Malaixia là một liên bang gồm có 13 bang, hầu hết các bang đều tiếp giáp với biển, từ bang Kedah Darul Aman đến bang Dahang Darul Marmur lớn nhất. Kedah là vùng đồng bằng phì nhiêu, mầu mỡ, thích hợp cho việc trồng lúa, trong khi đó, các đồn điền khổng lồ trồng cọ dầu, cacao, cao su thì nằm trên vùng đất thấp Johor. Các bang Kelantan Darul Naim và Terengganu Darul Iman nằm ở phía đông dãy núi Banjaran. Các đồng bằng tại đây là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho các ngư dân. Các bang Perak Darul Ridzwan, Selangor Darul Ehsan và Negeri Sembilan Darul Khusus chiếm lĩnh vùng bờ biển phía đông, là nơi có nhiều mỏ thiếc, đã đem lại cho 3 bang này vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị.

Malaixia là một liên bang nên mỗi bang thành viên đều có cơ quan lập pháp riêng, có quyền quyết định một số vấn đề của riêng mình. Quốc hội liên bang gồm có: Hạ viện và Thượng viện. Các Nghị viện, Hạ viện do dân bầu, còn các Thượng nghị sĩ thì do Quốc vương chỉ định hoặc do cơ quan lập pháp ở các bang bầu ra. ở Malaixia, Thủ tướng là người điều hành cao nhất của quốc gia, còn Quốc vương là đại diện cao nhất của Nhà nước.

Thủ đô Malaixia là Kuala Lumpur, là lãnh thổ có chính quyền riêng, không phụ thuộc vào bang “mẹ” Selangor. Nằm ở trung tâm vùng bờ tây bán đảo Mãlai, Kuala Lumpur là nơi tập trung các cơ quan đầu não của nhà nước Malaixia. Ngoài ra, nơi đây tập trung nhiều trụ sở giao dịch quan trọng, các trường đại học tổng hợp quốc gia, các thánh đường hồi giáo quốc gia v.v...

Đất nước này rất đa dạng: Đó là một quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa, đa ngôn ngữ và đa tôn giáo. Trong tổng dân số 21,7 triệu người, thì  59% là người Mãlai, 32% là người Hoa và 8,9% là người ấn. Ngôn ngữ chính là tiếng Bahasa Malaixia. Cộng đồng lớn thứ hai sau người Mãlai là người Hoa có hơn 7 triệu dân và nói tiếng Hoa. Cộng đồng người ấn có 1,5 triệu dân cũng phân ra thành nhiều nhóm ngôn ngữ: Tamil, Telugu, Punjab, Hindi, Gujarati và Urdu. Tiếng Anh được dùng rộng rãi trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp.

Đất nước này có nhiều tôn giáo: Đạo hồi, đạo Hindu, đạo giáo, đạo Khổng, đạo Phật, Thiên chúa giáo, Tín ngưỡng vật linh.

Các ngành công nghiệp:

So với nhiều nước trong khu vực, Malaixia tự hào về tiềm năng kinh tế to lớn với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đất đai màu mỡ, thời tiết thuận hòa và nội bộ hòa bình, có nhiều điều kiện để phát triển và nâng cao đời sống nhân dân.

Những năm trước đây, Malaixia có khoảng 2/3 dân số sống bằng nghề nông nghiệp. ở vùng đông Malaixia, số người sống ở vùng nông thôn chiếm tỷ lệ cao hơn các vùng khác, nhưng con số này thay đổi tuỳ theo từng vùng trong nước. Năm 2000, tỷ lệ nông thôn và thành thị là 50/50. Hiện nay, Malaixia có tốc độ đô thị hóa ngày càng cao. Các ngành sử dụng lao động nhiều nhất là ngành dịch vụ và sản xuất công nghiệp gồm kỹ nghệ chế biến các nguyên liệu thô (gỗ, cao su, dầu mỏ), lọc dầu và lắp ráp ô tô. Ngành công nghiệp quan trọng là khai thác mỏ với các sản phẩm truyền thống là vàng và thiếc. Malaixia xưa kia được biết dưới tên “Bán đảo vàng”. Vàng được khai thác ở miền Đông và ở bán đảo Mãlai. Các mỏ thiếc được khai thác ở thung lũng Klang và được xuất khẩu sang các thị trường EC, Nhật Bản và Hàn Quốc. Công nghiệp khai khoáng chủ yếu là khai thác dầu khí. Dầu  thô và khí thiên nhiên phần lớn được khai thác ở vùng ven biển Nam Trung Hoa. Bang Terengganu ở phía đông Malaixia xuất khẩu nhiều dầu thô sang các nước.

