(Bản sửa đổi 1993, số Xuất bản 500 Phòng Thương Mại Quốc Tế)
Tái bản, có bổ sung và sửa đổi
So sánh với bản điều lệ 400
Giải thích, phân tích
Bình luận
Dẫn chứng & dẫn liệu từng điều khoản
Nhà xuất bản thống kê - 1996
NỘI DUNG
A. QUY ĐỊNH CHUNG VÀ ĐỊNH NGHĨA
Điều 1: Phạm vi áp dụng của Bản điều lệ
Điều 2: Định nghĩa Tín dụng thư
Điều 3: Tín dụng thư và hợp đồng
Điều 4: Chứng từ đối với hàng hoá/dịch vụ/công việc khác
Điều 5: Chỉ thị về việc phát hành/sửa đổi tín dụng thư
B. HÌNH THỨC VÀ THÔNG BÁO TÍN DỤNG THƯ
Điều 6: Tín dụng thư huỷ ngang và không huỷ ngang
Điều 7: Trách nhiệm của ngân hàng thông báo
Điều 8: Huỷ bỏ thư tín dụng
Điều 9: Trách nhiệm của ngân hàng phát hành và ngân hàng xác nhận
Điều 10: Các loại tín dụng thư
Điều 11: TDT được chuyển bằng đường bưu điện và được sơ báo
Điều 12: Chỉ thị không đầy đủ hoặc không rõ ràng
Điều 13: Tiêu chuẩn kiểm tra chứng từ
Điều 14: Chứng từ bất hợp lệ và thông báo
Điều 15: Miễn trừ trách nhiệm về giá trị hiệu lực của chứng từ
Điều 16: Miễn trừ trách nhiệm trong việc chuyển giao thư điện tín
Điều 17: Trường hợp bất khả kháng
Điều 18: Từ bỏ trách nhiệm về hành động của bên được chỉ thị
Điều 19: Thoả thuận về hoàn trả liên hàng
Điều 20: Những trường hợp không rõ nghĩa về người lập chứng từ
Điều 21: Không nói rõ người phát hành hoặc nội dung chứng từ
Điều 22: Ngày phát hành chứng từ và ngày tín dụng thư
Điều 23: Vận đơn đường biển
Điều 24: Vận đơn đường biển không lưu thông
Điều 25: Vận đơn theo hợp đồng thuê tàu
Điều 26: Chứng từ vận tải đa phương thức
Điều 27: Chứng từ vận tải hàng không
Điều 28: Chứng từ vận tải đường bộ, đường sắt hay đường sông
Điều 29: Biên lai chuyển phát nhanh và biên lai bưu điện
Điều 30: Chứng từ vận tải do người giao nhận phát hành
Điều 31: "Trên boong", "chủ hàng tính và đếm", tên người gửi hàng
Điều 32: Chứng từ vận tải hoàn hảo
Điều 33: Chứng từ vận tải cước phải trả/cước trả trước
Điều 34: Chứng từ bảo hiểm
Điều 35: Loại hình bảo hiểm
Điều 36: Bảo hiểm mọi rủi ro
Điều 37: Hoá đơn thương mại
Điều 38: Các chứng từ khác
Điều 39: Dung sai về số tiền, số lượng và đơn giá của TDT
Điều 40: Giao hàng/thanh toán từng phần
Điều 41: Giao hàng/thanh toán làm nhiều lần
Điều 42: Ngày hết hiệu lực và nơi xuất trình chứng từ
Điều 43: Giới hạn ngày hết hiệu lực
Điều 44: Gia hạn ngày hết hiệu lực
Điều 45: Giờ xuất trình chứng từ
Điều 46: Những diễn tả không cụ thể đối với ngày giao hàng
Điều 47: Thuật ngữ chung chỉ thời hạn giao hàng
Điều 48: TDT chuyển nhượng
G. CHUYỂN NHƯỢNG TIỀN HÀNG XUẤT KHẨU
Điều 49: Chuyển nhượng tiền hàng
THAY LỜI KẾT LUẬN
LỜI TÁC GIẢ
Nền thương mại Quốc tế phát triển mạnh mẽ trên cơ sở các dịch vụ viễn thông, vận tải, bảo hiểm ... Ðặc biệt, Ngân hàng với dịch vụ thanh toán của mình đã tạo được niềm tin của người mua, người bán, góp phần thu hẹp khoảng cách mậu dịch các nước.
Trong các phương thức thanh toán quốc tế, phương thức thanh toán Tín dụng Chứng từ là phương thức thông dụng, phổ biến và an toàn nhất. Mọi giao dịch chứng từ đều được chỉ dẫn bởi các qui tắc được tập hợp thành Bản Ðiều Lệ và Thực hành thống nhất. Ðây không phải là Bộ luật Quốc tế mà chỉ là những quy tắc ấn hành bởi Phòng Thương Mại Quốc tế (ICC), một tổ chức phi chính phủ có ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực Thương mại - Tài chính Ngân hàng thế giới.
Kể từ khi được phát hành vào năm 1933, Bản Ðiều Lệ đã qua 6 lần sửa đổi với mục đích theo kịp sự phát triển chung của nền mậu dịch, nền công nghiệp vận tải và truyền thông trên thế giới, ấn phẩm số 500 năm 1993 được coi là bản sửa đổi toàn diện, sâu sắc nhất. Tuy nhiên đó cũng là Bản Ðiều Lệ khó hiểu và khó vận dụng nhất trong tất cả các Bản Ðiều Lệ đã có, đối với người mở, người hưởng và các ngân hàng. Cho đến nay, Bản Ðiều Lệ 500 đã có hiệu lực gần 2 năm. Nhiều bản dịch Tiếng Việt ra đời nhằm tạo sự thuận lợi cho bạn đọc hiểu và vận dụng vào giao dịch. Thực ra bản dịch không quan trọng vì mỗi một chúng ta, khi đã liên quan thì phải đọc hiểu bằng chính ngôn ngữ giao dịch hàng ngày của chính nó. Làm thế nào hiểu rõ, nắm chắc và áp dụng đúng tất cả các điều khoản của Bản Ðiều Lệ vào giao dịch Tín dụng chứng từ? Ðó là điều ta cần quan tâm.
Cuốn sách này không bao quát toàn bộ quá trình giao dịch của nghiệp vụ Tín dụng Chứng từ (TDCT), từ khi ký kết hợp đồng thương mại đến khi thu tiền XK theo Tín dụng thư (TDT), mà chỉ giới hạn theo nội dung của Bản Ðiều Lệ. Tuy nhiên muốn thực hiện tốt các giao dịch đó ta phải nắm vững, hiểu sâu từng ý, từng phần các Ðiều khoản của Ðiều lệ 500. Sách được viết dựa trên tài liệu mới nhất của Phòng Thương Mại Quốc tế (ICC), kiến thức và kinh nghiệm của bản thân tác giả, nhằm giúp cho các cán bộ xuất nhập khẩu, nhân viên ngân hàng mới vào nghề, sinh viên các trường ÐH kinh tế sắp ra trường ... những hiểu biết theo chiều sâu của vấn đề dựa trên các tài liệu của ICC, từ đó nắm bắt được bản chất của từng điều khoản, áp dụng vào giao dịch TDCT một cách chính xác và nhuần nhuyễn.
Với mục đích đó nội dung của cuốn sách này được trình bày có hệ thống từng Ðiều khoản của Bản Ðiều Lệ 500 gồm 3 phần chính:
1.Nguyên bản tiếng Anh.
2.Bản dịch tiếng Việt gồm lời nói đầu của ông Charles Dil Busto, Trưởng Ban soạn thảo (Working Group) Bản sửa đổi Ðiều Lệ 500 và tất cả 49 điều khoản. Việc dịch thuật được thực hiện theo với nguyên tắc không quá gò bó vào từng từ mà nắm chủ yếu bản chất và ý nghĩa thực tiễn của các điều khoản.
3.Phần cuối cùng bao gồm :
·So sánh sự khác biệt giữa Bản Điều lệ 400 và Bản Ðiều lệ 500 của từng điều khoản (Nếu có), nêu rõ nguyên nhân của việc sửa đổi đó.
·Giải thích, phân tích từng phần của các điều khoản.
·Bình luận, mở rộng và đi sâu vào những điều cốt lõi của vấn đề để người đọc nắm được bản chất của Quy tắc trên cơ sở Thông lệ và Tập quán Quốc tế.
·Minh hoạ, dẫn chứng bằng các thí dụ trong thực tế hoặc trong các Tài liệu của Phòng Thương mại Quốc tế, nhằm củng cố thêm phần lý luận, bảo đảm tính Logic và tính hợp pháp của vấn đề nêu ra.
Ngoài ra mẫu biểu đối với các chứng từ cần thiết: Vận tải đơn, bảo hiểm, Hối phiếu ... được đính kèm nhằm giúp bạn đọc tra cứu, tham khảo.
Lần xuất bản đầu tiên (12/1995) cuốn sách đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Ðể đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, cuốn sách được tái bản với những sửa đổi, bổ sung dựa vào các yêu cầu mới nhất của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), nhằm cập nhật hoá những kiến thức và kỹ thuật nghiệp vụ Tín dụng chứng từ. Hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo & nghiện cứu của những ai liên quan đến hoạt động XNK và giao dịch, thanh toán Quốc tế.
TP. Hồ Chí Minh, 6 – 1996
Nguyễn Trọng Thuỳ
Firstvina Bank
(Ngân hàng liên doanh giữa Vietcombank
và Korea First Bank)
LỜI NÓI ĐẦU
Tháng 11 - 1989, Uỷ ban về Kỹ thuật và Nghiệp vụ Ngân hàng (CBTP) thuộc Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) được phép sửa đổi Bản Ðiều lệ và Thực hành Thống nhất Tín dụng Chứng từ số xuất bản 400.
Yêu cầu của lần sửa đổi này là nêu bật sự phát triển của nền Công nghiệp vận tải và việc ứng dụng công nghệ mới. Sửa đổi này cũng nhằm hoàn thiện chức năng của Bản Ðiều Lệ. Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 50% chứng từ xuất trình bị từ chối vì bất hợp lệ. Ðiều này đã vô hiệu hoá Tín dụng Chứng từ và tạo ra những áp lực về tài chính đối với nhà sản xuất. Vấn đề này cũng làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận đối với nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu và cả ngân hàng. Sự gia tăng đáng kể về tranh chấp trong giao dịch. TDCT cũng là điều được các nhà soạn thảo Bản sửa đổi quan tâm.
