Kon Tum có tiềm năng thủy điện và thủy lợi rất lớn với tổng lượng dòng chảy hàng năm đạt 10-11 tỉ m3. Bên cạnh đó, Kon Tum còn có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào: 214 mỏ, điểm quặng và khoáng hóa, 40 loại khoáng sản, đá vôi, bô-xít, đá đolomit, felpat, sét, cát, sỏi, vàng, quặng bô xit, đá quý, kim loại phóng xạ... Một số khoáng sản đã được xác định có triển vọng và ý nghĩa đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Diện tích rừng Kon Tum là 629.942 ha với trữ lượng khoảng 54 triệu m3 gỗ, độ che phủ đạt 65,3%; khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây như: Cao su, cà phê, sắn…; có nhiều đồng cỏ tự nhiên để phát triển chăn nuôi đại gia súc (hơn 10.000ha).
Chương trình hợp tác kinh tế giữa TP.HCM và tỉnh Kon Tum
Ngày 08-5-2006, TP.HCM và Kon Tum đã tiến hành ký kết Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội 2006 - 2010. Trong 24 dự án mời gọi đầu tư, có hai dự án trị giá hơn 60 tỉ đồng gồm: Tổng Công ty Dệt may Việt Nam xây dựng siêu thị tại TX.Kon Tum với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 10 tỉ đồng; Công ty May Nhà Bè đầu tư một xí nghiệp may với quy mô 800 máy may.
Giai đoạn 2003-2006 đã có 21 dự án đầu tư vào Kon Tum được thực hiện, tổng vốn đầu tư hơn 1.020 tỉ đồng và có 7 dự án đã đi vào hoạt động: Xí nghiệp may của Công ty May Nhà Bè, 3 nhà máy chế biến hạt điều, hạt tiêu, cà phê, taxi Mai Linh, siêu thị Vinatex-Pleiku, truyền hình cáp (của Công ty Cao Nguyên). Các dự án đang triển khai thuôïc các lĩnh vực: Xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, thủy điện vừa và nhỏ. Không chỉ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, hỗ trợ đời sống bà con dân tộc nghèo mổ mắt miễn phí, tặng quà cho hơn 10.000 hộ gia đình nghèo dân tộc và thực hiện hợp tác đào tạo trong y tế, khoa học, văn hóa, xã hội…
Trên cơ sở phát huy những tiềm năng sẵn có, Kon Tum đã và đang xúc tiến nhiều hoạt động nhằm thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực và tăng cường các hoạt động quảng bá. Chắc chắn trong thời gian tới, Kon Tum sẽ trở thành điểm sáng kinh tế của vùng Tây Nguyên. ?