Chính thức chấp thuận 03 cổ đông lớn của Ngân hàng PG Bank
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận việc 03 tổ chức mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (Ngân hàng PG Bank, mã cổ phiếu PGB – sàn UPCoM), qua đó trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này. Cụ thể:
1) Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh dự kiến nhận chuyển nhượng 39,3 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,1% vốn cổ phần của Ngân hàng PG Bank;
2) Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát dự kiến nhận chuyển nhượng 40,5 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,54% vốn cổ phần của Ngân hàng PG Bank;
3) Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức dự kiến nhận chuyển nhượng 40,1 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,36% vốn cổ phần của Ngân hàng PG Bank;
Trước đó, ngày 7/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã cổ phiếu PLX – sàn HoSE) đã tổ chức bán đấu giá thành công toàn bộ 120 triệu cổ phiếu PGB (tương đương 40% vốn cổ phần), kết thúc 18 năm làm cổ đông lớn của Ngân hàng PG Bank.
Số cổ phiếu này đã được 3 tổ chức nêu trên và 01 nhà đầu tư cá nhân mua vào với mức giá mua trung bình là 21.400 đồng/cổ phiếu PGB. Qua đó, ước tính Petrolimex thu về 2.568 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại Ngân hàng PG Bank.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2022 của công ty mẹ Petrolimex, khoản đầu tư vào Ngân hàng PG Bank có giá gốc 1.078 tỷ đồng. Với việc thu về 2.568 tỷ đồng, Petrolimex có thể ghi nhận 1.490 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính cho công ty mẹ, dự kiến ghi nhận vào kết quả kinh doanh quý 3/2023.
Chuẩn bị họp đại hội đồng cổ đông bất thường
Trong một diễn biến có liên quan, Ngân hàng PG Bank sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 23/10 tới đây nhằm thảo luận 04 vấn đề chính liên quan đến phát triển kinh doanh của ngân hàng này thời gian tới, gồm: kiện toàn nhân sự; tăng vốn điều lệ; thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính của Ngân hàng PG Bank; và phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng.
Về vấn đề nhân sự, Ngân hàng PG Bank đang ghi nhận một loạt biến động thượng tầng khi ba nhân sự cấp cao đồng loạt có đơn từ nhiệm với cùng “lý do cá nhân”, gồm: ông Oliver Schwarzhaupt - thành viên Hội đồng quản trị; ông Nilesh Ratilal Banglorewala - thành viên Hội đồng quản trị; và bà Dương Ánh Tuyết - thành viên Ban kiểm soát. Trước đó, ngân hàng này cũng nhận được đơn của ông Nguyễn Tuấn Vinh xin từ nhiệm chức vụ Trưởng ban và xin rút khỏi vị trí thành viên của Ban Kiểm soát.
Về vấn đề nguồn vốn, vốn chủ sở của ngân hàng này hiện chỉ đạt mức tối thiểu theo quy định 3.000 tỷ đồng, thấp nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần đang niêm yết trên thị trường. Bên cạnh đó, về chất lượng tài sản, tính đến ngày 30/6/2023, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này ở mức 2,77%, so với mức 2,56% của thời điểm đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/8, giá cổ phiếu PGB đạt 29.000 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm, thị giá cổ phiếu PGB đã tăng hơn 78%. Sau giai đoạn tăng vọt từ cuối tháng 3/2023 đến giữa tháng 4/2023 - thời điểm diễn ra việc Petrolimex thoái vốn, cổ phiếu PGB hầu như chỉ dao động quanh vùng giá từ 26.000 – 30.000 đồng/cổ phiếu với thanh khoản rất thấp, chỉ đạt vài chục nghìn đơn vị/phiên.