Ðể nêu bật những vấn đề này, CBTP đã thành lập Tổ soạn thảo. (WG) để sửa đổi Bản Ðiều lệ 400. WG bao gồm các chuyên gia Ngân hàng Quốc tế, các Giáo sư luật, các luật sư về NH bảo đảm sự đầu tư toàn diện vào các vấn đề nêu ra. Yêu cầu của WG là:
- Đơn giản hoá Bản Ðiều lệ 400;
- Tổng hợp mọi hoạt động thực tế của các Ngân hàng Quốc tế cũng như tạo thuận lợi và tiêu chuẩn hoá những thực tiễn đó;
- Củng cố sự toàn vẹn và độ tin cậy của cam kết tại TDCT bằng nghĩa vụ không hủy ngang và rõ ràng không chỉ của Ngân hàng phát hành mà còn cả Ngân hàng xác nhận;
- Nêu ra những vấn đề của những điều kiện không cần chứng từ và
- Lập danh mục chi tiết về những chứng từ vận tải khả dĩ chấp nhận.
WG không chỉ xem xét về mặt thực tiễn liên quan đến TDCT mà còn nêu lên những triển vọng phát triển nó. Làm thế nào WG lại có thể nói trước được những quy tắc TDCT nào sẽ đáp ứng được nhu cầu thương mại quốc tế trong tương lai? Những quy tắc đó dựa trên cơ sở thực tế vận dụng các điều khoản đang tồn tại? Chúng dựa trên cơ sở sửa đổi những vấn đề đang phát sinh do hiểu sai và áp dụng không đúng điều lệ? hay trên cơ sở giải thích khác nhau của các bên về TDCT?
Cuối cùng sự phân tích của WG đi theo hướng sử dụng nhiều thông tin có giá trị đối với công nghệ Ngân hàng và ngành công nghiệp vận tải, và bằng cách nêu ra những kiến thức cơ bản của việc đổi mới kỹ thuật đang được áp dụng trong các ngành công nghiệp tham gia vào thương mại quốc tế. Ðể đạt được những nguyên tắc tổng quát hơn là đặc thù, WG đã soạn thảo Bản sửa đổi dựa vào thực tế mà các Uỷ ban Quốc Gia (NC) của ICC nêu ra các quyết định có tính chất pháp lý quốc tế, các ý kiến và quan điểm của Uỷ ban về Ngân hàng (BC) và những vụ việc cần xem xét phát sinh trong 20 năm qua. Do vậy lần sửa đổi này của bản Ðiều lệ thực hiện được mức tối đa về chiều rộng của sự phân tích, xem xét, tranh luận và nhất trí giữa các thành viên trong WG, các thành viên của BC, của NC và của ICC.
Những đóng góp nào của những thành viên của các thành viên trong WG giúp trình bày chính xác các Ðiều khoản của Bản lệ 500? Rõ ràng cả trong cuộc sống riêng tư lẫn trong sự nghiệp của mình, chúng tôi đã được qua năm tháng, vì chúng tôi đã tích luỹ và tạo dựng kiến thức và kinh nghiệm.
Ðấy chính là sức mạnh và các thành viên của WG huy động vào quá trình soạn thảo Bản Sửa đổi Ðiều lệ. Nó cho phép WG phát triển các quy tắc trung hoà và sinh động nhằm tạo thuận lợi cho mọi nỗ lực của các bên liên quan đến cam kết của TDCT. Ðiều dễ hiểu là không thể trong phạm vi của số XB này mà đi sâu vào chi tiết của sự phân tích súc tích của WG. Cũng không phải mục đích là nêu bật những ưu điểm mà WG đã đạt được, những ai quan tâm đến vấn đề này hãy tìm đến Tài liệu số XB 511 của ICC (TDCT: So sánh giữa bản điều lệ 400 và 500 - phân tích từng Ðiều khoản) được viết với mục đích trên.
Chân thành cảm ơn Uỷ ban Quốc gia của ICC và các thành viên của Uỷ ban Ngân hàng về những ý kiến đóng góp chuyên môn và những giải pháp xây dựng góp ý. Xin cảm ơn các nước chưa có Uỷ ban Quốc Gia (chủ yếu tiếp xúc với ICC qua hội đồng về luật Thương Mại Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc) mà những đóng góp và giúp đỡ của họ có giá trị to lớn và quan trọng, cũng như các cơ quan của Liên Hiệp Quốc liên quan đến các thủ tục thương mại quốc tế.
Ðể các bạn hiểu rõ những người đã đóng góp vào Bản sửa đổi lần này, tôi xin giới thiệu các thành viên của WG.
- Boris Kozolchyk, Giáo sư luật, trường đại học Arizona, Tucson, Arizona, Mỹ; Ðại diện của Hội đồng Mỹ về Tổ chức Ngân hàng Quốc tế New York tại WG.
- Salvatore Maccarone, Giáo sư luật, trường đại học Rome, Cố vấn pháp luật, Hiệp hội Ngân hàng Italy, Rome; Phó chủ tịch CBTP của ICC.
- Terence J. Mitchell (nay đã nghỉ hưu), Trưởng phòng cấp cao, Phòng TDCT Ngân hàng Lloyds, London, Ðại diện của Hiệp hội của Ngân hàng Anh quốc tại CBTP.
- Ferdinand Muller, Phó chủ tịch thứ nhất Ngân hàng Deutch Bank, Frankfuft, Ðại diện và cố cấn kỹ thuật tại CBTP.
- Gunnar J. Siebke, phó chủ tịch Cấp cao tại Trung tâm tài trợ Thương mại, Ngân hàng Chrestian,oslo, Norway; Ðại diện tại CBTP.
- Dan Taylor, Chủ tịch Hội đồng Mỹ về Tổ chức Ngân Hàng Quốc tế, New York; Ðại diện tại CBTP.
- Joachim G. Weichbrodt, Cố vấn pháp luật Ngân hàng Dresdner Bank, Frankfurt; Ðại diện tại CBTP.
- Bernand S.Wheble CBE, chủ tịch danh dự CBTP của ICC
- Stefan Draszczyk, Trưởng bộ phận thuộc ICC, Paris.
Người ký dưới đây hân hạnh được ứng cử đứng đầu WG. Bằng những đóng góp to lớn về kiến thức và thời gian của các vị mà Bản sửa đổi này được hoàn thiện tốt đẹp. Là Chủ tịch CBTP, tôi xin gởi tới các thành viên của WG và cơ quan của họ sự cảm kích sâu sắc về những đóng góp quí giá của các thành viên và những việc làm đầy tình bạn hữu. ICC cảm ơn sự quên mình vì công việc của các vị đối với tác phẩm này.
CHARLES DIL BUSTO
Chủ tịch,
Uỷ ban về Kỹ thuật và Nghiệp vụ Ngân hàng;
Phòng Thương mại Quốc tế.
Ngày 10 tháng 3 -1993
NỘI DUNG
THE UNIFORM CUSTOMS AND PRACTICE FOR DOCUMENTARY CREDITS
ĐIỀU LỆ VÀ THỰC HÀNH THỐNG NHẤT TÍN DỤNG CHỨNG TỪ
A. QUY ĐỊNH CHUNG VÀ ĐỊNH NGHĨA:
ĐIỀU 1: PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA BẢN ĐIỀU LỆ
Điều lệ và thực hành thống nhất Tín dụng chứng từ, bản sửa đổi 1993, số Xuất bản 500 của phòng Thương mại Quốc tế được áp dụng cho tất cả các Tín dụng chứng từ, trong trường hợp có thể áp dụng được, kể cả Tín dụng dự phòng Nếu trong TDT có dẫn chiếu việc áp dụng các điều khoản Bản Điều lệ. Trừ khi tín dụng qui định khác, các Điều khoản này ràng buộc tất cả các bên có liên quan.
1. Bản điều lệ được áp dụng như thế nào ?
Điều khoản 1 trả lời câu hỏi này bằng cách quy định rõ là Điều lệ và Thực hành Thống nhất Tín dụng Chứng từ (sau đây gọi tắt là TDT) chừng nào mà TDT ghi rõ câu "TDT này áp dụng theo điều lệ và Thực hành Thống nhất về Tín dụng Chứng từ, bản sửa đổi 1993 Phòng Thương mại Quốc tế, số xuất bản 500". ("This DC is subject to UCPDC 1993 Revision, ICC Pub 500" hoặc là "UCPDC 1993 Rev.ICC.Pub.500 referred"). Ngay cả Tín dụng thư dự phòng nếu được ghi như vậy trong nội dung thì nghiễm nhiên được áp dụng theo Bản Điều lệ 500.
2. Tín dụng thư dự phòng
TDT dự phòng theo định nghĩa của Phòng Thương mại Quốc tế (sau đây gọi là ICC), Tài liệu số xuất bản 515" là loại Tín dụng chứng từ hoặc một thoả thuận tương tự, dù được gọi hoặc miêu tả bằng cách nào, theo đó Ngân hàng phát hành cam kết với người hưởng:
a. trả khoản tiền mà Người yêu cầu mở TDT đã vay hoặc ứng trước,
b. thanh toán khoản nợ của người mở, hoặc
c. bồi hoàn về những thiệt hại do người mở không thực hiện được nghĩa vụ của mình."
TDT dự phòng là một phương tiện thanh toán thứ yếu mặc dù người ta vẫn nhìn nhận nghĩa vụ thanh toán của Ngân hàng phát hành là chủ yếu. TDT thương mại hoặc TDT dự phòng đều là cam kết của Ngân hàng phát hành về khoản nợ phát sinh đối với từng người hưởng. Nhưng TDT thương mại được coi là khoản tiền thanh toán cho nhà xuất khẩu, trong lúc đó TDT dự phòng có tính chất bảo vệ quyền lợi người hưởng Nếu có vi phạm cam kết của đối tác.
Sự ra đời của TDT dự phòng bắt đầu và đang được sử dụng nhiều ở Mỹ và Nhật, nơi mà luật không cho phép Ngân hàng thương mại phát hành bảo lãnh. Nhưng các nước Châu Âu lại ít dùng TDT này mà thay bằng các loại Bảo lãnh thư khác.
