Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Hoa Kỳ) mới đây nhận định lạm phát đã vượt đỉnh tại hầu hết các nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đến thời điểm hiện tại, tốc độ gia tăng vật giá đang có xu hướng giảm xuống tại Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan nhưng những quốc gia còn lại trong khu vực vẫn đang đối mặt với áp lực lạm phát cao, theo Moody’s.
Lạm phát tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới khi nguồn cung được cải thiện kết hợp với lãi suất giảm. Tuy nhiên, quá trình lạm phát giảm xuống sẽ diễn ra từ từ, theo Moody’s. Lạm phát tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ ở mức trung bình khoảng 2,8% trong năm nay và còn 2,5% trong năm 2024. Trong năm 2022, lạm phát tại khu vực này ước tính ở mức 3,6%.
Phần lớn áp lực tăng giá trên thế giới ban đầu đến từ việc các chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn. Trong năm 2020 và 2021, nguồn cung khan hiếm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất trên toàn cầu. Yếu tố này kết hợp với việc nhu cầu phục hồi mạnh trở lại vào năm 2022 khi hàng loạt nền kinh tế tái mở cửa đã đẩy giá hàng loạt mặt hàng tăng vọt.
Để kìm hãm nhu cầu, các ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất cơ bản lên cao. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Dự trữ New Zealand có mức độ nâng lãi suất mạnh nhất với tổng mức tăng lãi suất thêm 400 điểm phần trăm kể từ tháng 10/2021. Ngân hàng Trung ương Philippines cũng tăng lãi suất thêm tổng 350 điểm phần trăm. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Australia nâng lãi suất thêm tổng 300 điểm phần trăm kể từ tháng 5/2022.
Hiện phần lớn căng thẳng về gián đoạn nguồn cung đã được giải quyết. Qua đó, giá nhiều mặt hàng đã giảm xuống; giá nhiều loại nguyên liệu thô hiện cũng đang ở mức thấp hơn thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Nhưng Moody’s lưu ý: "Với việc cầu vẫn cao hơn cung ở nhiều nơi trên thế giới, lãi suất sẽ tăng cao hơn trong những tháng tới, đặc biệt là ở những nền kinh tế mà lạm phát vẫn chưa ổn định".
Moody’s cũng cảnh báo áp lực gia tăng vật giá đang đè nặng lên các hộ gia đình và doanh nghiệp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Điển hình, lạm phát tại Australia trong tháng 12/2022 đã tăng 8,4% so với tháng 12/2021 - chạm mức cao nhất trong 30 năm trở lại đây; tương tự, lạm phát tại Philippines cũng đã lên đến 8,1%.
Đối với Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á, Moody’s cho biết lạm phát đã giảm nhẹ từ mức cao kỷ lục nhưng dự kiến việc kiểm soát lạm phát của nước này sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi việc tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu tăng lên. Moody’s nhận định trong năm 2023, Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều thách thức mà phần còn lại của thế giới đã phải ứng phó trong năm 2022.