Công nghiệp nông thôn: Nền móng của sự phát triển
Năm 2015 là năm thứ 5 triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2010/NQ-HĐND, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh được tập trung phát triển mạnh. Theo đó, Khuyến công Vĩnh Phúc đã hỗ trợ nhiều nội dung thiết thực cho cơ sở công nghiệp nông thôn về đào tạo nghề và phát triển nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu,… cụ thể như sau:
Về đào tạo, truyền nghề: Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị, đào tạo, truyền nghề cho 11 lớp với 385 học viên, tập trung vào những nghề: Thêu ren, đính cườm 6 lớp với 210 học viên tại huyện Yên Lạc, Tam Dương; may công nghiệp 5 lớp 175 học viên thuộc TP. Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Tường. Sau khóa học, các học viên có nhu cầu đều được cơ sở, công ty bố trí công việc với thu nhập ổn định.
Về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sản xuất mới: Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 30 đề án hỗ trợ mua máy móc thiết bị sản xuất; Thu hút kinh phí đầu tư mua máy móc thiết bị của 30 cơ sở, doanh nghiệp là 8 tỷ đồng và với kinh phí khuyến công hỗ trợ là 1,51 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ máy móc, thiết bị đã góp phần giúp các cơ sở CNNT giảm chi phí đầu tư đồng thời tạo việc làm ổn định thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng cho 400 lao động.
Trung tâm đã kịp thời nắm bắt tình hình thực tế tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Bên cạnh đó cũng chủ động phối hợp với các phòng công thương, kinh tế các huyện, thành, thị, cùng các đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả kế hoạch khuyến công hàng năm đã được phê duyệt nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. Trong năm đã vận động 12 cơ sở CNNT đưa sản phẩm sản xuất của đơn vị, tham gia giới thiệu tại phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Trung tâm Khuyến công. Tổ chức tham gia và vận động các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh với 12 gian hàng. Đồng thời tư vấn hỗ trợ kinh phí đăng ký thương hiệu sản phẩm cho 6 đơn vị; Thực hiện hỗ trợ in ấn quảng cáo 7.500 cataloge và 44.000 tờ gấp cho 13 đơn vị; Hỗ trợ chương trình phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin,...
Song song với việc đào tạo phát triển nghề, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, Trung tâm còn đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý. Để thực hiện tốt và phát huy được công tác khuyến công ở mỗi cơ sở, Trung tâm đã tổ chức Hội nghị tập huấn khuyến công với 120 học viên; Tổ chức khóa bồi dưỡng quản trị kinh doanh khởi sự doanh nghiệp cho 105 học viên là lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật các công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể những kiến thức về nghiệp vụ quản lý, pháp luật trong kinh doanh.
Hướng phát triển trong tương lai
Chuẩn bị thực hiện chương trình khuyến công tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển CNNT trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chính như: Hỗ trợ đào tạo, truyền nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ; Hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề; Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tư vấn cơ sở sản xuất CNNT đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới; Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo xây dựng và đăng ký thương hiệu, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, phát triển nhân rộng, tuyên truyền tính hiệu quả và những lợi ích về kinh tế, xã hội của các cơ sở, doanh nghiệp, địa phương sau khi đã phối kết hợp thực hiện tốt chương trình khuyến công.
Dự kiến năm 2016, Trung tâm sẽ đào tạo mới 4 lớp mộc; 16 lớp thêu ren, đính cườm xuất khẩu và 12 lớp may công nghiệp với tổng số 1.080 lao động gắn với việc làm tại chỗ; Tổ chức cho thợ giỏi và nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp học nâng cao để trở thành giáo viên dạy nghề 2 lớp với 50 người, bồi dưỡng 6 lớp quản trị kinh doanh; 3 hội chợ triển lãm thành tựu phát triển CNNT của tỉnh; Hỗ trợ ứng dụng đầu tư mua máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến cho 30 đơn vị; Hỗ trợ 10 lượt (20 gian hàng) cho các cơ sở CNNT tham dự triển lãm hàng CNNT trong và ngoài tỉnh; 01 cơ sở tham dự hội chợ triển lãm tại nước ngoài, 10 cơ sở đăng ký xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm, 3 cơ sở đầu tư trang thiết bị phòng trưng bày giới thiệu, xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, 6 cơ sở thuê tư vấn: Lập dự án đầu tư, marketing; quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; thành lập doanh nghiệp; liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới,...
Qua 5 năm tích cực thực hiện Nghị quyết số 31/2010/NQ-HĐND, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần vào sự tăng trưởng của giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, tạo nên sự thay đổi tích cực đối với cơ sở CNNT về khả năng tiếp cận các nguồn lực, nâng cao trình độ quản lý, mở rộng quy mô sản xuất… Công tác khuyến công từng bước được củng cố, phát triển và dần hoàn thiện, đạt hiệu quả nhất định; huy động được nhiều nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp và các dịch vụ khuyến công ở nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá công nghiệp nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa - xã hội ở nông thôn.