Ngày nay TDT bắt đầu và đang được phát triển thành 1 công cụ vạn năng được sử dụng trong phạm vi rộng rãi của hoạt động tài chính và thương mại hơn các loại hình bảo lãnh thông thường. Thí dụ: TDT dự phòng phát hành để đảm bảo khoản nợ vay hoặc tạm ứng rút quá số dư ... hoặc bất cứ nghiệp vụ nào mà cần có bảo lãnh của Ngân hàng.
3. Sự khác nhau về TDT dự phòng và Bảo lãnh thư
TDT dự phòng và bảo lãnh thư thực chất là sự bảo lãnh của Ngân hàng. Cả hải đều phát huy tác dụng "bảo đảm" của nó khi người yêu cầu bảo lãnh (Principal) vi phạm hoặc không thực hiện đúng cam kết đã thoả thuận. Trường hợp ngược lại TDT dự phòng và Bảo đảm thư tự động hết hiệu lực. Vai trò của Ngân hàng có tính chất "dự phòng" trong tình huống có thể xảy ra. Cách gọi của TDT dự phòng cũng nói lên tính chất của nó.
Điểm khác biệt của hai loại hình bảo lãnh là phạm vi áp dụng. TDT dự phòng được thực hiện theo điều lệ và Thực hành thống nhất Tín dụng chứng từ, còn bảo lãnh thư lại áp dụng Qui tắc về Bảo lãnh - Phòng Thương mại Quốc tế Pari, số xuất bản 458 (Uniform Rules for Demand Guarantee - URDG, ICC Pub.No. 458). Bảo lãnh thư có nhiều tiêu đề khác nhau: Letter of Indemnity, Performance Bond, Performance Guarantee, Tender Guarantee ...
Vì bản chất chúng là bảo lãnh nên TDT dự phòng và bảo lãnh thư có thể được dùng thay thế cho nhau tuỳ từng nước và khu vực trên thế giới.
4. Sự ràng buộc về mặt pháp lý của Bản điều lệ 500 đối với các bên liên quan.
Đây là phần mà Bản điều lệ 400 không đề cập. Đã chấp nhận TDT mở theo Bản Điều lệ 500 thì các bên liên quan: Người mở, Người hưởng, Ngân hàng phát hành, Ngân hàng thông báo, Ngân hàng xác nhận (nếu có), Ngân hàng chiết khấu ... đều căn cứ vào bản điều lệ mà thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Đây là điểm tích cực của Bản Điều lệ 500 so với các Bản Điều lệ trước đó. Điều khẳng định này đã bác bỏ những nhận thức mơ hồ trước đây của người mở TDT, người hưởng ... là Bản Điều lệ chỉ là qui tắc giữa các ngân hàng mà thôi, còn họ thì giải quyết với nhau trên cơ sở hợp đồng và hàng hoá, dựa vào Incoterm.
Tuy nhiên, Bản Điều lệ 500 cũng mở ra một cách thức riêng mà các bên liên quan (chủ yếu là người yêu cầu mở TDT và bên thụ hưởng) không muốn quá ràng buộc vào tất cả các điều khoản của Bản Điều lệ 500, "Trừ khi TDT quy định khác", có nghĩa là TDT có thể nói rõ là không áp dụng một hoặc vài điều khoản nào đó của Bản điều lệ 500. Do vậy, các nhà xuất nhập khẩu phải nắm được ý nghĩa quan trọng này để khi ký kết hợp đồng, nhất là khi thương lượng về điều kiện thanh toán, vận dụng linh hoạt UCP 500 nhằm đảm bảo an toàn cho mình.
ĐIỀU 2: ĐỊNH NGHĨA TÍN DỤNG THƯ
Trong phạm vi của Bản điều lệ 500, các thuật ngữ "Tín dụng chứng từ" và "Tín dụng dự phòng" (sau đây được gọi là "Tín dụng thư - TDT ") nghĩa là bất cứ thoả thuận được gọi hoặc miêu tả như thế nào, theo đó ngân hàng (ngân hàng phát hành) hành động đúng yêu cầu và theo chỉ thị của khách hàng (người yêu cầu mở TDT) hoặc nhân danh cho chính bản thân mình.
i. thanh toán cho hoặc theo lệnh của phĩa thứ ba (người hưởng) hoặc chấp nhận và thanh toán hối phiếu do người hưởng ký phát,
hoặc
ii. uỷ quyền cho ngân hàng khác thanh toán, chấp nhận và thanh toán hối phiếu đó, hoặc
iii. cho phép ngân hàng khác chiết khấu chứng từ quy định trong TDT với điều kiện chứng từ phù hợp với tất cả các điều khoản và điều kiện của TDT. Với mục đích của Bản điều lệ 500, các chi nhánh của 1 ngân hàng ở các khác nhau được coi là những ngân hàng khác nhau.
1. Cách gọi hoặc tiêu đề của TDT
Tuỳ theo thói quen và thông lệ từng nước mà TDT được gọi với nhiều tên khác nhau: Letter of Credit, Credit, Documentary Credit. Tương tự, ở Việt Nam ta cũng có thể gọi là Tín dụng thư, Tín dụng chứng từ, L/C ... Trước đây, TDT gọi là Tín dụng thương mại (Commercial Letter of Credit) nhưng nay thì từ này không dùng được nữa mà thông dụng nhất là từ "Tín dụng chứng từ" (Documentary Credit) vì nó thể hiện đúng nhất ý nghĩa Tín dụng kèm chứng từ.
Dù được gọi như thế nào, diễn tả như thế nào (however named and described) đi nữa, thì bản chất của TDT là sự cam kết của ngân hàng phát hành thanh toán cho người hưởng khi bộ chứng từ được xuất trình hợp lệ, đúng theo nghĩa trong Bản điều lệ này.
2. Hiểu như thế nào về Tín dụng thư
·TDT là cam kết của ngân hàng đối với việc thanh toán số tiền cho người thụ hưởng theo đúng các điều khoản của TDT. Bản chất của TDT là bảo đảm của NH về khoản nợ đó (liability). Từ "Arrangement" được dùng với nhiều ý nghĩa.
·"Credit " có nghĩa là NH cấp vốn cho khách hàng. Khoản tài trợ này được thương lượng giàn xếp giữa đôi bên để đi đến kết quả là TDT được phát hành. Rõ ràng sự thoả thuận của ngân hàng không phải ngẫu nhiên mà trải qua 1 quá trình bàn thảo có sự cân nhắc, sắp xếp.
·"Credit" có nghĩa là sự tín nhiệm. Trong nhiều trường hợp, NH dùng sự tín nhiệm của mình cho người mua "vay" để được người bán giao hàng chứ không phải là cấp vốn bằng tiền. Những trường hợp này, NH chịu nhiều rủi ro Nếu người mua mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Như vậy, việc bảo lãnh cho người mua cũng phải trải qua 1 quá trình thương lượng, cân nhắc và dàn xếp.
·Nội dung của TDT cũng thể hiện sự sắp đặt, thoả thuận của ngân hàng để đi đến điều khoản cam kết thanh toán bộ chứng từ. Để nhận được khoản thanh toán từ ngân hàng, người hưởng phải hoàn tất những điều khoản của TDT. Đây là quá trình có tính logic của một vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động và ngân hàng.
Thoả thuận này được trình bày rõ trong TDT. Mặc dù nội dung của TDT được diễn tả theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là điều khoản thanh toán, nhưng TDT phải thể hiện được cam kết của ngân hàng mở: thanh toán hoặc chấp nhận và thanh toán, hoặc uỷ quyền cho ngân hàng khác thực hiện nghĩa vụ này, cho phép NH khác chiết khấu bộ chứng từ xuất trình hợp lệ theo đúng các điều khoản của TDT.
Do vậy, kiểm tra TDT xuất khẩu, NH thông báo, NH chiết khấu cũng như công ty xuất khẩu phải quan tâm nhiều đến điều khoản thanh toán. Đó là mục 41D, 42 và 78 mẫu điện 700 (MT700) Nếu TDT được mở bằng SWIFT. Nếu là TDT được mở bằng telex thì điều kiện thanh toán được thể hiện ở phần hối phiếu ký phát và chỉ thị cho ngân hàng chiết khấu.
Thí dụ Điều khoản thanh toán được diễn giải:
1. "TDT này có giá trị chiết khấu ở bất cứ NH nào bằng hối phiếu trả ngay (hoặc trả chậm 120 ngày kể từ ngày vận tải đơn) do người thụ hưởng phát hành đòi tiền tại chúng tôi kèm theo các chứng từ sau ..." (... available for negotiation at any bank by beneficiary's sigh draft / nuisance draft of 120b days from B/L date, drawn on us accompanied by the following documents ...)
2. "Chỉ thị cho NH chiết khấu" (instructions to negotiating bank): "Ngay khi / sau khi nhận được chứng từ phù hợp với các điều khoản của TDT, chúng tôi sẽ hoàn trả tiền theo chỉ thị của các ông" (Upon / after receipt of documents which have been complied with, we shall reimburse to you as your instructions).
3.TDT được phát hành nhân danh chính ngân hàng đó (on its own behalf)
Điều khoản này của Bản Điều lệ 500 được bổ sung vào một số mục so với bản cũ. NH có thể mở TDT cho chính bản thân mình. Điều này phù hợp với việc sử dụng ngày càng nhiều loại TDT dự phòng mà trong đó NH vừa là người yêu cầu mở, vừa là NH phát hành. Tuy nhiên, ICC đã lưu ý các Phòng Thương mại Quốc gia rằng mặc dù Bản điều lệ 500 cho phép nhưng luật các nước có thể không coi TDT do ngân hàng phát hành cho chính mình là hợp pháp. "Nhưng điều cần thiết là nên chấp thuận phương thức phát hànhTDT theo cách này trong Bản điều lệ, đáp ứng yêu cầu thực tế ngày càng sinh động của thị trường" (Tài liệu ICC số xuất bản 511-trang 5 ).
"Nevertheless, in view of market partices, it is prudent to have the UCP reflect and permit this special arrangement".
Nghĩa vụ của NH là chấp nhận và thanh toán hối phiếu trả chậm, chứ không thể chỉ chấp nhận hối phiếu trả chậm (không ghi thêm chữ "và thanh toán") như bản Điều lệ 400. Nếu bộ chứng từ xuất trình hợp lệ, NH phải chấp nhận hối phiếu. Đây là thủ tục pháp lý đầu tiên dẫn đến hệ quả đương nhiên là thanh toán vào ngày đáo hạn. Tuy nhiên đã là luật thì phải chính xác, chặt chẽ và logic, nhằm tránh những tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình thực hiện. Do vậy, điều khoản này của bản điều lệ 500 được ghi rõ "... chấp nhận và thanh toán các hối phiếu đó".
