Thời các học sinh phải học “chay” và ba bốn học sinh chung nhau một cuốn sách giáo khoa đã lùi xa vào dĩ vãng. Có lẽ chưa bao giờ các đầu sách lại nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại, phong phú về màu sắc như bây giờ. Các bậc phụ huynh cảm thấy rất phân vân cho con em họ khi bơi trong “biển sách” ấy, thì liệu chừng đuối sức quá không ? Đây là tâm lý của những gia đình có thu nhập tương đối cao. Còn với những bậc cha mẹ có thu nhập thấp hoặc ở nông thôn, miền núi vùng sâu, vùng xa thì lại thắc thỏm không an lòng khi thấy có quá nhiều sách, con, em họ cần đọc mà không có tiền hoặc điều kiện để mua. ở các vùng này, các em học sinh còn có nỗi mặc cảm khi tập trung thi vào các trường đại học bởi thấy các bạn ở thành thị được trang bị quá nhiều sách. Một học sinh vùng cao huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tâm sự: “Xuống đây đăng ký dự thi, thấy các bạn thành phố nói, ngoài 6 tựa sách căn bản của môn Văn, các bạn còn tham khảo tới 20 tựa sách hỗ trợ cho môn này như “Bình giảng văn học”, “Phân tích, bình giảng 45 bài văn học, “Học tốt văn”. “Để học tốt môn văn”, “Những bài văn mẫu đạt giải cao kỳ thi học sinh giỏi”... Em thấy rất hoang mang, làm sao em có thể đọc hết ngần ấy cuốn sách trong thời gian ba tháng ôn thi. Vả lại, gia đình em nghèo nên có muốn cũng chẳng có tiền mua đủ bằng ấy cuốn sách cho một môn học”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khoa Điềm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương thì, chất lượng sách và xuất bản sách hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, đó là có rất nhiều đầu sách nhưng chất lượng sách không đảm bảo, có sách thì do sai sót về kỹ thuật in ấn, có sách thì do nội dung. Sách dành cho thiếu nhi tràn ngập nội dung giải trí, đọc cho vui; chưa đi sâu vào chức năng giáo dục...

Sách đủ chủng loại, không chỉ được bày bán ở các hiệu sách, các trường học mà còn được tiếp thị ở khắp nơi. Ngay ở trường mầm non, nơi mà hầu hết các cháu chưa biết đọc, cũng được động viên mua truyện tranh, truyện cổ tích về đọc. ở một số trường mầm non nào là sách ghép hình, sách tô màu, sách tập viết, báo Nhi đồng, Họa mi, truyện tranh v.v... và v.v... được các cô giáo nhận về và động viên mẹ các cháu mua về đọc cho con. Riêng về truyện cổ tích thôi thì đủ loại, nào là: truyện cổ tích về các hoàng tử, truyện cổ tích về các nàng công chúa, chuyện kể về các bà tiên, chuyện kể về các ông vua... các tít của các nhà xuất bản thì khác nhau nhưng đến khi mua về thì mới té ngửa: Một nửa số truyện là giống với một cuốn khác đã mua (!). Sẽ là hợp lý nếu như mỗi tháng, phụ huynh  chỉ mua một, đôi quyển nhưng hầu như ngày nào các cháu cũng đòi mua bởi học sinh mẫu giáo đâu đã có ý thức được việc mua sách sẽ làm thâm hụt ngân quỹ gia đình, nhất là thời gian nào để đọc cho các cháu cũng như với số lượng nhiều như vậy các cháu làm sao có thể hiểu nổi, chưa kể một số những sách phi giáo dục. Các cháu chỉ thấy màu xanh, đỏ là đòi mua bằng được. Riêng sách cho lứa tuổi thiếu nhi cũng đã vô cùng phong phú: tuổi hoa, thiếu nhi, truyện tranh, truyện trinh thám, cổ tích... Nguy hiểm hơn là các loại sách chưởng kích động bạo lực, sách khiêu dâm, rồi sách tuyên truyền mê tín dị đoan... với đủ tên các nhà xuất bản “ma” được bày bán công khai khắp nơi.

Cũng tại Hội nghị Xuất bản toàn quốc 6 tháng đầu năm vừa qua, một vấn đề nổi cộm được nhiều người quan tâm nhất, đó là chuyện loạn sách giáo khoa tham khảo: Theo điều tra của Cục Xuất bản, số lượng sách tham khảo đã đến mức báo động: sách tham khảo môn toán lớp 7 trên thị trường hiện có đến 38 cuốn. Các môn khác như: Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa... cũng đều có tới 10-15 cuốn tham khảo với nội dung tương tự sách giáo khoa. Rất bức xúc trước vấn đề này, ông Nguyễn Đình Nhã, Cục trưởng Cục Xuất bản nêu ý kiến: Để khắc phục tận gốc vấn đề này, cần phải trình lên Quốc hội đề nghị sửa đổi Luật Giáo dục.

Các cấp học phổ thông có tới hơn 400 đầu sách, trong đó 3 lớp phổ thông trung học được đón nhận tới 241 đầu sách giáo khoa. Ngoài ra còn có tới hàng trăm dòng chảy phát hành “phụ lưu” làm nên sắc thái muôn màu muôn vẻ cho thế giới sách của học sinh, tình trạng này cũng lên tiếng báo động về sự lạm phát sách trong hệ thống phát hành. Nhiều phụ huynh không yên tâm khi con, em mình bước vào lớp học mà thiếu sách. Nhưng bao nhiêu sách là “đủ” cho việc học tập của các em là câu hỏi luôn thường trực.

Đến một cửa hàng sách ở phố Lý Thường Kiệt – Hà Nội, chúng tôi nhận thấy: chỉ riêng sách Toán lớp ba thôi đã có đến 5, 6 đầu sách. Nào là “Toán”, “Toán 3”, “Luyện giải toán 3”, “Những bài toán khó lớp 3”, rồi là “Sách bồi dưỡng cho học sinh giỏi Toán 3”. Chưa kể đến nạn làm sách giáo khoa (SGK) giả, đã làm lo ngại rất nhiều phụ huynh. SGK được làm giả rất khó phát hiện nếu như không xem kỹ nội dung. Thường thì SGK giả được dập y nguyên bìa còn nội dung là của sách năm cũ. Khi chúng tôi về Đồng Kỳ – Yên Thế – Bắc Giang, một cháu bé học lớp 5 mếu máo kể: “Mẹ cháu ra chợ thị trấn mua một bộ sách giáo khoa cho cháu. Sau khi học được gần hai tháng, cô giáo giảng bài, mở sách ra xem không thấy nội dung đó đâu. Về nhà xem lại thấy toàn sách cũ chỉ có mỗi bìa mới. Thế là đã mất hơn 100 ngàn đồng. Chẳng biết đến bao giờ mẹ cháu mới có tiền để mua sách khác!”.

Phải chăng cần mua hết các loại sách về để học cho “an tâm”?. Mà nếu mua hết các loại sách thì thời gian nào để học và đọc. Làm sao các em có thể “nhồi” hết những tri thức đó vào bộ óc còn non nớt của mình trong một khoảng thời gian ngắn được. Sự bùng nổ về sách, giúp được gì cho các em trong việc học tập? Quá tải về sách “tham khảo” như vừa nêu ra ở trên, phải chăng đã gây ra sự hỗn loạn trong quá trình tích luỹ kiến thức của các em ?

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan, ban, ngành chức năng cần xem xét và có biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng “loạn sách” như hiện nay./.