Ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh: ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Số liệu quan trắc và chỉ số chất lượng môi trường không khí AQI tại các thành phố này cũng thường xuyên cho thấy môi trường không khí ở mức trung bình và có chiều hướng kém, gia tăng ô nhiễm trong những giai đoạn gần đây, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại hai thành phố này thường vượt so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và so với khuyến cáo của WHO.
Thực tế tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam điển hình như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không chỉ kéo dài theo mùa, mà còn lan rộng về mặt không gian, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tình hình phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ nhiều nguồn khác nhau như: Phát thải phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch;Hoạt động xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị chưa được kiểm soát tốt;Phát thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp;Hoạt động đốt rơm rạ, chất thải và sinh khối ngoài trời.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường “Cải thiện chất lượng không khí là nhiệm vụ chung của tất cả các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cộng đồng” Thay mặt Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành kêu gọi các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tri thức và nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn tới. Đồng thời, kêu gọi các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ tích cực tham gia vào các chương trình hành động, từ việc gìn giữ môi trường sạch sẽ; gia tăng sử dụng phương tiện công cộng, giảm phát thải cá nhân áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, tốt hơn trong sản xuất và xử lý khí thải, chất thải.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được tiếp cận với nhiều thông tin, số liệu nghiên cứu mới nhất về tình hình ô nhiễm không khí cũng như ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam. Các kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp về: kiểm kê phát thải, mô hình quan trắc, cảnh báo, dự báo, vùng phát thải thấp (LEZ), đốt ngoài trời, đối chiếu với tác động sức khỏe và các bài học quốc tế, báo cáo khoa học từ Trung Quốc, Thái Lan, các trường đại học danh tiếng tổ chức quốc tế…cũng được chia sẻ tại Hội thảo.

Đồng hành cùng Việt Nam UNDP và WHO đã phối hợp xây dựng một gói hỗ trợ toàn diện để giúp các cơ quan quản lý từ cấp trung ương đến địa phương tăng cường năng lực quản trị và hệ thống dữ liệu phục vụ quản lý chất lượng không khí, giải quyết các tác nhân gây ô nhiễm và thúc đẩy sự tham gia của người dân. Gói hỗ trợ được thiết lập dựa trên các nhiệm vụ mang tính bổ trợ và các mục tiêu chung hướng đến việc cải thiện các kết quả phát triển và sức khỏe toàn cầu.

Chia sẻ tại Hội thảo bà Ramla Khalid, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết “Ứng phó với ô nhiễm không khí đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc hơn cũng như củng cố vững chắc nền tảng bằng chứng khoa học, làm cơ sở cho cách chúng ta tiếp cận vấn đề này. Điều này đòi hỏi việc hoàn thiện công tác quan trắc và dự báo, đồng thời củng cố dữ liệu thống kê về phát thải làm cơ sở để giải quyết các nguồn gây ô nhiễm chủ yếu.
Đồng thời theo bà Ramla Khalid, cần có một cách tiếp cận đa phương, đa ngành, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa cấp trung ương, địa phương, và với các ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cơ quan truyền thông và các đối tác cộng đồng chủ chốt.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể ngày 25/4/2025, bà Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, người lao động làm việc ngoài trời.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sự gia tăng nồng độ P.M10, SO2 và NO2 là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy hô hấp ở trẻ nhỏ. Một số nghiên cứu gần đây tại Việt Nam đã cho thấy ô nhiễm không khí có liên quan đến sự gia tăng mắc các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, dị ứng; các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đau thắt ngực, thiếu máu tim cục bộ, suy tim, một số bệnh về da, niêm mạc. Ô nhiễm không khí cũng liên quan đến việc làm gia tăng gánh nặng bệnh tật; làm tăng các trường hợp nhập viện, tăng chi phí và thời gian điều trị, từ đó góp phần tăng sức ép và quá tải tại các cơ sở y tế và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Trên cơ sở kết quả 02 phiên họp kỹ thuật tại Hội thảo, Thứ trường Bộ Y tế mong rằng các kiến nghị về kỹ thuật sẽ được nâng tầm lên thành chính sách và hành động; Đồng thời đề nghị các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp chia sẻ các hoạt động, các sáng kiến của mình để các bên có liên quan có thể cùng nhau phối hợp, hỗ trợ cho công tác quản lý môi trường không khí cũng như giảm thiểu tác động đến sức khỏe của người dân Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế đồng thời cho biết hai Bộ: Nông nghiệp và Môi trường và Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội những chính sách, hành động về giảm thiểu ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng tập trung vào 5 nội dung: tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên địa phương, thậm chí là liên quốc gia để khắc phục ô nhiễm không khí; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và ban hành các chương trình hành động với các mục tiêu cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam; phát huy mạnh mẽ giá trị, thành quả của KHCN, của trí tuệ nhân tạo trong theo dõi, phát hiện, nghiên cứu chuyên sâu về nguyên nhân và hậu quả của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người; Phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các Viện, các Trường trong cuộc chiến cùng với Chính phủ và người dân Việt Nam chống lại ô nhiễm không khí; Kêu gọi và huy động sự quan tâm, hỗ trợ từ các nước phát triển, cộng đồng các nước trong khu vực cùng với Việt Nam giải quyết vấn đề có tính toàn cầu là tình trạng ô nhiễm không khí;
9 nhóm giải pháp chủ đạo tại Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025-2030
Tại hội thảo, bà Nguyễn Hoàng Ánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường, đại diện Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã giới thiệu Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025-2030 (Dự thảo).

Theo đó Dự thảo có mục tiêu tổng thể: Đặt mục tiêu nâng cao hiệu lực quản lý chất lượng môi trường không khí, kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát và dự báo chất lượng không khí nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững. Đặc biệt, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố được tập chung khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí.

Cụ thể 9 nhóm giải pháp gồm: Kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; Hoàn thiện các chính sách pháp luật; Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; Quản lý phát thải từ hoạt động giao thông, chuyển đổi giao thông xanh, thân thiện với môi trường; Quản lý hoạt động xây dựng cảnh quan đô thị thông minh; Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đốt hở; Xây dựng năng lực quan trắc, cảnh báo, dự báo, ứng phó với tình trạng ô nhiễm khẩn cấp; Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; Tăng cường hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, thông tin và truyền thông.
Đề xuất ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc kiểm kê, giám sát nhằm quản lý hiệu quả các nguồn phát thải lớn
Trong kiểm soát và giảm dần mức độ ô nhiễm tại các đô thị lớn, đặc biệt Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận Dự thảo đề xuất các hành động cụ thế: Phát triển cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí, huy động nguồn lực đầu tư từ ngân sách và xã hội hóa Đồng thời đề xuất chuyển đổi công nghệ, điều chỉnh cấu trúc năng lượng các ngành công nghiệp trọng điểm để giảm phát thải.
Thay vì chỉ tập trung vào kiểm soát, Dự thảo lần này hướng đến mục tiêu kép: vừa kiềm chế mức độ ô nhiễm ở các đô thị lớn, vừa bảo vệ chất lượng không khí tại các khu vực còn trong lành - những vùng trọng điểm cho phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.

Ở giải pháp Kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, Dự thảo đề xuất ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc kiểm kê, giám sát nhằm quản lý hiệu quả các nguồn phát thải lớn như nhiệt điện, xi măng, luyện thép và lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời khẳng định chuyển đổi năng lượng và áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến là hướng đi quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm không khí, đáp ứng các quy chuẩn quốc
Đồng thời Kế hoạch đề xuất Nghiên cứu, ứng dụng & Chuyển giao thí điểm các Công nghệ: xử lý khí thải hiện đại cho các ngành phát thải lớn như Nhiệt điện, Xi măng, Thép, Giao thông; Phân tích Bụi PM2.5,xác định nguồn gốc, thành phần bụi để đề xuất giải pháp can thiệp hiệu quả; Chuyển giao công nghệ tận thu, tái chế phụ phẩm nông nghiệp, phát triển vật liệu xây dựng xanh; Đồng thời Đào tạo, đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu, khuyến khích đổi mới công nghệ, giảm phát thải công nghiệp.
Để Nâng cao năng lực quan trắc & Ứng phó Ô nhiễm khẩn cấp Kế hoạch đề xuất Hiện đại hóa hệ thống quan trắc thông qua việc đầu tư hệ thống quan trắc tự động, liên tục, đảm bảo dữ liệu không gián đoạn, Ứng dụng AI & IoT Kết hợp AI, IoT, Big Data và cảm biến đo nhanh để dự báo, cảnh báo ô nhiễm kịp thời. Cùng với đó là Diễn tập ứng phó thực hành, vận hành hệ thống ứng phó khẩn cấp, truyền thông khi AQI vượt ngưỡng nguy hiểm; Giám sát cộng đồng cấp xã, phường chủ động phát hiện, cảnh báo các trường hợp đốt hở vi phạm quy định.
Kế hoạch đề xuất đẩy mạnh giao thông công cộng, chuyển đổi phương tiện xanh và bảo vệ môi trường đô thị. Đề xuất thiết lập tại Hà Nội vùng phát thải thấp, khuyến khích các thành phố khác TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ áp dụng. Trong đó thí điểm ưu đãi đổi xe máy cũ sang xe điện, hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên dùng giao thông công cộng, phát triển xe đạp điện công cộng tại các điểm nút giao thông…