4. Các ngân hàng với các pháp nhân độc lập
Phần cuối của điều khoản này quy định " Với mục đích của bản điều lệ 500, những chi nhánh của 1 NH ở các nước khác thì được coi là các NH khác".
Mục đích của bản điều lệ này là tạo ra 1 cơ sở pháp lý có tính chất quốc tế để các bên liên quan thực hiện giao dịch tín dụng chứng từ. Do vậy, những NH liên quan phải là những pháp nhân độc lập. Nếu là chi nhánh của NH mở TDT hoạt động tại một nước khác thì về mặt giao dịch Tín dụng chứng từ, đó là một pháp nhân riêng biệt, mặc dù về mặt pháp lý nó là chi nhánh NH mẹ. Do vậy, ban soạn thảo Bản sửa đổi điều lệ (Working Group) sau đây gọi tắt là WG, quyết định áp dụng nguyên lý về quan niệm 1 NH của UNCITRAL (The Unined Nations Commision on International Trade Law: Uỷ ban về luật thương mại quốc tế của LHQ).
Theo WG, Nếu chi nhánh (CN) của NH ở nước khác không phải là 1 NH độc lập thì mọi rủi ro về chính trị cũng như kinh tế ảnh hưởng CN đó sẽ được giải quyết theo luật nước đó và / hoặc luật của nước của NH mẹ của CN đó, tùy thuộc vào toà án được lựa chọn và những nguyên tắc của toà về chọn luật trong những trường hợp trên. Do vậy toà án này có thể thừa nhận Luật quản lý ngoại hối của một nước khác hoặc ảnh hưởng về đặc quyền ngoại giao của sự trưng dụng, hoặc tác động của việc xét xử khách hàng mất khả năng thanh toán cho nước ngoài ..., nhưng toà án khác lại có thể không thừa nhận những vấn đề nêu trên.
Để tránh những phức tạp có thể xảy ra trong những giao dịch Tín dụng chứng từ, WG ghi rõ: Chi nhánh của 1 NH hoạt động ở các nước khác nhau được coi là những NH độc lập. Như vậy, về luật pháp nó chịu sự quản lý của nước nó hoạt động và không bị lệ thuộc bởi luật pháp của nước của NH mẹ.
Từ những thực tế trên, khách hàng là người hưởng có thể yêu cầu chi nhánh của 1 NH nước ngoài đóng tại địa phương mình xác nhận TDT do Hội sở chính của nó hoặc chi nhánh khác ở nước khác phát hành. Thí dụ: Trong trường hợp cần thiết, khách hàng Việt Nam có thể yêu cầu Banque Natioale de Paris (BNP) CN. Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận TDT của BNP, CN tại Braxin phát hành. Trường hợp này nhà xuất khẩu mới bắt đầu làm ăn với khách hàng Braxin, không thể hiểu rõ luật lệ, tập quán của nước đó. Do vậy, việc xác nhận là nhằm ràng buộc trách nhiệm của BNP Thành phố Hồ Chí Minh vào nghĩa vụ thanh toán TDT Nếu có sự tranh chấp của hai bên do 2 hệ thống luật khác nhau của hai nước.
Trên cơ sở quy định này, từ "ngân hàng" được sử dụng trong tất cả các Điều khoản của Bản điều lệ nhằm nói về các ngân hàng nói chung, bất kể là ngân hàng nội địa, ngân hàng trung ương, ngân hàng chi nhánh ... phát hành, thông báo, xác nhận, chiết khấu chứng từ TDT .
ĐIỀU 3: TÍN DỤNG THƯ VÀ HỢP ĐỒNG
a. Về bản chất TDT là những giao dịch riêng biệt với Hợp đồng thương mại và các loại Hợp đồng (HĐ) khác mà các HĐ này có thể là cơ sở cho TDT, nhưng các NH bất luận trong trườnghợp nào cũng không liên quan đến, hoặc không hề ràng buộc bởi những hợp đồng đó, ngay cả khi TDT có dẫn chiếu đến HĐ đó. Vì thế cam kết của NH về thanh toán, chấp nhận và thanh toán hối phiếu, hoặc chiết khấu và / hoặc thực thi bất cứ nghĩa vụ nào của TDT không phụ thuộc vào khiếu nại hoặc biện hộ của người mở phát sinh từ mối quan hệ của người mở với NH phát hành hoặc với người hưởng.
b. Trong bất cứ trường hợp nào người hưởng cũng không được lợi dụng quan hệ HĐ giữa các NH, hoặc giữa người mở với ngân hàng phát hành TDT.
Điều khoản này được soạn thảo xuất phát từ một tập quán có tính chất truyền thống: Các NHTM giao dịch bằng chứng từ. Hiện nay giao dịch này được đa dạng hoá: điện thoại, telex, swift, fax nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển trên cơ sở vốn có: - chứng từ .
1. Tính độc lập của TDT
TDT hoàn toàn độc lập với HĐ giữa người mở và người hưởng mặc dù TDT cụ thể hoá nghĩa vụ và quyền lợi của hai bên: người mua yêu cầu NH bảo đảm thanh toán, người bán phải giao hàng đúng quy định như HĐ (Có thể chi tiết hàng hoá được đưa vào TDT hoặc không), đúng thời hạn, thiết lập chứng từ hoàn chỉnh và hợp lệ, thông báo cho người mua... và các điều kiện khác đã thoả thuận. Việc đưa những chi tiết nào của HĐ vào TDT là do người mở quyết định, NH không can thiệp. Nếu TDT có ghi những dẫn chiếu đến HĐ nào đó thì chứng từ hàng hoá cũng phải ghi đến hợp đồng đó, mặc dù có rất nhiều chi tiết hàng hoá được mô tả thêm trong hoá đơn.
Thí dụ: Phần hàng hoá của TDT ghi "Các chi tiết theo đúng hợp đồng số 0015 ngày 15-2-1995" ("details as per contract No.0015 dated 15 Feb 95"). Hoá đơn xuất trình cho NH có thể mô tả rất nhiều chi tiết về hàng hoá nhưng phải có câu "các chi tiết theo đúng HĐ số 0015 ngày 15-2-1995". Nếu không có câu này NH sẽ từ chối (mặc dù hàng hoá mô tả đúng như HĐ đó), mà không cần kiểm tra, đối chiếu với HĐ số 0015.
Tuy nhiên có trường hợp NH phải ràng buộc với HĐ đó. Thí dụ, TDT ghi "mọi chi tiết hàng hoá theo đúng HĐ số 0015 ngày 15-2-1995 mà nó là một phần không thể tách rời của TDT"("details of goods as per Contract No.0015 dated 15 Feb 95, which form an integrated part of this L/C") . Trường hợp này HĐ đó phải được gửi bằng thư đến cho NH thông báo. Người hưởng phải xuất trình hoá đơn mô tả hàng hoá đúng như HĐ. NH kiểm tra hàng hoá ở HĐ với hoá đơn xuất trình. Tuy nhiên trách nhiệm của NH chỉ kiểm tra số và ngày của HĐ và phần mô tả hàng hoá mà thôi. Hoá đơn tất nhiên phải được ghi thêm câu đã được ghi trong TDT. Nói chung nếu gặp những TDT trong điều kiện này thì người hưởng nên yêu cầu sửa đổi hoặc là ghi đầy đủ chi tiết hàng hoá vào TDT, hoặc chỉ tham chiếu số HĐ mà thôi nhằm tránh những tranh chấp phát sinh. Hơn nữa, TDT kiểu này sẽ làm rối rắm thêm cho các NH khi áp dụng Điều 3 của Bản Điều lệ 500.
2. Vai trò trung gian của Ngân Hàng
Cho dù dẫn chiếu Hợp đồng Thương mại vào TDT theo cách này hay cách khác thì trách nhiệm thanh toán của NH không ảnh hưởng, hoặc ràng buộc bởi những tranh chấp, khiếu nại phát sinh từ việc thực hiện HĐ.
Do tính chất độc lập của TDT đối với HĐ nên trách nhiệm của NH phát hành hoàn toàn không ảnh hưởng gì bởi khiếu nại của người mở xuất phát từ mối quan hệ làm ăn với người hưởng. Ngay khi quan hệ giữa người mở với NH có những đặc ân nào đó mà sau này phát sinh rủi ro trong việc thanh toán TDT thì NH cũng không được quyền từ chối nghĩa vụ của mình đối với TDT. Hoặc do quan hệ gắn bó giữa mình với NH phát hành, người mở TDT không thể yêu cầu (hoặc bằng cách thuyết phục...) NH này không hoặc hoãn thanh toán chứng từ vì người hưởng vi phạm HĐ.
Đây là phần được bổ sung thêm vào Bản Điều lệ 500 do những phát sinh từ thực tiễn mà ICC nhận được từ các phòng thương mại Quốc gia. Phần này khẳng định lại hệ quả bản chất của TDT là: ngăn cản những lợi dụng của người mở. Điểm b của điều khoản này là phần ứng đối của bổ sung trên nhằm cân bằng nghĩa vụ của người hưởng đối với người mở. Việc cấm lợi dụng như trên cũng được áp dụng đối với người hưởng. Người hưởng không thể khẳng định rằng TDT phải được mở bởi thoả thuận giữa NH phát hành và người mở đã được ký hoặc họ không thể đòi hỏi NH loại 1 nào đó ở nước khác mở TDT (vì lý do khả năng thanh toán) mà lại từ chối TDT từ chính NH đó xác nhận chứ không phải phát hành. Người hưởng cũng sẽ bị khi họ hỏi NH phát hành TDT về khả năng thanh toán của người mở (đã ký quỹ đầy đủ hay NH cho vay khi thanh toán?...) vì đây là mối quan hệ giữa NH phát hành và người mở mà người hưởng không được quyền biết.
ĐIỀU 4: CHỨNG TỪ ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ /DỊCH VỤ/CÔNG VIỆC KHÁC
Trong giao dịch Tín dụng chứng từ, tất cả các bên liên quan chỉ thực hiện căn cứ trên chứng từ chứ không căn cứ vào hàng hoá, các dịch vụ và / hoặc các công việc khác mà các chứng từ đó có thể liên quan.
