Hợp tác xã dệt xuất khẩu Phú Cát ấm áp tình người

Chỉ với số vốn ban đầu 16.000 đồng (năm 1983), đến nay, sau hơn 20 năm, con số đó đã tăng lên 16 tỷ đồng. Điều đó chứng minh rằng, Hợp tác xã Dệt xuất khẩu Phú Cát đã có sự nỗ lực không ngừng trong su

Chặng đường phát triển đầy khó khăn, thử thách:

Năm 1983, được tách ra từ Hợp tác xã Vận tải Sao Đỏ, Hợp tác xã Dệt xuất khẩu Phú Cát gần như bắt đầu từ con số 0 với những khó khăn chồng chất. Trong đó, khó khăn lớn nhất mà Phú Cát phải đối mặt là tìm con đường đi cho riêng mình - Con đường để “sống” và “phát triển”. Thời gian đầu, Hợp tác xã (HTX) sản xuất chủ yếu những mặt hàng thông dụng để bán cho người tiêu dùng trong nước như vải xô, màn, khăn rửa mặt… Song, do thị trường không ổn định, cộng với sản xuất nhỏ, không hiệu quả mà số lượng lao động lại đông, nên HTX không thể bảo đảm cuộc sống cho xã viên, Phú Cát rơi vào tình trạng khủng khoảng trầm trọng, Ban chủ nhiệm HTX hoạt động không có lương. Trước tình hình đó, Ban Chủ nhiệm thấy cần phải có một cuộc cải cách.

Năm 1988, từ sự thay đổi bộ máy lãnh đạo, Phú Cát bắt đầu thực hiện cuộc cải cách xoá bỏ bao cấp một cách triệt để, giảm bớt số lao động không cần thiết bằng cách sàng lọc, quản lý chặt chẽ người lao động, buộc họ phải thực sự cầu thị và gắn bó với tập thể nơi họ làm việc; đồng thời xây dựng lại phương án SX-KD, xác định lấy xuất khẩu làm mũi nhọn hàng đầu. Xuất phát từ việc sản xuất những sản phẩm truyền thống, HTX đã tìm được thị trường ở nước ngoài cho các sản phẩm như khăn tắm (xuất khẩu sang Liên Xô); khăn ăn (xuất đi Nhật) và thảm đay, thảm len (xuất đi Liên Xô và các nước Đông Âu). Khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, thị trường xuất khẩu không còn, Phú Cát một lần nữa đứng trước ranh giới của sự “sống” và cái “chết”. Ban Chủ nhiệm HTX lại phải đề ra một chiến lược mới cho sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới. Sau bao tháng ngày vật lộn với khó khăn vất vả, Phú Cát đã tìm được những sản phẩm có nguồn gốc từ những nguyên liệu đơn sơ như: Mây, tre, trúc, gỗ… nhưng lại được khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng. Các loại mành gỗ, tre đã trở thành sản phẩm chủ yếu của Phú Cát, 100% được xuất khẩu sang thị trường Anh, Ailen, ấn Độ, Mỹ, NewZeland, Nhật Bản… Trong những năm gần đây, ngoài việc xuất khẩu mặt hàng mành, HTX quyết định đưa lá  vào danh mục hàng xuất khẩu của mình, tạo thêm việc làm và thu nhập cho khoảng 800 nông dân trong vùng (trồng mai, diễn, bương lấy lá để xuất khẩu). Sau 20 năm, Phú Cát đã rút ra cho mình một bài học tồn tại. “Phải tìm được đầu ra cho sản phẩm thì sản phẩm mới có thể tồn tại và có chỗ đứng trên thị trường, khi đã có thị trường thì phải duy trì ổn định và thường xuyên phát triển thị trường”- Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Chủ nhiệm HTX tâm sự.

Người cầm lái” đầy tâm huyết:

