Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2018, một trong những con số ấn tượng của bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm là chỉ số sản xuất công nghiệp IPP tăng 11,4%, cao hơn gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017 (6,6%). Đây cũng là mức tăng cao nhất của kỳ 4 tháng đầu năm, kể từ 2011, năm đầu tiên chuyển từ cách tính “Giá trị sản xuất công nghiệp” sang “Chỉ số sản xuất công nghiệp”.

Nikkei, công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thông tin, phân tích cũng vừa công bố số liệu về quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 4/2018 đã tăng lên 52,7 điểm, cao hơn 1,1 điểm so với 51,6 điểm của tháng 3/2018.

Theo báo cáo của Nikkei, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng đáng kể, trong đó, lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Đó là lý do vì sao lần đầu tiên Việt Nam có một tháng đạt mức tăng PMI hơn 1 điểm so với tháng trước.

Ông Andrew Harker - Phó Giám đốc tại IHS Markit thuộc Nikkei cho biết:“Khả năng duy trì mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất Việt Nam là điểm đáng chú ý nhất trong kỳ khảo sát PMI mới đây, với số lượng đơn đặt hàng mới tăng đặc biệt mạnh trong tháng 4.

Ở lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến chế tạo có bước tăng chóng mặt. Năm 2017, các chuyên gia kinh tế đã dùng từ “khó tin” khi công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm ngôi quán quân thu hút FDI với số vốn 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Vậy 4 tháng đầu năm nay, lĩnh vực này chiếm 54,2% vốn FDI, không biết phải dùng từ gì?

Sản xuất tăng, đầu tư tăng dẫn đến số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/4/2018 tăng 3,9% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,1%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 4,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 4,5%. Xét theo ngành, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 1,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,8%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 0,2%.

Đâu là điểm tựa cho sản xuất công nghiệp khởi sắc? Đó chính là sự “thăng hoa” của doanh nghiệp. Sự thăng hoa này, có thể nhìn vào con số hơn 41 nghìn doanh nghiệp được thành lập trong 4 tháng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và trên 11% về số vốn so với cùng kỳ năm 2017 để minh họa; cũng có thể dùng số liệu về số lượng đơn hàng mới, tỷ lệ thu hút FDI, hay số lao động trong ngành làm dẫn chứng.

Tuy nhiên, nói đến cùng thì bản chất sức mạnh của doanh nghiệp nằm ở khả năng tự xoay sở trong một môi trường cạnh tranh đang ở mức rất cao khi nước ta đã ký và thực thi 10 FTA, đồng nghĩa với luồng hàng hóa và dịch vụ luân chuyển ra, vào Việt Nam được hưởng mức thuế thấp với hơn 20 thị trường trên thế giới.

Khả năng tự xoay sở chính là chủ động tìm kiếm thông tin; tối ưu hóa công tác quản trị và quy trình kinh doanh; tìm kiếm đối tác; thu xếp nguồn vốn… để đi đến kết quả cuối cùng: Sản xuất ra được những sản phẩm với chi phí biến đổi trung bình thấp hơn giá bán của nó trên thị trường.

Theo Nikkei, trong 4 tháng đầu năm 2018, chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh, trong khi giá cả đầu ra của doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ với tốc độ yếu nhất trong thời kỳ tăng giá kéo dài 8 tháng gần đây là một điểm đáng lưu ý nữa trong bức tranh ngành sản xuất tháng 4/2018 của Việt Nam. Vì sao có sự “mâu thuẫn” này?

Trước hết, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, so với tháng 3/2018, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 6 nhóm hàng tăng giá. Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 1,18%. Đứng thứ hai là nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,18%. Tính bình quân 4 tháng đầu năm 2018, CPI đã tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là mức tăng cực kỳ cao nếu ta thấy cả năm 2017, CPI chỉ tăng 3,53%.

Hơn thế nữa, một số liệu khác của WB tại Việt Nam, mức lương tăng nhanh hơn trong ngành công nghiệp (11%), kế tiếp là nông nghiệp (9%) trong khi lĩnh vực dịch vụ tăng 5%. Mức tăng dẫn đầu trong ngành công nghiệp được giải thích do nhu cầu lao động tăng cao.

Tổng hợp các số liệu của Nikkei, Tổng cục Thống kê và WB Việt Nam cho thấy rõ ràng chi phí đầu vào của doanh nghiệp đã tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm. Vậy thì tại sao đầu ra của doanh nghiệp “chỉ tăng nhẹ với tốc độ yếu nhất trong thời kỳ tăng giá kéo dài 8 tháng gần đây” theo như khảo sát của Nikkei? Đó là do khả năng “tự xoay sở” để thích nghi của doanh nghiệp nước ta đã tốt lên. Ông Andrew Harker - Phó Giám đốc tại IHS Markit, thuộc Nikkei nhận định: “Việc định giá bán cạnh tranh được xem như là một động lực chính cho thành công của các công ty ở Việt Nam, khi giá cả đầu ra chỉ tăng nhẹ bất chấp tình trạng chi phí đầu vào tăng mạnh. Do đó đã duy trì mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới”.

Chúng ta biết rằng, ở một thị trường tương đối đóng, như mặt hàng nước sạch chẳng hạn, nếu chi phí đầu vào tăng, giá bán thành phẩm sẽ tăng với tỷ lệ tương ứng. Nhưng ở thị trường mở đối với hầu hết hàng hóa ở nước ta, bất kể chi phí đầu vào tăng thế nào, giá bán sản phẩm vẫn phải dựa vào giá bán cùng loại trên thị trường, nếu không “tự xoay sở” tốt, để giá bán cao hơn dễ dẫn đến phải rút lui khỏi thị trường.

Trường hợp 4 tháng đầu năm 2017 là một ví dụ điển hình. Một khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, chi phí sản xuất 4 tháng đầu năm 2017 đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Có 27,5% số doanh nghiệp khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng so với 4 tháng đầu năm 2016; 7,7% số doanh nghiệp cho biết chi phí giảm và 64,8% số doanh nghiệp cho rằng chi phí cùng kỳ của 2 năm là tương đương.

Như vậy, những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong 4 tháng đầu năm 2017 và 2018 tương tự nhau: Chi phí đầu vào tăng. Nhưng khả năng “tự xoay sở” của doanh nghiệp là khác nhau. Dưới đây là bảng so sánh tổng hợp về tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu của 2017 và 2018.

4 tháng đầu năm 2017

4 tháng đầu năm 2018

Số DN thành lập mới

Giảm 0,8%

Tăng 4,3%

Số DN tạm ngừng hoạt động

Tăng 9%

Giảm 4,1%

Tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động/DN thành lập mới

64%

46%

Theo bảng này, so sánh theo chỉ tiêu nào cũng cho thấy khả năng “tự xoay sở” của doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2018 tốt hơn trông thấy so với cùng kỳ của năm trước.