Điều khoản này, so với các lần sửa đổi trước đây hầu như không thay đổi ngoại trừ giới từ "với" (with) được thay cho "trong" (in). Điều này muốn nhấn mạnh rằng: NH chỉ liên quan đến chứng từ, chỉ giao dịch với chứng từ chứ không liên quan đến hàng hoá.
Điều khoản này nhất quán, xuyên suốt lịch sử của Điều lệ và Thực hành Thống nhất Tín dụng Chứng từ. Giao dịch của NH theo truyền thống và thông lệ cũng như tập quán kể từ khi nó ra đời đến nay và mãi mãi vẫn là: bằng chứng từ và trên cơ sở chứng từ. Hiện nay giao dịch này được phát triển theo tiến độ phát triển của khoa học kỹ thuật đa dạng và phong phú: bằng telex , bằng fax, bằng điện thoại, máy điện toán...Tất nhiên giữa chứng từ và hàng hoá, dịch vụ TDT có mối quan hệ khăng khít nhưng không có nghĩa là NH vì thế mà ràng buộc giao dịch của mình với hàng hoá hoặc các dịch vụ ngoài NH.
Một số doanh nghiệp mới làm xuất nhập khẩu trực tiếp thường ngộ nhận: TDT thường được mở theo HĐ, nhưng hàng kém phẩm chất, không đúng quy cách... thì sao lại trả tiền cho người bán? - Nghe ra rất hợp lí và lô-gích, nhưng chính nhà nhập khẩu đã hiểu chưa đúng vấn đề. NH mở TDT chỉ ngưng hoặc không thanh toán toàn bộ chứng từ hợp lệ khi có phán quyết của toà án của nước sở tại. Trong trường hợp này người nhập khẩu phải hiểu tình thế là mình chỉ có quyền kiện người xuất khẩu trên cơ sở HĐ thương mại chứ không thể từ chối thanh toán. TDT được mở theo Bản Điều lệ 500 thì "ràng buộc tất cả các bên liên quan" trong đó có người mở TDT. Tuy nhiên trong trường hợp có dấu hiệu hoặc bằng chứng lừa đảo của người bán, căn cứ vào đơn của người bị hại toà án có thể quyết định ngưng thanh toán hoặc không thanh toán trong thời gian vô thời hạn trong phạm vi pháp luật hiện hành, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua. Nhưng nếu NH đã thanh toán theo đúng điều khoản của TDT và hợp với bản điều lệ trước khi có phán quyết của toà thì NH miễn trách. Thiệt hại do lừa đảo phía người mở TDT gánh chịu. Tuy thế, mọi việc giải quyết tranh chấp giữa người mở với NH phát hành còn tuỳ thuộc vào luật lệ nước sở tại.
ĐIỀU 5: CHỈ THỊ VỀ VIỆC PHÁT HÀNH/ SỬA ĐỔI TÍN DỤNG THƯ
A. Những chỉ thị về việc phát hành Tín dụng thư, và bản thân TDT đó, những chỉ thị sửa đổi TDT, và bản thân sửa đổi đó phải đầy đủ và chính xác. Để để phòng mọi sự lẫn lộn và hiểu lầm, các NH nên ngăn cản mọi khuynh hướng:
i. đưa quá nhiều chi tiết vào TDT hoặc sửa đổi của nó
ii. đưa ra chỉ thị phát hành, thông báo hoặc xác nhận TDT bằng cách dẫn chiếu một TDT đã phát hành trước đó (TDT tương tự) mà TDT trước bao gồm các sửa đổi đã được chấp nhận, và/ hoặc sửa đổi không được chấp nhận
B. Tất cả các chỉ thị đối với việc phát hành một TDT và bản thân TDT đó, khi có thể áp dụng được, tất cả các chỉ thị cho một bản sửa đổi và bản thân sửa đổi đó phải nêu chính xác các chứng từ xuất trình mà theo đó việc trả tiền, chấp nhận hoặc chiết khấu được thực hiện.
1. Tín dụng thư với quá nhiều chi tiết
Về ý kiến không đưa quá nhiều chi tiết vào Tín dụng thư và sửa đổi của nó, các Phòng Thương mại quốc gia (thành viên của ICC) yêu cầu dùng những từ thật mạnh mẽ nhằm ngăn ngừa những trường hợp này. Tuy nhiên WG, đã quyết định vẫn dùng những từ của Bản Điều lệ 400 với lý do không để Bản Điều lệ có những điều trái ngược với luật của các Quốc gia. Nếu WG đưa vào điều khoản này câu "NH không được phát hành TDT ...."(Bank sould not issue credits) hoặc "NH phải từ chối những chỉ thị như vậy ..."(Bank sould reject such instructions...) thì e rằng mâu thuẫn với quy định của một số nước mà theo đó TDT phải được đưa vào đầy đủ chi tiết. Trong trường hợp đó, Luật Quốc gia sẽ làm ảnh hưởng đến việc áp dụng Bản Điều lệ, gây phức tạp cho giao dịch. Do vậy, WG quyết định giữ nguyên cụm từ "NH nên tránh đưa quá nhiều chi tiết ..." (Bank sould...) nhằm vào lời khuyên nhiều hơn là sự bắt buộc, cấm đoán.
Đưa quá nhiều chi tiết vào TDT sẽ bất lợi cho cả 2 phía. TDT càng dài, càng chi tiết thì càng dễ bị lỗi, bị nhiễu điện, gây rối rắm, nhầm lẫn cho người hưởng cũng như người mở và cả NH. Có người ngộ nhận là càng có nhiều chi tiết hàng hoá, điều khoản trong TDT càng bảo đảm an toàn cho người mở. Đừng so sánh các điều khoản của HĐ với TDT vì mỗi loại có mỗi đặc thù riêng. Chi tiết hàng hoá ở TDT chỉ được thể hiện đầy đủ, mà chứng từ này lại do người hưởng lập thì không có nghĩa gì về giác độ an toàn của hàng hoá.
Tài liệu ICC số XB 516 đề cập tới TDT với quá nhiều chi tiết như sau:
"Việc yêu cầu đưa quá chi tiết vào TDT thường do người mở tin tưởng một cách sai lầm là họ có thể bảo vệ được chính mình bằng cách làm đó. Thực ra, hiếm khi được như vậy (NH chỉ có thể thanh toán, chấp nhận hoặc chiết khấu đối với các chứng từ phù hợp với các điều khoản và điều kiện của TDT- kẻ lừa đảo sẽ hài lòng khi tạo ra thật nhiều chi tiết của chứng từ, nhằm bảo đảm sự phù hợp với các điều khoản và điều kiện của TDT)"
"The demand for inclusion of excessive detail is often made in the mistaken belief that the Applicant is thus protecting himself. This is rarely so. (Bank can only pay, accept, or negotiate against compliant documents- and a "rogue" will quite happily produce the"excesssive detail" to ensure compliance with the terms and conditions of the Credit."
Người mở cũng không nên yêu cầu các điều khoản không cần thiết. Thí dụ TDT quy định: hoá đơn phải do người hưởng lập, không chấp nhận B/L theo HĐ thuê tầu.. theo Bản Điều lệ 500, Nếu Tín dụng không đề cập có nghĩa là những chứng từ lập như vậy sẽ bị từ chối, do đó không cần quy định trong TDT.
2. TDT phát hành với các chi tiết theo TDT trước đó:
Những năm 70 về trước, các NH đôi khi còn phát hành TDT theo kiểu này, nghĩa là dẫn chiếu các điều khoản của TDT trước. Thí dụ: Các chứng từ xuất trình theo đúng các chứng từ của TDT số ...... ngày ......
Nguyên nhân của kiểu phát hành này là do kỹ thuật thông tin và điện toán chưa phát triển, các nhân viên NH phải thực hiện quá nhiều thao tác để soạn thảo văn bản. Hơn nữa, chi phí truyền thông còn cao, cho nên phương pháp này lúc bấy giờ được chấp nhận. Tuy nhiên bản sửa đổi 1983 đã có nêu lên vấn đề loại trừ mở TDT theo loại này. Cho đến nay (1993) kỹ thuật truyền thông phát triển nhảy vọt, đặc biệt là hệ thống SWIFT ra đời buộc các chuyên gia NH tính đến chuyện loại bỏ các TDT mở theo kiểu cũ. Điểm (ii) của điều khoản này sửa đổi lại Điều 13 với mục đích là việc mở TDT trên cơ sở dẫn chiếu một TDT cũ không nên dùng và các ngân hàng cần từ chối các TDT mở, sửa đổi, thông báo theo kiểu này.
B. HÌNH THỨC VÀ THÔNG BÁO TDT:
ĐIỀU 6: TDT HUỶ NGANG VÀ KHÔNG HUỶ NGANG
a. Các Tín dụng có thể:
- huỷ ngang, hoặc
- Không hủy ngang.
b. Do vậy TDT cần nêu rõ huỷ ngang hay không huỷ ngang
c. Nếu không ghi như vậy thì TDT được coi là không huỷ ngang
Điều khoản này so với Điều 7 của Bản Điều lệ 400 chỉ thay đổi một từ, nhưng lại là một vấn đề lớn. Tất cả các phòng thương mại Quốc gia đều ủng hộ việc thay thế từ "huỷ ngang" bằng từ "không huỷ ngang" ở phần C.
Trên thực tế, TDT huỷ ngang gần như không còn tồn tại bởi nó sẽ gây ra hậu quả khó lường cho người hưởng. Do vậy, việc sửa đổi này nhằm tạo ra cho các bên liên quan (NH, người hưởng, người mở) một quan niệm thường trực rằng đã là TDT thì nó luôn là "không huỷ ngang", trừ khi nó có ghi chữ "huỷ ngang". Tuy vậy, Bản Điều lệ vẫn cứ yêu cầu là nên ghi rõ là "huỷ ngang" hay "không huỷ ngang" nhằm nêu rõ ý định của người mở trong giao dịch này.
Thế nào là "huỷ ngang" và "không huỷ ngang" ?
Theo định nghĩa gốc của tiếng Anh,"Revocable" là có thể huỷ bỏ,và "Irrevocable" thì ngược lại. Nhưng trong Bản Điều lệ, nghĩa của chúng phải được hiểu trên cơ sở giao dịch Tín dụng chứng từ.
