Ngày 3/11/2017, Hội nghị giao thương kết nối cung cầu sản phẩm giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh thành năm 2017 đã chính thức được diễn ra. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hội nghị giao thương kết nối cung cầu giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phố năm 2017 thu hút gần 400 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội nghị giúp thành phố Hà Nội đáp ứng nguồn cung còn thiếu của Thủ đô trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2017. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội và doanh nghiệp các địa phương có nhiều cơ hội hợp tác giao thương để phát triển sản xuất –kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.

Báo cáo kết quả hợp tác kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phố trên cả nước năm 2017 và 10 tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội có một số nhóm sản phẩm có thế mạnh, gồm hàng dệt may, cơ khí chế tạo, da giày, nhựa và lương thực, thực phẩm chế biến...

Hà Nội có 59 sản phẩm của 46 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm chủ lực, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, một số sản phẩm đã xuất khẩu sang các thị trường "khó tính". Với khoảng 10 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng nông sản mỗi tháng của thành phố rất lớn. Do đó, thành phố luôn quan tâm, tham gia giao thương hàng hóa với các địa phương.

Hội nghị giao thương kết nối cung cầu giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phố năm 2017 thu hút gần 400 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của 50 tỉnh, thành phố trên cả nước

Riêng 10 tháng năm 2017, Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai các chương trình, gồm: Tổ chức hai Tuần hàng Sơn La tại Hà Nội; cùng tỉnh Bắc Giang triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2017, tổ chức Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội; hội nghị nông sản thực phẩm an toàn giữa Hà Nội và Lâm Đồng... Thành phố cũng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, siêu thị và đơn vị sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm.

Phát biểu tại Hội nghị giao thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao hiệu quả của chương trình giao thương, kết nối cung cầu. Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu sản phẩm giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong năm 2017 là giải pháp quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhờ liên kết chặt chẽ có thể điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, Bộ Công Thương rất quan tâm và sẵn sàng hợp tác với thành phố Hà Nội cũng như các địa phương nhằm đẩy mạnh giao thương kết nối cung cầu sản phẩm. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của các tỉnh tập kết, lưu chuyển hàng hóa vào thị trường Hà Nội.

Một số sản phẩm đặc trưng của các địa phương tham gia khu trưng bày, giao thương

Chia sẻ quan điểm tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng phản ánh, trong quá trình tìm kiếm nguồn cung, các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội gặp nhiều khó khăn, nhất là khi cần số lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm, đồng đều. Hơn nữa, sự phối hợp của các địa phương đôi khi chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường, nên công tác triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường cho các doanh nghiệp chưa kịp thời dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, dư cung lớn ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...

Đại diện các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị đều bày tỏ mong muốn Hà Nội hỗ trợ, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân của các tỉnh tập kết, lưu chuyển hàng hóa vào thị trường Hà Nội. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, các siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội trực tiếp tới các tỉnh, thành phố để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Các tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư, kết nối giao thương với các doanh nghiệp của tỉnh.

400 biên bản ký kết, ghi nhớ về hợp tác tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố được ký kết tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động đề xuất, phối hợp với Hà Nội trong việc thực hiện các chương trình liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương; chủ động kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa vào kênh phân phối đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền quảng bá, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương do Hà Nội tổ chức để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối trong nước và các hệ thống phân phối tại nước ngoài.

Hội nghị thu hút đông đảo khách tham quan và mua sắm

Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban tổ chức đã tổ chức khu trưng bày hàng hóa thiết yếu, các sản phẩm có thế mạnh của 50 tỉnh, thành phố trong cả nước như rau, củ quả, hoa quả, hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hàng may mặc, hàng gia dụng….để giúp các doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm trực tiếp, trao đổi thông tin về chất lượng sản phẩm hàng hóa và nhu cầu, khả năng đáp ứng nguồn cung về sản lượng của sản phẩm với các nhà phân phối của TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh đó, đã có 400 biên bản ký kết, ghi nhớ về hợp tác tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố. Dự kiến giá trị hàng hóa của các tỉnh, thành phố đưa về địa bàn Hà Nội trong dịp Tết Dương lịch 2018 và Tết Mậu Tuất đạt gần 25.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2016. Giá trị hàng hóa cho cả năm 2018 khoảng gần 100.000 tỷ đồng (chiếm hơn 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn Hà Nội).

Một số hình ảnh khác tại Hội nghị giao thương kết nối cung cầu sản phẩm giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh thành năm 2017:

Nho - sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh ThuậnĐặc sản của tỉnh Phú YênCác sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hải Phòng Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội và doanh nghiệp các địa phương có nhiều cơ hội hợp tác giao thương để phát triển sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững