Gần hai tháng, sau khi Hiệp hội các nhà sản xuất giầy dép Canađa đâm đơn khởi kiện lên Toà án Thương mại quốc tế canađa về việc Việt Nam bán phá giày trên thị trường này (6.3.2002); cơ quan Thuế và Hải quan Canađa (CCRA) đã chính thức tuyên bố tiến hành điều tra và đồng thời gửi câu hỏi cho phía Việt Nam. Theo đó, phía Canađa yêu cầu phía Việt Nam phải chứng minh rõ ràng được hai nội dung, đó là, Nhà nước có hỗ trợ cho ngành sản xuấy giày hay không và ngành dép của chúng ta có phải là doanh nghiệp mang tính độc quyền hay không? Và như vậy, nếu phía Việt Nam không chứng minh được những đòi hỏi trên, thì không những phía bạn sẽ đi tới một kết kuận rằng, Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường mà còn đồng nghĩa với việc giày của chúng ta nhập khẩu vào thị trường Canađa sẽ phải đóng thêm 72% thuế chống phá giá (hiện giày không thấm nước của Việt Nam nhập khẩu vào Canađa phải chịu mức thuế suất 20%. Và, nếu phải cộng thêm 72% thuế chống phá giá thì mức thuế suất đối với mặt hàng này sẽ lên tới 92%, một mức thuế quá cao mà nếu được áp dụng thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam không thể nào cạnh tranh nổi).
Chính vì tính cấp bách đó, mà ngay khi nhận được những yêu cầu từ phía bạn, Bộ Công nghiệp, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước đã nhanh chóng phối hợp với các bộ, ngành hữu quan chuẩn bị đúng 800 trang tài liệu về các vấn đề liên quan đến những nội dung trên. Còn về phía Canađa cũng đã cử  một phái đoàn của CCRA sang làm việc với các cơ quan chuyên trách của Chính phủ và các doanh nghiệp sản xuất giầy Việt Nam... Sau nhiều ngày làm việc, cuối cùng, CCRA đã phải đi tới kết luận: Việt Nam không quản lý độc quyền trong sản xuất giày dép, cũng như không hỗ trợ cho ngành này… Do vậy, không có lý do gì để tính giá xuất khẩu của giày Việt Nam trên cơ sở giá bán trong nước và chi phí sản xuất cộng thêm một mức lợi nhuận nhất định hoặc theo giá của một nước khác.
Kết quả là vậy, song trên thực tế, cơ quan Hải quan và Thuế vụ Canađa vẫn kết luận rằng 98,4% các loại giầy chống thấm của Việt Nam đã bán phá giá vào Canađa với mức bình quân 30,9% (thay vì 72% như đơn kiện của Hiệp hội). Riêng 3 doanh nghiệp không hợp tác với phía canađa trong quá trình điều tra phải chịu mức thuế suất 60,8%. Còn 3 doanh nghiệp hợp tác bao gồm: Công ty giày Thông Dụng; Công ty Lạc Tỷ; công ty Pou Yuen Việt Nam, mức thuế được tính riêng cho từng doanh nghiệp theo thứ tự là 9,7%, 34,4% và 10,3%. Các doanh nghiệp ngoài danh sách đều chịu chung mức thuế 25,7%. Như vậy, tính chung mặt hàng trên khi vào thị trường Canađa vẫn phải chịu mức thuế áp đặt chống phá giá là 25,7% (tuy rằng, theo quy trình khiếu kiện, nếu Toà án Thương mại quốc tế Canađa kết luận việc xuất khẩu giày dép chống thấm của Việt Nam không gây hại cho phía Canađa thì sẽ kết thúc điều tra. Và, mức thuế tạm thời 72% sẽ được hoàn trả và xuất khẩu loại giày trên vào thị trường này sẽ không phải chịu thuế phá giá).
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng này cũng như chững minh với cộng đồng quốc tế rằng, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển động theo quỹ đạo của kinh tế thị trường và đang tiến tới hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới, trong vòng 3 ngày, từ 4-7/1/2003, tại Toà án Thương mại quốc tế Canađa, đoàn công tác Việt Nam bao gồm đại diện các Bộ: Thương mại, Công nghiệp, TCty Da- Giầy Việt Nam đã bảo vệ xuất sắc lập luận về xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào Canađa không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất giầy dép Canađa… Trước lập luận và những lý lẽ không thể xoay chuyển được
buộc Toà án Thương mại quốc tế Canađa đã phải chính thức tuyên bố (7/1/2003) “Các doanh nghiệp sản xuất giày Việt Nam không gây hại và đe dọa đến công nghiệp Giày dép Canađa”. Một kết luận khách quan và đầy tính xây dựng trong một ngày xuân đẹp trời.
Với thắng lợi này, theo một quan chức ở Bộ Thương mại, nó không những là bài học quý báu, bài học tập dượt cho các doanh nghiệp sẵn sàng chuẩn bị đón nhận những thách thức khi làm ăn với phía đối tác, mà còn tạo ra sự tự tin cho các doanh nghiệp giày dép nói riêng và các doanh nghiệp nói chung trên bước đường hội nhập. Và, cái quan trọng hơn, qua sự vụ này, một lần nữa, Việt Nam đã chững minh cho cộng đồng quốc tế biết rằng Việt Nam không phải là đất nước có nền kinh tế phi thị trường như một số thế lực hay rêu rao trên các diễn đàn quốc tế.