TÓM TẮT:

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; trong đó Hà Giang có điều kiện quan trọng kết nối kinh tế biên mậu trong hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và với các nước khác. Thực tiễn phát triển thị trường cho thấy sự tương phản sâu sắc giữa: (a) Nền kinh tế mang tính tự nhiên, lạc hậu, chủ yếu là nông nghiệp nương rẫy, tự cấp tự túc, năng suất thấp, tỉ lệ đói nghèo cao; hầu hết các huyện vùng cao đều thuộc diện huyện đặc biệt khó khăn (diện huyện 30a); (b) Sự phát triển của thị trường nội địa, chủ yếu là hệ thống chợ, các trung tâm thương mại thị trấn, thị xã, cửa khẩu, chợ đường biên hai bên quốc giới. Thương lái Trung Quốc chi phối sâu sắc thị trường các địa phương vùng cao của các tỉnh, qua đó thao túng thị trường nội địa của Việt Nam.

Từ khóa: Biên giới, Đông Bắc, thị trường, lợi thế.

1. Đặt vấn đề

Vùng cao biên giới Việt - Trung là địa bàn cư trú của phần lớn dân tộc thiểu số, kinh tế chậm phát triển. Hoạt động kinh tế của các huyện vùng cao này được các nhà nghiên cứu địa lí kinh tế xã hội nghiên cứu từ cách tiếp cận truyền thống, bắt đầu từ xóa nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế biên mậu ...

Theo tinh thần nói trên, chúng tôi cho là cần thiết phải làm rõ: (1) Một số đặc điểm kinh tế thị trường trong điều kiện vùng cao biên giới Việt - Trung; (2) Đánh giá lợi thế và khó khăn trong hoạt động thị trường vùng cao; (3) Kiến nghị một số giải pháp phát triển đột phá góp phần tạo lập nền kinh tế thị trường vùng cao qua trường hợp tỉnh Hà Giang.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng và dữ liệu

Đối tượng nghiên cứu là thị trường khu vực biên giới Đông Bắc.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng tổng hợp các phương pháp sau: Phương pháp thực địa, điều tra, khảo sát; Phương pháp phân tích tổng hợp; Phương pháp điều tra xã hội học; Phương pháp bản đồ; Phương pháp SWOT; Phương pháp toán học.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Khái quát hoạt động thị trường khu vực biên giới Đông Bắc

Phát triển thị trường vùng cao biên giới chịu sự chi phối của các đặc điểm/qui luật phổ biến của nền kinh tế thị trường trên phạm vi cả nước - trên mọi vùng miền, nhưng phải tính tới những điểm đặc thù về trình độ phát triển, vị trí địa lí, hoàn cảnh địa lí, đặc điểm dân cư, dân số, dân tộc, trình độ phát triển kinh tế, các mối liên kết nội vùng, ngoại vùng và quốc tế.

Không gian lãnh thổ vùng biên giới Đông Bắc Việt Nam bao gồm 4 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai với tổng diện tích là 29.327,5 km2 (10,6% diện tích cả nước). Số dân là 2.697,2 nghìn người (năm 2013) chiếm khoảng 4,3% dân số cả nước.

Các tỉnh biên giới của vùng Đông Bắc là những tỉnh thuộc diện chính sách vùng cao biên giới, là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số với tỉ lệ cao trong tổng dân số của tỉnh, trình độ phát triển còn nhiều hạn chế. Nhiều huyện, xã, thôn thuộc diện nghèo, đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân nhân khẩu còn ở mức rất thấp.

Hai vùng biên cả hai phía quốc giới Việt Nam và Trung Quốc đều thưa dân, cơ cấu dân tộc đa dạng, trình độ dân trí còn thấp, tỉ lệ dân đô thị vào loại thấp và không đồng đều và có sự tương phản rõ nét về phát triển kinh tế thị trường.