   Các ngành công nghiệp chủ yếu tập trung vào việc chế biến các nguyên liệu thô nội địa. Gỗ là sản phẩm lớn thứ hai sau dầu khí thu được nhiều ngoại tệ cho Malaixia. Năm 1998, xuất khẩu gỗ  đạt 10,6 triệu m3 với kim ngạch xuất khẩu trị giá 5.321 triệu Ringgit, chủ yếu xuất sang các nước và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Xingapo. Ngoài ra, Malaixia còn sản xuất các sản phẩm dầu mỏ như hóa chất và chất dẻo. Dầu thô và khí thiên nhiên cũng được lọc và hóa lỏng trong nước để phục vụ xuất khẩu.

Công nghiệp sản xuất dầu cọ: Malaixia là nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới. Năm 1998, sản lượng dầu cọ đạt 8,5 triệu tấn và xuất khẩu 7,5 triệu tấn, trị giá 9.435 triệu Ringgit. Các thị trường chính nhập khẩu dầu cọ của Malaixia là Xingapo, Pakistan và Trung Quốc.

Công nghiệp cao su: Là nước sản xuất cao su lớn thứ ba thế giới. Năm 1998, sản lượng cao su đạt 1,1 triệu tấn, chiếm 17,1 % sản lượng thế giới và xuất khẩu 980.000 tấn đạt trị giá 3.509 triệu Ringgit. Các nước nhập khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Xingapo, Trung Quốc và Nga.

Công nghiệp Dầu khí: Ngành công nghiệp dầu khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Malaixia. Năm 1998, sản lượng dầu thô đạt 717.200 thùng/ngày và xuất khẩu đạt trị giá 7,2 tỷ Ringgit. Thị trường nhập khẩu chủ yếu là Thái Lan, Nhật Bản, Xingapo và Hàn Quốc.

Các chiến lược phát triển công nghiệp:

   Từ những năm 1972-1979, Chính phủ Malaixia đã áp dụng chiến lược: công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, công nghiệp hóa trên cơ sở công nghiệp nặng. Thực hiện chiến lược này, Chính phủ Malaixia đã tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất gang thép, xây dựng thêm các nhà máy sản xuất xi măng, sản xuất ô tô nhằm phát triển nền kinh tế quốc dân một cách hài hòa, cân đối và hợp lý.

Từ năm 1986, Chính phủ Malaixia đã thực hiện chiến lược phi tập trung hóa công nghiệp và chiến lược này đã phục hồi nhanh chóng nền kinh tế. Đồng thời, Chính phủ nới lỏng luật đầu tư, khuyến khích đầu tư là những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, tăng xuất khẩu và tạo thêm việc làm trong ngành chế tạo.

Từ năm 1991, Thủ tướng Malaixia Mahathir Mohamad đã khởi xướng chương trình “Tầm nhìn 2020” bao gồm kế hoạch 30 năm với mục tiêu quan trọng xác định một giai đoạn mới với định hướng lâu dài - giai đoạn công nghiệp hóa, nhằm đến năm 2020 sẽ đưa Malaixia trở thành nước công nghiệp phát triển. Theo “Tầm nhìn 2020”, trong kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, dự kiến tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đạt 8,5% ( giai đoạn 2001-2005), tốc độ tăng xuất khẩu của các sản phẩm công nghiệp ở mức 17%/năm. Trong những năm tới, các ngành công nghiệp chủ đạo sẽ là công nghiệp điện tử, hóa dầu và chế biến gỗ. Đồng thời, Chính phủ Malaixia cũng cho thành lập các khu thương mại tự do tại các bang, nhằm phát triển các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu như công nghiệp sản xuất da-giầy, dệt -may, cao su v.v...nhằm đưa Malaixia trở thành một thế lực công nghiệp mới, nước đi đầu trong các hoạt động của khu vực Asean.