"Có thể huỷ ngang" (revocable) là khả năng có thể huỷ bỏ TDT đang còn hiệu lực của một phía mà không được sự đồng ý của một/các bên khác. Thí dụ Người mở huỷ bỏ TDT hoặc NH phát hành đơn phương tuyên bố TDT không còn giá trị nữa trong lúc người hưởng và/ hoặc NH thông báo / xác nhận không hề biết trước hoặc không đồng ý.
"Không thể huỷ ngang" (Irrevocable) được hiểu theo nghĩa của Bản Điều lệ là "Không được huỷ ngang" có nghĩa là việc huỷ bỏ TDT đơn phương của một phía (như thí dụ trên) là hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
Nhưng TDT không thể huỷ ngang không có nghĩa là không thể huỷ bỏ. Trong trường hợp các bên đồng ý huỷ bỏ TDT thì nó sẽ được công nhận không còn giá trị thực hiện. Tuy nhiên, sau khi thoả thuận với Người hưởng về huỷ bỏ TDT, Người mở phải thương lượng với NH phát hành. Ngân hàng này liên lạc với NH thông báo (và NH xác nhận Nếu TDT được xác nhận ) để có liên quan bằng văn bản / điện tín. Do vậy trong giao dịch Tín dụng chứng từ, từ "huỷ ngang / không huỷ ngang " được dùng đúng nghĩa và chính xác hơn từ "huỷ bỏ / không huỷ bỏ " hoặc "khả huỷ/ bất khả huỷ". Khách hàng thường lầm tưởng là chỉ cần Bên mua và Bên bán đồng ý huỷ TDT là được, coi nhẹ vai trò của NH. Rất có thể NH phát hành / NH xác nhận không đồng ý huỷ bỏ TDT vì họ đã cấp Tín dụng cho Người mở, hoặc tài trợ xuất khẩu cho Người hưởng, việc huỷ bỏ TDT dẫn đến thiệt hại cho những NH liên quan.
Thông thường, yêu cầu huỷ bỏ TDT phát sinh từ Người mở vì họ cần giải toả tiền ký quỹ tại NH phát hành trước thời hạn hiệu lực. Đối với người hưởng, việc không giao hàng của họ đồng nghĩa với huỷ bỏ TDT. Đó là lý do Người mua yêu cầu Người bán phát hành "Bảo lãnh thực hiện Hợp đồng" (Performance Bond) nhằm tránh những thiệt hại do người bán "huỷ ngang" TDT - nghĩa là không bao giao hoặc không có hàng giao như đã thoả thuận (sẽ được phân tích tại Điều 8)
ĐIỀU 7: TRÁCH NHIỆM CỦA NGÂN HÀNG THÔNG BÁO
A. TDT có thể được thông báo cho người hưởng thông qua 1 NH khác ("Ngân hàng thông báo") mà không có cam kết gì về phía NH này, nhưng NH thông báo, Nếu quyết định thông báo TDT, phải kiểm tra cẩn thận về tính xác thực bề ngoài của TDT mà nó thông báo. Nếu NH đó quyết định không thông báo TDT thì phải báo ngay cho NH phát hành không được chậm trễ.
B. Nếu NH thông báo không thể kiểm tra được sự xác thực bề ngoài như vậy, NH thông báo phải báo lại không được chậm trễ cho NH mà từ đó nó nhận được chỉ thị, rằng nó không thể kiểm tra được tính xác thực của TDT và tuy nhiên Nếu NH quyết định thông báo TDT đó thì phải báo cho người hưởng biết rằng NH không thể kiểm tra được sự xác thực của TDT.
So với Điều 8 của Bản Điều lệ 400, Điều 7 của Bản Điều lệ này được bổ sung nghĩa vụ, trách nhiệm của NH thông báo. Nhiệm vụ của NH thông báo là phải xác nhận khoá điện (hoặc chữ ký) của TDT mà không cam kết gì hơn. Tuy nhiên nó cũng có quyền không thông báo TDT vì một lý do nào đó, nhưng phải báo ngay quyết định của mình cho NH phát hành. Như vậy, NH được chọn thông báo không bắt buộc thông báo TDT mà nó không muốn. Đây là điểm khác biệt với Điều 7 của Bản Điều lệ cũ. Tuy nhiên trong thực tế, đã là đại lý của nhau thì các NH không từ chối /bất cứ dịch vụ nào. Tại điểm B của điều khoản này, WG muốn giải quyết một số vướng mắc phát sinh trong thực tế liên quan đến khoá điện hoặc chữ ký trên TDT hoặc các sửa đổi. Trong trường hợp khoá điện/ mẫu chữ ký sai thì trách nhiệm của NH thông báo là thông báo cho NH phát hành tình trạng khoá điện/ mẫu chữ ký của TDT đó/ hoặc các sửa đổi. Trường hợp này, NH không thông báo cho đến khi đã xác định được tính xác thực của TDT (hoặc các sửa đổi). Nhưng Nếu NH, vì một lý do nào đó mà thông báo TDT (hoặc các sửa đổi) đó cho người hưởng thì phải ghi rõ là họ không chịu trách nhiệm về tính xác thực của TDT / sửa đổi vì không thể kiểm tra được tính xác thực.
Như vậy trách nhiệm của NH thông báo đã được quy định khá rõ ràng. Tuy nhiên từ "không chậm trễ" không được quy định cụ thể và việc vận dụng lại tùy thuộc vào tập quán của từng địa phương và quy chế của từng nước.
ĐIỀU 8: HUỶ BỎ TDT
A. Tín dụng thư huỷ ngang có thể được sửa đổi hoặc huỷ bỏ bởi ngân hàng phát hành vào bất kỳ lúc nào và không cần báo trước cho người hưởng.
B. Tuy nhiên NH phát hành phải:
i. Hoàn trả cho NH mà tại đó Tín dụng thư huỷ ngang đã được thực hiện bằng cách trả tiền ngay, chấp nhận hoặc chiết khấu - đối với bất kỳ khoản thanh toán, chấp nhận hoặc chiết khấu nào đã được thực hiện bởi NH đó - trước khi chấp nhận được thông báo sửa đổi hoặc huỷ bỏ, trên cơ sở các chứng từ mà thể hiện trên bề mặt phù hợp với các điều kiện và điều khoản của TDT.
ii. Hoàn trả cho NH khác mà tại đó TDT huỷ ngang đã được thực hiện bằng cách trả tiền sau, Nếu NH đó trước khi nhận được thông báo sửa đổi hoặc huỷ bỏ, đã tiếp nhận các chứng từ mà thể hiện trên bề mặt mà phù hợp với các điều kiện và điều khoản của TDT.
Điểm sửa đổi nhỏ được thực hiện: "Chi nhánh" được thay bằng từ "NH khác" nhằm nhất quán với nội dung của Điều khoản 2.
1. Trách nhiệm của Ngân hàng phát hành đối với TDT huỷ ngang
Như đã trình bày trên đây, TDT huỷ ngang hầu như không tồn tại trong thương mại quốc tế, song về lý thuyết nó vẫn được phép sử dụng và như vậy cần phải duy trì điều khoản nói về sự huỷ bỏ của TDT được phép huỷ ngang. Tuy nhiên trong phạm vi Bản Điều lệ 500, việc huỷ ngang chỉ có giá trị trước khi chứng từ hàng hoá được xuất trình. Ngược lại, NH phát hành phải thực thi nghĩa vụ của mình về việc thanh toán, chấp nhận và thanh toán hối phiếu phát hành như đối với TDT không huỷ ngang.
TDT được phát hành nhằm bảo đảm quyền được trả tiền của người hưởng. Việc huỷ bỏ TDT cũng tất nhiên ảnh hưởng đến quyền lợi này. Do vậy, người ta luôn nêu ra những điều khoản để bảo vệ cho người hưởng và các bên phục vụ cho người hưởng.
2. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng và quyền lợi của người mở TDT
Trong trường hợp TDT được phát hành, nhưng người bán (người hưởng) lại không có hàng giao hoặc không được giao hàng, không thể thực hiện TDT đó. Điều này cũng như là sự huỷ ngang TDT của phía người hưởng (người bán). Có biện pháp phát hành nào ngăn cản hoặc buộc người hưởng đền bù những gì mà họ gây ra cho người mở vì không giao được hàng? Khi yêu cầu phát hành TDT người mở phải vay /ký quỹ tại NH phát hành, trả chi phí, nhưng người hưởng lại không thực hiện nghĩa vụ của mình? Người mở có quyền đòi người hưởng đèn bù một số tiền nhất định.
Vậy cần xác lập sự đối ứng của tránh nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của hai bên liên quan Sau khi hợp đồng thương mại được kí kết, người mua yêu cầu NH mình mở TDT nhằm đảm bảo việc trả tiền cho người bán, đồng thời người bán cũng yêu cầu NH mình mở "Bảo lãnh thực hiện hợp đồng "(Sau đây gọi là Bảo lãnh thư) nhằm đảm bảo việc trả tiền cho người mua nhận được hàng hoá hoặc dịch vụ theo đúng hợp đồng.
Đây là loại bảo lãnh vô điều kiện và không huỷ ngang trong đó NH phát hành cam kết sẽ trả số tiền cụ thể ghi trong Bảo lãnh thư (thông thường là 5-10% trị giá của hợp đồng hoặc TDT) ngay khi nhận được khiếu nại của người được bảo lãnh là người bán hàng (người hưởng TDT) vi phạm cam kết, kèm hoặc không kèm theo các chứng từ liên quan mà hai bên đã thoả thuận.(xem mẫu Bảo lãnh thư Hợp đồng tại phần phân tích ở Điều khoản 1).
