
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2010 và có hiệu lực từ 1/1/2011, được xem là nền tảng pháp lý mở đường cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Nhờ Luật này, hàng loạt giải pháp quản lý, kỹ thuật và ưu đãi ban đầu đã được thiết lập, giúp nâng cao nhận thức trong xã hội, đồng thời giảm thiểu lãng phí năng lượng trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Mặc dù đã tạo nền móng quan trọng, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành cũng bộc lộ nhiều bất cập khi nền kinh tế và bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng.
Thứ nhất, biến đổi khí hậu và rào cản môi trường.
- Cam kết Net Zero năm 2050 đòi hỏi Việt Nam phải cắt giảm phát thải mạnh mẽ, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
- Nhiều thị trường lớn (Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản) áp dụng chính sách xanh như thuế carbon biên giới (CBAM), hộ chiếu xanh cho dệt may… tạo sức ép buộc doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện hiệu suất năng lượng để duy trì cạnh tranh.

Thứ hai, cách mạng công nghiệp 4.0.
- Các giải pháp công nghệ mới (AI, Big Data, IoT…) mở ra tiềm năng quản lý năng lượng chính xác, tiết kiệm hơn.
- Luật hiện tại chưa có quy định cụ thể cho việc tích hợp công nghệ quản lý thông minh, chưa định rõ trách nhiệm thu thập và chia sẻ dữ liệu sử dụng năng lượng.
Thứ ba, huy động nguồn lực chuyển đổi xanh.
- Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa) còn gặp rào cản về vốn và kỹ thuật.
- Các quốc gia phát triển đang đẩy mạnh cơ chế tài chính xanh, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ. Việt Nam cũng cần hành lang pháp lý đồng bộ để thu hút và quản lý hiệu quả các nguồn lực quốc tế và xã hội hóa cho mục tiêu tiết kiệm năng lượng.


Sau 15 năm triển khai thi hành luật, đến nay đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát để sửa đổi.
Đơn cử, cơ chế khuyến khích chưa đủ ràng buộc. Luật hiện tại chủ yếu nêu các biện pháp khuyến khích, thiếu quy định bắt buộc với doanh nghiệp, đặc biệt các ngành có cường độ sử dụng năng lượng lớn.
Ngoài ra, phân cấp, phân quyền còn dàn trải. Trách nhiệm ban hành định mức, giám sát, xử lý vi phạm giữa trung ương và địa phương chưa rõ ràng.
Hơn nữa, Luật thiếu Quỹ tài chính quốc gia. Nhiều dự án đổi mới công nghệ không thể triển khai do không tiếp cận đủ nguồn vốn ưu đãi. Luật năm 2010 chưa quy định cụ thể về cơ chế quỹ hỗ trợ.

Tại các Hội nghị tham vấn Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tổ chức ở ba miền Bắc – Trung – Nam trong tháng 2-3/2025 vừa qua, Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công cho biết, trong bối cảnh các thách thức về biến đổi khí hậu; các quy định, hàng rào kỹ thuật về môi trường trong xuất khẩu hàng hóa ngày càng tăng; sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số; và Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2025, thì việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang phát biểu tại Hội nghị tham vấn Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả khu vực Miền Nam (ngày 27/02/2025).
Đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng; là một trong những đòi hỏi để góp phần thực hiện Quy hoạch điện VIII.

“Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, cơ quan có liên quan, các hội, hiệp hội, các Tập đoàn, Tổng Công ty; đăng tải toàn văn Dự thảo Luật và Tờ trình trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Thường trực Chính phủ, Thành viên Chính phủ, Bộ Công Thương đã Chính phủ xem xét, thông qua và chỉ đạo việc hoàn thiện, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội theo chương trình làm việc của Quốc hội”, bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho hay.
Hiện dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công Thương thay mặt Chính phủ trình Quốc hội. Dự kiến thẩm tra sơ bộ vào ngày 19/4/2025.
Đây là bước quan trọng để Quốc hội xem xét mức độ cần thiết, phạm vi điều chỉnh, tính hợp lý, khả năng tương thích của Luật với cam kết quốc tế. Các ý kiến thẩm tra tại phiên họp sẽ tác động lớn đến quá trình hoàn thiện Luật trước khi đưa ra thảo luận chi tiết và biểu quyết trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.

Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2025 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì để thảo luận và cho ý kiến đối với 6 dự án luật, đề nghị xây dựng luật, trong đó có dự án sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng và hiệu quả Dự án Luật bám sát theo 04 chính sách sửa đổi, bổ sung đã được Chính phủ đồng ý và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Chính sách 1: Về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tăng cường phân cấp, phân quyền giữa các bộ, ngành và địa phương; đẩy mạnh việc thống kê, giám sát, thanh tra sử dụng năng lượng, đặc biệt với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Giảm bớt thủ tục hành chính, hoàn thiện các chế tài nhằm đảm bảo hiệu quả thi hành Luật.
Chính sách 2: Về quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hoàn thiện khung pháp lý cho các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), mở rộng các hình thức kiểm toán năng lượng, cải tiến điều kiện và tiêu chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ kiểm toán viên, người quản lý năng lượng. Qua đó thúc đẩy thị trường dịch vụ năng lượng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoạt động tư vấn, kiểm toán năng lượng.