Bảng 1. Dân số, dân tộc và tỷ lệ nghèo Hà Giang và các tỉnh biên giới vùng Đông Bắc Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp/cập nhật từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở (1/4/2009); Niên giám thống kê 2015 (chỉ tiêu 1.2.3.4); Khảo sát mức sống dân cư 2012 (chỉ tiêu 4.5.7); Quyết định 201/2016/QĐ-TTg 01/02/2016 (chỉ tiêu 8.9.10.11)

Như vậy, về thực chất việc nghiên cứu nền kinh tế thị trường vùng cao biên giới dường như nằm ngoài tầm với của khái niệm phát triển kinh tế thị trường thông thường. Điều đó cần tới một số giải pháp, cũng có thể gọi là cách tiếp cận hành động phát triển vừa tuần tự vừa rút ngắn: (1) Tuần tự từ kinh tế tự nhiên truyền thống sang sản xuất hàng hóa, và (2) Phát triển rút ngắn / nhảy vọt sang kinh tế thị trường và hội nhập trong nước và quốc tế. Nhận định đó thể hiện khá sinh động trong thực tiễn phát triển vùng cao của tỉnh Hà Giang.

3.2. Lợi thế và khó khăn trong hoạt động thị trường vùng biên giới Đông Bắc (trường hợp tỉnh Hà Giang)

3.2.1. Vị thế và các mối quan hệ kinh tế liên vùng Tây Bắc - Đông Bắc

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới và dân tộc, nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, là tỉnh có vị trí địa chính trị, chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh; là không gian kết nối giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Việt Nam, giữa các tỉnh dọc Quốc lộ 2 với vùng phía Nam của nước CHND Trung Hoa rộng lớn, gồm 01 cặp cửa khẩu Quốc tế (Thanh Thuỷ - Thiên Bảo), 03 cặp cửa khẩu phụ (Phó Bảng - Đổng Cán, Săm Pun - Điền Bồng, Xín Mần - Đô Long) và nhiều lối mở biên giới.

Tỉnh Hà Giang nằm ở địa đầu của Tổ quốc, có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng và đối ngoại; là đầu mối giao thông, quan hệ kinh tế quan trọng đối với Trung Quốc và các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai. Có tiềm năng lợi thế về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu; là vùng có nhiều dân tộc với bản sắc văn hóa riêng; có mối quan hệ mật thiết với thủ đô Hà Nội, với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thông qua hệ thống hành lang kinh tế-kỹ thuật-đô thị quan trọng; có mối quan hệ mật thiết về kinh tế với các tỉnh phía Nam và Đông Nam Trung Quốc thông qua các cửa khẩu hoặc đường mòn (lối mở).

Theo quan niệm của Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Ban Kinh tế Trung ương vùng Tây Bắc bao gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sợn La, Hòa Bình và các huyện phía tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Theo đó, vùng biên giới phía bắc gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai. Đây là địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt về địa chính trị cũng như địa kinh tế trong tương quan liên kết với hai vùng Tây Bắc - Đông Bắc và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây Trung Quốc. Tỉnh Hà Giang đựoc coi là chiếm vị trí chiến lược trong liên kết vùng Tây Bắc - Đông Bắc và tiếp giáp với cả hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây - Trung Quốc.

3.2.2. Tiềm năng, lợi thế trong phát triển thị trường thương mại biên giới

Lợi thế về vị trí địa lý:

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới nằm giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc, có đường biên giới trên bộ dài 277, 556 km tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Với những điều kiện, lợi thế về địa - chính trị và địa - kinh tế, tỉnh Hà Giang trở thành một trong các cửa ngõ giao lưu thương mại của Việt Nam nói riêng và của ASEAN nói chung với thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng, hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trao đổi thương mại giữa tỉnh Hà Giang và 02 tỉnh của Trung Quốc thông qua 01 cặp cửa khẩu quốc tế; 03 cặp cửa khẩu phụ và hệ thống 30 chợ biên giới và chợ cửa khẩu.

