Tình hình quan hệ lao động trong thời gian qua

Quan hệ lao động hài hoà tại doanh nghiệp là động lực giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước phồn vinh. Trong những năm qua, các thành phần kinh tế đã có những bước phát triển mạnh mẽ góp phần tạo nên nhiều việc làm cho người lao động, xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng ngân sách cho nhà nước.

Tuy nhiên, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp lại đang có những biểu hiện phức tạp, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động có lúc, có nơi còn bị vi phạm. Tình trạng này tập trung phổ biến theo kiểu: Người sử dụng lao động không chấp  hành luật pháp, nhất là các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, điều kiện lao động… Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung đột, tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công tự phát ngày càng tăng và cũng là minh chứng cho mối quan hệ lao động bất bình đẳng đang diễn ra trong nhiều doanh nghiệp. Chỉ tính trong 8 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn cả nước đã có 649 cuộc đình công. Các cuộc đình công ngày càng tăng về quy mô, có cuộc tới 18.000 người tham gia và kéo dài tới hơn 20 ngày. Đặc điểm cơ bản của các cuộc đình công là tự phát, có tính chất tự vệ, thụ động và đang có xu hướng từ bảo vệ quyền lợi hợp pháp chuyển sang bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động (80% cuộc đình công của 8 tháng đầu năm 2008 là đòi lợi ích chính đáng). Điều này cho thấy, nhiều chế độ, chính sách của Nhà nước đang không theo kịp thực tiễn đời sống.

Tình trạng đình công, ngừng việc tâp thể, không qua hòa giải và không do công đoàn lãnh đạo đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của tổ chức công đoàn, đến môi trường đầu tư phát triển bền vững của doanh nghiệp, trật tự xã hội và kể cả vấn đề nhạy cảm xã hội. Theo dự báo, trong giai đoạn tới, tình trạng đình công sẽ còn gia tăng ở một số tỉnh, thành phố có khu công nghiệp tập trung, đông công  nhân lao động. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa công tác xây dựng mối quan hệ lao động sao cho hài hòa, không xảy ra tình trạng đình công.

Quan hệ lao động theo Luật Lao động được thể hiện trên các lĩnh vực hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, thu nhập và đời sống, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện làm việc, an toàn-vệ sinh lao động, tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động.

Trong lĩnh vực hợp đồng lao động, qua thực tiễn cho thấy, còn nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định của Nhà nước như, kéo dài thời gian thử việc hoặc chỉ ký hợp đồng ngắn hạn, hoặc không thực hiện giao kết hợp đồng, nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người lao động và Nhà nước. Bên cạnh đó, còn không ít doanh nghiệp ký hợp đồng lao động mang tính áp đặt, với những nội dung có lợi cho chủ doanh nghiệp; dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa quyền lợi và nghĩa vụ của công nhân lao động.

Tương tự như vậy, bức tranh về thương lượng ký kết thoả ước lao động tập thể cũng không mấy sáng sủa. Đa số thoả ước lao động tập thể chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được mong muốn chính đáng của tập thể lao động, chủ yếu là sao chép những điều của Bộ Luật Lao động quy định. Ở nhiều doanh  nghiệp, nội dung thoả ước đã không còn phù hợp nhưng cũng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Thu nhập của người lao động là vấn đề hết sức nhạy cảm, do vậy, cả hai phía chủ doanh nghiệp và người lao động đều hết sức quan tâm. Phía chủ doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để giảm chi phí trả công lao động nhằm thu lợi nhuận tối đa dẫn đến thu nhập của người lao động không tương xứng với sức lao động mà họ bỏ ra. Tình trạng này được chủ doanh nghiệp thực hiện dưới nhiều dạng khác nhau như, dùng mức lương tối thiểu để trả cho lao động kỹ thuật, không trả lương làm thêm giờ, hoặc tính cả tiền ăn trưa, tiền lễ tết vào tiền lương để so sánh với lương tối thiểu như trường hợp của công ty HĐ (thuộc Tcty Máy ĐL-Máy Nông nghiệp). Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, có không ít doanh nghiệp có điều kiện an toàn lao động rất không đảm bảo, đặc biệt ở một số ngành như dệt may, da – giày, thuỷ hải sản, vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản…thì môi trường lao động rất khắc nghiệt. Theo thống kê, 53,5% doanh nghiệp có nồng độ bụi vượt quá tiêu chuẩn cho phép, trong đó 22,43% doanh nghiệp có nồng độ bụi vượt quá 30 lần.

Vai trò của tổ chức công đoàn

Nguyên nhân dẫn đến quan hệ lao động chưa tốt có từ nhiều phía, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ người sử dụng lao động, có nguyên nhân thuộc về người lao động, từ phía quản lý Nhà nước về lao động và trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà là xây dựng mối quan hệ đối tác, hợp tác tích cực nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Việc làm này đòi hỏi sự cố gắng của các bên, trong đó tổ chức công đoàn. Để thực hiện tốt vai trò của mình, đối với công đoàn cấp trên cơ sở cần bám sát công đoàn cơ sở, thực hiện phương châm “lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy người lao động làm đối tượng hoạt động”; hướng dẫn công đoàn cơ sở giúp người lao động ký kết hợp đồng lao động và xây dựng thoả ước lao động tập thể, giám sát, kiểm tra việc thực hiện thoả ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.

Đối với công đoàn cơ sở, cần hướng dẫn, giúp đỡ người lao động ký kết hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động, đại diện cho tập thể lao động xây dựng, thương lượng và ký thoả ước lao động tập thể; tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành luật liên quan đến người lao động, đồng thời, đại diện tập thể lao động thương lượng với người sử dụng lao động giải quyết những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người lao động, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ, chống lại việc vi phạm pháp luật và ngăn ngừa các tranh chấp lao động không cần thiết.