Chính sách 3: Quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đề xuất thành lập Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cung cấp vốn ưu đãi, bảo lãnh vay, hỗ trợ lãi suất cho các dự án đổi mới công nghệ, nâng cấp dây chuyền, giảm cường độ năng lượng trong sản xuất. Đồng thời, tiếp tục hoặc mở rộng các ưu đãi về thuế, đất đai cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Chính sách 4: Chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.
Hoàn thiện quy định về dán nhãn năng lượng, mở rộng phạm vi bắt buộc dán nhãn sang thêm nhiều sản phẩm, thiết bị. Cập nhật các tiêu chuẩn, định mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, tiến tới loại bỏ thiết bị lạc hậu, khuyến khích thị trường sản xuất và tiêu dùng những phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, thân thiện môi trường.
Đồng thời kế thừa các nội dung được quy định tại 12 Chương và 48 Điều của Luật hiện hành, trong đó có 30 Điều được giữ nguyên. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện 21 khoản thuộc 18 Điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.




Đoàn công tác Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã triển khai chương trình khảo sát tình hình thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Nai.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm thể chế hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức từ quy định xanh của Châu Âu (Green Deal) như Thuế các-bon (ETS), cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới (CBAM) lên hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản… thông qua các công cụ hỗ trợ tài chính, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu thông qua cơ chế quỹ; thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường cho các ngành dịch vụ tư vấn năng lượng.
Bên cạnh đó, góp phần chủ động, tích cực thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Ngày 12/3/2025, Thường trực Chính phủ đã họp, cho ý kiến chỉ đạo đối với Dự án Luật. Bộ Công Thương đã tiếp thu, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ dự án Luật theo các ý kiến của Thường trực Chính phủ tại Phiên họp.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, liên quan đến việc làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, sự cần thiết của việc ban hành Luật, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Tờ trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong đó nêu rõ và ngắn gọn các nội dung về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, sự cần thiết của việc ban hành Luật.
Đối với ý kiến chỉ đạo liên quan đến kết cấu, bố cục, thuyết minh các nội dung cụ thể sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ tại dự thảo Luật, Bộ Công Thương đã rà soát lại bố cục, nội dung Dự thảo Luật đảm bảo ngắn gọn, bố cục tối giản (gồm 3 Điều). Tờ trình Chính phủ cũng đã nêu rõ các điều khoản bãi bỏ, điều khoản có chỉnh sửa, điều khoản bổ sung, thuyết minh rõ những thay đổi và nêu rõ lý do vì sao theo chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp ngày 12 tháng 3 tại Phụ lục 2 của Tờ trình, phần thuyết minh cũng khẳng định quá trình xây dựng dự án Luật đã bám sát 4 chính sách sửa đổi đã được thông qua tại Nghị quyết số 240/NQ-CP.
Đối với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, phân cấp, phân quyền, Cơ quan soạn thảo đã rà soát kỹ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả năm 2010, đơn giản tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Tối ưu hóa các nội dung về phân cấp, phân quyền tại dự án Luật sửa đổi. Dự án Luật dự kiến sẽ giảm 2/4 thủ tục, đạt tỷ lệ giảm 50%. Còn nội dung liên quan tới việc phân cấp, phân quyền tại 04 khoản của 04 Điều của Luật hiện hành (Điều 30, Điều 32, Điều 39, Điều 40) và cải cách thủ tục hành chính tại 04 khoản của 03 Điều (Điều 34, Điều 35, Điều 39).

Về việc rà soát các nội dung thẩm quyền của Quốc hội và thẩm quyền các cơ quan khác, Bộ Công Thương đã rà soát và nhận thấy các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã làm rõ thẩm quyền của Quốc hội và các cơ quan khác cũng như cụ thể hóa những nội dung mới theo yêu cầu thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến chỉ đạo liên quan đến bổ sung nội dung còn ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát và thấy rằng không còn nội dung có ý kiến khác nhau đối với dự thảo Luật.

Sau khi nghe đơn vị báo cáo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các cơ quan chủ trì đã tích cực chuẩn bị, nghiêm túc tiếp thu, giải trình, các ý kiến phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, chất lượng của các đại biểu. Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương hoàn thiện, chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, tiếp thu, hoàn thiện, trình các dự án luật.
Về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương xây dựng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị rà soát để phạm vi, đối tượng điều chỉnh rộng hơn, gồm cả 5 khâu là nguồn điện, tải điện, sử dụng, phân phối và giá điện; gồm các chủ thể sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang từng bước được hoàn thiện để bắt kịp những chuyển biến mạnh mẽ trong và ngoài nước. Việc dự kiến thẩm tra sơ bộ vào ngày 19/4/2025 là “điểm nút” quan trọng, khẳng định quyết tâm của Nhà nước và toàn xã hội trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hướng đến mục tiêu tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Khi dự thảo Luật tiếp tục được hoàn thiện và thông qua, hành lang pháp lý này được kỳ vọng mở ra cơ hội lớn cho chuyển đổi xanh, gia tăng giá trị kinh tế gắn liền với phát triển bền vững, đóng góp vào lộ trình thực hiện cam kết Net Zero 2050, đồng thời đưa Việt Nam tiến xa hơn trên bản đồ công nghiệp xanh toàn cầu.