Lợi thế về hạ tầng giao thông:

Hạ tầng giao thông kết nối cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Việt Nam - Thiên Bảo, Trung Quốc với các cửa khẩu, cảng biển trong khu vực miền Bắc thông qua quốc lộ 2 đã đáp ứng được các loại hình kinh doanh vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đường giao thông kết nối các cửa khẩu phụ với quốc lộ số 2 đang được đầu tư nâng cấp; riêng quốc lộ 4C từ trung tâm thành phố Hà Giang đi cửa khẩu phụ Phó Bảng, cửa khẩu phụ Săm Pun đã có khả năng lưu thông được xe tải container loại 20 feet.

Lợi thế về cơ sở hạ tầng:

Cơ sở hạ tầng tại cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Việt Nam - Thiên Bảo đã được đầu tư tương đối đồng bộ, có khả năng đáp ứng được các loại hình xuất nhập khẩu hàng hóa quốc tế;

+ Dịch vụ hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy như: Kho bãi - bốc xếp hàng hóa; dịch vụ thanh toán biên mậu, dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu... đã được hình thành và phát triển.

+ Các hoạt động kiểm dịch, cấp giấy chứng nhập xuất xứ hàng hóa (C/O) tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đã được triển khai.

+ Thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai.

Hạ tầng tại các cặp cửa khẩu phụ đã hoàn thành việc quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và hiện có khả năng đáp ứng được các hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch và trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Với hệ thống gồm 30 chợ xã biên giới, chợ cửa khẩu, trong đó có một số chợ đã được đầu tư kiên cố và bán kiên cố, nơi diễn ra chủ yếu các hoạt động giao lưu, trao đổi hàng hóa cư dân hai bên biên giới.

Lợi thế về sản xuất, chế biến sâu và xuất khẩu khoáng sản:

Hà Giang là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, phong phú cả về kim loại và phi kim loại. Qua tổng hợp các tài liệu điều tra địa chất về khoáng sản, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 250 mỏ, điểm khoáng sản, gồm 28 loại khoáng sản, thuộc 05 nhóm: Khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nước khoáng, đá quý - bán quý. Trong đó, với 4 loại khoáng sản chính là: quặng sắt 21 mỏ, điểm mỏ; quặng chì, kèm: 16 mỏ, điểm mỏ; quặng mangan: 27 mỏ, điểm mỏ và quặng antimon: 9 mỏ, điểm mỏ. 4 loại khoáng sản này đã được điều tra, đánh giá, thăm dò trữ lượng, chất lượng đủ cung cấp cho các nhà máy chế biến sâu với sản phẩm cuối cùng là kim loại như phôi thép, thép các loại, antimon kim loại, chì kim loại và feromangan.

Lợi thế về trồng, chế biến xuất khẩu hàng nông - lâm sản:

Với lợi thế về diện tích đất nông nghiệp và những ưu đãi về khí hậu thổ nhưỡng; tính đến năm 2014, tỉnh Hà Giang đã trồng được 31.057 ha rừng và đã quy hoạch, hình thành các vùng trồng chuyên canh cây công nghiệp như chè, cam và dược liệu. Trong đó, sản phẩm chè của tỉnh Hà Giang đã xuất khẩu sang các thị trường ở châu Á và châu Âu.

3.2.3. Khó khăn, vướng mắc trong phát triển thị trường thương mại biên giới

Tỉnh Hà Giang nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hệ thống giao thông đi lại còn khó khăn chỉ có duy nhất tuyến đường quốc lộ 2; Các cặp cửa khẩu phụ của tỉnh đều thuộc những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, xa trung tâm tỉnh; Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thiếu hệ thống kho, bãi và các trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, hệ thống giao thông đi lại đến các cửa khẩu biên giới không thuận lợi; Hiện nay chỉ duy nhất cửa khẩu Thanh Thủy là cửa khẩu quốc tế, còn lại 3 cửa khẩu phụ chưa được hai bên Việt Nam - Trung Quốc công bố mở cửa khẩu song phương dẫn đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa hạn chế.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có tăng nhưng quy mô nhỏ, chưa ổn định; số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu còn nhỏ lẻ thiếu sức cạnh tranh quốc tế; hàng hóa xuất nhập khẩu chưa phong phú về chủng loại và chưa có bước đột phá. Hàng hóa tham gia vào thị trường xuất khẩu mới ở dạng xuất khẩu nguyên liệu, sơ chế nên giá trị xuất khẩu chưa cao. Các vùng sản xuất hàng hóa của địa phương chưa trở thành vùng sản xuất hàng hóa lớn theo hướng xuất khẩu. Khoảng cách vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Thanh Thủy đến các khu công nghiệp, khu chế xuất hàng hóa của phía đối diện tương đối xa và chỉ có tuyến đường bộ làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp.

