Với địa thế có nhiều đảo nằm trải dài gần 100 km đường biển (tính từ TP.Rạch Giá) theo hướng tây nam, trấn giữ một vùng biển rộng lớn, Kiên Hải có nhiều lợi thế và điều kiện để phát triển kinh tế xã hội và là khu vực phòng thủ quan trọng về an ninh quốc phòng.

Năm 2009, tổng sản phẩm được tạo ra đạt 277,091 tỉ đồng (theo giá cố định), GDP bình quân đạt 14, 37%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24, 66 triệu đồng, tương đương 1.400 USD, sản lượng khai thác hải sản đạt  56.272 tấn; sản xuất nước mắm đạt 1,8 triệu lít; nuôi trồng thuỷ sản đạt 162 tấn, tăng 47,27% so với năm 2008.

          Cũng là một huyện đảo, nhưng Kiên Hải không có điều kiện thuận lợi và phát triển như Phú Quốc. Do địa hình phức tạp, phương tiện đi lại giữa các xã trong huyện duy nhất chỉ có tàu thuyền. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng chưa đồng đều giữa các xã trong huyện. Nghị quyết Đại hội VI của huyện Đảng bộ Kiên Hải cũng đã xác định cơ cấu kinh tế giai đoạn 2005-2010 là: “Ngư nghiệp, thương mại dịch vụ-du lịch, tiểu thủ công nghiệp, nhất là tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ, du lịch”.

          Những năm qua, lĩnh vực thương mại, dịch vụ- du lịch chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ngành nội thương chủ yếu do khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chi phối, số hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ hiện có trên 800 cở sở họat động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng 355,015 tỷ đồng/năm…

          Ở Kiên Hải, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, điện, nước tuy được đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Giao thông từ Rạch Giá đến trung tâm huyện (Hòn Tre) mỗi ngày có 4 chuyến tàu cao tốc ra vào, Hòn Sơn mỗi ngày một chuyến; còn lại các xã An Sơn, Nam Du, hai ngày mới có một chuyến tàu.

           Điện chủ yếu là chạy bằng máy Diezel, tại Trung tâm huyện phục vụ 24/24, các xã còn lại mỗi ngày phát từ 10 đến 14 giờ; giá điện được tỉnh trợ giá nên mỗi kWh điện người dân chỉ trả 1.800đ gồm cả thuế (GTGT). Vào mùa khô, các xã An Sơn và Nam Du thiếu nước trầm trọng. Lúc cao điểm, người dân phải mua từ 120.000đ- 150.000đ/mét khối nước. Hồ chứa nước An Sơn 25 ngàn khối, được nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng nhân dân xã An Sơn năm 1997. Xây dựng xong từ năm 2003, đưa vào sử dụng đến năm 2005 nhưng sau hai lần hư hỏng và sửa chữa, đến nay vẫn chưa sử dụng được.

Để thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết của huyện Đảng bộ đã đề ra, vấn đề có ý nghĩa quyết định đến việc phát triển kinh tế huyện Kiên Hải là xây dựng kết cấu hạ tầng như đường xá, hệ thống bến cảng, điện, nước sinh hoạt, trường, trạm, v.v… được dặt lên hàng đầu. Muốn phát triển kinh tế thương mại ở Kiên Hải một cách bền vững, cần tiếp tục chú trọng đầu tư xây dựng các chợ tại xã, phục vụ cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương.

 Tập trung xây dựng các dự án qui hoạch trung tâm thương mại Hòn Tre, trung tâm chợ của các xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du; dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Bãi Chén (Hòn Tre); đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm như: công trình trú bão, bến nghiêng ở xã Hòn Tre, công trình chợ cá ở xã Lại Sơn, kêu gọi đầu tư thực hiện dự án lấn biển Hòn Tre, Cầu cảng Hòn Ngang (Nam Du), đường quanh đảo xã An Sơn và đường quanh đảo Nam Du là chủ trương lớn của huyện. Cùng với đó, là việc xây dựng kho dự trữ lương thực, hàng hóa nhằm giảm thiểu tăng giá đột xuất khi có mưa bão xảy ra; đầu tư xây dựng các cảng biển có quy mô lớn, đủ điều kiện cho tàu du lịch và tàu hàng có tải trọng lớn cập bến, xây dựng mới các hồ chứa nước trên các xã… Để làm được những việc quan trọng này, cần sớm đưa đường truyền tải điện từ đất liền ra đảo để phục vụ sinh hoạt nhân dân nhằm góp phần phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch của địa phương.

Bên cạnh đó, cần phải chủ động khuyến khích huy động mọi nguồn vốn cho việc chuyển đổi ngành nghề phù hợp với ngư trường, thị trường; duy trì lượng tàu đánh bắt xa bờ được trang bị máy móc hiện đại, phục vụ tốt cho khai thác ngư trường xa; tăng cường phát triển nuôi trồng hải sản vùng ven đảo phù hợp với môi trường tự nhiên, nhất là khu vực quần đảo Nam Du gồm hai 2 xã An Sơn và Nam Du; tập trung vào một số loài có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, cá mú, cá bớp; mở rộng nuôi thí điểm một số loài khác như: ghẹ, ốc hương… Hiệu quả kinh tế mang lại từ những mô hình này đang góp phần làm thay đổi diện mạo của huyện.

Cụ thể hoá chủ trương của Đảng và Nhà nước, huyện đã khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển kinh doanh thương nghiệp dịch vụ, nhất là dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ thương mại để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các cơ sở chế biến sản phẩm sau khai thác, phát triển dịch vụ vận tải theo hướng ổn định, lâu dài, thông suốt, rút ngắn thời gian, nhằm tăng mức lưu chuyển hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của huyện.

Ngoài ra, phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, huyện đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của Kiên Hải (nước mắm Hòn Sơn, xoài Hòn Tre); tổ chức khảo sát lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cho toàn huyện, nghiên cứu đề nghị áp dụng một số chính sách ưu đãi để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch.

Để Kiên Hải phát triển hơn nữa, cần phải hoàn thiện các quy hoạch trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch làm cơ sở để thu hút đầu tư, tăng cường quản lý và triển khai có hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục triển khai, thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp - thủ công nghiệp trên địa bàn, tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành chức năng và các doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, dự án…

 Trung ương và tỉnh cần ban hành chính sách hỗ trợ phát triển thương mại dịch vụ du lịch; nghiên cứu đề xuất bổ sung cơ chế chính sách đủ mạnh để khuyến khích, kêu gọi đầu tư, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào thương mại, dịch vụ, du lịch của Kiên Hải. Cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cho các đối tượng là doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, các chợ xã, đầu tư phát triển các phương tiện giao thông đến các đảo xa trên địa bàn huyện cũng là việc cần được chú trọng, ưu tiên.

 Ngoài ra, để bảo vệ ngư trường một cách có hiệu quả, Trung ương cần có quy định mức xử lý đủ sức răn đe đối với các phương tiện khai thác mang tính huỷ diệt ngư trường.  Song song với việc chú trọng đầu tư mới, đầu tư mở rộng, cần hết sức ưu tiên đầu tư chiều sâu, ứng dụng có hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình phát triển ngành công nghiệp theo kế hoạch, quy hoạch được phê duyệt và có chính sách cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho ngành dịch vụ, du lịch của huyện nhà.