Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt - Hung đang bước vào những ngày thi đua sôi nổi chào mừng năm học mới. Gặp chúng tôi, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Trí hồ hởi thông báo ngay: “Chúng tôi đã xây dựng xong và đang trình duyệt Đề án phát triển thành trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung vào năm 2010, nên giai đoạn này, toàn thể thầy trò của Trường đều nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng dạy và học để đáp ứng yêu cầu của một trường đại học”.

Hiện nay, phần lớn số giáo viên trẻ của Nhà trường đều được đi học cao học, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực khi Trường được nâng cấp lên một mức cao hơn. Cuối năm học, Trường tổ chức lấy ý kiến của học sinh, sinh viên về đội ngũ cán bộ giáo viên Nhà trường, trực tiếp thầy Hiệu trưởng còn tham gia các cuộc họp nghe học sinh, sinh viên đóng góp ý kiến về các vấn đề của Nhà trường để sớm có biện pháp giải quyết khó khăn cho các em. Trong chỉ tiêu thi giáo viên dạy giỏi, Trường còn đặt yêu cầu, ngoài trình độ chuyên môn và chất lượng dạy học, giáo viên còn phải có ít nhất 01 sáng kiến được áp dụng trong giảng dạy. Năm học 2006-2007, đã có một số đề tài nhỏ của các giáo viên phục vụ đắc lực cho công tác chuyên môn của Nhà trường.

Năm học 2007-2008, Trường đã tuyển được gần 4.000 học sinh, sinh viên các hệ. Nằm trên địa bàn có các khu du lịch rất phát triển, năm nay, Trường đã thành lập thêm 02 ngành học mới là du lịch và cơ điện tử và đã thu hút một số lượng lớn học sinh. Để đáp ứng nhu cầu học tập, ăn ở của học sinh, sinh viên, Trường đã xây dựng khu ký túc xá cao tầng khang trang, phục vụ cho khoảng 1.200 học sinh có nhu cầu thuê nhà ở. Việc quản lý khu ký túc xá được giao cho nhà thầu với cung cách quản lý hiện đại và hiệu quả, mức giá phòng hợp lý nên được các học sinh đồng tình ủng hộ. Nhà trường tập trung chủ yếu cho công tác chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để chuẩn bị tốt cho việc nâng cấp lên đại học.

Thời gian từ nay đến năm 2010 không còn nhiều, một khó khăn không nhỏ của Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt - Hung giai đoạn này lại chính là tên của Trường. Trước kia, khi Trường nhận viện trợ của Hungari thì việc mang tên không có vấn đề gì, nhưng sau 30 năm, thời cuộc đã có nhiều thay đổi. Thực tế, Trường đã có một số dự án đầu tư nước ngoài muốn hợp tác, nhưng cuối cùng, đối tác lại yêu cầu Trường phải đổi tên, vì họ không muốn tiền đầu tư của họ, nhưng lại mang tên một nước đã chấm dứt tài trợ. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, khó giải quyết. Vì thực tế, “bỏ thì thương mà vương thì tội”, để nguyên tên thì tự mình lại hạn chế mình khi các đối tác nước ngoài muốn đầu tư.

Đúng là khó thì rất khó, nhưng không phải là không có hướng giải quyết. Chắc chắn, trong thời kỳ hội nhập, ta không thể giữ mãi những tư duy cũ mà cần đổi mới, đổi mới từ chính mình. Vấn đề là chuẩn bị như thế nào để sự thay đổi đó là hợp lý và hiệu quả. q