Hoạt động thu hút đầu tư và các dịch vụ thương mại, du lịch, dịch vụ kho bãi, bốc xếp, vận tải còn hạn chế, quy mô nhỏ; nguồn nhân lực chưa đủ mạnh; chưa có nhà đầu tư chiến lược làm trung tâm động lực cho phát triển.

Công tác xúc tiến thương mại, đầu tư tuy được chú trọng nhưng nội dung, hình thức quảng bá chưa hấp dẫn, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa có giải pháp hữu hiệu; công tác dự báo, thông tin về thị trường xuất, nhập khẩu chưa được cập nhật thường xuyên.

Chính sách biên mậu phía Trung Quốc có sự điều chỉnh linh hoạt cho các cửa khẩu, lối mở theo từng thời kỳ phía Việt Nam áp dụng chung cho các cửa khẩu, chưa phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn, chưa có chính sách đặc thù đối với khu kinh tế cửa khẩu (KTCK).

Tiến độ triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng các cửa khẩu còn chậm, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước và chỉ mới chú trọng tới khu vực trung tâm cửa khẩu, còn các khu vực khác thuộc kinh tế cửa khẩu vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Do đó hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn thiếu đồng bộ, các khu chức năng chưa được rõ nét như: Khu thương mại dịch vụ, sản xuất gia công chế biến sản phẩm...

3.3. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường vùng cao biên giới trường hợp tỉnh Hà Giang

Tỉnh Hà Giang có một số lợi thế quan trọng cho phát triển thương mại biên giới, nền kinh tế thị trường vùng cao Hà Giang cần chú ý những vấn đề sau: (i) Tỉnh Hà Giang cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, từ đó đẩy mạnh kinh tế cửa khẩu trong giai đoạn 2015-2020, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu liên hợp, khu chế xuất, kho ngoại quan... (ii) Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các cửa khẩu gồm: Cửa khẩu Săm Pun (huyện Mèo Vạc), cửa khẩu Xín Mần (huyện Xín Mần) đáp ứng đủ điều kiện để công nhận là cửa khẩu quốc gia theo hiệp định quản lý cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Phát huy tối đa các cặp cửa khẩu phụ và lối mở để nâng cao năng lực trong việc thông thương trao đổi hàng hoá tạo giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu; (iii) Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông quốc lộ, tỉnh lộ... đảm bảo phục vụ vận tải hành khách và các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp được thuận lợi; (iv) Từng bước cải tạo và nâng cấp hệ thống chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, chợ các xã biên giới nhằm thúc đẩy giao lưu, trao đổi hàng hoá cư dân biên giới. (v) Tăng cường các hoạt động đối ngoại với chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng tạo không khí cởi mở, hợp tác trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, buôn bán, trao đổi hàng hóa; (vi) Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu, triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế biên mậu gắn với quy hoạch và ổn định dân cư khu vực biên giới theo Nghị quyết 10/2012/NQ-TW ngày 06/10/2012 của Ban chấp hành Tỉnh ủy. Đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại các chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh. (vii) Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới tại cửa khẩu, đảm bảo đúng đối tượng, đúng định mức và danh mục hàng hóa; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, phòng chống buôn lậu; thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác phòng chống dịch bệnh, dịch cúm tại các cửa khẩu.

