[E-magazine] Giải pháp ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam
23/12/2022 lúc 09:00 (GMT)

[E-magazine] Giải pháp ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam

 

Với việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phát triển và chiếm được thị phần lớn hơn tại thị trường nước ngoài. 

Tuy nhiên, việc hàng hóa Việt Nam đang dần có chỗ đứng vững chắc hơn tại các thị trường nước ngoài, có thể tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa của nước nhập khẩu khiến những nước này tăng cường sử dụng những công cụ phòng vệ thương mại được Tổ chức Thương mại thế giới cũng như các cam kết quốc tế cho phép các nước áp dụng trong mức độ nhất định mà không vi phạm các cam kết đã có để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Do đó, thời gian qua gia tăng việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường xuất khẩu.

          

ông Trung - PV thương mại
 Xu hướng hội nhập và xu hướng mở cửa ngày càng diễn ra sâu rộng hơn thì những biện pháp phòng vệ thương mại cũng sẽ tiếp tục xuất hiện và trở thành một trong những hoạt động thông thường của thương mại quốc tế; quan trọng là làm thế nào xác định được những rủi ro và có những giải pháp để hạn chế những rủi ro đó.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng

Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương

          

 

Doanh nghiệp cần có vai trò chủ động và tích cực

Yếu tố đầu tiên và rất quan trọng khi ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước ngoài đó là doanh nghiệp phải khắc phục tâm lý e ngại và chủ động, tích cực tham gia vào các vụ việc.

          

bà Thảo luật sư

Trong trường hợp các doanh nghiệp bị điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu, quan trọng nhất là phải gạt bỏ tâm lý e ngại, phải chủ động và cực kỳ nghiêm túc trong vấn đề tham gia vào các vụ việc đó.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Luật sư thành viên, Văn phòng Luật sư IDVN

          

 

Khắc phục tâm lý e ngại sẽ giúp xác định được lợi ích và liên quan của doanh nghiệp cụ thể đến đâu; khi xác định được có tham gia hay không tham gia vào quá trình điều tra phòng thương mại ở nước ngoài thì lợi ích của từng doanh nghiệp cụ thể chính là việc doanh nghiệp có bị áp thuế hay không và áp thuế ở mức độ như thế nào.

Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), biện pháp phòng vệ thương mại rất khác so với những nguyên tắc các doanh nghiệp thường nghe nói đến khi tham gia vào thương mại quốc tế như đối xử công bằng, đối xử tối huệ quốc hoặc cắt giảm thuế quan... mang tính chất chung về tự do hóa thương mại.

Khi một biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng sẽ có tính chất phân biệt đối xử đối giữa các quốc gia bị điều tra và quốc gia không bị điều tra; và nó có tính chất phân biệt đối xử giữa những doanh nghiệp bị điều tra và và doanh nghiệp không bị điều tra, thậm chí phân biệt giữa những doanh nghiệp cùng bị điều tra với nhau, giữa những doanh nghiệp tham gia tích cực, cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan điều tra với những doanh nghiệp không tham gia, không cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan điều tra. Khi đó, giữa những doanh nghiệp này sẽ có những mức thuế khác nhau và những doanh nghiệp nào không hợp tác chắc chắn sẽ bị mức thuế cao hơn.

Do vậy, khắc phục tâm lý e ngại tức là chúng ta xác định được lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia vụ việc điều tra phòng vệ thương mại như thế nào. Việc tham gia có thể sẽ phải huy động các nguồn lực của doanh nghiệp tốn kém hơn nhưng lợi ích đổi lại là một kết quả thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu, tiếp tục tận dụng các cơ hội mà quá trình hội nhập kinh tế và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đem lại.

Trên cơ sở chuẩn bị tâm lý và cân nhắc, doanh nghiệp - chủ thể chính trong quá trình điều tra nên xác định cần thiết phải chủ động và tích cực tham gia vào các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, chủ động cung cấp thông tin cho các vụ việc điều tra để đảm bảo được kết quả tốt nhất cho mình. 

Sự chủ động còn thể hiện ở việc các doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản trị phù hợp với các tiêu chuẩn kế toán quốc tế và trong nước, tạo điều kiện cho phép doanh nghiệp có thể truy xuất, có thể cung cấp được các thông tin về số liệu, dữ liệu sản xuất kinh doanh, dữ liệu các chi phí... một cách cụ thể phục vụ yêu cầu điều tra vụ việc.

