Bức tranh kinh tế Việt Nam 2022 không chỉ toàn màu xám
Báo cáo của HSBC nhận định, khả năng ứng phó trước các rủi ro bên ngoài của Việt Nam đã ngày càng tốt lên qua các năm nhờ có thặng dư tài khoản vãng lai do thặng dư thương mại tăng lên. Song, năm 2021, trong bối cảnh giãn cách kéo dài, Việt Nam đã có hai quý thâm hụt thương mại liên tiếp, cụ thể là quý 2 và quý 3.
Thế nhưng, các chuyên gia cho biết, tin tốt là động lực tăng trưởng bên ngoài đã hoạt động trở lại sau khi mở cửa nền kinh tế từ 1/10.
"Mặc dù chúng tôi vẫn kỳ vọng năm nay có thặng dư thương mại nhưng nhiều khả năng thặng dư không đủ lớn để bù đắp cho thâm hụt trong dịch vụ và thu nhập chính. Chúng tôi dự báo mức thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ ở mức 0,5% GDP", các chuyên gia HSBC dự báo.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, bức tranh kinh tế của Việt Nam không chỉ toàn màu xám. Minh chứng là nền tảng của tài khoản vãng lai, lượng kiều hối vẫn duy trì ổn định, bền vững. Trong khi đó, thương mại của Việt Nam sẽ bình thường hóa trở lại khi gián đoạn chuỗi cung ứng giảm bớt, nhờ vậy tài khoản vãng lai sẽ có thặng dư nhẹ ở mức 2,3% GDP trong năm 2022.
Việt Nam có còn là điểm đến hấp dẫn về đầu tư nữa không?
Liên quan đến đầu tư nước ngoài, báo cáo cho hay, FDI ròng liên tục duy trì ở mức 6% GDP, tương đương với mức trước đại dịch, nhiều khả năng sẽ thúc đẩy mở rộng thương mại trong tương lai của Việt Nam.
"Trong khi có những quan ngại liệu Việt Nam có còn là một điểm đến hấp dẫn về đầu tư không, quan điểm của chúng tôi là có những lý do chính đáng để lạc quan về triển vọng dài hạn của đất nước", báo cáo nhấn mạnh.
Cụ thể, nếu xét tới lợi thế cạnh tranh trong hiệu quả chi phí nhân công, cơ sở hạ tầng được cải thiện, các cụm công nghiệp có sẵn và một loạt hiện định tự do thương mại. Nguồn FDI mới đã tăng gần 4% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, hơn một nửa trong số đó có được là nhờ gia tăng năng lực trong lĩnh vực sản xuất. Các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung và LG đều đã công bố kế hoạch đầu tư mở rộng năng lực sản xuất.
Delta vẫn là mối nguy lớn nhất đối với sự phụ hồi của Việt Nam
Trên những cơ sở đó, các chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát dịch Covid-19 là điểm mấu chốt để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, báo cáo nhận định, mặc dù biến chủng Omicron đang thu hút sự quan tâm trên toàn cầu, biến chủng Delta vẫn là mối nguy lớn nhất đối với nền kinh tế vừa chớm phục hồi của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, lạm phát tháng 11 tăng lên 0,3% so với tháng trước sau hai tháng giảm liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu liên tục tăng cao. Cụ thể, chi phí vận chuyển tăng 3,1% so với tháng trước, tương đương mức tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu xây dựng tăng trở lại sau hai tháng giảm.
Báo cáo nhận định, lạm phát do nhu cầu còn yếu bởi những hạn chế vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn. Nhằm ứng phó với số ca Covid-19 tăng trở lại, nhiều địa phương như TP. HCM đã nhanh chóng thay đổi quyết định và tiếp tục tạm ngừng hoạt động trong một số lĩnh vực không thiết yếu.
"Điều đó đồng nghĩa với tình hình nhu cầu trong nước sẽ còn giảm trong một thời gian nữa. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình khoảng 1,9% trong năm 2021 và sau đó tăng lên 2,7% trong năm 2022", các chuyên gia HSBC dự báo.
[Quảng cáo]