Trong bối cảnh chi phí đầu vào không ngừng leo thang do giá cả nguyên vật liệu  nhập khẩu và giá cả hàng hoá tiêu dùng tăng vọt, mà giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005, tính theo giá cố định năm 1994, vẫn tăng gần 17% so với năm trước, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2001, và tính chung cả thời kỳ KH 2001-2005, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp đã tăng khoảng 15,86%/năm, đạt cao hơn nhiều so với chỉ tiêu KH 2001-2005 đã đề ra là 13,1%/năm. Đồng thời, giá trị gia tăng (GDP) trong khu vực công nghiệp-xây dựng năm 2005 vẫn tăng trưởng ở mức cao, khoảng 10,2% so với năm trước, tính chung cả thời kỳ KH 2001-2005 tăng khoảng 10,15%/năm, tuy có thấp hơn chỉ tiêu đã đề ra là 10,4%/năm.

Trong 12 ngành hàng công nghiệp trọng yếu nhất của nền kinh tế mà KH 2001-2005 có chỉ tiêu, chỉ có 3 ngành hàng không đạt, đó là vải lụa, đường mật và khí đốt, các ngành hàng khác đều hoàn thành vượt trội. Năm 2005, sản lượng điện phát ra đạt trên 52 tỷ kwh (KH là 49 tỷ kwh), sản lượng dầu thô đạt trên 18 triệu tấn (KH là 16 triệu tấn), thép đạt 3,6 triệu tấn (KH là 3,3), xi măng đạt 27 triệu tấn (KH là 24), giấy đạt 897.000 tấn (KH là 605.000 tấn), sữa hộp đạt 365 triệu hộp (KH là 240), động cơ diezen đạt trên 66.000 cái (KH là 24.000 cái), động cơ điện đạt hơn 104.700 cái (KH là 65.000 cái), và đặc biệt, sản lượng than sạch đạt trên 32 triệu tấn so với chỉ tiêu KH là 15 triệu tấn… Đó là chưa kể một số ngành mới phát triển, có giá trị cao, nhưng chưa nằm trong tầm ngắm của KH, như  sản xuất ôtô, xe máy, chế biến gỗ, xe đạp, tivi… Hơn nữa, theo KH 2001-2005, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong tổng GDP cả nước năm 2005 là 39%, nhưng nay đã đạt gần 41%.     

Tự hào thay, những người trong cuộc, những doanh nghiệp công nghiệp đã từng vật lộn với bao khó khăn để giành được những thành tựu lớn lao, chưa từng có như vậy.

Trên mặt trận nông nghiệp, trong bối cảnh thiên tai khốc liệt hoành hành khắp đất nước, từ đầu năm đến cuối năm, sản lượng và chất lượng lương thực, thuỷ sản vẫn không ngừng tăng tiến, tiêu biểu là hơn 5 triệu tấn gạo xuất khẩu với tổng giá trị hơn 1,3 triệu USD là kỳ tích chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Đồng hành với công nghiệp và nông nghiệp, các ngành dịch vụ tiếp tục đua nở về lượng, tăng tiến về chất, nhất là bưu chính-viễn thông, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, giao thông vận tải, du lịch…

Năm 2005 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt và vượt ngưỡng 30 tỷ USD, lớn gấp đôi so với năm 2001. Mức xuất khẩu cao nhất mà KH 2001-2005 đề ra cho năm 2005 là 30,4 tỷ USD, mà thực tế đạt trên 32 tỷ USD. Xuất khẩu lao động tiếp tục gia tăng về số lượng, rộng mở về thị trường. Lượng kiều hối gửi về năm 2005 đạt gần 4 tỷ USD, lớn gấp 1,2 lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong năm 2005. 

Với sự ra đời Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và sự góp mặt ngày càng đông các DNNN cổ phần hoá và các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước sang trang mới. Đặc biệt, lần đầu tiên trái phiếu Chính phủ Việt Nam được thị trường tài chính quốc tế chào đón, với tổng giá trị 750 triệu USD trái phiếu đã được bán hết rất nhanh với lãi suất khá thấp. Năm 2005 còn là năm thượng đỉnh thu hút vốn FDI và ODA (khoảng 5,8 tỷ USD vốn FDI, cao nhất từ 1997 đến nay và 3,74 tỷ USD vốn ODA được cam kết là mức cao nhất kể từ trước tới nay).   

Chính nhờ GDP năm 2005 ước tăng  8,4% so với năm 2004 mà tăng trưởng GDP bình quân của thời kỳ KH 2001-2005 đạt 7,5%/năm. Ngoài yếu tố năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, điều hành của các cấp chính quyền  và doanh nghiệp, phải kể đến yếu tố vốn đầu tư. Năm 2005 thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức cao chưa từng có, bằng 36,8% GDP. Đó là nỗ lực to lớn của toàn dân, trong khi  GDP bình quân đầu người năm 2005 mới đạt khoảng 640 USD, thuộc nhóm nghèo nhất của thế giới. Tuy vậy, chất lượng cuộc sống của nhân dân thời gian qua không ngừng được cải thiện, đặc biệt là đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa. Đó chính là bằng chứng có giá trị thuyết phục nhất để các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài hướng mạnh tới Việt Nam.   

Thành tựu xây dựng và phát triển kinh tế nước ta, trong 5 năm qua và đặc biệt năm 2005, đã được dư luận quốc tế đánh giá cao. Chỉ “một khúc tâm tình” dưới đây của ông Jordan D. Ryan, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), người đứng đầu 13 cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam 5 năm qua, trong bức thư gửi báo Tuổi trẻ trước khi rời Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ công tác  đã minh chứng điều đó.

“Sẽ nhớ lắm mảnh đất này, nơi đã là tổ quốc của tôi suốt từ  2001 đến nay… Nhưng rời Việt Nam, không chỉ có trong tôi các ký ức tốt đẹp, mà tôi còn được truyền một tinh thần lạc quan, một tình yêu cuộc sống của người dân Việt Nam nơi đây. Việt Nam, các bạn đã dạy cho tôi biết bao bài học quý giá về phát triển; rồi đây, những bài học này sẽ tiếp tục là hành trang giúp ích cho công việc của tôi, cho dù ở bất cứ nơi đâu”. Và với cương vị một chuyên gia cao cấp của UNDP, Ông còn kêu gọi:  “Hôm nay,  cuộc sống ở Việt Nam đã có vô vàn đổi thay. Nhưng thế giới vẫn nên làm nhiều hơn để có được hai, ba hay nhiều Việt Nam nữa”.

Một người Mỹ ở tuổi 56 dày dạn kinh nghiệm, một người đã từng là Chánh Văn phòng Tổng Giám đốc UNDP tại New York, đã từng công tác tại Trung Quốc, Saudi Arabia trước khi tới Việt Nam, đã tạm biệt chúng ta với những lời chân tình và cảm động như vậy.

Vấn đề là Việt Nam cần làm gì để giữ gìn và hun đúc mãi mãi niềm tin của bạn bè khắp thế giới đối với mình, làm gì sau khi gia nhập WTO để chất lượng tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước?. Đường lối, kế hoạch… đã có, chỉ còn phụ thuộc vào công tác tổ chức cán bộ, tổ chức triển khai thực hiện, mà “nói trúng” hơn  là tuỳ thuộc vào sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X diễn ra trong năm tới.