Tuần hàng Việt Nam – hướng đi mới

Ngày 8/5/2018 tại Hà Nội, Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài cho các doanh nghiệp phía Bắc” đã được tổ chức nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các mạng phân phối nước ngoài.

Đây là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai. Hội thảo thu hút sự tham dự của hai Tập đoàn phân phối nước ngoài lớn là Central Group (Thái Lan), Aeon (Nhật) và Chợ đầu mối nông sản châu Âu Rungis (Pháp) cùng các Hiệp hội ngành hàng và đặc biệt là gần 180 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua con đường thâm nhập vào mạng lưới của tập đoàn phân phối nước ngoài đã được xem như một phương thức hữu hiệu, bền vững mà ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam theo đuổi. Đặc biệt, kể từ khi các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối bán lẻ có mặt tại Việt Nam và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam hiểu, tiếp cận sâu hơn với các hệ thống bán lẻ hiện đại.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, xuất khẩu hàng Việt Nam vào mạng lưới phân phối nước ngoài được xem như một phương thức hữu hiệu, bền vững

Do vậy, Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về các hệ thống phân phối hiện đại bao gồm hệ thống phân phối bán lẻ (Aeon và Central Group) và Chợ đầu mối (Rungis, Pháp)... Từ đó tìm ra nhiều hướng đi mới để các doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trí, cung ứng sản phẩm toàn cầu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống bán lẻ nước ngoài, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, các Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội là một trong những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính trong việc triển khai đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020” của Bộ Công Thương.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội là một trong những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài

Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối hiện đại, HPA đã phối kết hợp với nhiều hệ thống bán lẻ hiện đại nước ngoài để tổ chức các Tuần hàng Việt Nam nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm Việt Nam đến với người tiêu dùng ngoài nước.

Ngay từ đầu năm 2018, HPA đã phối hợp với Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Công ty TNHH Top Value, Công ty TNHH Aeon Mall Long Biên tổ chức Tuần hàng 2018 tại Aeon Nhật Bản sẽ diễn ra vào ngày 4-13/6/2018. “Sau gần nửa năm triển khai kế hoạch Tuần hàng 2018 tại Aeon Nhật Bản, đã có 6 sản phẩm của Việt Nam (chè, cà phê, mù gạo, mỳ, bia, bánh tráng) với hơn 30 chủng loại được Aeon nhập khẩu bán tại 40 điểm bán hàng của Aeon tại Nhật”, bà Mai Anh chia sẻ.

Tập đoàn Aeon Nhật Bản đã bố trí 50 gian hàng tại sảnh Kino Hiroba của Trung tâm thương mại Aeon để trưng bày giới thiệu ấn phẩm xúc tiến, các sản phẩm đặc sản của Việt Nam

Ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Aeon Top Value chia sẻ, hai năm trở lại đây, Aeon đã phối hợp với Việt Nam tổ chức sự kiện Tuần hàng Việt thường niên. Để quảng bá sản phẩm Việt tại thị trường Nhật Bản, Aeon đã bố trí 50 gian hàng tại sảnh Kino Hiroba của Trung tâm thương mại Aeon để trưng bày giới thiệu ấn phẩm xúc tiến, sản phẩm đặc sản các địa phương, sản phẩm thương hiệu quốc gia; gian hàng hoa quả Việt Nam; gian hàng của các doanh nghiệp...

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của 1.675 nhà cung cấp tại Việt Nam vào hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Aeon đã đạt gần 200 triệu USD. Trong đó, may mặc và giày dép chiếm gần 70%, còn lại thực phẩm và hàng gia dụng chiếm tỷ lệ tương đối khiêm tốn. Năm 2018, Aeon mong muốn kim ngạch xuất khẩu này tăng mạnh và sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Aeon ngày càng bền chặt.

Cơ hội song hành cùng thách thức

Từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối bắt đầu sôi động khi nhiều nhà phân phối hàng đầu thế giới bày tỏ sự quan tâm và dự định đầu tư tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu tiếp cận trực tiếp nhằm đưa hàng vào các hệ thống này.

Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại nước ngoài, bà Lê Thị Mai Linh – Phó Chủ tịch điều hành quan hệ đối ngoại và truyền thông của Tập đoàn Central Group Việt Nam cho rằng, trước tiên sản phẩm đó phải đủ tiêu chuẩn và bán tốt trong siêu thị Việt Nam.

Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đạt chuẩn quốc tế, thiếu các sản phẩm mạnh, đủ điều kiện để xuất hiện trong các hệ thống phân phối nước ngoài. Đồng thời, vấn đề giá cả, xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, các rào cản kỹ thuật... cũng là những trở ngại lớn, cản trở quá trình tham gia vào mạng phân phối nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam.

“Để “thẳng tiến” vào hệ thống phân phối của Aeon, doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương thực hiện đồng bộ quy trình từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ”, ông Shiotani Yuichiro nhấn mạnh

Thêm vào đó, đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hành trình đưa sản phẩm mang thương hiệu riêng vào hệ thống phân phối ngoại còn gian nan gấp nhiều lần do hạn chế về mẫu mã, chứng nhận chất lượng... bà Linh nhận định.

Do đó, để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài, bà Mai Anh cho biết, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội sẽ tổ chức Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội định kỳ hàng năm ở trong nước và tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Chia sẻ kinh nghiệm để các doanh nghiệp Việt Nam có thể xâm nhập vào hệ thống Aeon, ông Shiotani Yuichiro cho biết, Tập đoàn Aeon cũng mong muốn đẩy mạnh sự hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt ngày càng nhiều người Nhật quan tâm đến các sản phẩm và hàng hóa của Việt Nam và đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. “Để “thẳng tiến” vào 14.000 cửa hàng của riêng của Aeon và những nhà phân phối khác của Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương thực hiện đồng bộ quy trình từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ”, ông Shiotani Yuichiro nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, gần 180 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã có cơ hội trao đổi với đại diện các Tập đoàn nước ngoài lớn: Central Group, Aeon, Chợ nông sản Rungis... để tìm hiểu về hệ thống thu mua của từng hãng cũng như tìm hiểu cơ hội trở thành nhà cung cấp hàng xuất khẩu cho các Tập đoàn lớn đi khắp thế giới.