4. Kết luận

Nghiên cứu phát triển kinh tế thị trường nói chung và thị trường vùng cao biên giới nói riêng đòi hỏi cách tiếp cận khoa học và sáng tạo, vừa phải tôn trọng những qui luật phổ biến của nền kinh tế thị trường cả nước, vừa tính đến trình độ phát triển thấp của vùng cao biên giới, khó khăn về cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội; vừa phức tạp về quốc phòng và an ninh chính trị xã hội.

Chính vì vậy, công nghiệp chế biến, du lịch - dịch vụ và kinh tế cửa khẩu - mậu dịch biên giới là một trong ba mũi nhọn trọng điểm được xác định ưu tiên phát triển với mục tiêu sớm đưa tỉnh Hà Giang thoát khỏi danh sách các tỉnh nghèo và phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu điểm, chưa tương xứng với tiềm năng như: Cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng cửa khẩu, biên giới chậm được đầu tư xây dựng đồng bộ dẫn tới việc thu hút doanh nghiệp đến kinh doanh tại các cửa khẩu, chợ biên giới còn gặp nhiều khó khăn; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm tuy có tăng trưởng nhưng thiếu tính ổn định; ngành hàng xuất nhập khẩu còn nghèo nàn, chủ yếu là xuất khẩu nông lâm sản và nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục sản xuất, hàng hóa tiêu dùng; doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu có quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm trong kinh doanh thương mại quốc tế. Trong thời gian tới, để khắc phục được những khó khăn, hạn chế nhằm thúc đẩy phát triển thương mại biên giới góp phần vào sự phút triển kinh tế xã hội chung của tỉnh, rất cần các ý kiến đóng góp ý tưởng sáng tạo, các đề xuất giải pháp có tính khả thi và mang lại hiệu quả cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Vấn đề nghèo đói và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Nhà xuất bản Nông nghiệp, 2001.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư , Báo cáo tổng hợp đề án Quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020. Hà Nội tháng 1 năm 2008.

3. Ban chỉ đạo Tây Bắc - Ban Kinh tế Trung ương - Tỉnh Hà Giang (2015). Kỉ yếu Hội thảo phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc / Tây Bắc.

4. Hoàng Hữu Bình, Các dân tộc ở miền núi phía Bắc Việt Nam và môi trường. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.

5. Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học quốc gia Hà Nội, Tập báo cáo: Phát triển bền vững miền núi Việt Nam - 10 năm nhìn lại và các vấn đề đặt ra, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội 2011.

6. Tô Xuân Dân, Hoàng Xuân Nghĩa. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật, 2007.

7. Vũ Như Vân, Đột phát từ triết lí phát triển bền vũng cho vùng Đông Bắc Việt Nam bằng cách tiếp cận địa lí vùng khó khăn chậm phát triển. Tạp chí Nghiên cứu phát triển bền vững, tháng 3/2008 tr.:3 -13).

8. Tổng cục Thống kê - Niên giám thống kê 2015, Nhà xuất bản Thống kê, 2016.

9. Lê Thông (chủ biên), Địa lý các tỉnh và thành phố Việt Nam, tập 2, Các tỉnh vùng Đông Bắc, Nhà xuất bản Giáo dục 2001.

ADVANTAGES AND DISADVANTAGES OF DOING

BUSINESS IN THE NORTHEN BORDER ZONE

OF VIETNAM VIA THE CASE OF HA GIANG PROVINCE

Dr. VU VAN ANH

Department of Geography, Thai Nguyen University of Education

ABSTRACT:

The Northern mountainous region of Vietnam plays an especial important role in the socio- economic, defence and public security, and foregin relations development strategy of Vietnam. This region also palys a crucial role in the development of the Northern ecological environment and has huge potentials and advantages to promote its agriculture, forestry, hydroelectric, mining, tourism and border economy. Althouth the region has achieved significant results, the regional socio-economic, especially in border provinces such as Ha Giang province, still has to face with many difficulties.

Keywords: Boder, northeastern, market, advantage.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 02 tháng 02/2017 tại đây