Ngay cả những doanh nghiệp chưa "va vấp" với các vụ việc phòng vệ thương mại tại nước ngoài thì khi xây dựng các chiến lược kinh doanh cũng cần định hình xem liệu thị trường xuất khẩu có tầm quan trọng như thế nào đối với sự sống còn của doanh nghiệp.

Nếu như các thị trường xuất khẩu là quan trọng thì ngoài các thông tin liên quan tới tiêu chí kỹ thuật, tiếp cận thị trường..., doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu quy định về phòng vệ thương mại tại các quốc gia đó, bởi khi điều tra phòng vệ thương mại thì mỗi một quốc gia sẽ điều tra theo nội luật, quy định của từng quốc gia.

Không chỉ quy định pháp lý hay thông tin thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng phải thường xuyên theo dõi và cập nhật về những đối thủ cạnh tranh của Việt Nam bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường đó. Đây là yếu tố vừa thuận lợi nhưng đồng thời cũng vừa là nguy cơ đối với Việt Nam, bởi khi hàng hóa của những đối thủ cạnh tranh bị loại bỏ khỏi một thị trường nhập khẩu chắc chắn hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội hơn nhưng đồng thời Việt Nam có thể trở thành mục tiêu tiếp theo.

phòng vệ thép
gỗ dán
lốp ô tô

Huy động nhiều lực lượng cùng tham gia ứng phó

Thực tế cho thấy, sự kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau cũng như sự kết nối giữa doanh nghiệp với hiệp hội; với vai trò đầu tàu của hiệp hội để kết nối các doanh nghiệp giữ một vai trò quan trọng, đảm bảo cho việc tham gia xử lý một vụ việc phòng vệ thương mại. Bởi đó không chỉ là công việc của một cá nhân, một doanh nghiệp mà đó là công việc của cả một ngành sản xuất.

Từ kinh nghiệm ứng phó của ngành Xi măng với vụ việc ứng phó biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm xi măng Việt Nam tại thị trường Philippines, TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng: Phải có nhiều mũi lực lượng tập hợp với nhau để giải quyết vụ việc.

Với việc bị Philippines kiện áp dụng biện pháp tự vệ và chống bán phá giá ở một số chủng loại xi măng xuất khẩu vào thị trường này, lần đầu tiên các doanh nghiệp ngành xi măng Việt Nam tiếp cận việc xuất khẩu bị điều tra phòng vệ thương mại từ phía các nước nhập khẩu.

Ngay khi nhận được thông báo về vụ việc, Hiệp hội Xi măng đã tìm hiểu về bên kiện, nội dung kiện, sản phẩm bị kiện..., đồng thời trao đổi với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) để dự báo, đánh giá mức độ thiệt hại đối với doanh nghiệp xuất khẩu xi măng Việt Nam vào Philippines nếu như bị áp thuế chống bán phá giá.

 

ông Long - HH Xi măng

Bản thân từng doanh nghiệp không thể làm được việc này nên bước đầu tiên Hiệp hội đứng ra làm đầu mối tập hợp tất cả các nhà xuất khẩu để bàn thảo, trao đổi về việc chúng ta xuất khẩu vào thị trường Philippines hiện nay gặp vấn đề này, nội dung ra sao, mục đích vụ kiện như thế nào… Sau đó chúng tôi phải tìm đến một tổ chức về luật có kinh nghiệm để phối hợp với nhau cùng ứng phó.

TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm

Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam

 

Mặt khác, khi làm việc với các cơ quan, đối tác nước ngoài thì phải dựa trên luật pháp quốc tế, luật pháp của nước sở tại. Các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Phòng vệ thương mại ngoài việc hỗ trợ giải thích, cập nhật thông tin về tiến trình vụ việc còn là một kênh trao đổi đàm phán giữa Nhà nước Việt Nam, giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Philippines giúp doanh nghiệp, hiệp hội nắm được những quy định pháp luật liên quan đến vụ việc này của Phlippines.

Đối với doanh nghiệp liên quan tham gia vụ việc, cần hiểu rõ và trả lời một cách chuẩn mực và đúng thời hạn những câu hỏi điều tra của cơ quan điều tra của nước nhập khẩu. Bởi vì chỉ cần trả lời không đúng thời hạn sẽ không được chấp nhận hồ sơ hoặc bị trừ điểm trong quá trình điều tra, do đó phải hiểu rõ để đáp ứng yêu cầu, mà muốn hiểu rõ phải phối hợp rất nhiều cơ quan.

