* Nghề của... ngày xưa!
Đồi mồi là thứ hải sản quí, thuộc họ rùa, sống và sinh sản mạnh ở các vùng biển nóng phía Nam nước ta và một số nước Đông Nam á. Biển Hà Tiên, Phú Quốc có lượng đồi mồi sinh sống cao nhất nước. Cũng chính vì thế mà nghề làm mỹ nghệ đồi mồi ở hai địa phương này phát triển mạnh và hầu hết nghệ nhân làm mỹ nghệ đồi mồi có tay nghề cao cũng xuất phát từ đây. Ngay cả làng nghề đồi mồi nổi tiếng ở phường 3, quận Bình Thạnh, TP. HCM với hơn 100 hộ, đều là người có quê gốc ở Hà Tiên, lên đây lập nghiệp và mang theo những kinh nghiệm, kỹ thuật chế tác đồi mồi từ rất lâu đời của quê hương. Danh tiếng của những nghệ danh bậc thầy trong làng nghề như Tư Hiếu, Ba Ngành, Nguyễn Thành... đã cùng những mặt hàng mỹ nghệ đồi mồi “xuất ngoại” từ lâu.
ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, hơn 40 năm tuổi nghề, nghệ nhân Tư Hiếu chẳng thể nhớ nổi bàn tay mình đã chế tác bao nhiêu là trâm, lược, vòng, kiềng, gọng kính... từ đồi mồi. Giọng ông run run, xúc động, nhưng đầy tự hào, khi nói về cái nghề mà ông dành cả đời đeo đuổi: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Tiên, được truyền nghề từ ông già. Cha tôi có cả thảy 7 đứa con nhưng chỉ có tôi và một thằng em là theo được nghề. Cái nghề này nó kén thợ”. Ông cho biết, kỹ thuật chế tác mỹ nghệ đồi mồi khá phức tạp. Quá trình tạo ra một sản phẩm mỹ nghệ cao cấp này phải trải qua trên hai mươi công đoạn: lọc vỏ, luộc, ngâm, ép vảy, tạo dáng, chạm khắc, khảm... cuối cùng là đánh bóng, hoàn chỉnh sản phẩm.
Hơn nữa, nguyên liệu chế tác mỹ nghệ đồi mồi (vảy) là thứ đắt tiền và hiếm, chỉ cần “lỡ tay” thì coi như thành phế liệu. Do đó, nghề làm mỹ nghệ đồi mồi đòi hỏi người thợ có tay nghề cao, ít sai sót và phải thường xuyên thay đổi kiểu dáng, vì những sản phẩm lặp lại khuôn mẫu dễ gây nhàm chán cho khách sành chơi. Cũng vì vậy, nghề này có sự sàng lọc ghê gớm, loại thợ “loàng xoàng” không có chỗ đứng hoặc phải đổi nghề, hoặc chỉ làm ở khâu xử lý nguyên liệu thô.
Những người thợ có tay nghề cao đã làm nên thời hoàng kim của mỹ nghệ đồi mồi mà bây giờ nhiều người còn tiếc nhớ. Ông Ba Ngành, nghệ nhân có một thời giảng dạy nghề thủ công đồi mồi tại Trung tâm Huấn nghiệp Gia Định cho các học trò người Hoa, Nhật, ấn Độ, Việt Nam, bồi hồi kể lại “thời vang bóng” của mỹ nghệ đồi mồi: “Trước đây, hàng mỹ nghệ đồi mồi của làng chúng tôi làm ra được bán rộng rãi khắp nơi, nhiều người từ khắp nơi trong nước và nước ngoài tìm tới đặt hàng. Cuộc sống của người thợ trong làng nhờ vậy mà khá thoải mái. Nguyên liệu lúc đó không khan hiếm và đắt đỏ như bây giờ”. 
Nhưng cái thời hoàng kim ấy đã cách đây hơn hai thập kỷ...
* Lao đao mỹ nghệ đồi mồi
“Sinh nghề, tử nghiệp”, chính cái đặc tính quí hiếm đã mang đến giá trị cao cho sản phẩm mỹ nghệ đồi mồi, thì cũng vì lý do đó mà nghề làm mỹ nghệ đồi mồi rơi vào cảnh bấp bênh như hiện nay. Thời hoàng kim của nghề làm mỹ nghệ đồi mồi chính là lúc loài đồi mồi bị săn bắt vô tội vạ nhất. Nguy cơ tuyệt diệt của loài hải sản quí hiếm này ở nước ta cũng như ở các khu vực khác trên thế giới đã được các nhà bảo vệ động vật hoang dã cảnh báo. Cùng với nhiều loài động vất quí hiếm khác, gần đây, đồi mồi đã được đưa vào cuốn “Sách Đỏ”.
Để cứu đồi mồi, Nhà nước ta đã ban hành quy định cấm xuất hàng mỹ nghệ đồi mồi ra nước ngoài và kiểm soát chặt chẽ việc khai thác đồi mồi tự nhiên. Nguyên liệu cho nghề làm mỹ nghệ đồi mồi vì thế trở nên khan hiếm và lên giá rất cao. Nghệ nhân Ba Ngành cho biết: “Vừa mất thị trường nước ngoài, vừa thiếu hụt nguyên liệu, nghề làm mỹ nghệ đồi mồi của làng nghề chúng tôi lâm vào cảnh điêu đứng. Hơn một trăm hộ trong làng phần lớn đứng trước nguy cơ phá sản, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng...”. Mặc dù vậy, ông Ngành cũng khẳng định chủ trương bảo vệ loài đồi mồi của Nhà nước là đúng. Nhưng với tư cách là “dân trong nghề”, lão nghệ nhân này cũng đã chỉ ra những bất cập của quy định, đó là cấm xuất khẩu mà không cấm bán trong nước, hạn chế săn bắt tự nhiên mà chưa chú trọng khuyến khích nuôi thả đồi mồi...
Hiện tại, hoạt động của làng mỹ nghệ đồi mồi Bình Thạnh cũng như ở các nơi khác đã chững lại, một số ít cơ sở tìm cách nhập nguyên liệu ngoại qua các con đường “tiểu ngạch” với giá đội lên rất cao, nên lời lãi chẳng đáng bao nhiêu.
Mấy năm gần đây, bà con ở Hà Tiên đã nuôi thử nghiệm đồi mồi thành công. Một tia hy vọng mới về sự trở lại của loại mỹ nghệ cao cấp này được nhen nhóm lên trong lòng các nghệ nhân làng nghề đồi mồi Bình Thạnh và những ai từng yêu quí mỹ nghệ đồi mồi.