Giới quan sát nhận định Indonesia đang tìm cách đưa ra giải pháp phù hợp giữa việc tận dụng giá dầu thực vật trên thế giới tăng cao với vấn đề kiểm soát giá thực phẩm trong nước. Bà Musdhalifah Machmud, Thứ trưởng phụ trách Lương thực - Thực phẩm của Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, khẳng định Chính phủ Indonesia mong muốn đảm bảo nguồn cung dầu cọ ra thị trường quốc tế cũng như giá loại dầu thực vật này được ổn định.
Tuy nhiên, bà Musdhalifah Machmud cũng lưu ý việc điều phối xuất khẩu dầu cọ sẽ do nhiều cơ quan của Indonesia quyết định và Chính phủ Indonesia sẽ cân nhắc kỹ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Động thái của Indonesia được ra ngay sau khi Malaysia cho biết đang xem xét giảm 50% mức thuế suất thuế xuất khẩu dầu cọ nhằm tăng nguồn cung ra thị trường quốc tế trong bối cảnh giá dầu cọ nói riêng và giá dầu thực vật nói chung trên thế giới đang ở mức cao kỷ lục vì tình trạng căng thẳng nguồn cung nghiêm trọng. Giới phân tích nhận định Malaysia, quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới, đang tìm cách giành thị phần từ Indonesia và tận dụng việc giá mặt hàng này đang ở mức cao.
Trước đó, vào ngày 22/4, Indonesia thông báo tạm ngưng xuất khẩu dầu cọ thô và sản phẩm tinh chế từ dầu cọ nhằm cho đến khi có thông báo mới nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa và kìm hãm đà tăng nóng của giá lương thực tại nước này. Điều này gây ra cú sốc cung nghiêm trọng đối với thị trường khi nguồn cung dầu hướng dương từ Ukraine đang bị đứt gãy.
Dầu cọ đáp ứng khoảng 30% tổng nhu cầu sử dụng dầu thực vật trên toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp như chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và nhiên liệu. Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, chiếm 60% tổng nguồn cung dầu cọ toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia ông Airlangga Hartarto cho biết Indonesia sẽ ngưng xuất khẩu dầu cọ cho đến khi giá bán buôn dầu cọ tại nước này giảm xuống mức 14.000 Rupiah (0,96 USD)/lít. Dữ liệu của Bộ Thương mại Indonesia cho thấy giá bán buôn dầu cọ tại nước này vào ngày 10/5 đạt 17.600 Rupiah/lít.
Hãng tư vấn thị trường Moody’s Analytics (Hoa Kỳ) nhận định việc Indonesia tạm ngưng xuất khẩu dầu cọ có thể giúp kiềm soát giá thực phẩm và vấn đề lạm phát tốt hơn nhưng cũng sẽ khiến nước này đánh mất một nguồn lợi lớn khi giá dầu thực vật trên toàn cầu ở mức cao.
Hiệp hội Dầu cọ Indonesia ước tính Indonesia có thể hụt thu khoảng 35,5 tỷ USD từ việc cấm xuất khẩu dầu cọ thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu cọ. Xuất khẩu dầu cọ thô đóng góp tới 2,5% tổng GDP của Indonesia trong quý 1/2022. Cơ quan này kỳ vọng lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ có thể được dỡ bỏ trong vòng 2 tuần đến 4 tuần tới đây.