Trở về sau những năm tháng chiến tranh, rồi học tập tại trường Đại học, Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh đến với HTX Phú Cát đúng vào thời điểm Phú Cát cần người thực sự có khả năng để “lái con thuyền đang chòng chành”. Năm 1989, sau khi hoàn thành chương trình Đại học thứ 2, ông chính thức đảm nhận cương vị Chủ nhiệm HTX và từ đó như một lời thề, ông đã gắn mình với sự thành bại của Phú Cát. Điều trăn trở lớn nhất của ông là làm thế nào để tạo việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho người lao động. Để có thu nhập ổn định thì việc tạo ra những sản phẩm tốt, đạt yêu cầu của khách hàng nước ngoài luôn là mục tiêu hàng đầu của HTX Dệt xuất khẩu Phú Cát. Từ chính những trăn trở đó, ngay từ những ngày đầu, ông đã bắt tay vào đổi mới tổ chức, đổi mới phương thức quản lý và phương pháp kinh doanh. Đây là những việc làm mang tính chiến lược, xuất phát từ lợi ích của xã viên. Từ việc tìm tòi, nghiên cứu để đưa vào sản xuất những sản phẩm mới phù hợp với thị trường, đến việc lăn lộn tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thiết lập các mối quan hệ bạn hàng… Dù ở “mặt trận” nào, ông cũng cố gắng xây dựng niềm tin với đối tác, tạo dựng và giữ vững uy tín của HTX, từng bước nâng cao uy tín tập thể trong các mối quan hệ thị trường. Bằng kinh nghiệm của bản thân, sự tâm huyết với công việc mình đã chọn, cộng với sự đồng lòng ủng hộ từ tập thể, Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Quỳnh đã đưa HTX Dệt xuất khẩu Phú Cát đứng vững trên thị trường. Nhưng không chỉ dừng ở việc tạo cho xã viên ổn định về đời sống vật chất, mà ông còn đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của họ. Ông luôn tâm niệm “Mình xuất thân từ nông dân, ăn cơm của nông dân thì mình phải quay về phục vụ nông dân, dù phải vượt qua muôn vàn khó khăn…”.

… Để có một HTX Dệt xuất khẩu Phú Cát giàu tình người và có trách nhiệm:

 Bên cạnh những nỗ lực không ngừng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Ban Chủ nhiệm HTX, mà đặc biệt là Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Quỳnh luôn coi trọng và nâng cao vai trò xã hội trong hoạt động quản lý của mình. Với phương châm “Quản lý kinh tế chính là quản lý con người” cùng quan niệm mang đậm tính xã hội “Thêm một việc làm để bớt đi một tiêu cực cho xã hội”, HTX Dệt xuất khẩu Phú Cát tăng cường tuyển dụng lao động ở trong cũng như ngoài tỉnh, luôn tạo điều kiện để người lao động được làm việc. Đối tượng lao động mà Phú Cát hướng tới là những người dân nghèo, có trình độ văn hoá thấp, thậm chí có cả những người bị khiếm khuyết về hình thức. Đến đây, họ được đào tạo trở thành những công nhân lành nghề, đào tạo ý thức, kỷ luật lao động; họ được tạo điều kiện làm việc trong môi trường lao động thuận lợi để được hưởng lợi ích từ chính sức lao động của mình. Những người thiệt thòi, cơ nhỡ trong tổ ấm Phú Cát không những được làm việc và sinh hoạt bình đẳng, mà còn được quan tâm coi trọng hơn. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số lao động ở Phú Cát lên đến hơn 300 người với mức thu nhập bình quân khoảng 500.000/người/tháng. Xã viên của HTX Dệt xuất khẩu Phú Cát được sinh hoạt trong môi trường đảm bảo chế độ chính sách xã hội như được đóng bảo hiểm xã hội, hưởng chế độ hưu trí, tử tuất… Đặc biệt, xã viên đều được khám sức khoẻ định kỳ miễn phí. Các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Công đoàn, tổ chức Đảng… hoạt động rất hiệu quả, tạo một môi trường làm việc và sinh hoạt như ở bất kì một doanh nghiệp nhà nước nào. Ban Chủ nhiệm HTX thường xuyên tổ chức các cuộc thăm hỏi, kịp thời động viên giúp đỡ những thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc gặp rủi ro trong cuộc sống. Đặc biệt, để tăng thu nhập cho xã viên, tạo động lực thúc đẩy họ làm việc hăng say hơn, HTX đã chủ trương “Bù đắp lương bằng cách thường xuyên tăng thưởng” thông qua việc phát động các phong trào thi đua gắn với những dịp lễ, ngày truyền thống; có trao giải, phát thưởng, nhằm khơi dậy, khích lệ tinh thần của xã viên để họ phát huy tốt khả năng của mình trong hoạt động sản xuất. Mặc dù đối với các doanh nghiệp khác, họ là những người không đảm bảo về trình độ và sức khoẻ, nhưng ở Phú Cát, họ được đào tạo thành những lao động chính, khéo léo làm ra những sản phẩm có chất lượng và đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của HTX.

Với những gì đã làm được HTX Dệt xuất khẩu Phú Cát đã tự khẳng định mình và góp phần san sẻ gánh nặng với xã hội./.

  • Tags: