Dự án nghiên cứu tiền khả thi được triển khai thực hiện từ tháng 3/2002 bằng việc ký kết hợp đồng giữa Ban quản lý Nhà máy Thủy điện Sơn La với Viện Năng lượng về việc khảo sát, thiết kế, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Năm 2002, Viện Năng lượng đã phối hợp với nhiều cơ quan trong và ngoài ngành Điện, hợp tác với cơ quan tư vấn các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… tiến hành khảo sát, nghiên cứu 3 địa điểm thí sinh, thực hiện các nội dung theo đề cương đã được duyệt. Tháng 11/2003, bản thảo Báo cáo tiền khả thi được hoàn thành và trình bày trước các thành viên Tổ chỉ đạo và Bộ Công nghiệp. Năm 2004, Viện Năng lượng đã chỉnh sửa, bổ sung báo cáo theo sự góp ý của Tổ chỉ đạo và các ý kiến đóng góp khác. Tháng 11/2004, Tổng công ty Điện lực Việt Nam tổ chức hội thảo và hoàn thành phản biện lần 1, lấy ý kiến của các nhà khoa học, cán bộ lão thành ngành Điện và các ý kiến phản biện chuyên ngành. Tháng 2/2005, Bộ Công nghiệp tổ chức phản biện lần 2. Tháng 5/2005, Hội KHKT Nhiệt Việt Nam đã hoàn thành báo cáo kết quả thẩm tra Dự án. Tháng 8/2005 báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được trình Chính phủ phê duyệt. Một số vấn đề đã được nghiên cứu làm rõ trong báo cáo tiền khả thi gồm:

1. Sự cần thiết phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Theo tính toán, sau 2010, nếu không có đột biến về công nghệ khai thác thì nguồn năng lượng được tạo ra từ tài nguyên trong nước sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Dự tính, đến năm 2015, nước ta thiếu khoảng 9 tỷ kWh điện, năm 2020 thiếu từ 35-64 tỷ kWh. Các giải pháp nhập khẩu điện, than, khí, khó có thể đáp ứng được lượng năng lượng thiếu hụt. Vì vậy, giải pháp hợp lý là phải kết hợp giữa nhập khẩu năng lượng với việc phát triển điện hạt nhân trên cơ sở tận dụng tối đa tài nguyên trong nước.

Thời điểm xuất hiện nhà máy điện hạt nhân là vào khoảng năm 2017-2019, công suất 2000 MW.

2. Lựa chọn công nghệ

Hiện nay trên thế giới có 3 loại lò phản ứng hạt nhân được coi là những công nghệ đã được kiểm chứng, đó là lò nước áp lực (PWR) chiếm 60%; lò nước sôi (BWR) chiếm 21% và lò nước nặng (PHWR) chiếm 8%.

Việc đánh giá, lựa chọn công nghệ hạt nhân đã được tiến hành theo phương pháp chuyên gia. Kết quả đánh giá, so sánh công nghệ hạt nhân theo các tiêu chí đề ra cho thấy, lò PWR và BWR có số điểm cao hơn lò PHWR. Lò phản ứng hạt nhân công nghệ nước áp lực (PWR) và nước sôi (BWR) có nhiều ưu điểm hơn và được coi là công nghệ phù hợp hơn tại Việt Nam. Tuy nhiên cả 3 loại lò phản ứng đều có thể đưa vào Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá trong những giai đoạn tiếp theo của dự án.

Ngoài ra, chính sách năng lượng quốc gia, khả năng thu xếp tài chính, mối quan hệ với các đối tác và quan hệ quốc tế cũng là những yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn công nghệ lò phản ứng hạt nhân cho Dự án.

3. Lựa chọn địa điểm

Quá trình lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo hướng dẫn của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) được chia làm 3 giai đoạn:

1. Phân tích các vùng và lựa chọn địa điểm tiềm năng.

2. Sàng lọc các địa điểm tiềm năng và lựa chọn các địa điểm thí sinh.

3. So sánh, xếp thứ tự ưu tiên các địa điểm thí sinh.

Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, các chuyên gia đã sàng lọc trên quy mô toàn quốc và lựa chọn được 16 địa điểm tiềm năng tại các khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ. Từ các địa điểm tiềm năng, đã lựa chọn được 6 địa điểm thí sinh bao gồm Quảng Đông (Quảng Bình), Hòa Tâm (Phú Yên), Vĩnh Hải và Phước Dinh (Ninh Thuận), Hòn Rôm và Hòa Thắng (Bình Thuận).

Bằng phương pháp chấm điểm có trọng số khác nhau và phương pháp chuẩn hóa, các địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải đều ở tỉnh Ninh Thuận đã thỏa mãn được các điều kiện để xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì:

- Có địa hình thuận lợi, diện tích đủ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 4 tổ máy, công suất mỗi tổ máy từ 1000 MW trở lên.

- Có điều kiện địa chất công trình tốt, nằm trong vùng có cường độ động đất không lớn, đảm bảo an toàn cho nhà máy và chi phí xây dựng thấp.

- Đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống nước làm mát và vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng.

- Các địa điểm nằm trong vùng có mật độ dân cư thấp, việc xây dựng nhà máy ít ảnh hưởng đến dân cư và canh tác, đất đai trong vùng.

- Được chính quyền địa phương ủng hộ.

4. Công tác an toàn điện hạt nhân

Với hệ thống pháp quy tốt, đội ngũ CBCNV vận hành đáp ứng được yêu cầu thì công nghệ và thiết bị điện hạt nhân hiện nay có thể đảm bảo vận hành an toàn và kinh tế nhà máy điện hạt nhân. Xác suất phá huỷ nghiêm trọng vùng hoạt động của lò phản ứng hiện nay rất nhỏ, chỉ khoảng 10-5 sự kiện/lò năm tương đương với xác suất thiên thạch lớn rơi vào trái đất tiêu diệt toàn bộ khủng long cách đây hơn 150 triệu năm. Với các lò tiên tiến, chỉ số này còn nhỏ hơn, chỉ khoảng 10-7 sự kiện/lò năm. Xu hướng thiết kế nâng cao độ an toàn lò được thực hiện theo hướng sau:

Đơn giản hóa, mô đun hóa, tối thiểu các linh kiện chi tiết, mối hàn, giảm thiết bị, tăng hệ số dự phòng, thêm hệ thống đảm bảo an toàn.

- áp dụng triệt để nguyên lý an toàn thụ động trong các hệ thống an toàn.

- Nâng cao chất lượng, cải tiến hệ thống thiết bị, sử dụng thiết bị tự động, đo lường, điều kiện tiên tiến nhất, nâng cao độ tin cậy các hệ thống an toàn.

5. Công tác đào tạo nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực cho Dự án và Chương trình hạt nhân là vấn đề cấp bách, đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai Dự án nhà máy điện hạt nhân. Công tác đào tạo nhân lực có ảnh hưởng trực tiếp đến:

- Sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân.

- Tính kinh tế của nhà máy điện hạt nhân.

Chương trình đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân cũng có những đặc thù riêng. Có 3 loại cán bộ cần đào tạo là chuyên gia, kỹ thuật viên và thợ lành nghề. Tổng số cán bộ cần thiết đào tạo trước mắt là khoảng 350-400 chuyên gia, trong đó có 10-20 chuyên gia đầu ngành, trình độ cao. Ngoài ra, cần phải đào tạo khoảng  400 kỹ thuật viên.

Đào tạo nguồn nhân lực phải đi trước 10-15 năm, so với các công tác khác.

- Công tác đào tạo đòi hỏi phải có chất lượng cao và đây là lĩnh vực năng lượng phi truyền thống, có yêu cầu rất cao về độ an toàn.

6. Về nhiên liệu

Việt Nam là nước có tiềm năng về quặng urani với nhiều loại hình khoáng hóa. Tuy nhiên, đầu tư cho công tác điều tra tìm kiếm quặng urani ở Việt Nam còn ở mức rất thấp so với nhiều nước trên thế giới. Quặng urani chỉ mới được điều tra sơ bộ, xác định trữ lượng cấp C2 và tài nguyên dự báo cấp P1 có mức độ tin cậy thấp. Đặc biệt phân bố quặng, chất lượng quặng, khả năng thu hồi ở quy mô công nghiệp chưa được xác định. Điều kiện khai thác, mức độ tác hại đến môi trường, môi sinh khi khai thác chưa được nghiên cứu.

Về chu trình nhiên liệu, Việt Nam lựa chọn chu trình công nghệ sử dụng một lần, nghĩa là nhiên liệu sau khi đã sử dụng trong lò sẽ được cất giữ, không tiến hành tái xử lý để chế tách urani và plutoni. Khâu chuyển hóa và làm giàu đòi hỏi trình độ công nghệ cao và đầu tư lớn, Việt Nam không đặt vấn đề tham gia giải quyết.

7. Về xử lý và lưu trữ chất thải phóng xạ

 Khi tiến hành đàm phán các chi tiết về nhập nhà máy ĐHN của một nước phát triển, thông thường bên bán luôn có đề nghị kèm theo những phương án kỹ thuật và thiết bị phục vụ cho công tác xử lý và quản lý chất thải phóng xạ sinh ra từ nhà máy ĐHN đó.

Khi qui hoạch nhà máy, phải có kế hoạch xây dựng kho chứa thải gần nhà máy, có dung tích đủ lớn để chứa hết lượng chất thải sinh ra trong toàn bộ thời gian vận hành nhà máy. Đối với nhiên liệu hạt nhân đã cháy, cần có quan điểm chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết ngay trong nhà máy để có thể cất giữ hết toàn bộ lượng nhiên liệu hạt nhân đã cháy trong suốt thời gian vận hành của nhà máy.

Đồng thời, phải xác định và chuẩn bị ngay từ đầu một khu vực chôn chất thải quốc gia, trước mắt là cho các loại chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình. Ngoài ra, cần chuẩn bị trước địa điểm cho khu vực cất giữ chất thải hoạt độ cao và nhiên liệu hạt nhân đã cháy, mặc dù nhu cầu này sẽ chỉ xuất hiện sau năm 2050.

8. Phương thức đầu tư và thu xếp vốn

Dự tính tổng mức đầu tư cho dự án nhà máy điện hạt nhân công suất 2x1000 MW tại Phước Dinh khoảng 3,4 tỷ USD.

Đặc thù đầu tư của dự án nhà máy điện hạt nhân là thời gian xây dựng dài, nhu cầu vốn lớn. Kinh nghiệm giải quyết vốn cho dự án nhà máy điện hạt nhân ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… cho thấy, phương thức thu xếp vốn phù hợp với điều kiện Việt Nam là sử dụng nguồn vốn theo hình thức tín dụng xuất khẩu (ECAs) có kết hợp với các ngân hàng thương mại theo tín dụng người mua. Tổng công ty Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư, sẽ thu xếp vốn vay cho Dự án theo hình thức ECAs, kết hợp vay vốn các ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế, đồng thời sẽ phát hành trái phiếu nội tệ.