Như vậy cả người mua (người mở TDT) lẫn người bán (người hưởng TDT) đều có trách nhiệm và nghĩa vụ cũng như quyền lợi như nhau trong một dịch vụ mua bán này, thể hiện 2 giao dịch: TDT và Bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Một điều hết sức quan trọng là hiệu lực của 2 giao dịch trên. Có thể bảo lãnh thư được mở trước TDT hoặc ngược lại của TDT & bảo lãnh thư phải cũng đồng thời. Thông thường, bảo lãnh được phát hành trước vì số tiền của bảo lãnh chỉ bằng 5-10% giá trị TDT nên người yêu cầu Bảo lãnh dễ dàng thương lượng với NH trong trường hợp này Bảo lãnh thư chỉ có giá trị khi người hưởng nhận được TDT có giá trị pháp lý đầy đủ các điều khoản hai bên đã thoả thuận mà không cần sửa đổi. Trong thực tế đã có những trường hợp nhà xuất khẩu bị mất tiền của người mua. Nhà xuất khẩu yêu cầu NH của mình phát hành Bảo lãnh thư cho nhà nhập khẩu nhưng bị từ chối vì nhà nhập khẩu chỉ chấp nhận Bảo lãnh đó được NH của mình phát hành. Do vậy NH của nhà xuất khẩu đã yêu cầu NH của nhà nhập khẩu mở một Bảo lãnh thư theo yêu cầu của nhà xuất khẩu trên cơ sở quy tắc thống nhất về Bảo lãnh, số xuất bản 458 của Phòng thương mại quốc tế. Sau khi Bảo lãnh thư được mở và có giá trị ngay, nhà nhập khẩu không mở Tín dụng thư nhưng đã lập lệnh đòi bồi hoàn tại NH Bảo lãnh với lý do nhà xuất khẩu vi phạm cam kết của Hợp đồng đã ký. Vì mất tiền do sự lừa đảo, nhà xuất khẩu phát đơn kiện nhà nhập khẩu nhưng kết quả còn phụ thuộc vào mạng lưới an ninh và pháp luật của nước sở tại trong việc tìm kiếm, điều tra bọn tổ chức lừa đảo này.
Thông thường, giao dịch đối ứng trên đây chỉ áp dụng trong trường hợp Hợp đồng thương mại có giá trị lớn và khách hàng mới giao dịch lần đầu, người mở TDT (người mua) muốn tránh những thiệt hại do người hưởng (người bán) không thực hiện cam kết giao hàng hoặc giao hàng chậm bất kể lý do gì.
Đối với các đơn vị xuất khẩu Việt nam, ngoài việc xem xét giá trị hiệu lực của hai giao dịch trên, cần quan tâm đến khả năng thực hiện Hợp đồng. Đã phát hành Bảo lãnh thư rồi thì bất cứ lý do nào cũng phải giao hàng và không được chậm trễ. Sự biến động giá cả bất lợi cho người mua dẫn đến việc nhà nhập khẩu nước ngoài từ chối gia hạn giao hàng. Kết quả là việc mua bán bất thành, phát sinh những tổn thất và những hình phạt tài chính.
ĐIỀU 9: TRÁCH NHIỆM CỦA NGÂN HÀNG PHÁT HÀNH VÀ NGÂN HÀNG XÁC NHẬN
A. TDT không huỷ ngang là cam kết rõ ràng của NH phát hành một khi các chứng từ quy định xuất trình cho NH được chỉ định hoặc NH phát hành phù hợp với các điều khoản và điều kiện,
i. nếu TDT quy định trả tiền ngay - thì phải trả tiền ngay
ii. nếu TDT quy định trả tiền sau - thì phải trả vào ngày đáo hạn được xác định theo quy định của TDT
iii.nếu TDT quy định chấp nhận:
a. bởi NH phát hành - thì chấp nhận hối phiếu do người hưởng ký phát cho NH phát hành và trả tiền vào ngày đáo hạn
b. bởi một NH thanh toán khác - thì chấp nhận và trả tiền vào ngày đáo hạn hối phiếu mà người thụ hưởng ký phát cho NH phát hành trong trường hợp NH trả tiền ghi trong TDT không chấp nhận hối phiếu ký phát cho họ, hoặc thanh toán hối phiếu đã được chấp nhận nhưng không được thanh toán khi đến hạn bởi NH được chỉ định nói trên.
iv.nếu TDT quy định chiết khấu thì thanh toán không bảo lưu cho người đòi tiền và / hoặc người nắm giữ hối phiếu trung thực, hối phiếu do người hưởng ký phát và / hoặc các chứng từ được xuất trình theo TDT. TDT không được phát hành với các điều kiện hối phiếu đòi tiền tại người mở TDT. Tuy nhiên, Nếu TDT được phát hành như vậy, NH sẽ xem hối phiếu đó chỉ là chứng từ bổ sung.
B. Việc xác nhận TDT không huỷ ngang của một NH (NH xác nhận) dựa trên sự uỷ quyền của NH phát hành, tạo nên một cam kết chắc chắn của NH xác nhận, thêm vào sự cam kết của NH phát hành, với điều kiện là các chứng từ quy định được xuất trình cho NH xác nhận hoặc cho bất kỳ NH được chỉ định nào và các điều khoản và điều kiện của TDT phải được thực hiện đầy đủ:
i. nếu TDT quy định trả tiền ngay - thì phải trả tiền ngay
ii. nếu TDT quy định trả tiền sau - thì phải trả vào ngày đáo hạn được xác định theo quy định của TDT
iii. nếu TDT quy định chấp nhận
a. bởi NH xác nhận - thì chấp nhận hối phiếu do người hưởng ký phát cho NH xác nhận và trả tiền vào ngày đáo hạn.
b. bởi một NH thanh toán khác - thì chấp nhận và trả tiền vào ngày đáo hạn hối phiếu mà người hưởng ký phát cho NH xác nhận trong trường hợp NH trả tiền ghi trong TDT không chấp nhận hối phiếu ký phát cho họ, hoặc thanh toán hối phiếu đã được chấp nhận nhưng không được thanh toán khi đến hạn bởi NH được chỉ định nói trên.
iv. nếu TDT quy định việc chiết khấu - thì chiết khấu không bảo lưu cho người đòi tiền và / hoặc người nắm giữ hối phiếu trung thực, hối phiếu do người hưởng ký phát và / hoặc các chứng từ được xuất trình theo TDT. TDT không được phát hành với các điều kiện hối phiếu đòi tiền tại người mở TDT. Tuy nhiên, Nếu TDT được phát hành như vậy, NH sẽ xem hối phiếu đó chỉ là chứng từ bổ sung.
C.i. Nếu một NH được NH phát hành uỷ quyền hoặc yêu cầu xác nhận TDT nhưng NH đó không muốn làm như vậy thì NH đó phải thông báo ngay cho NH phát hành.
ii. Trừ phi NH phát hành quy định khác trong uỷ quyền hoặc yêu cầu NH thông báo xác nhận, NH có thể thông báo TDT cho người hưởng mà không ghi thêm sự xác nhận của mình.
D.i. Ngoại trừ quy định khác trong điều 48, một TDT không huỷ ngang không thể được sửa đổi hoặc huỷ bỏ mà không có sự đồng ý của NH phát hành, NH xác nhận nếu có và người hưởng.
ii. NH phát hành không thể huỷ ngang sự ràng buộc đối với sửa đổi của mình từ lúc phát hành sự sửa đổi đó. NH xác nhận có thể xác nhận một sửa đổi và sẽ ràng buộc không thể huỷ ngang từ lúc thông báo sửa đổi đó. Tuy nhiên, NH xác nhận có thể lựa chọn thông báo sửa đổi cho người hưởng mà không bổ sung xác nhận của mình và nếu như vậy phải thông báo ngay cho NH phát hành và người hưởng.
iii.Các điều khoản của TDT gốc (hoặc một TDT bao gồm các sửa đổi được chấp nhận trước đó) sẽ giữ nguyên hiệu lực đối với người hưởng cho tới khi người hưởng tuyên bố chấp thuận sửa đổi với NH đã thông báo sửa đổi đó. Người hưởng phải đưa ra thông báo chấp nhận hoặc từ chối sửa đổi đó. Nếu người hưởng không đưa ra thông báo như vậy, việc xuất trình các chứng từ cho NH được chỉ định hoặc NH phát hành, mà phù hợp với TDT và sửa đổi chưa được chấp nhận, sẽ được xem như là thông báo chấp nhận bởi người hưởng đối với sửa đổi đó và từ đó TDT sẽ được sửa đổi.
iv.Không cho phép chấp nhận từng phần sửa đổi đối với nội dung của mỗi thông báo sửa đổi và như vậy, chấp nhận đó sẽ không có giá trị.
Trách nhiệm và nghĩa vụ của NH mở và NH xác nhận ở iều 10 Bản Điều lệ 400 vẫn không thay đổi nhưng được nói rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể và đầy đủ hơn trong điều khoản này. Nhằm giải quyết một số vướng mắc phát sinh trong thực tế, WG bổ sung thêm một số phần mà nó đã xác nhận. Đặc biệt, là nói thêm về chấp nhận hay từ chối của người hưởng đối với các sửa đổi TDT.
Trước tiên ta hãy hiểu xem một số thuật ngữ được dùng trong điều khoản này:
·Nghĩa vụ đối với khoản nợ (Liability): sau khi phát hành TDT, NH ràng buộc các khoản thanh toán phát sinh theo TDT đó. Đây là một khoản nợ mà NH phát hành, NH xác nhận (Nếu có) có nghĩa vụ phải trả cho người hưởng theo đúng cam kết của mình.
·Phương thức thanh toán ngay(Sight payment/payment at sight): NH sẽ thanh toán cho người hưởng ngay khi nhận được chứng từ và / hoặc hối phiếu xuất trình phù hợp với TDT. Tuy nhiên, "thanh toán ngay" còn phụ thuộc vào thời gian xử lý nghiệp vụ và quy định riêng của từng NH. Với mục đích của Bản Điều lệ 500, phương thức thanh toán ngay được sử dụng để phân biệt với phương thức thanh toán có kỳ hạn và không quá 7ngày làm việc.
·Phương thức thanh toán có kỳ hạn (Deferred payment, payment by Ussance draff/Acceptance): Đây là khoản Tín dụng thương mại mà người bán cấp cho người mua bằng hàng hoá. Việc thanh toán sẽ được ấn định vào thời điểm cụ thể trong tương lai, có thể là 30 ngày, 60 ngày, 120 ngày hoặc 360 ngày kể từ ngày giao hàng, ngày xuất trình chứng từ, ngày NH phát hành nhận được chứng từ ...
Sự khác biệt của hai thuật ngữ "Deferred payment" và " payment by Ussance draff/Acceptance" là: đối với thuật ngữ thứ nhất, TDT không cần yêu cầu xuất trình hối phiếu. Cách gọi này (Credit available by Deferred payment) được phổ biến ở các NH châu Âu và Bắc Mỹ. Khi chứng từ xuất trình phù hợp với các điều khoản của TDT, NH phát hành sẽ tự động thanh toán vào ngày đáo hạn được xác định trước mà không cần động tác chấp nhận vì không cần hối phiếu. Đối với thuật ngữ thứ hai TDT luôn yêu cầu chứng từ kèm hối phiếu (Usance/time Draft), do vậy thủ tục chấp nhận được NH phát hành thực hiện khi chứng từ xuất trình hợp lệ. TDT với điều khoản chấp nhận hối phiếu trả chậm được dùng phổ biến tại các nước Châu Á.
