Máy gặt đập liên hợp Hiệp Hùng: Tôn vinh sản phẩm Việt
Sản phẩm Máy gặt đập liên hợp HH-200 của Cơ sở Cơ khí Hiệp Hùng (Ấp 2, Xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), của ông Ngô Văn Hùng vừa được UBND tỉnh Long An công nhận là sản phẩm công ngh
Một ngày cuối tháng 11/2012, chúng tôi tìm đến cơ sở Cơ khí Hiệp Hùng, men theo đường Quốc lộ 62, qua 2 lần đò ngang, dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của ông chủ đò, nhưng cũng phải vất vả lắm chúng tôi mới tìm đến được nhà ông Hùng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khá khang trang, ông Hùng không khỏi tự hào giới thiệu: “Mình vừa đi giao một chiếc máy gặt đập liên hợp do Cơ sở Hiệp Hùng sản xuất ngoài Bình Thuận về. Tính đến nay, máy gặt đập liên hợp của Hiệp Hùng đã ra tới Đà Nẵng rồi đó!”.
Ông Hùng cho biết, ngày bé, ông thường phải chứng kiến nông dân vất vả mỗi khi nông dân thu hoạch lúa. Nhà ông có xưởng cơ khí, nhưng hồi đó cũng chỉ sản xuất được thùng suốt lúa loại 2 trục để rũ rơm, vẫn phải dùng sức người là chính. Đến năm 1988, ông Hùng quản lý xưởng cơ khí mà cha ông giao cho và từ đó bắt đầu mày mò chế tạo máy móc để phục vụ bà con.
Năm 1990, ông Hùng chính thức thành lập Cơ sở Hiệp Hùng, bắt đầu bằng việc sản xuất thùng phóng lúa cho nông dân. Chất lượng cao, giá thành rẻ, nên sản phẩm của ông nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của bà con. Có năm, cơ sở ông sản xuất trên 20 chiếc, sản phẩm của Cơ sở Hiệp Hùng có mặt ở nhiều nơi như Tây Ninh, Đồng Tháp…
“Nhưng đến khoảng năm 2002, lao động tay chân ngày càng hiếm, nên sản phẩm của chúng tôi trở nên lạc hậu”, ông Hùng nói. “Chính vì vậy, tôi đã trăn trở rất nhiều, tìm cách cải tiến máy móc để theo kịp kỹ thuật hiện đại”. Thế là, bằng số vốn ít ỏi ban đầu, cộng với kinh nghiệm vốn có, ông Hùng bắt tay vào thiết kế kiểu máy mới và năm 2005, máy gôm suốt mang nhãn hiệu Hiệp Hùng ra đời. “Tôi phải mất khá nhiều thời gian nghiên cứu, cải tiến. Nhưng khi đưa máy ra hoạt động mới thấy còn quá nhiều thiếu sót, coi như là thất bại. Nhưng cũng từ mô hình máy gôm suốt đó, tôi bắt tay chế tạo máy gặt đập liên hợp và năm 2007, tôi đã thành công” - ông Hùng tự hào.
Tuy máy gặt đập liên hợp “made in Vietnam” là một thành tựu lúc bây giờ, nhưng vẫn còn nhiều khuyết điểm như năng suất chưa cao, tốn nhiên liệu, lượng lúa hao hụt nhiều… Nhận thấy điều đó, ông Hùng bắt tay vào nghiên cứu, cải tạo nhằm khắc phục những khuyết điểm đó. Qua gần 1 năm, về cơ bản, chiếc máy đã hoạt động ổn định và được sự ủng hộ của bà con nông dân.
Ông Hùng tâm sự: “Để bà con nông dân đánh giá chiếc máy một cách chân thực nhất, chúng tôi đã phối hợp với hội nông dân xã, huyện tổ chức trình diễn máy trước đông đảo bà con ở huyện. Buổi trình diễn được đánh giá rất cao. Nhiều người cho rằng, chất lượng máy của mình không thua kém gì các loại máy nhập. Chính điều đó đã thôi thúc chúng tôi quyết định tham gia hội thi máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam nhằm học hỏi thêm kinh nghiệm, cũng như khẳng định giá trị trên thị trường. Mặc dù không đoạt giải cao, nhưng đây cũng đã là một thành công lớn của chúng tôi”.
Tiếp nối những thành công đó, trong những năm tiếp theo, ông Hùng đã mạnh dạn mang sản phẩm của mình đến với những cuộc thi để quảng bá và liên tục đạt được những giải thưởng lớn, liên tục được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện, tỉnh và khu vực Nam bộ. Ông Hùng còn vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch tỉnh Long An trao tặng.
Ông Hùng tâm sự: Khó khăn lớn nhất của Cơ sở hiện nay là nguồn vốn và công nhân tay nghề cao. Với đội ngũ hiện tại, Hiệp Hùng chỉ có thể chế tạo tối đa 15 máy/năm, không thể đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân. Máy của Hiệp Hùng đã được công nhận đạt 74% tỉ lệ nội địa hóa, vì vậy, để thực hiện chủ trương “Người Việt dùng hàng Việt”, chúng tôi rất mong được hỗ trợ thêm nguồn vốn, vật tư, dây chuyền sản xuất hiện đại để có thể nâng cao công suất sản xuất, đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân trong thời gian tới.