, thử, nếm… trước khi mua hàng. Hàng hóa được bảo hành chu đáo và bản thân người mua được thụ hưởng chế độ “hậu mãi” sau khi nhận hàng. Ngược lại, với các nhà phân phối trong nước thì…
PV: Đã từng nhiều năm làm cán bộ lãnh đạo, quản lí trong ngành Công Thương, ông thấy chúng cần phải làm gì để khắc phục những yếu kém kể trên?
TS. Hoàng Thọ Xuân: Ở góc độ nghiên cứu khoa học, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, sâu sắc và toàn diện, tôi thấy chúng ta phải thay đổi ngay tư duy coi sản xuất là gốc, lấy đầu tư cho phát triển sản xuất là vấn đề cốt yếu. Cách làm này không phù hợp với cơ chế thị trường, là bắt chước, giáo điều, ngớ ngẩn, khờ khạo! Nếu chỉ lo sản xuất ra sản phẩm mà không lo đến phân phối, lưu thông tức là ta chưa tìm ra cái lỗ khóa để tra chìa khóa vào.
PV: Hình như ông phát hiện thấy có điều gì đó bất hợp lí trong cơ chế, chính sách?
TS. Hoàng Thọ Xuân: Không phải tôi mới phát hiện mà là tôi thấy có một số bất hợp lí chưa được khắc phục triệt để. Ở tầm vĩ mô thì đất đai, thuế, tín dụng… đều có sự ưu đãi cho sản xuất nhưng không ưu đãi cho thương mại. Ngay cả những gói kích cầu khi Việt Nam bị ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, dường như Nhà nước cũng chỉ ưu tiên cho sản xuất mà không ưu tiên cho thương mại. Sản phẩm làm ra mà không bán được thì làm ra để làm gì? Ở tầm vi mô, sau khi thực hiện cổ phần hóa một cách khiên cưỡng, gò ép vì một áp lực nào đó; hàng nghìn doanh nghiệp thương mại của chúng ta “oanh liệt một thời” đã bị tan nát và hiện tại mới đang dần dần hồi phục dưới các mô hình mới.
Từ khi còn làm Vụ trưởng, tôi đã kiến nghị Nhà nước phải có chiến lược phát triển hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu như: sắt thép, xi măng, xăng dầu, phân bón… với mục đích giữ được ổn định thị trường trong nước kể cả khi thị trường thế giới biến động và quyết không để cho sự “hắt hơi, sổ mũi” của thế giới làm cho ta chao đảo. Vấn đề này, bước đầu đã làm được, nhưng muốn ổn định để phát triển, thì cần phải làm tốt hơn. Không phải tìm mô hình tiên tiến ở đâu xa xôi mà chỉ cần nhìn sang Trung Quốc, ta cũng thấy họ có những nhà phân phối lớn như Châu Đại Phát hay Tập đoàn bán lẻ Đại Liên, có thể giữ ổn định thị trường nội địa, không lệ thuộc vào thị trường nước ngoài.
PV: Cách đây mới có vài ba năm, ông là một trong những tác giả xây dựng nên kịch bản cho phép nhà phân phối nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh các nhà phân phối Việt Nam còn yếu kém, non nớt. Bây giờ nhìn lại, ông có thấy việc làm đó là vội vàng, lợi ít hơn hại?
TS. Hoàng Thọ Xuân: Mục đích của sự mở cửa, chào mời các doanh nghiệp phân phối nước ngoài vào Việt Nam là để người dân Việt Nam được thụ hưởng nền văn minh thương mại của nhân loại. Thời điểm đó, chúng ta phải mở cửa cho họ vào là tất yếu, là đúng với lộ trình cam kết. Sự non nớt, yếu kém của doanh nghiệp phân phối trong nước không thể khắc phục một sớm, một chiều và cũng không thể vì vấn đề này mà trì hoãn sự mở cửa hay bế quan tỏa cảng. Mặt khác, sự cạnh tranh một cách lành mạnh cũng là một áp lực, một thử thách, một cơ hội cho các nhà phân phối trong nước vươn lên.
PV: Ông có tiên liệu gì về thị trường trong nước và các nhà phân phối Việt Nam?
TS. Hoàng Thọ Xuân: Thị trường trong nước sẽ dần dần đi vào ổn định, hiện đại, chuyên nghiệp bởi có sự cạnh tranh, hợp tác, thậm chí là bắt tay nhau giữa nhà phân phối nước ngoài và nhà phân phối Việt Nam…
Về công tác quản lí nhà nước thì trước khi cho phép một nhà phân phối nước ngoài vào thị trường Việt Nam, chúng ta cân nhắc kĩ hơn đến hệ thống lợi ích quốc gia như: nguồn thuế họ sẽ đóng góp, nguồn hàng hóa họ sẽ khai thác, tác động của họ đến các nhà phân phối Việt Nam, cơ sở lí luận và thực tiễn của nguyên tắc Wyn Wyn (đôi bên cùng thắng) v.v…
Một thực tế cho phép chúng ta yên tâm là dù có biến động về giá cả, nhưng tất cả các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống không hề bị khan hiếm mà ngày càng phong phú, hùng hậu; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao và một bộ phận cư dân gặp khó khăn được Nhà nước chăm lo bởi chính sách an sinh xã hội trên cơ sở kinh tế nước nhà phát triển. Các nhà phân phối Việt Nam cũng đang từng bước trưởng thành vì họ đã học tập được rất nhiều từ các nhà phân phối nước ngoài. Chúng ta có quyền hy vọng vào sự năng động của các nhà phân phối trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, bởi chính họ sẽ phát tín hiệu cho các nhà sản xuất công nghiệp làm ra cái gì, số lượng bao nhiêu bởi họ đã biết sẽ tiêu thụ ở đâu. Theo tôi, đây chính là nguyên tắc “đi bằng hai chân” trong hoạt động Công Thương.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! Hy vọng được gặp lại ông trong các đề tài về công nghiệp và thương mại sau này…
Hoạt động công nghiệp và thương mại qua góc nhìn của một nhà khoa học
Rời chức vụ lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân trở lại với công việc của một nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Thương mại.