Gọi là Tín dụng thương mại vì đây là những khoản vay, mượn phát sinh giữa công ty thương mại. Tuy nhiên người bán sẽ chiết khấu chứng từ / hối phiếu để được ứng tiền ngay theo TDT. Khoản Tín dụng này được chuyển thành Tín dụng giữa các NH, gọi là Tín dụng ngân hàng. Nghiệp vụ chiết khấu chứng từ / hối phiếu rất thông dụng và phổ biến, được gọi là hình thức tài trợ chắc chắn và tiện lợi cho cả NH lẫn người bán hàng.
·Hối phiếu (Draff/Bill of Exchange): "Là một lệnh thanh toán vô điều kiện bằng văn bản do một người ký phát cho một người khác, yêu cầu người được ký phát trả ngay hay vào một thời điểm xác định trong tương lai số tiền cho hoặc theo lệnh của một người khác hoặc cho người cầm hối phiếu" (Tài liệu ICC số xuất bản 515)
TDT trả tiền ngay không cần hối phiếu. Tuy nhiên, các NH Châu á thường yêu cầu chứng từ kèm hối phiếu. Đối với phương thức thanh toán trả chậm bằng chấp nhận, hối phiếu được ký hậu xác thực việc chấp nhận của người trả tiền. Hối phiếu đã được NH phát hành chấp nhận được lưu thông trên thị trường Việt Nam, Hối phiếu được coi như là chứng từ phụ trong bộ chứng từ hàng hoá vì không có giá trị lưu thông trên thị trường tài chính, Ngân hàng.
Trong thủ tục chiết khấu, người hưởng lập hối phiếu đòi tiền NH quy định trong TDT và ghi rõ:
"Yêu cầu trả tiền ngay cho hoặc theo lệnh của NH A"
(Please pay at sight to order of Bank A)
NH A trả tiền cho người hưởng và ký tên sau đó ghi rõ phía sau hối phiếu:
"Đề nghị trả theo lệnh của bất cứ NH hoặc bất cứ Công ty tín khác nào"
(Please pay to the order of any Bank or banker, Trust Company)
NH này cũng có thể yêu cầu thanh toán theo lệnh của NH phát hành:
"Đề nghị trả tiền theo lệnh của NH phát hành "
(Please pay to the order of Standard Chartered Bank)
Việc ký hậu hối phiếu được tiếp tục cho đến khi người trả tiền (Drawee) là người mở TDT tiếp nhận chứng từ và hối phiếu.
Nếu là TDT với phương thức thanh toán bằng hối phiếu có kỳ hạn, NH chiết khấu có thể "mua" và "bán" hối phiếu đó trên thị trường tài chính bằng phương thức ký hậu như trên. Tuy nhiên, không như cổ phiếu, hối phiếu được dễ dàng lưu thông hay không còn tuỳ thuộc vào NH phát hành và thị trường mua bán của nó.
·Thanh toán không bảo lưu: Bảo lưu trong giao dịch TDCT là NH trả tiền có quyền yêu cầu người hưởng hoàn lại số tiền đó nếu bộ chứng từ của TDT không được thanh toán vì bất cứ lý do gì. Bảo lưu chỉ áp dụng đối với việc chiết khấu, khi NH ứng tiền cho người hưởng trước khi bộ chứng từ thanh toán với điều kiện là NH này không cam kết gì về khoản chiết khấu trên. Nhưng đã là NH phát hành hoặc NH xác nhận thì họ không được quyền bảo lưu thanh toán hoặc chiết khấu cho người hưởng với mọi rủi ro thuộc về các NH đó.
1. Trách nhiệm và nghĩa vụ của NH phát hành
Bản Điều lệ 400, trách nhiệm thanh toán của NH phát hành còn những chỗ không được rõ và kém sức thuyết phục. Do vậy, "Nếu TDT quy định trả tiền ngay - thì phải trả ngay" được ghi rõ ở điều khoản này, không hề có sự lựa chọn khác như: "hoặc làm cho việc trả tiền được thực hiện" mà Điều lệ 400 quy định. Câu này làm cho người hưởng trở nên mơ hồ không hiểu NH hay người mở là người chịu trách nhiệm chính trong việc thanh toán và khi nào NH phát hành buộc phải thanh toán ngay cho người mở. Nhằm làm nổi bật vai trò của NH phát hành hoặc NH xác nhận (nếu có) là NH lãnh chịu trách nhiệm rõ ràng và duy nhất đối với việc thanh toán theo phương thức trả ngay, chấp nhận và thanh toán hối phiếu trả chậm cho người hưởng khi chứng từ xuất trình hợp lệ theo TDT, WG đã quyết định loại bỏ những câu của Bản Điều lệ 400 : " ... hoặc việc thanh toán sẽ được thực hiện", "...hoặc chịu trách nhiệm về việc chấp nhận về thanh toán vào ngày đáo hạn của người mở nếu TDT qui định hối phiếu đòi lại tiền tại người mở", "...hoặc bảo đảm cho việc chiết khấu của một ngân hàng khác".
Nhằm nhất quán đối với những sửa đổi trên, WG cũng giới hạn việc ký phát của hối phiếu , Bản Điều lệ 500 đã khẳng định là tất cả các hối phiếu đều đòi tiền tại NH phát hành (hoặc NH trả tiền). Nếu hối phiếu đòi tiền tại người mở thì được coi đơn giản là chứng từ phụ trợ, NH chuyển giao cho người mở mà không hề ảnh hưởng đến nghĩa vụ thanh toán của NH phát hành nói rõ ở phần A của điều khoản này. Việc sửa đổi này phát sinh từ thực tế là có NH ngộ nhận (hoặc cố ý quan niệm sai) là hối phiếu đòi tiền tại người mở thì chỉ khi nào người mở chuyển tiền (hoặc chấp nhận) NH phát hành mới thanh toán (hoặc chấp nhận). Ngược lại, nếu người mở không chuyển tiền hoặc không thanh toán thì NH phát hành cũng từ chối trách nhiệm của mình đối với hối phiếu đó ?
Thế nào là chứng từ bổ sung, chứng từ phụ?( additional document)?
Như ta đã biết "Hối phiếu (HP) là một lệnh thanh toán vô điều kiện" của Người hưởng lập, đòi tiền tại NH phát hành. Nhưng hối phiếu lập đòi tiền tại Người mở TDT thì bản chất của hối phiếu sẽ bị "biến dạng" vì "lệnh thanh toán vô điều kiện" chỉ có giá trị đối với NH phát hành - là phía chịu trách nhiệm về mọi khoản đòi tiền mà nó cam kết, chứ không có hiệu lực đối với người mở, vì người mở không phải là một đối tác của TDT. Nếu không được sử dụng đúng tính chất, Hối phiếu không thể trở thành công cụ kiểm soát nghĩa vụ thanh toán của NH phát hành theo Tín dụng chứng từ và cũng không thể coi là lệnh thanh toán hoặc chấp nhận và cũng không thể coi là lệnh thanh toán hoặc chấp nhận mà chỉ là "Hối phiếu thủ tục" để NH phát hành dùng như là một công cụ giao dịch với người mở không nằm trong giao dịch TDT .
Có người lầm tưởng là "chứng từ bổ sung" sẽ được coi như là "chứng từ bị loại bỏ", nghĩa là NH sẽ bỏ qua chứng từ đó, giống như là chứng từ được đề cập tại Điều 13 (a) (chứng từ không được đề cập trong TDT ). Xin lưu ý là Bản Điều lệ hoàn toàn không hề nói về việc loại bỏ hối phiếu đòi tiền tại người mở, do vậy NH không được quyền loại bỏ mà phải kiểm tra chứng từ theo đúng điều khoản và điều kiện của TDT .
Sở dĩ WG bổ sung phần này vào Điều 9 "là nhằm tránh tình trạng người mở, không phải là đối tác trong giao dịch TDT, bằng cách không chấp nhận hối phiếu, có thể gây ảnh hưởng quan hệ giữa các bên của TDT "
Dù cho Hối phiếu được lập đòi tiền tại người mở thì nghĩa vụ của NH phát hành cũng không thay đổi.Tài liệu DC của ICC (đã dẫn trên đây) khẳng định:
(Nghĩa vụ của NH phát hành không thể được quyết định bởi, hoặc tuỳ thuộc vào việc thanh toán, chấp nhận hay hành động khác của Người trả tiền hối phiếu (Nghĩa là người mở TDT)
Như đã phân tích trên, "hối phiếu thủ tục" chỉ là công cụ giao dịch giữa NH phát hành và người mở TDT.
Khi nhận được hối phiếu đòi tiền tại người mở, NH chuyển cho người mở và buộc người mở phải chấp nhận thanh toán ngay (Nếu là TDT trả ngay) trong thời gian nhất định. Quá thời hạn đó, nếu người mở không giữ đúng cam kết thì ngân hàng sẽ thanh toán cho Người hưởng. Nếu vì lý do tài chính mà người mở không thanh toán được, NH phát hành phải tự thanh toán cho người hưởng. Ngược lại hối phiếu đòi tiền tại NH phát hành thì NH này sẽ thanh toán mà khôngcần ý kiến của người mở (Nếu chứng từ hợp lệ) đúng trong thời hạn quy định, đồng thời chuyển giao chứng từ cho người mở.
Nhằm đảm bảo giá trị pháp lý của hối phiếu và tránh khập khiễng trong giao dịch TDCT, các NH phát hành nên tránh trường hợp hối phiếu đòi tiền tại Người mở đối với TDT có giá trị chiết khấu, ngay cả khi khách hàng - do chưa nắm rõ nghiệp vụ, yêu cầu như vậy.
2. Những điều kiện của việc xác nhận TDT
NH xác nhận là NH ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với việc thanh toán TDT, nếu nó được uỷ quyền thanh toán / chiết khấu hoặc chấp nhận và thanh toán khi người hưởng không tin ở khả năng trả nợ của NH phát hành. Do vậy NH xác...