Thực trạng huy động vốn đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2001- 2005

Tổng vốn đầu tư cho ngành công nghiệp Hải Dương trong giai đoạn 2001-2005 đạt khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong đó, huy động được 11.142 tỷ đồng (92%) cho đầu tư trực tiếp phát triển công nghiệp. Cơ cấu các nguồn vốn được huy động cho đầu tư phát triển công nghiệp là: vốn đầu tư từ ngân sách chiếm 4,7%,; vốn tín dụng chiếm 51,9%; vốn FDI chiếm 36,6%; vốn dân doanh chiếm 6,8%.

Vốn tín dụng hiện đang là nguồn vốn chủ lực cho phát triển công nghiệp, còn vốn FDI tạo lực đẩy mạnh mẽ cho phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2001- 2005. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn này, Hải Dương luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thu hút vốn FDI.

Vốn FDI của 63 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp đạt 4.080 tỷ đồng, chiếm 36,6% tổng vốn đầu tư phát triển công nghiệp và chiếm tới 91,6% tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài thu hút được. FDI đóng vai trò quan trọng vào phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Với sự sụt giảm về số lượng các doanh nghiệp công nghiệp (DNCN) nhà nước do chuyển đổi, sắp xếp và cổ phần hoá, nên những năm qua, vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp phát triển sản xuất là khá nhỏ, chỉ đạt 4,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp phát triển công nghiệp. Trong đó chủ yếu là vốn ngân sách trung ương đầu tư phát triển các DNCN nhà nước trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, chiếm đến 97%, còn lại 3% là vốn thuộc ngân sách địa phương.

Đánh giá tình hình huy động vốn đầu tư phát triển công nghiệp Hải Dương giai đoạn 2001- 2005

Huy động được lượng vốn khá lớn góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Trong đó, đã kết hợp khá đa dạng các hình thức huy động vốn, đặc biệt là vốn FDI tại Hải Dương đạt mức cao (4.080 tỷ đồng).

Trong năm 2005, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam dựa trên hệ thống các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên 42 tỉnh, thành phố đối với khu vực kinh tế tư nhân. Hải Dương xếp thứ 39/42.

Năm 2006, Hải Dương xếp thứ 29/64 tỉnh thành theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Trong 06 nhóm: rất tốt, tốt, khá, trung bình, tương đối thấp và thấp, Hải Dương thuộc nhóm trung bình.

Vốn đầu tư được huy động cho phát triển công nghiệp của Hải Dương nhìn chung vẫn còn rất hạn chế trong khi tiềm năng còn rất lớn. Hạn chế lớn nhất là lượng vốn huy động được chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và chưa tương xứng với tiềm năng của Tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là:

- Chưa ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 – 2010; chưa ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên của địa phương;

- Giai đoạn 2001– 2005 được coi là khá thành công trong thu hút FDI tại Hải Dương. Yếu tố quyết định chính là những chính sách ưu đãi rất cao trong thu hút đầu tư. Tuy vậy, nếu xét một cách tổng thể thì sự phát triển đó còn chứa đựng yếu tố không bền vững, cần phải sớm điều chỉnh, bổ sung các quy chế cho phù hợp với quy định của Chính phủ và thực tiễn tại địa phương.

- Cải cách thủ tục hành chính còn chậm và kém hiệu quả, còn nhiều phiền hà, tiêu cực. Nguyên tắc “một cửa, tại chỗ” tuy đã được áp dụng nhưng trên thực tế, các thủ tục hành chính rườm rà và tuỳ tiện vẫn chưa được sửa đổi.

- Trong hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN vẫn còn nhiều rào cản bởi sự phối hợp giữa chính quyền Tỉnh (BQL các KCN tỉnh) và các ngành trung ương với Công ty Kinh doanh cơ sở hạ tầng chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, các dịch vụ phục vụ cho KCN còn thiếu và yếu như: dịch vụ hải quan, ngân hàng, bưu điện, thông tin pháp luật…

-  Hoạt động của hệ thống tín dụng tại Hải Dương còn nhiều hạn chế: Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ có xu hướng tăng lên. Nguồn nhân lực, trình độ quản trị, kinh doanh ngân hàng, việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong từng đơn vị còn yếu so với yêu cầu đổi mới và hội nhập. Sự liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong ngành ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành khác của nền kinh tế chưa chặt chẽ và chưa hiệu quả. Việc tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng của các DNCN vừa và nhỏ còn khó khăn. 

- Chưa khai thác triệt để các hình thức huy động vốn:

+ Luật Chứng khoán ban hành ngày 12/7/2006, có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 và Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp là cơ sở pháp lý quan trọng, mở ra hướng phát triển thị trường trái phiếu trong những năm tới.

+ Hoạt động thuê mua tài chính mới dừng lại ở chủ trương, chưa hình thành công ty thuê mua tài chính nào trên địa bàn Tỉnh.

+ Chưa phát triển mạnh mẽ hình thức liên kết “4 nhà” để tận dụng mọi nguồn vốn cho phát triển công nghiệp.

-  Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tỉnh còn thiếu và yếu:

Ngoài những lý do về chính sách, thủ tục hành chính, chất lượng nguồn lao động tại chỗ,... thì hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, chưa hoàn thiện đã làm hạn chế khả năng huy động, thu hút các nguồn vốn phát triển công nghiệp Hải Dương. Phần lớn các KCN đã quy hoạch, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật (hệ thống điện, cấp thoát nước, đường nội bộ,...) và những công trình “ngoài hàng rào” còn thiếu, xây dựng dở dang nên chưa thoả mãn yêu cầu chọn nơi sản xuất của các nhà đầu tư. Các CCN trên địa bàn Tỉnh đã được quy hoạch và tiếp nhận các dự án đầu tư, nhưng hầu hết chưa được xây dựng hoặc chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong triển khai thực hiện các dự án đã chấp thuận cũng như khó khăn cho bố trí các dự án tiếp theo.

Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng bình quân của công nghiệp Hải Dương giai đoạn 2006 – 2010 là 20%/năm; trong đó, công nghiệp nhà nước: 10,7%/năm; công nghiệp dân doanh: 22,2%/năm; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 30,3%/năm.

Đến năm 2010, giá trị SXCN (theo giá cố định 1994) của công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 28.740 tỷ đồng. Trong đó, công nghiệp nhà nước: 10.150 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 35,3%), công nghiệp dân doanh: 5.350 tỷ đồng (18,6%), công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 13.240 tỷ đồng (46,1%).

Để tăng cường huy động vốn đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh Hải Dương cần phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Xây dựng và ban hành Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời kỳ 2006- 2020 làm cơ sở huy động vốn đầu tư phát triển công nghiệp.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động huy động vốn đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng đơn giản, nhanh chóng.

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tỉnh nhằm thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2006- 2010.

Đối với các KCN đã có hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh như KCN Nam Sách, KCN Đại An, KCN Phúc Điền, KCN phía Tây thành phố Hải Dương, cần thực hiện các điều kiện về các dịch vụ thông tin liên lạc, dịch vụ hải quan, đảm bảo an toàn an ninh tốt hơn để các DNCN trong KCN yên tâm phát triển sản xuất, đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các KCN có tỷ lệ lấp đầy còn thấp.

- Khuyến khích các DNCN trên địa bàn tỉnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn quan trọng và mới mẻ cho đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh, đồng thời thúc đẩy thị trường vốn địa phương phát triển. Cơ sở pháp lý cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp là Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Chính quyền tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các DNCN trên địa bàn phát hành trái phiếu để huy động vốn, đặc biệt là phát hành trái phiếu nhằm thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Cụ thể:

+ Tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách hỗ trợ tổ chức phát hành công bố thông tin liên quan đến phát hành trái phiếu (trên báo địa phương, đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử, website các ngành,...)

+ Khuyến khích hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn, tổ chức định mức tín nhiệm, nâng cao năng lực đánh giá và dự báo chính xác tiềm năng huy động, bám sát địa bàn dân cư, triển khai có hiệu quả các biện pháp huy động vốn theo đúng tiến độ.

- Đẩy mạnh hoạt động thuê mua tài chính (TMTT) để huy động vốn cho phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.                  

Khuyến khích các tổ chức tài chính và các khách hàng tiềm năng tham gia vào hoạt động TMTC:

+ Khuyến khích hình thành và phát triển các công ty TMTC, mà trước hết là các công ty thuộc các ngân hàng thương mại (NHTM).

- Mở rộng và phát triển mạnh hình thức liên kết kinh tế giữa công nghiệp và nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2006- 2010, cần phải nhân rộng mô hình liên kết “4 nhà”: Nhà nước – Nhà doanh nghiệp - Nhà nông (nhà cung cấp) – Nhà khoa học nhằm phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến tận dụng những điều kiện lợi thế đặc biệt của địa phương.

Nội dung liên kết “4 nhà” được thực hiện cụ thể như sau:

+ UBND Tỉnh: Quy hoạch, vận dụng các chủ trương của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức sản xuất. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, tạo điều kiện cung cấp nguyên liệu chất lượng tốt, số lượng lớn cho công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm.

+ Nhà doanh nghiệp: Các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm cung cấp thông tin đầu tư bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nghiên cứu nhu cầu và mở rộng thị trường. Doanh nghiệp ứng trước lượng vốn nhất định (tỷ lệ vốn có thể là 3:4) cho người nông dân mua cây giống, con giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp và trực tiếp bao tiêu sản phẩm theo thị trường có niêm yết giá sàn. Doanh nghiệp đẩy mạnh hội chợ, xúc tiến thương mại,… Doanh nghiệp ràng buộc các nhà khoa học bằng các hợp đồng nghiên cứu theo yêu cầu cụ thể của thị trường.

+ Nhà khoa học: Cung cấp kỹ năng, kỹ thuật canh tác, chăm sóc, hướng dẫn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nông dân.

+ Nhà nông: đầu tư một phần vốn để sản xuất. Tiếp nhận các thiết bị kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với thị trường. Nông dân bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Thông qua việc mua cổ phần trong các doanh nghiệp cổ phần sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của mình, người nông dân có thể tham gia quản lý công ty, nói lên nguyện vọng, những khúc mắc trong sản xuất nông nghiệp để doanh nghiệp kịp thời có phương án kinh doanh thích hợp.

Trong 4 nhà này, nhà doanh nghiệp phải giữ vai trò trung tâm tạo ra lực hút để hội tụ 3 nhà còn lại.

Ngoài một số giải pháp trên, chính quyền Tỉnh cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ như: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đầu tư cho nông nghiệp để tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp. Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư.

- Một số kiến nghị

+ Hoàn thiện hệ thống Luật Đầu tư chung 2005, Luật Doanh nghiệp thống nhất 2005, Luật Chứng khoán, Luật Các Tổ chức tín dụng…

+ Các bộ, ngành trung ương quan tâm đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực công nghiệp của Hải Dương. Ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 52/2006/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Giai đoạn 2006- 2010 là giai đoạn nền kinh tế nước ta sẽ hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tiếp tục thực hiện các cam kết: Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, AFTA và gia nhập WTO, là giai đoạn nền kinh tế sẽ có nhiều thay đổi theo hướng loại bỏ các rào cản thương mại, gia tăng áp lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Hy vọng rằng với sự hội nhập đó, Hải Dương tiếp tục thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước để Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.