Muốn so sánh, chứng minh, phản bác là chúng ta không bán phá giá ở nước họ thì phải hiểu đấy là loại xi măng nào và loại xi măng đấy ở Việt Nam bán như thế nào, phải phân tích cơ cấu giá bán, chi phí logistics, quá trình phân phối… của nhà sản xuất như thế nào, sau khi cung cấp những dữ liệu đấy cho luật sư; luật sư thay mặt doanh nghiệp, hiệp hội để cung cấp các tài liệu phản bác gửi sang Cơ quan điều tra của Philippines. Đồng thời, Hiệp hội Xi măng cũng thông tin với cơ quan quản lý nhà nước là Cục Phòng vệ thương mại để dưới góc độ giữa Nhà nước với Nhà nước có ý kiến ủng hộ doanh nghiệp, hiệp hội.

Việc nỗ lực tập hợp các lực lượng, các bên liên quan cùng tham gia vào quá trình điều tra vụ việc đã giúp ngành xi măng và các doanh nghiệp Việt Nam đạt được những kết quả nhất định.

Ngày 23/12/2022, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã có văn bản thông báo về kết quả xử lý vụ kiện chống bán phá giá của các nhà xuất khẩu xi măng Việt Nam tại Philippines.

Theo thông báo, sau khi làm việc, Philippines đồng ý xi măng của Việt Nam xuất khẩu vào Philippines không gây ra thiệt hại đáng kể đối với các nhà sản xuất xi măng tại nước này và thiệt hại của ngành sản xuất xi măng Philippines còn do những ảnh hưởng khác như đại dịch COVID-19, nhu cầu của thị trường nội địa giảm.

Đây là cơ sở quan trọng để phía Philippines không tiếp tục gia hạn áp thuế tự vệ đối với các sản phẩm xi măng nhập khẩu vào thị trường Philippines (trong đó chủ yếu là xi măng xuất khẩu từ Việt Nam).

Kết quả của buổi làm việc, có 6 doanh nghiệp xuất khẩu xi măng của Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm xi măng. Và 11 doanh nghiệp khác bị áp thuế chống bán phá giá, cụ thể xi măng từ Việt Nam sẽ phải chịu các mức thuế từ 4% - 28% giá xuất khẩu đối với xi măng OPC và từ 3% - 55% đối với xi măng hỗn hợp.

xi măng 1
xi măng 2

Đa dạng hóa, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu

Bằng những biện pháp, những giải pháp phù hợp chúng ta có thể hạn chế hoặc thậm chí tiến tới ngăn ngừa không để những biện pháp phòng vệ thương mại không mong muốn xảy ra với các doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam.

Từ góc độ các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang tiếp cận công tác phòng vệ thương mại theo phương pháp này, trong đó có vai trò đặc biệt của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương có những giải pháp ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại.

Hiện nay, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đang tiếp tục duy trì hệ thống cảnh báo sớm. Thông qua các hoạt động và dữ liệu theo dõi tình hình xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường nước ngoài, sẽ có những cảnh báo trước đối với các doanh nghiệp về những mặt hàng nào, những nhóm hàng nào có khả năng, những thị trường nào có khả năng bị sẽ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam trong tương lai.

Đặc biệt là những biến động xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường nếu như mặt hàng đó tăng trưởng quá nhanh hoặc chiếm một thị phần tương đối ở các nước nhập khẩu và mặt hàng đấy đã là đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại đối với nước khác sẽ được xác định thuộc diện mặt hàng có nguy cơ có rủi ro. Từ đó cung cấp thông tin thường xuyên đến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cùng lưu ý theo dõi.

Thông qua đó, doanh nghiệp có thể xác định được mặt hàng doanh nghiệp xuất khẩu có phải là đối tượng rủi ro hay không. Nếu là mặt hàng rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp có thể đề ra những chiến lược cụ thể và chuẩn bị nguồn lực, chuẩn bị tâm thế trong trường hợp xảy ra bị điều tra thì cũng có những sự chuẩn bị trước. Đồng thời doanh nghiệp cũng phải cân nhắc để có một chiến lược đa dạng hóa hơn thị trường tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu tiềm ẩn rủi ro như vậy.

Bài: Hoàng Phương
Ảnh bìa: Duy Kiên


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí