Thời gian gần đây, dư luận rất bất bình trước hiện tượng một số chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu đã có nhiều thủ đoạn gian lận, làm sai lệch các thông số đo lường trong buôn bán xăng dầu, không đảm bảo chất lượng xăng dầu theo đúng quy định.Trước những thông tin tố giác các cơ sở kinh doanh xăng dầu có nhiều sai phạm, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Phòng Cảnh sát PCCC (của các địa phương) được thành lập và tiến hành kiểm tra trực tiếp nhiều cây xăng trên nhiều địa bàn tỉnh, thành phố, nhằm làm rõ những cơ sở có dấu hiệu gian lận, từ đó có hình thức xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Bộ mặt thật của những cây xăng “gian”

Sau hơn 2 tháng tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 2.000 điểm kinh doanh xăng dầu thuộc 48 tỉnh, thành phố, Đoàn kiểm tra đã phát hiện 461 cơ sở vi phạm, trong đó các tỉnh Gia Lai, An Giang, Hưng Yên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Tp. Hồ Chí Minh… là những địa phương có nhiều cơ sở vi phạm. Theo Đoàn kiểm tra, các chủ cây xăng có nhiều cách gian lận tinh vi, sử dụng các công nghệ cao như lắp thêm các chíp điện tử vào thiết bị đo để làm sai lệch kết quả đo, hoặc sử dụng mạch tích hợp, vi mạch, sử dụng EEP ROM - bộ nhớ chỉ đọc, lập trình được và có thể xoá bằng điện; can thiệp vào đĩa tạo xung, thay thế nhông truyền dẫn để làm sai lệch kết quả đo, đong thiếu cho người tiêu dùng…Những kiểu gian lận này khó phát hiện được bằng mắt thông thường, nên dễ dàng “qua mặt” được các “thượng đế” hàng ngày vẫn đến các cơ sở này mua xăng dầu, mà không hay biết mình đang bị “móc hầu bao” một cách trắng trợn.     

Một thành viên trong Đoàn kiểm tra thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phải thốt lên, các kiểu gian lận ngày càng tinh vi, với việc áp dụng công nghệ chíp, mạch vào việc thiết bị đo lường. Còn hiện nay, nhiều cây xăng còn lắp thêm một mạch trung gian để thay đổi số lượng xung, tức là thay đổi tỉ lệ xung/lít, với một mạch trung gian thường có kích thước nhỏ, chỉ chứa một chíp điện tử và vài linh kiện nhỏ hỗ trợ, ông chủ các cơ sở kinh doanh xăng dầu đã không ngần ngại điều khiển hoạt động đúng (sai) của mạch bằng một công tắc giấu ở nơi nào đó. Chỉ cần 1 nút bấm, mọi thông số đo lượng xăng được bán ra cho khách hàng đều thay đổi. Một ví dụ rõ ràng nhất, khi Đoàn kiểm tra đến một cơ sở tại huyện Yên Thành (Nghệ An) đã phát hiện 1 bảng mạch điện tử được lắp đặt song song với mạch chính của trụ xăng, kèm theo 1 công tắc được giấu kín trong phòng ngủ. Chủ cơ sở đã khai nhận, đó chính là phương tiện dùng để “ăn gian” xăng. Công tắc hai đầu có ký hiệu “T” là “thiếu” và “Đ” là “đủ” để có thể tự điều chỉnh, tùy khách hàng mua bằng can hay đổ trực tiếp vào bình xăng của xe mà có các cách ứng xử khác nhau. Ngoài ra, còn một kiểu gian lận khác cũng khá tinh vi, được các chủ cơ sở sử dụng bằng công nghệ cao hơn, rất khó phát hiện, khiến cho nhiều thành viên trong Đoàn phải “lắc đầu”. Đó là việc tác động trực tiếp vào chíp điện tử của bộ điều khiển trong cột đo xăng dầu. Việc điều chỉnh phần mềm trong chíp điện tử được thực hiện thông qua các bộ thu phát hồng ngoại đìều khiển từ xa, hoặc điều chỉnh bằng tổ hợp phím trên bàn điều khiển, hoặc trong trường hợp khẩn cấp khi bị nghi ngờ phát hiện, có thể đóng cắt nguồn cung cấp điện, các thông số đo sẽ trở lại bình thường. Cách duy nhất để phát hiện thủ đoạn này, theo Đoàn kiểm tra là phải phân tích phần mềm được cài trong chíp xử lý. Công việc này không dễ dàng vì đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn nhiều công sức.

Theo tính toán ban đầu, sai số có lợi cho các cơ sở bán xăng khi lắp mạch điện tử lên tới 7,8% (có thể cao hơn), trong khi đó, sai số cho phép là 0,5%. Như vậy, tính “sơ sơ” thôi, cứ 10 lít xăng dầu, chủ đại lý đã có thể “ăn gian” được gần 1 lít và lợi nhuận từ việc “ăn gian” này sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Ngoài những hình thức gian lận kể trên, Đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều hành vi gian lận khác, chủ yếu là không có giấy phép kinh doanh đúng mặt hàng xăng dầu, không đảm bảo các quy tắc an toàn về PCCN, bán giá không đúng quy định, sử dụng phương tiện đo không dấu, trụ bơm không có tem kiểm định; sử dụng dấu, tem kiểm định đã hết thời hạn hiêu lực; sử dụng phương tiện đo có sai số vượt quá sai số theo phép quy định. Bên cạnh đó, nhiều đại lý còn bị phát hiện pha trộn thêm dầu hoả, diezen vào xăng; pha xăng có chỉ số octan thấp vào xăng có chỉ số octan cao và bán theo giá cao; bán dầu DO sai tỷ lệ lưu huỳnh...

Cần xử lý kiên quyết, nghiêm minh các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu 

Trước tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu diễn ra phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành phố, gây thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng, tạo tâm lý thiếu tin tưởng cho người dân và gây bức xúc trong công luận, đầu tháng 9/2008, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp cùng với các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công an, Tài chính bàn các biện pháp chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Tại buổi họp này, Phó Thủ tướng đã nêu rõ, việc xử phạt các hành vi gian lận về chất lượng, số lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng không chỉ xử phạt tại thời điểm vi phạm, mà còn phải tính đến quy mô, tính chất của hành vi vi phạm có thể đã diễn ra trong một thời gian dài trước đó, đồng thời, áp dụng các hình thức tạm đình chỉ kinh doanh đến 12 tháng và đình chỉ kinh doanh không thời hạn đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu có hành vi gian lận. Trong trường cần thiết, Bộ Tư pháp nghiên cứu trình Chính phủ điều chỉnh các quy định liên quan của luật pháp hiện hành về xử lý vi phạm hành chính. Trước mắt, trên cơ sở danh sách các trạm, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi gian lận (như sử dụng IC được cài sẵn, hoặc lập bảng vi mạch điện tử gây sai số lượng xăng dầu bán ra quá mức cho phép) do Bộ Khoa học và Công nghệ cống bố, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công Thương rút giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở này. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, thì phải lập hồ sơ chuyển cơ quan pháp luật xử lý.   

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trên cơ sở danh sách các cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm do Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xử lý (gồm 33 cơ sở), ngày 27/9/2008, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã ký ban hành công văn gửi UBND 13 tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Phú Thọ, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tp Hồ Chí Minh, yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Công Thương thực hiện ngay việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) đối với tất cả các trạm, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi gian lận thương mại nghiêm trọng. Đối với những trường hợp có dấu hiệu tội phạm, ngoài việc lập hồ sơ chuyển cơ quan pháp luật quản lý, thì phải báo cáo kịp thời về Bộ Công Thương (Cục Quản lý thị trường) để tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/10 về việc thực hiện rút GCNĐKKD.

Ngoài ra, công văn cũng nêu rõ, yêu cầu tiếp tục tổ chức kiểm tra chặt chẽ tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, rút ngay GCNĐKKD đối với các trạm, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi vi phạm, cố tình gian lận thương mại theo khoản 1, Điều 17 và Điều 30 của Nghị định 55/2007/NĐ-CP ngày 6/4/2007 về kinh doanh xăng dầu không đảm bảo điều kiện kinh doanh xăng dầu. Sau khi rút GCNĐKKD, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có các cơ sở kinh doanh xăng dầu bị rút giấy phép công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tất cả những trạm, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã bị thu hồi GCNĐKKD, để nhân dân được biết và phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra.