Giám đốc Khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Alfred Kammer vừa nhận định tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu sẽ sụt giảm mạnh trong năm nay nhưng hầu hết các quốc gia tại đây sẽ tránh được một cuộc suy thoái.
Theo dự báo mới nhất được IMF công bố hồi đầu tuần này, tăng trưởng kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ chỉ đạt 0,8% trong năm nay và Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone, có thể sẽ chứng kiến một đợt suy thoái nhẹ.
Đức hiện là nền kinh tế duy nhất của Eurozone được IMF dự báo có thể rơi vào suy thoái trong năm nay với kịch bản tăng trưởng kinh tế từ gần 0% đến -0,1%. Nguyên nhân chủ yếu do Đức phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga nhiều hơn so với các quốc gia châu Âu khác khiến nền kinh tế nước này chịu tác động mạnh hơn từ cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine.
Ông Alfred Kammer cũng cho biết IMF đã nâng tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2023 do mùa Đông tại đây ấm hơn và hành động chính sách quyết đoán của các nhà hoạch định chính sách. Ông cũng kỳ vọng kinh tế khu vực châu Âu sẽ tăng tốc hơn nữa trong năm sau.
IMF hiện vẫn duy trì kịch bản cơ sở với dự báo nền kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế phát triển sẽ hạ cánh mềm.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng vừa dự báo lạm phát của Eurozone sẽ ở mức trung bình 5,3% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%, và lạm phát sẽ giảm xuống 2,9% trong năm 2024 và về 2,1% vào năm 2025.
Tuy nhiên, ECB cũng cho biết vẫn còn những yếu tố không chắc chắn xung quanh dự báo này như các mức tăng lương cao hơn dự báo có thể khiến lạm phát tăng cao hơn, trong khi đó những căng thẳng trên thị trường tài chính hoặc giá năng lượng giảm nhanh hơn dự kiến có thể khiến lạm phát tăng chậm lại.
Trong tháng 3/2023, giá tiêu dùng trên cơ sở hằng năm ở Eurozone đã tăng 6,9%, giảm từ mức 8,5% trong tháng 2 xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 10,6% ghi nhận vào tháng 10/2022.
Lạm phát tăng vọt do chi phí năng lượng leo thang đã buộc ECB phải tăng lãi suất với tốc độ kỷ lục để kiềm chế đà tăng giá. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực này. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng tại Hoa Kỳ và Thuỵ Sĩ đã khiến ngày càng nhiều chuyên gia kêu gọi giảm cường độ tăng lãi suất để giảm thiểu các rủi ro đối với hệ thống tài chính cũng như tăng trưởng kinh tế.